Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 81. Phẩm "Phật Pháp"

 

PHẨM “PHẬT PHÁP”

 

Phần sau quyển 477, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương phẩm “Vô Tánh Tự Tánh”, phần sau Q.395

cho đến phần đầu Q.396, Hội thứ I, ĐBN

 

 Gợi ý:

Phẩm “Vô Tánh Tự Tánh”, phần sau quyển 395, Hội thứ I, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Thế nào là sự khác biệt giữa Phật và Bồ tát?

“Phật bảo: Thiện Hiện! Tất cả pháp tu Đại thừa là Bồ tát pháp, các pháp này cũng chính là pháp Phật. Đại Bồ tát đối với tất cả pháp biết tất cả tướng, do đó sẽ đắc Nhất thiết tướng trí, vĩnh viễn đoạn trừ tất cả tập khí tương tục. Còn chư Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác cũng tu các pháp này nhưng do một sát na tương ưng với diệu huệ, hiện đẳng giác rồi, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao. Trên danh nghĩa hai bậc Thánh ấy tuy cùng là Thánh nhưng có hành, hướng, trụ, quả sai khác”.

 

Tóm lược:

 

Phẩm “Phật Pháp”, thuộc phần sau quyển 477, Hội thứ II, Thế Tôn giải thích tiếp: Này Thiện Hiện! Nếu trong đạo tu hành không có gián đoạn đối với tất cả pháp mà chưa thoát khỏi ám chướng, chưa đến bờ bên kia, chưa được tự tại, chưa đắc quả thì gọi là Bồ tát. Nếu trong đạo tu hành giải thoát đối với tất cả pháp mà thoát khỏi ám chướng, đã tới bờ bên kia, đã được tự tại, khi đã được chứng quả mới gọi là Phật, đấy là Bồ Tát cùng Phật có khác. Quả vị có khác, pháp tu chẳng khác, nên chẳng thể nói tánh của các pháp có khác.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tự tướng của tất cả pháp đều không thì tại sao trong cái không của tự tướng có các sự sai khác, nói đây là địa ngục, đây là bàng sanh, đây là ngạ quỷ, đây là người, đây là trời, đây là Chủng tánh địa, đây là Đệ bát địa, đây là Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, đây là Độc giác, đây là Bồ tát, đây là Như Lai?

Bạch Thế Tôn! Những chúng sanh đó đã bất khả đắc và nghiệp họ tạo cũng bất khả đắc. Nếu nghiệp đã tạo bất khả đắc, thì quả dị thục kia cũng phải bất khả đắc?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông nói! Tự tướng tất cả pháp đều không, trong cái không của tự tướng thì hữu tình đã vô sở hữu, nghiệp quả dị thục cũng vô sở hữu, trong vô sở hữu không có tướng sai biệt. Nhưng các hữu tình đối lý tất cả pháp tự tướng không chẳng thật biết, tạo nên các nghiệp: Do nơi nghiệp dữ tăng trưởng nên bị đọa ba ác thú; do nghiệp lành tăng trưởng nên được sanh trong người trời ở cõi Dục. Nếu định nghiệp tăng trưởng hơn nữa thì được sanh cõi Sắc hoặc cõi Vô sắc. Bởi nhân duyên đây mới có tu hành bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. An trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không. An trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới. An trụ khổ tập diệt đạo Thánh đế. Tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Tu hành không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn. Tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Tu hành tất cả Đà la ni, Tam ma địa môn. Tu hành năm nhãn, sáu thần thông. Tu hành Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Tu hành pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả. Tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.

Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát đối Bồ đề phần pháp như thế thảy không hở không khuyết tu cho đến viên mãn. Đã viên mãn rồi, bèn năng dẫn phát định Kim cương dụ cận trợ Bồ đề, mới chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, cùng các hữu tình làm đại nhiêu ích, thường không mất hoại. Vì không mất hoại nên khiến các hữu tình giải thoát các khổ sanh tử.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Phật đã chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rồi, thì có bị sanh tử trong các cõi không?

