Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 21. Phẩm “Vô Sở Hữu”

 


Nguồn:  https://quangduc.com/

PHẨM “VÔ SỞ HỮU”

 

Phần sau Q. 418 đến phần đầu Q. 420, Hội thứ II.

(Tương đương phẩm “Vô Sở Đắc”, phần cuối Q.61- Q.70, Hội thứ I, ĐBN)

 

Tóm lược:

 

(Đại thừa ngang cùng với hư không)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngươi nói “Đại thừa ngang cùng hư không”. Như vậy! Như ngươi đã nói. Vì sao? Thiện Hiện! Vì như hư không Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía trên dưới tất cả phương phần đều bất khả đắc. Đại thừa cũng vậy, Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía trên dưới tất cả phương phần đều bất khả đắc, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không.

Thiện Hiện! Lại như hư không dài ngắn cao thấp, vuông tròn tà chánh, tất cả hình sắc đều bất khả đắc. Đại thừa cũng vậy, dài ngắn cao thấp vuông tròn tà chánh tất cả hình sắc đều bất khả đắc, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng quá khứ, chẳng vị lai, hiện tại. Đại thừa cũng vậy, chẳng quá khứ chẳng vị lai, hiện tại, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng tăng chẳng giảm, chẳng tiến chẳng lui. Đại thừa cũng vậy, chẳng tăng chẳng giảm, chẳng tiến chẳng lui, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng nhiễm chẳng tịnh. Đại thừa cũng vậy, chẳng nhiễm chẳng tịnh, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không không sanh không diệt, không trụ không khác. Đại thừa cũng vậy, không sanh không diệt, không trụ không khác, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng thiện chẳng bất thiện, chẳng hữu ký chẳng vô ký. Đại thừa cũng vậy, chẳng thiện chẳng bất thiện, chẳng hữu ký chẳng vô ký, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không không thấy không nghe, không giác không biết. Đại thừa cũng vậy, không thấy không nghe, không giác không biết, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng phải hiểu biết, chẳng phải thông đạt, chẳng phải biết khắp, chẳng phải đoạn hẳn, chẳng phải chứng đắc, chẳng phải tu tập. Đại thừa cũng vậy, chẳng phải hiểu biết, chẳng phải thông đạt, chẳng phải biết khắp, chẳng phải đoạn hẳn, chẳng phải chứng đắc, chẳng phải tu tập, nên nói Đại thừa bằng với hư không.

Thiện Hiện! Lại như hư không, chẳng quả, chẳng pháp có quả, chẳng dị thục, chẳng pháp có dị thục. Đại thừa cũng vậy, chẳng quả, chẳng pháp có quả, chẳng dị thục, chẳng pháp có dị thục, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng có pháp tham, chẳng rời pháp tham; chẳng có pháp sân, chẳng rời pháp sân; chẳng có pháp si, chẳng rời pháp si. Đại thừa cũng vậy, chẳng có pháp tham chẳng rời pháp tham, chẳng có pháp sân chẳng rời pháp sân, chẳng có pháp si chẳng rời pháp si, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng phải sơ phát tâm có đắc, cho đến chẳng phải phát tâm tới thập địa mới gọi là đắc. Đại thừa cũng vậy, chẳng phải sơ phát tâm có đắc, cho đến chẳng phải phát tâm đến thập địa mới gọi là đắc, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng có bậc Tịnh quán, bậc Chủng tánh, bậc Đệ bát, bậc Cụ kiến, bậc Bạc, bậc Ly dục, bậc Dĩ biện, bậc Độc giác, bậc Bồ tát, bậc Như Lai khá được. Đại thừa cũng vậy, chẳng có bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai khá được, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng đọa cõi Dục, chẳng đọa cõi Sắc, chẳng đọa cõi Vô sắc. Đại thừa cũng vậy, chẳng đọa cõi Dục, chẳng đọa cõi Sắc, chẳng đọa cõi Vô sắc, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng có Dự lưu hướng, Dự lưu quả; Nhất lai hướng, Nhất lai quả; Bất hoàn hướng, Bất hoàn quả; A la hán hướng, A la hán quả; Độc giác hướng, Độc giác quả; Bồ tát, Như Lai khá được. Đại thừa cũng vậy, chẳng có Dự lưu hướng cho đến Như Lai khá được, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng có bậc Thanh văn, bậc Độc giác, bậc Bồ tát, bậc Như Lai khá được. Đại thừa cũng vậy, chẳng có bậc Thanh văn, bậc Độc giác, bậc Như Lai khá được, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng hữu sắc chẳng vô sắc, chẳng hữu kiến chẳng vô kiến, chẳng hữu đối chẳng vô đối, chẳng tương ưng chẳng bất tương ưng. Đại thừa cũng vậy, chẳng hữu sắc chẳng vô sắc, chẳng hữu kiến chẳng vô kiến, chẳng hữu đối chẳng vô đối, chẳng tương ưng chẳng bất tương ưng, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng thường chẳng vô thường, chẳng vui chẳng khổ, chẳng ngã chẳng vô ngã, chẳng tịnh chẳng bất tịnh. Đại thừa cũng vậy, chẳng thường chẳng vô thường, chẳng vui chẳng khổ, chẳng ngã chẳng vô ngã, chẳng tịnh chẳng bất tịnh, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng không chẳng bất không, chẳng hữu tướng chẳng vô tướng, chẳng hữu nguyện chẳng vô nguyện. Đại thừa cũng vậy, chẳng không chẳng bất không, chẳng hữu tướng chẳng vô tướng, chẳng hữu nguyện chẳng vô nguyện, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. (Q.418, ĐBN)

