Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 54. Phẩm "Giáo Nghĩa Thẳm Sâu"

 

PHẨM “GIÁO NGHĨA THẲM SÂU”

 

Phần cuối quyển 449, đến hết quyển 450, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương với phẩm “Phương Tiện Thiện Xảo”, quyển 328

cho đến hết quyển 330, Hội thứ I, ĐBN)

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ tát Bất thối chuyển này, thành tựu công đức thù thắng rộng lớn vô lượng, vô số, không có bờ mé, không thể nghĩ bàn.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói! Đại Bồ tát Bất thối chuyển này thành tựu công đức thù thắng rộng lớn vô lượng, vô số, không có bờ mé, không thể nghĩ bàn. Vì sao? Thiện Hiện! Vì đại Bồ tát này đã được trí thù thắng vô lượng, vô biên chẳng cùng với Thanh văn và Độc giác. Đại Bồ tát Bất thối chuyển trụ trong trí này phát khởi bốn sự hiểu biết thông suốt thù thắng. Do bốn sự hiểu biết thông suốt thù thắng này, trời, người, A tu la v.v... ở thế gian không ai có thể vấn nạn làm cho trí tuệ biện tài của Bồ tát này cạn được.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có thể trải qua hằng hà sa số kiếp tuyên thuyết các hành động tướng trạng của đại Bồ tát Bất thối chuyển mà đức Phật đã nói hoặc hành động tướng trạng công đức thù thắng vô biên mà đại Bồ tát Bất thối chuyển đã thành tựu. Cúi xin Thế Tôn vì chúng Bồ tát lặp lại ý nghĩa sâu xa, khiến cho chúng Bồ tát an trụ trong đó, có thể tu bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật mau được viên mãn, có thể an trụ pháp nội không cho đến pháp vô tánh tự tánh không mau được viên mãn. Có thể an trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì mau được viên mãn. Nói rộng ra, có thể trụ trong tất cả pháp Phật được viên mãn?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Hay thay! Nay ông mới có thể vì các chúng Bồ tát thỉnh hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về nghĩa lý sâu xa, làm cho các chúng Bồ tát an trụ trong đó, tu các công đức mau được viên mãn.

Thiện Hiện nên biết: Nghĩa lý sâu xa ấy là không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, tịch tịnh, Niết bàn, chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế. Những pháp như vậy gọi là nghĩa lý thậm thâm. Tất cả những diễn đạt đó đều hiển bày nghĩa lý thậm thâm của Niết bàn. (Q.449, ĐBN)

Bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chỉ có Niết bàn được mang ý nghĩa thậm thâm, hay các pháp khác cũng mang nghĩa thậm thâm?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Tất cả pháp khác cũng gọi là thậm thâm. Vì sao? Thiện Hiện! Vì sắc cũng gọi là thậm thâm; thọ, tưởng, hành, thức cũng gọi là thậm thâm. Mười hai xứ, mười tám giới cũng gọi là thậm thâm. Nhãn xúc cho đến ý xúc cũng gọi là thậm thâm. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra cũng gọi là thậm thâm. Địa giới cho đến thức giới cũng gọi là thậm thâm. Bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật cũng gọi là thậm thâm. Mười tám pháp không cũng gọi là thậm thâm. Chơn như cho đến bất tư nghì giới cũng gọi là thậm thâm. Nói rộng ra, cho đến tất cả pháp Phật cũng gọi là thậm thâm.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao sắc cũng gọi là thậm thâm? Vì sao thọ, tưởng, hành, thức cũng gọi là thậm thâm. Như vậy, cho đến vì sao tất cả pháp Phật cũng gọi là thậm thâm?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Vì sắc như(1) thậm thâm nên sắc cũng gọi là thậm thâm; thọ, tưởng, hành, thức như thậm thâm nên thọ, tưởng, hành, thức cũng gọi là thậm thâm. Như vậy, cho đến tất cả pháp Phật như thậm thâm nên tất cả pháp Phật cũng gọi là thậm thâm.

Bấy giờ, Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao sắc như thậm thâm? Vì sao thọ, tưởng, hành, thức như thậm thâm. Như vậy, cho đến vì sao tất cả pháp Phật như thậm thâm?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Vì sắc như chẳng phải là sắc, chẳng phải lìa sắc, cho nên thậm thâm; thọ, tưởng, hành, thức như chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức, chẳng phải lìa thọ, tưởng, hành, thức cho nên thậm thâm. Như vậy, cho đến tất cả pháp Phật như chẳng phải là tất cả pháp Phật, chẳng phải lìa tất cả pháp Phật cho nên thậm thâm.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Như Lai rất lạ, nhiệm mầu khéo léo, vì đại Bồ tát Bất thối chuyển ngăn khiển các sắc chỉ rõ Niết bàn; ngăn khiển thọ, tưởng, hành, thức để hiển bày Niết bàn. Như vậy, cho đến ngăn khiển tất cả pháp Phật để hiển bày Niết bàn. Thế Tôn rất lạ, nhiệm mầu khéo léo, vì đại Bồ tát Bất thối chuyển ngăn khiển tất cả pháp hoặc sắc hoặc phi sắc, hoặc hữu kiến hoặc vô kiến, hoặc hữu đối hoặc vô đối, hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc cộng hoặc bất cộng, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi, chỉ rõ Niết bàn. (Q.450, ĐBN)