Phật nói:

- Chẳng bị!  

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rồi, có bị rơi vào hắc nghiệp, bạch nghiệp, hắc bạch nghiệp, phi hắc bạch nghiệp chăng?

Phật nói:

- Thiện Hiện! Không!

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Nếu Phật chẳng bị rơi vào các thú sanh tử và nghiệp sai biệt, làm sao biết có thi thiết đây là địa ngục, đây là bàng sanh, đây là quỷ giới, đây là người, là trời, là Chủng tánh địa, Đệ bát địa, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán? Đây là Độc giác, đây là Bồ Tát, đây là Như Lai?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Nếu các hữu tình tự biết các pháp tự tướng không ấy, thì các đại Bồ Tát bèn đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chẳng cần cầu chứng, phương tiện khéo léo cứu vớt các hữu tình ra khỏi ác thú sanh tử. Vì các hữu tình chẳng biết các pháp tự tướng không, nên trôi lăn các thú chịu vô lượng khổ. Vậy nên, Bồ Tát theo chỗ chư Phật, nghe tất cả pháp tự tướng không rồi, vì muốn nhiêu ích các hữu tình, nên cầu chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề phương tiện khéo léo cứu vớt các hữu tình ra khỏi các thú sanh tử.

Thiện Hiện phải biết! Các đại Bồ Tát thường khởi nghĩ này: Chẳng phải tất cả pháp thật có tự tướng như chỗ chấp của các ngu phu dị sanh, nhiên hậu do phân biệt điên đảo, nên trong chẳng phải thật có khởi tưởng thật có, nghĩa là trong vô ngã khởi tưởng có ngã, trong vô hữu tình khởi tưởng hữu tình. Nói rộng, cho đến không có người biết, người thấy khởi tưởng có người biết người thấy. Với trong không có sắc khởi tưởng có sắc, trong không có thọ tưởng hành thức khởi tưởng thọ tưởng hành thức cho đến trong không có tất cả pháp hữu vi, khởi tưởng pháp hữu vi. Vì sức hư dối phân biệt điên đảo nên không thật bảo thật, không đáng chấp lại chấp… Do đây gây tác nghiệp thân ngữ ý, không thể giải thoát sanh tử các thú, ta phải cứu vớt khiến được giải thoát.

Đại Bồ Tát này khởi nghĩ đây rồi, hành sâu Bát Nhã, đem các thiện pháp mà Bồ tát đã tu hành nhiếp thọ hữu tình để họ lần hồi viên mãn tư lương Bồ đề. Tư lương Bồ đề đã được viên mãn, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Được Bồ đề rồi, vì các hữu tình tuyên nói khai thị, phân biệt kiến lập nghĩa bốn Thánh đế: Rằng đây là khổ Thánh đế, đây là khổ tập Thánh đế, đây là khổ diệt Thánh đế, đây là tới đạo khổ Thánh đế. Lại đem tất cả Bồ đề phần pháp nương trí thông đạt, nhiếp vào bốn Thánh đế như thế. Lại nương tất cả Bồ đề phần pháp, dùng trí vi diệu thi thiết kiến lập Phật Pháp Tăng bảo. Nhờ Tam Bảo đây xuất hiện thế gian nên các loại hữu tình giải thoát sanh tử. Nếu các hữu tình chẳng năng quy chánh Phật Pháp Tăng bảo, tạo tác các nghiệp lộn quanh các thú chịu khổ vô cùng, nên phải quy y Phật Pháp Tăng bảo.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Vì nhờ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo mà các loại hữu tình được nhập Niết bàn, hay vì nhờ trí Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo mà các loại hữu tình được Niết bàn?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Chẳng do khổ tập diệt đạo Thánh đế mà các loại hữu tình được vào Niết Bàn, cũng chẳng do trí khổ tập diệt đạo Thánh đế mà các loại hữu tình được vào Niết Bàn. Ta nói tánh bình đẳng của bốn Thánh đế tức là Niết bàn. Như vậy, Niết bàn không do khổ, tập, diệt, đạo đế mà được, không do khổ, tập, diệt, đạo trí mà được. Chỉ do Bát nhã Ba la mật chứng tánh bình đẳng mới gọi là được Niết bàn.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là tánh bình đẳng của khổ tập diệt đạo?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Nếu chỗ nào không có khổ tập diệt đạo đế, không có khổ tập diệt đạo trí, thì gọi tánh bình đẳng của bốn Thánh đế. Tánh bình đẳng đây tức là bốn Thánh đế. Sở hữu chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư dối, tánh chẳng biến khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, hư không giới, bất tư nghì giới, dù Phật ra đời hoặc chẳng ra đời, tánh tướng thường trú, không  mất không hoại, không biến đổi. Như vậy, gọi là tánh bình đẳng của khổ tập diệt đạo. (Q.477, ĐBN)       

- Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ tát khi hành sâu Bát Nhã, muốn giác ngộ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này nên hành sâu Bát Nhã. Khi biết rõ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này gọi là giác ngộ chơn chánh tất cả Thánh đế, không rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác mà lại nhập vào Bồ tát Chánh tánh ly sanh? Tại sao thế Bạch Thế Tôn?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Các đại Bồ tát khi hành sâu Bát Nhã, không có một chút pháp nhỏ nào mà chẳng như thật thấy. Khi thấy biết như thật về tất cả pháp thì đối với tất cả pháp đều không sở đắc. Đối với tất cả pháp không sở đắc rồi, thì như thật thấy tất cả pháp đều không. Nghĩa là như thật thấy biết các pháp được thâu nhiếp hay không thâu nhiếp trong bốn đế đều là không. Khi thấy như vậy có thể nhập vào Bồ tát Chánh tánh ly sanh. Do nhập vào Bồ tát Chánh tánh ly sanh, nên trụ trong chủng tánh địa của Bồ tát. Trụ trong chủng tánh địa của Bồ tát rồi thì nhất định không bị rơi từ đỉnh cao. Rơi từ cao xuống có nghĩa lui thụt vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác. Đại Bồ tát này an trụ bậc Bồ tát chủng tánh phát khởi bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, Bồ tát này an trụ trong Xa ma tha địa như thế, mới có thể quyết trạch(1) tánh của tất cả pháp và từ đó có thể giác ngộ lý của bốn Thánh đế.

Bấy giờ, Bồ Tát dù khắp biết khổ mà chẳng khởi tâm duyên chấp khổ. Dù dứt hẳn tập mà chẳng khởi tâm duyên chấp tập. Dù chứng diệt, mà chẳng khởi tâm duyên chấp diệt. Dù thường tu đạo, mà chẳng khởi tâm duyên chấp đạo. Chỉ khởi tâm tùy thuận hướng tới đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, như thật quán sát thật tướng các pháp.

 

(Các Bồ tát làm sao quán sát thật tướng các pháp?)

 

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: 

- Đại Bồ Tát này làm sao quán sát thật tướng các pháp?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này đối tất cả pháp như thật quán sát tự tướng (2) đều không. Như vậy quán sát các pháp đều không. Đại Bồ Tát này dùng tướng Tỳ bát xá na như thế, như thật quán thấy các pháp đều không, trọn chẳng thấy có tự tánh (3) các pháp khá trụ tánh kia, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề và tất cả pháp đều lấy vô tánh mà làm tự tánh (4). Chỗ gọi sắc cho đến thức, đều lấy vô tánh mà làm tự tánh. Mười hai xứ cho đến mười tám giới cũng lấy vô tánh làm tự tánh. Nhãn xúc cho đến ý xúc cũng lấy vô tánh làm tự tánh. Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Địa giới cho đến thức giới cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Theo duyên sanh ra các pháp cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Vô minh cho đến lão tử cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Nội không cho đến vô tánh tự tánh không (5) cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Chơn như cho đến bất tư nghì giới cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Nói rộng ra, tất cả pháp Phật đều lấy vô tánh làm tự tánh. Như vậy, vô tánh như thế chẳng phải chư Phật làm ra, chẳng Độc giác làm, chẳng Bồ Tát làm, chẳng Thanh Văn làm, cũng chẳng phải bậc trụ quả hành hướng tạo ra, chỉ vì tất cả hữu tình không biết không thấy như thật về tất cả pháp đều không, nên các đại Bồ Tát hành sâu Bát Nhã phương tiện thiện xảo, theo sự giác ngộ của mình vì các hữu tình như thật tuyên nói, khiến lìa chấp trước, giải thoát tất cả sanh lão bịnh tử, được Niết Bàn an vui rốt ráo.