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng vắng lặng chẳng phải chẳng vắng lặng, chẳng xa lìa chẳng phải chẳng xa lìa. Đại thừa cũng vậy, chẳng vắng lặng chẳng phải chẳng vắng lặng, chẳng xa lìa chẳng phải chẳng xa lìa, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng tối chẳng sáng. Đại thừa cũng vậy, chẳng tối chẳng sáng, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng uẩn, xứ, giới chẳng rời uẩn, xứ giới. Đại thừa cũng vậy, chẳng uẩn, xứ, giới chẳng rời uẩn, xứ, giới nên nói Đại thừa ngang cùng hư không.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng khá được chẳng phải chẳng khá được. Đại thừa cũng vậy, chẳng khá được chẳng phải chẳng khá được, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không. Lại như hư không chẳng thể nói chẳng phải chẳng thể nói. Đại thừa cũng vậy, chẳng thể nói chẳng phải chẳng thể nói, nên nói Đại thừa ngang cùng hư không.

Thiện Hiện! Do tất cả nhân duyên như thế nên nói Đại thừa ngang cùng hư không.

 

(Tất cả pháp vô sở hữu bất khả đắc như hư không)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngươi nói in như hư không khắp năng “dung nạp(1) vô lượng, vô số, vô biên hữu tình”.  Đại thừa cũng vậy, khắp năng dung nạp vô lượng, vô số, vô biên hữu tình. Như vậy! Đúng như ngươi đã nói. Vì sao? Thiện Hiện! Hữu tình vô sở hữu nên phải biết hư không cũng vô sở hữu. Hư không vô sở hữu, nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Do nhân duyên đây, nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng, vô số, vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc hữu tình hoặc hư không, hoặc Đại thừa, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Hữu tình vô lượng vô số vô biên, nên phải biết hư không cũng vô lượng vô số vô biên. Hư không vô lượng vô số vô biên, nên phải biết Đại thừa cũng vô lượng vô số vô biên. Do nhân duyên đây, nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc hữu tình vô lượng vô số vô biên, hoặc hư không vô lượng vô số vô biên, hoặc Đại thừa vô lượng vô số vô biên, tất cả như thế đều vô sở hữu, bất khả đắc vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Hữu tình vô sở hữu, nên phải biết hư không cũng vô sở hữu. Hư không vô sở hữu, nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Đại thừa vô sở hữu, nên phải biết vô lượng cũng vô sở hữu. Vô lượng vô sở hữu, nên phải biết vô số cũng vô sở hữu. Vô số vô sở hữu, nên phải biết vô biên cũng vô sở hữu. Vô biên vô sở hữu, nên phải biết tất cả pháp cũng vô sở hữu. Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc hữu tình, hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu, bất khả đắc vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngã vô sở hữu nên phải biết hữu tình(2) cũng vô sở hữu, hữu tình vô sở hữu nên phải biết mạng giả cũng vô sở hữu, mạng giả vô sở hữu nên phải biết sanh giả cũng vô sở hữu, sanh giả vô sở hữu nên phải biết dưỡng giả cũng vô sở hữu. Thọ giả vô sở hữu nên phải biết tri giả cũng vô sở hữu, tri giả vô sở hữu nên phải biết kiến giả cũng vô sở hữu, kiến giả vô sở hữu nên phải biết hư không cũng vô sở hữu,  hư không vô sở hữu nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Đại thừa vô sở hữu nên phải biết vô lượng cũng vô sở hữu. Vô lượng vô sở hữu nên phải biết vô số cũng vô sở hữu v.v… Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngã cho đến kiến giả vô sở hữu nên phải biết pháp giới cũng vô sở hữu. Pháp giới vô sở hữu nên phải biết hư không cũng vô sở hữu. Hư không vô sở hữu nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Đại thừa vô sở hữu nên phải biết vô lượng cũng vô sở hữu. Vô lượng vô sở hữu nên phải biết vô số cũng vô sở hữu. Vô số vô sở hữu nên phải biết vô biên cũng vô sở hữu. Vô biên vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp cũng vô sở hữu. Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc pháp giới, hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc vậy.

Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc chơn như, thật tế, bất tư nghì giới, an ẩn giới v.v…, hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc cũng như thế.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngã cho đến kiến giả vô sở hữu nên phải biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vô sở hữu. Ngũ uẩn vô sở hữu nên phải biết hư không cũng vô sở hữu. Hư không vô sở hữu nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Đại thừa vô sở hữu nên phải biết vô lượng cũng vô sở hữu. Vô lượng vô sở hữu nên phải biết vô số cũng vô sở hữu. Vô số vô sở hữu nên phải biết vô biên cũng vô sở hữu. Vô biên vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp cũng vô sở hữu. Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì cớ sao? Thiện Hiện! Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc ngũ uẩn, hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngã cho đến kiến giả vô sở hữu nên phải biết 12 xứ, 18 giới lần lữa cũng vô sở hữu. 12 xứ, 18 giới vô sở hữu nên phải biết hư không cũng vô sở hữu. Hư không vô sở hữu nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Đại thừa vô sở hữu nên phải biết vô lượng cũng vô sở hữu. Vô lượng vô sở hữu nên phải biết vô số cũng vô sở hữu. Vô số vô sở hữu nên phải biết vô biên cũng vô sở hữu. Vô biên vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp cũng vô sở hữu. Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc 12 xứ, 18 giới, hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc vậy. 

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngã cho đến kiến giả vô sở hữu nên phải biết sáu Ba la mật cũng vô sở hữu. Sáu Ba la mật vô sở hữu nên phải biết hư không cũng vô sở hữu. Hư không vô sở hữu nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Đại thừa vô sở hữu nên phải biết vô lượng cũng vô sở hữu. Vô lượng vô sở hữu nên phải biết vô số cũng vô sở hữu. Vô số vô sở hữu nên phải biết vô biên cũng vô sở hữu. Vô biên vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp cũng vô sở hữu. Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc sáu Ba la mật hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc vậy. 

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngã cho đến kiến giả vô sở hữu nên phải biết 18 pháp không (từ nội không cho đến vô tánh tự tánh không) cũng vô sở hữu. Mười tám pháp không vô sở hữu nên phải biết hư không cũng vô sở hữu. Hư không vô sở hữu nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Đại thừa vô sở hữu nên phải biết vô lượng cũng vô sở hữu. Vô lượng vô sở hữu nên phải biết vô số cũng vô sở hữu. Vô số vô sở hữu nên phải biết vô biên cũng vô sở hữu. Vô biên vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp cũng vô sở hữu. Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc 18 pháp không, hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngã cho đến kiến giả vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp Phật cũng vô sở hữu. Tất cả pháp Phật vô sở hữu nên phải biết hư không cũng vô sở hữu. Hư không vô sở hữu nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Đại thừa vô sở hữu nên phải biết vô lượng cũng vô sở hữu. Vô lượng vô sở hữu nên phải biết vô số cũng vô sở hữu. Vô số vô sở hữu nên phải biết vô biên cũng vô sở hữu. Vô biên vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp cũng vô sở hữu. Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc tất cả pháp Phật, hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc vậy. 

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngã cho đến kiến giả vô sở hữu nên phải biết pháp Tịnh quán, pháp Chủng tánh, pháp Đệ bát, pháp Cụ kiến, pháp Bạc, pháp Ly dục, pháp Dĩ biện, pháp Độc giác, pháp Bồ tát, pháp Như Lai lần lữa cũng vô sở hữu. Pháp Tịnh quán cho đến pháp Như Lai vô sở hữu nên phải biết hư không cũng vô sở hữu. Hư không vô sở hữu nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Đại thừa vô sở hữu nên phải biết vô lượng cũng vô sở hữu. Vô lượng vô sở hữu nên phải biết vô số cũng vô sở hữu. Vô số vô sở hữu nên phải biết vô biên cũng vô sở hữu. Vô biên vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp cũng vô sở hữu. Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc pháp Tịnh quán cho đến pháp Như Lai, hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc vậy. 