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói! Như Lai thật kỳ lạ, đã dùng phương tiện vi diệu, làm cho đại Bồ tát Bất thối chuyển ngăn khiển sắc để hiển bày Niết bàn; ngăn khiển thọ, tưởng, hành, thức để hiển bày Niết bàn… Ta dùng phương tiện vi diệu, làm cho đại Bồ tát Bất thối chuyển ngăn khiển tất cả pháp hoặc sắc, hoặc chẳng phải sắc, hoặc hữu kiến, hoặc vô kiến, hoặc hữu đối, hoặc vô đối, hoặc thế gian, hoặc xuất thế gian, hoặc cộng, hoặc bất cộng, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi, hoặc vô vi, để hiển bày Niết bàn.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ tát nên đối các chỗ thẳm sâu như thế, nương dựa lý thú tương ưng Bát nhã Ba la mật, suy nghĩ xét kỹ, quan sát cân lường, nên khởi nghĩ này: Ta nay nên như Bát Nhã thẳm sâu đã dạy mà trụ. Ta nay nên như Bát Nhã thẳm sâu đã thuyết mà học.

Thiện Hiện! Đối với nghĩa lý thâm sâu này, Bồ tát nào dựa vào nghĩa lý tương ưng Bát nhã Ba la mật, suy nghĩ thật kỹ, quán sát so lường, như Bát Nhã thâm sâu đã dạy mà trụ, như Bát Nhã thâm sâu đã thuyết mà học. Bồ tát này tập trung tinh thần, siêng năng tinh tấn tu học, không ngừng nghỉ, không gián đoạn, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Nếu Bồ tát dựa vào Bát Nhã thâm sâu đã thuyết mà trụ, trải qua một ngày đêm thì đạt được công đức, nếu công đức này có hình tướng thì Tam thiên đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng cũng không thể chứa hết. Giả sử có công đức khác đầy dẫy cả Tam thiên đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, đem so sánh với công đức này thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần rất nhỏ.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát xa lìa Bát nhã Ba la mật, giả sử trải qua hằng hà sa số đại kiếp, bố thí cúng dường Phật, Pháp, Tăng bảo. Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Do nhân duyên đây Bồ tát này được phước nhiều chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước ấy vô số, vô lượng, vô biên.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Bồ tát dựa vào Bát Nhã thâm sâu như thuyết mà học, trải qua một ngày đêm sẽ được công đức hơn trước rất nhiều. Vì sao? Thiện Hiện! Bát Nhã thâm sâu là đường mà các chúng Bồ tát phải đi. Các Bồ tát đi đường này nên mau tới quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát xa lìa Bát nhã Ba la mật, giả sử trải qua hằng hà sa số đại kiếp, bố thí cúng dường bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề, Bồ tát và chư Phật. Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Do nhân duyên đây các Bồ tát này được phước nhiều chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước đó vô lượng, vô biên, vô số.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Bồ tát dựa vào Bát Nhã thâm sâu trải qua một ngày đêm như thuyết mà học, sẽ được công đức hơn kia rất nhiều. Vì sao? Thiện Hiện! Các Bồ tát hành sâu Bát Nhã vượt qua các bậc Thanh văn và Độc giác, mau vào ngôi Bồ tát Chánh tánh ly sanh, lại lần lần tu hành Bồ tát hạnh sẽ mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát xa lìa Bát nhã Ba la mật, giả sử trải qua hằng hà sa số đại kiếp tinh tấn tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự. Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Do nhân duyên đây đại Bồ tát này được phước nhiều chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước đó vô lượng, vô biên, vô số.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Bồ tát dựa vào Bát Nhã thâm sâu đã thuyết mà trụ, trải qua một ngày đêm tinh tấn tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã, sẽ được công đức hơn kia rất nhiều. Vì sao? Thiện Hiện! Bát Nhã thâm sâu là mẹ các Bồ tát. Vì sao? Vì Bát Nhã thâm sâu có thể sanh ra chúng Bồ tát. Tất cả chúng Bồ tát đều dựa vào Bát Nhã thâm sâu, mau được viên mãn giáo pháp chư Phật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát xa lìa Bát Nhã, dù trải qua hằng hà sa số đại kiếp, đem pháp thí ban cho tất cả hữu tình. Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Do nhân duyên đây Bồ tát này được phước nhiều chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước đó vô lượng, vô biên, vô số.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Bồ tát dựa vào Bát Nhã thâm sâu đã thuyết mà trụ, trải qua một ngày đêm đem pháp thí ban cho tất cả hữu tình, sẽ được công đức hơn kia rất nhiều. Vì sao? Thiện Hiện! Vì nếu Bồ tát xa lìa Bát Nhã, tức là xa lìa Nhất thiết trí trí. Nếu Bồ tát chẳng lìa Bát Nhã, tức là chẳng lìa Nhất thiết trí trí. Thế nên, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát muốn đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ thì không nên xa lìa Bát Nhã thâm sâu.