 

Thích nghĩa:

(1). Quyết trạch: Quyết định và chọn lựa.

(2). Tự tướng (自相, s: svātman). 1- Bản chất. Vật thể như chính nó. 2- Đặc tính nguyên thủy, phẩm tính đặc biệt. Đặc tính nhất định của một vật. Tự tánh của một người hay vật thể (s: svarūpa). 3- Tự thể của chính mình, chính mình, chính nó (s: svātman). - Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt.

(3). Tự tánh (自性): 1- Bản tánh, tánh chất nhất định của một vật (s: svabhāva, dharmatā, tathatā). 2- Như là nguyên lý hoặc thể tính bất biến, giáo lý tánh không Phật giáo hoàn toàn phủ nhận ý niệm nầy. 3- Tự lập, độc lập. (Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt).

(4). Vô tánh tự tánh: Bản tánh của tất cả pháp là không, rỗng không, không lúc nào chẳng không. Bởi vì, bản tánh tự nó như vậy là như vậy, lúc nào cũng như vậy, không phải do Phật làm ra, cũng không do ai làm ra.

(5). Vô tánh tự tánh không: Trong Thiền luận III, Thiền sư DT. Suzuki có giải thích 18 pháp không mà 3 pháp không cuối cùng là: Vô Tánh Không (Abhava-sunyata): Không của vô thể. Tự Tánh Không (Svabhava-sunyata): Không của tự tánh và Vô Tánh Tự Tánh Không (Abhava-svabhava-sunyata): Không của vô thể của tự tánh.

Thiền sư luận chung ba loại này như sau: “Ở đây hiện hữu được nhìn từ quan điểm hữu (astiva) và vô (nastiva); cả hai, đứng riêng biệt hay tương đối, đều được nói là không. Vô Tánh (Abhava) là phủ định của hữu, cùng một nghĩa với Không. Tự Tánh (svabhava) có nghĩa “nó là nó”, nhưng không có “cái nó” nào như thế, cho nên Không. Vậy thì, đối nghịch của hữu và vô là thực? Không, nó cũng không luôn, vì mỗi phần tử trong đối lập vốn là Không”.

Chính cách luận giải này đưa đến ý niệm, nếu tất cả pháp nào rơi vào ba đặc tánh này: Vô tánh không, tự tánh không và vô tánh tự tánh không thì như thật thấy tất cả pháp đều không, rỗng không! Giải thích này hết sức quan trọng không những cho sự hiểu biết phẩm này mà còn để hiểu toàn bộ thực tướng của các pháp. Quý vị hãy lưu ý đến giải thích quan trọng này. Chúng ta sẽ có rất nhiều dịp để thảo luận nó nhất là trong phần thứ III Tổng luận.

 

Sơ giải:

 

Phẩm “Phật Pháp” của Hội thứ II này chẳng khác với phẩm “Vô Tánh Tự Tánh”, phần sau Q.395 cho đến phần đầu Q.396, Hội thứ I, ĐBN tương đối ngắn gọn, đã giải luận rõ rồi, nên không cần phải lặp lại nữa. Quý vị có thể quay lại phẩm “Vô Tánh Tự Tánh” tham khảo nếu muốn. Đây là một phẩm nhỏ nhưng lại có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giải thích về “vô tánh tự tánh không”, nên phần thứ III Tổng luận chúng ta lại có dịp tiếp tục thảo luận vấn đề này.

 

---o0o---