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngã cho đến kiến giả vô sở hữu nên phải biết Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác, Bồ tát, Như Lai cũng vô sở hữu. Dự lưu cho đến Như Lai vô sở hữu nên phải biết hư không cũng vô sở hữu. Hư không vô sở hữu nên phải biết Đại thừa cũng vô sở hữu. Đại thừa vô sở hữu nên phải biết vô lượng cũng vô sở hữu. Vô lượng vô sở hữu nên phải biết vô số cũng vô sở hữu. Vô số vô sở hữu nên phải biết vô biên cũng vô sở hữu. Vô biên vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp cũng vô sở hữu. Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc Dự lưu cho đến Như Lai hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Như cõi Niết bàn khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Đại thừa cũng vậy, khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Do nhân duyên đây nên tác thuyết này: Y như hư không khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình. Đại thừa cũng vậy, khắp năng dung nạp vô lượng vô số vô biên hữu tình.(3)

 

(Tất cả pháp không đến không đi, không trụ, vì tự tánh tự tướng của chúng

hoặc động hoặc trụ đều bất khả đắc như hư không)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngươi nói: “Lại như hư không, không đến không đi không trụ khá thấy. Đại thừa cũng vậy, không đến không đi không trụ, khá thấy”. Như vậy! Như ngươi đã nói. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tất cả pháp không đến không đi cũng lại chẳng trụ. Vì sao? Vì tất cả pháp hoặc động hoặc trụ chẳng khá được vậy. Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa cũng không chỗ đến, chỗ đi, chỗ trụ khá được.

Thiện Hiện! Sắc không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; thọ tưởng hành thức không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Thiện Hiện! Bản tánh sắc không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; bản tánh thọ tưởng hành thức không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Sắc như không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; thọ tưởng hành thức như không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tánh sắc không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; tự tánh thọ tưởng hành thức không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tướng sắc không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; tự tướng thọ tưởng hành thức không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Vì sao? Vì bản tánh, như tánh, tự tánh, tự tướng sắc cho đến thức hoặc động hoặc trụ chẳng khá được(4) vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! 12 xứ, 18 giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Bản tánh 12 xứ, 18 giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Thiện Hiện! 12 xứ như, 18 giới như không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tánh 12 xứ, 18 giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tướng 12 xứ, 18 giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Bản tánh, như tánh, tự tánh, tự tướng 12 xứ, 18 giới hoặc động hoặc trụ chẳng khá được vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Địa giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; thủy hỏa phong không thức giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Thiện Hiện! Bản tánh địa giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; bản tánh thủy hỏa phong không thức giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Địa giới như(chơn như của địa giới) không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; thủy hỏa phong không thức giới như không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tánh địa giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; tự tánh thủy hỏa phong không thức giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tướng địa giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; tự tướng thủy hỏa phong không thức giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Bản tánh, như tánh, tự tánh, tự tướng địa giới cho đến thức giới hoặc động hoặc trụ chẳng khá được vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Pháp giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; chơn như, thật tế, bất tư nghì giới, an ẩn giới… không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Bản tánh pháp giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; bản tánh chơn như, thật tế, bất tư nghì giới, an ẩn giới… không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Pháp giới như không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; chơn như, thật tế, bất tư nghì giới, an ẩn giới như… không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tánh pháp giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; tự tánh chơn như, thật tế, bất tư nghì giới, an ẩn giới… không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tướng pháp giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ; tự tướng chơn như, thật tế, bất tư nghì giới, an ẩn giới… không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Bản tánh, như tánh, tự tánh, tự tướng pháp giới cho đến an ẩn giới… hoặc động hoặc trụ chẳng khá được vậy.

Lại nữa,Thiện Hiện! Sáu Ba la mật không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Thiện Hiện! Bản tánh sáu Ba la mật không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Sáu Ba la mật như không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tánh sáu Ba la mật không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tướng sáu Ba la mật không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Bản tánh, như tánh, tự tánh, tự tướng sáu Ba la mật hoặc động hoặc trụ chẳng khá được vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả pháp Phật không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Thiện Hiện! Bản tánh Tất cả pháp Phật không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tất cả pháp Phật như không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tánh tất cả pháp Phật không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tướng tất cả pháp Phật. Tự tướng tất cả pháp Phật không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Bản tánh, như tánh, tự tánh, tự tướng tất cả pháp Phật hoặc động hoặc trụ chẳng khá được vậy. (Q. 419, ĐBN)

Lại nữa, Thiện Hiện! Bồ đề, Phật đà không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Thiện Hiện! Bản tánh Bồ đề, Phật đà(5) không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Bồ đề như, Phật đà như không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tánh Bồ đề, Phật đà không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tướng Bồ đề, Phật đà không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Bản tánh, như tánh, tự tánh, tự tướng Bồ đề, Phật Đà hoặc động hoặc trụ chẳng khá được vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Hữu vi giới, vô vi giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Bản tánh hữu vi giới, vô vi giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Hữu vi giới như, vô vi giới như không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tánh hữu vi giới, vô vi giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Tự tướng hữu vi giới, vô vi giới không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không chỗ trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Bản tánh, như tánh, tự tánh, tự tướng hữu vi giới, vô vi giới hoặc động hoặc trụ chẳng khá được vậy.

Thiện Hiện! Do nhân duyên đây nên nói Đại thừa không đến, không đi, không trụ khá thấy y như hư không.

 

(Ba đời không đều bất khả đắc)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Ngươi lại nói “như hư không tiền tế (thời trước), hậu tế (sau), trung tế (giữa) đều bất khả đắc (chẳng khá được). Đại thừa cũng vậy, thời trước sau giữa đều chẳng khá được. Ba đời bình đẳng vượt khỏi ba đời, nên gọi Đại thừa. Như vậy! Như ngươi đã nói. Vì sao? Thiện Hiện! Đời quá khứ, đời quá khứ không. Đời vị lai, đời vị lai không. Đời hiện tại, đời hiện tại không. Ba đời bình đẳng, ba đời bình đẳng không. Vượt khỏi ba đời, vượt khỏi ba đời không. Đại thừa, Đại thừa không. Bồ tát, Bồ tát không. Vì sao? Thiện Hiện! Không, không có một hai ba bốn năm… tướng sai khác. Vậy nên, Đại thừa ba đời bình đẳng, vượt khỏi ba đời.

Thiện Hiện! Trong Đại thừa đây tướng đẳng bất đẳng(ngang hàng hay không ngang hàng) đều chẳng khá được. Tướng tham lìa tham đều chẳng khá được. Tướng sân lìa sân đều chẳng khá được. Tướng si lìa si đều chẳng khá được. Tướng mạn lìa mạn đều chẳng khá được. Như vậy cho đến tướng thiện phi thiện đều chẳng khá được. Tướng hữu ký vô ký đều chẳng khá được. Tướng thường vô thường đều chẳng khá được. Tướng vui và khổ đều chẳng khá được. Tướng ngã vô ngã đều chẳng khá được. Tướng tịnh bất tịnh đều chẳng khá được. Tướng Dục giới, ra khỏi Dục giới đều bất khả đắc; tướng Sắc giới, ra khỏi Sắc giới đều bất khả đắc; tướng Vô sắc giới, ra khỏi Vô sắc giới đều bất khả đắc. Vì sao? Thiện Hiện! Trong Đại thừa này tự tánh các pháp chẳng khá được vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Sắc quá khứ, sắc quá khứ không; sắc vị lai, sắc vị lai không; sắc hiện tại, sắc hiện tại không. Thọ tưởng hành thức quá khứ, vị lai, hiện tại; thọ tưởng hành thức quá khứ không; thọ tưởng hành thức vị lai không, thọ tưởng hành thức hiện tại không. Thiện Hiện! Trong không, sắc quá khứ bất khả đắc. Vì sao? Vì sắc quá khứ tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có sắc quá khứ khá được. Thiện Hiện! Trong không sắc vị lai hiện tại bất khả đắc. Vì sao? Sắc vị lai hiện tại tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có sắc vị lai hiện tại khá được. Thiện Hiện! Trong không thọ tưởng hành thức quá khứ bất khả đắc. Vì sao? Thọ tưởng hành thức quá khứ tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có thọ tưởng hành thức quá khứ khá được. Thiện Hiện! Trong không thọ tưởng hành thức vị lai hiện tại cũng bất khả đắc. Vì sao? Thọ tưởng hành thức vị lai hiện tại tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có thọ tưởng hành thức vị lai hiện tại khá được.

Lại nữa, Thiện Hiện! 12 xứ, 18 giới quá khứ, 12 xứ, 18 giới quá khứ không; 12 xứ, 18 giới vị lai hiện tại, 12 xứ, 18 giới vị lai hiện tại không. Trong không 12 xứ, 18 giới quá khứ bất khả đắc. Vì sao? 12 xứ, 18 giới quá khứ tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có 12 xứ, 18 giới quá khứ khá được. Thiện Hiện! Trong không 12 xứ, 18 giới vị lai hiện tại cũng bất khả đắc. Vì sao? 12 xứ, 18 giới vị lai hiện tại tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được. huống nào trong không có 12 xứ, 18 giới vị lai hiện tại khá được. Thiện Hiện! Trong không tất cả pháp Phật quá khứ bất khả đắc. Vì sao? Tất cả pháp Phật quá khứ tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống nào trong không có tất cả pháp Phật quá khứ khá được. Thiện Hiện! Trong không tất cả pháp Phật vị lai hiện tại cũng bất khả đắc. Vì sao? Tất cả pháp Phật vị lai hiện tại tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có tất cả pháp Phật vị lai hiện tại khá được.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ quá khứ, nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ quá khứ không; nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ vị lai hiện tại, nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ vị lai hiện tại không.  Nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ quá khứ, nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ quá khứ không; nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ vị lai hiện tại, nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ vị lai hiện tại không. Thiện Hiện! Trong không nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ quá khứ bất khả đắc. Vì sao? Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ quá khứ tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ quá khứ khá được. Thiện Hiện! Trong không nhãn, nhĩ, tỷ, thân, ý xúc cũng lại như thế.

Lại nữa, Thiện Hiện! Sáu Ba la mật quá khứ, sáu Ba la mật quá khứ không; sáu Ba la mật vị lai hiện tại, sáu Ba la mật vị lai hiện tại không. Thiện Hiện! Trong không sáu Ba la mật quá khứ bất khả đắc. Vì sao? sáu Ba la mật quá khứ tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có sáu Ba la mật quá khứ khá được. Thiện Hiện! Trong không sáu Ba la mật vị lai hiện tại bất khả đắc. Vì sao? Sáu Ba la mật vị lai hiện tại tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống nào trong không có sáu Ba la mật vị lai hiện tại khá được. 

Lại nữa, Thiện Hiện! Ba mươi bảy pháp trợ đạo quá khứ, 37 pháp trợ đạo quá khứ không; 37 pháp trợ đạo vị lai hiện tại, 37 pháp trợ đạo vị lai hiện tại không. Thiện Hiện! Trong không 37 pháp trợ đạo quá khứ bất khả đắc. Vì sao? Vì 37 pháp trợ đạo quá khứ tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có 37 pháp trợ đạo quá khứ khá được. Thiện Hiện! Trong không 37 pháp trợ đạo vị lai hiện tại bất khả đắc. Vì sao? Vì 37 pháp trợ đạo vị lai hiện tại tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có 37 pháp trợ đạo vị lai hiện tại khá được.

Như vậy, cho đến Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng quá khứ, Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng quá khứ không; Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng quá khứ, Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng quá khứ không. Thiện Hiện! Trong không Phật mười lực cho đến 18 pháp Phật bất cộng quá khứ bất khả đắc. Vì sao? Phật mười lực cho đến 18 pháp Phật bất cộng quá khứ tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có Phật mười lực cho đến 18 pháp Phật bất cộng quá khứ khá được. Thiện Hiện! Trong không Phật mười lực cho đến 18 pháp Phật bất cộng vị lai hiện tại bất khả đắc. Vì sao? Phật mười lực cho đến 18 pháp Phật bất cộng vị lai hiện tại tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống nào trong không có Phật mười lực cho đến 18 pháp Phật bất cộng vị lai hiện tại khá được. 

Lại nữa, Thiện Hiện! Dị sanh quá khứ, dị sanh quá khứ không; dị sanh vị lai hiện tại, dị sanh vị lai hiện tại không. Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai quá khứ; Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai quá khứ không. Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai vị lai hiện tại; Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai vị lai hiện tại không. Thiện Hiện! Trong không dị sanh quá khứ bất khả đắc. Vì sao? Dị sanh quá khứ tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có dị sanh quá khứ khá được. Thiện Hiện! Trong không dị sanh vị lai hiện tại bất khả đắc. Vì sao? Dị sanh vị lai hiện tại tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có dị sanh vị lai hiện tại khá được. Vì ngã hữu tình cho đến tri giả, kiến giả đều vô sở hữu bất khả đắc vậy.

Thiện Hiện! Trong không Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai quá khứ bất khả đắc. Vì sao? Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai quá khứ tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai quá khứ khá được. Thiện Hiện! Trong không Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai vị lai hiện tại bất khả đắc. Vì sao? Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai vị lai hiện tại tức là không, tánh không cũng không, không trong không hãy chẳng khá được, huống chi trong không có Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai vị lai hiện tại khá được. Vì ngã hữu tình cho đến tri giả kiến giả đều vô sở hữu bất khả đắc vậy.

 

(Đại thừa ba thời bình đẳng, bất khả đắc như hư không)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Sắc thời trước chẳng khá được, sắc thời sau thời giữa chẳng khá được, sắc trong ba thời bình đẳng cũng bất khả đắc. Vì sao? Thiện Hiện! Trong bình đẳng sắc thời trước sau giữa cũng đều bất khả đắc. Vì sao? Trong bình đẳng, tánh bình đẳng hãy chẳng khá được, huống chi trong bình đẳng có sắc thời trước sau giữa khá được. Thiện Hiện! Thọ tưởng hành thức thời trước chẳng khá được, thọ tưởng hành thức thời sau, thời giữa chẳng khá được, thọ tưởng hành thức trong ba thời bình đẳng cũng chẳng khá được. Vì sao? Thiện Hiện! Trong bình đẳng thọ tưởng hành thức thời trước sau giữa đều chẳng khá được. Vì sao? Trong bình đẳng, tánh bình đẳng hãy chẳng khá được, huống chi trong bình đẳng có thọ tưởng hành thức thời trước sau giữa khá được.

Lại nữa, Thiện Hiện! Mười hai xứ, mười tám giới thời trước chẳng khá được, mười hai xứ, mười tám giới thời sau thời giữa chẳng khá được, mười hai xứ, mười tám giới trong ba thời bình đẳng cũng chẳng khá được. Vì sao? Thiện Hiện! Trong bình đẳng mười hai xứ, mười tám giới thời trước sau giữa đều chẳng khá được. Vì sao? Trong bình đẳng, tánh bình đẳng hãy chẳng khá được, huống chi trong bình đẳng có mười hai xứ, mười tám giới thời trước sau giữa khá được. 

Thiện Hiện! Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ thời trước chẳng khá được, nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ thời sau thời giữa chẳng khá được, nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ trong ba thời bình đẳng cũng chẳng khá được. Vì sao? Thiện Hiện! Trong bình đẳng nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ thời trước sau giữa đều chẳng khá được. Vì sao? Trong bình đẳng, tánh bình đẳng hãy chẳng khá được, huống chi trong bình đẳng có nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ thời trước sau giữa khá được. Thiện Hiện! Nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ thời trước chẳng khá được, nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ thời sau thời giữa chẳng khá được, nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ trong ba thời bình đẳng cũng chẳng khá được. Vì sao? Thiện Hiện! Trong bình đẳng nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ thời trước sau giữa đều chẳng khá được. Vì sao? Trong bình đẳng, tánh bình đẳng hãy chẳng khá được, huống chi trong bình đẳng có nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ thời trước sau giữa khá được.

Lại nữa, Thiện Hiện! Sáu Ba la mật, đến 37 pháp trợ đạo, 18 pháp Phật bất cộng v.v... cũng lại như thế!

Như vậy, Thiện Hiện! Các Bồ tát khi tu hành Bát Nhã trụ trong tánh ba thời bình đẳng đây tinh siêng tu học Nhất thiết tướng trí, không lấy không đắm nên mau được viên mãn. Thiện Hiện! Đấy gọi Đại thừa ba thời bình đẳng Bồ tát Ma ha tát. Nếu Bồ tát trụ trong Đại thừa như thế, vượt hơn tất cả thế gian, trời, người, A tu la v.v…, chóng năng chứng được Nhất thiết tướng trí, lợi ích an vui tất cả hữu tình.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Hay thay! Như Lai hay chính thuyết Đại thừa Bồ tát. Bạch Thế Tôn! Đại thừa như thế rất tôn, rất thắng, rất thượng, rất diệu. Các đại Bồ tát quá khứ học trong đây đã năng chứng được Nhất thiết tướng trí, lợi ích an vui tất cả hữu tình. Các đại Bồ tát vị lai học trong đây sẽ năng chứng được Nhất thiết tướng trí, lợi ích an vui tất cả hữu tình. Các đại Bồ tát hiện tại mười phương vô lượng, vô số, vô biên thế giới, học trong đây đang năng chứng được Nhất thiết tướng trí, lợi ích an vui tất cả hữu tình. Đại thừa như thế rất tôn, rất thắng, rất thượng, rất diệu, năng làm chỗ nương chơn thắng cho tất cả Bồ tát, năng khiến các Bồ tát chóng năng chứng được Nhất thiết tướng trí, lợi ích an vui tất cả hữu tình.

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Như vậy! Như ngươi đã nói. Thiện Hiện! Các Bồ tát quá khứ vị lai hiện tại đều nương Đại thừa tinh siêng tu học mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, lợi ích an vui các loại hữu tình. Vậy nên, Đại thừa rất tôn, rất thắng, rất thượng, rất diệu, vượt hơn tất cả thế gian, trời, người, A tu la v.v…

 

Thích nghĩa:

(1). Dung nạp: Thâu, nhận.

(2). Ngã, chúng sanh, thọ giả… cho đến kiến giả: Ý muốn nói đến 14 khoa danh tướng trong “bát thập nhất khoa” là: Ngã, chúng sanh, thọ giả, mạng giả, sanh giả, dưỡng dục giả, tác giả, sử tác giả, khởi giả, sử khởi giả, thọ giả, sử thọ giả, tri giả, kiến giả. Đã Thích nghĩa trong phẩm “Học Quán”, tập 01, Hội thứ I.

(3). Đọc đến phẩm 21 này quý vị thấy: Hội thứ II tuy nói ngắn hơn, nhưng cũng trùng tuyên khá nhiều. Tuy vậy, chúng tôi không muốn tóm lược, quý vị cứ tụng và tự so chiếu để nắm vững toàn bộ năm Hội đầu. Nếu muốn có nguyên chất, không lo cắt xén, thiếu sót… thì đây là cơ hội. Nắm vững tinh yếu của Hội thứ I và Hội thứ II rồi thì quý vị có thể trì tụng lướt qua các Hội sau cũng được. Kinh “Ma-Ha-Bat-Nhã Ba la mật” và “Tiểu Phẩm Bát nhã Ba la mật” do Ngài Cưu Ma La Thập dịch ngắn gọn hơn nhiều. Kinh “Phật Mẫu Bát Nhã” do Thí Hội dịch lại còn ngắn hơn nữa. Một khi nắm vững một Kinh hay một Hội thì có thể nắm vững các Kinh hay các Hội khác dễ dàng. Vì vấn đề, chuyển ngữ gây khó khăn nên chúng tôi đọc gần như hầu hết các Kinh liên hệ với kinh Đại Bát Nhã Ba la mật này. Thọ trì Kinh phải kiên nhẫn lắm mới được!

(4). Chẳng khá được hoặc chẳng thể nắm bắt cùng nghĩa với bất khả đắc.

(5). Phật đà (Phạm: Pàli: Buddha) Cũng gọi Phù đà, Phù đầu, Một đà, Bộ tha, Bột đà, Bụt, Phục đậu, Phù đồ. Hán dịch: Giác giả, Tri giả. 1- Phật Đà: Chỉ cho đức Thích Ca Mâu Ni. 2- Phật Đà: Chỉ chung cho chư Phật 3 đời trong 10 phương, như hiện tại có đức Thích Ca Mâu Ni, quá khứ có đức Phật Nhiên đăng, vị lai có đức Phật Di lặc, trong 10 phương thì có đức Phật A súc ở phương Đông, đức Phật A di đà ở phương Tây... 3- Phật Đà: Thiền sư người Thiên trúc sống vào thế kỷ thứ V. (Từ điển Phật Quang)

 

Sơ giải:

 

Phẩm “Vô Sở Đắc” của Hội này tương đương với phẩm “Vô Sở Đắc”, phần cuối quyển 61, cho đến đầu quyển 70, Hội thứ I, ĐBN. Phẩm này nói: Tất cả pháp ba đời đều bất khả đắc như hư không giống như Đại thừa vậy. Kinh đã thuyết quá rõ nên không cần trùng tuyên nữa. Quý vị có thể quay lại Hội thứ I xem lại nếu muốn. Phẩm “Vô Sở Đắc”này chỉ khác với phẩm “Vô Sở Đắc” của Hội thứ I là Kinh đề cập nhiều về Đại thừa. Chúng tôi thích phẩm này hơn vì Kinh lột được tinh thần “vô tư” của Đại thừa. Nếu hiểu phẩm này thì hiểu Đại thừa, hiểu Bát nhã Ba la mật. Sau đây là các điểm đáng lưu ý của phẩm này:

1. Đại thừa ngang đồng với hư không.

2. Tất cả pháp vô sở hữu bất khả đắc như hư không: Hoặc ngã cho đến kiến giả, hoặc chơn như, thật tế, bất tư nghì giới, an ẩn giới v.v…, hoặc hư không, hoặc Đại thừa, hoặc vô lượng, hoặc vô số, hoặc vô biên, hoặc tất cả pháp, tất cả như thế đều vô sở hữu bất khả đắc.

3. Tất cả pháp không đến không đi, không trụ, vì tự tánh tự tướng của chúng hoặc động hoặc trụ đều bất khả đắc như hư không.

4. Ba đời không đều bất khả đắc: Tiền tế, trung tế, hậu tế đều bất khả đắc.

5. Đại thừa ba thời bình đẳng, bất khả đắc như hư không.

Nếu đọc và phối hợp phẩm “Vô Sở Đắc” của hai Hội với nhau thì chúng ta hiểu được tinh thần “vô tư” của Bát Nhã, Đại thừa và Hư không.

Nhưng, Bát Nhã và Đại thừa mà một số luận gia cho là “vô tri”, “Vô tri nhưng vô sở bất tri!” Đó là đặc tính bất hữu của Bát Nhã và Đại thừa!

 

---o0o---