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát xa lìa Bát Nhã, dù trải qua hằng hà sa số đại kiếp tu hành bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. An trụ pháp nội không cho đến pháp vô tánh tự tánh không. An trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. An trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Tu hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Tu hành tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Tu hành tất cả pháp môn Đà la ni, Tam ma địa. Tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông. Tu hành Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Do nhân duyên đây Bồ tát này được phước nhiều chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước đó vô lượng, vô biên, vô số.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Bồ tát dựa vào Bát Nhã đã thuyết mà trụ, trải qua một ngày đêm tu hành bố thí Ba la mật cho đến tu hành Nhất thiết tướng trí, sẽ được công đức hơn trước rất nhiều. Vì sao? Thiện Hiện! Vì nếu Bồ tát chẳng xa lìa Bát Nhã, mà có sự thối lui đối với Nhất thiết trí trí thì điều này không thể có. Nếu Bồ tát xa lìa Bát Nhã, mà có sự thối lui đối với Nhất thiết trí trí thì điều này có thể xảy ra. Thế nên, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát muốn đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì chẳng nên xa lìa Bát Nhã thâm sâu.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát xa lìa Bát Nhã, dù trải qua hằng hà sa số đại kiếp tu hành các loại tài thí, pháp thí, ở chỗ thanh vắng, chú tâm suy nghĩ về phước mà trước đã tu, ban cho tất cả hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Do nhân duyên đây Bồ tát này được phước nhiều chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước đó vô lượng, vô biên, vô số.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Bồ tát dựa vào Bát Nhã đã thuyết mà trụ, trải qua một ngày một đêm tu hành các hạnh pháp thí, tài thí, ở chỗ thanh vắng, chú tâm suy nghĩ về phước mà trước đây đã tu, ban cho tất cả hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, sẽ được công đức hơn trước rất nhiều. Vì sao? Thiện Hiện! Vì dựa vào Bát Nhã thâm sâu mà khởi lên sự hồi hướng, phải biết đây là sự hồi hướng tối thắng. Xa lìa Bát Nhã mà khởi lên sự hồi hướng, phải biết đây là sự hồi hướng thấp kém. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Bát Nhã thâm sâu dẫn đầu tất cả Bồ đề phần pháp. Thế nên, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát muốn chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì chẳng nên xa lìa Bát Nhã, đem các loại công đức của sự tu hành ban cho các hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát xa lìa Bát Nhã, dù trải qua hằng hà sa số đại kiếp duyên theo căn lành công đức của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong quá khứ, vị lai, hiện tại và hàng đệ tử hòa hợp tùy hỷ, ban cho các hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Do nhân duyên đây Bồ tát này được phước nhiều chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước đó vô lượng, vô biên, vô số.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Bồ tát dựa vào Bát Nhã đã thuyết mà trụ, trải qua một ngày đêm duyên theo căn lành công đức của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong quá khứ, vị lai, hiện tại và hàng đệ tử hòa hợp tùy hỷ, ban cho các hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, sẽ được công đức hơn trước rất nhiều. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tất cả căn lành công đức của sự tùy hỷ hồi hướng đều lấy Bát Nhã làm đầu. Thế nên, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát muốn chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì chẳng nên xa lìa Bát Nhã.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như lời Phật nói, các hành đều do phân biệt tạo ra, đều do vọng tưởng sanh nên hoàn toàn không thật có. Vậy do đâu các đại Bồ tát ấy đạt được phước vô lượng, vô số, vô biên? Bạch Thế Tôn! Do phân biệt mà tạo ra các phước nghiệp nên không thể có chánh kiến ở thế gian, không thể hướng nhập vào Chánh tánh ly sanh, cũng không thể đắc quả Dự lưu cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Nhưng các đại Bồ tát hành sâu Bát Nhã biết tất cả loại phân biệt đã tạo hoàn toàn không, không có sở hữu, là hư vọng, không thật. Vì sao? Vì các đại Bồ tát học kỹ pháp nội không cho đến pháp vô tánh tự tánh không. Sau khi an trụ vào tất cả không như vậy rồi, như như quán sát những gì do phân biệt tạo ra là hoàn toàn không, không có sở hữu, là hư vọng chẳng thật. Cho nên không bao giờ xa lìa Bát Nhã. Không xa lìa Bát Nhã thì đạt được vô lượng, vô số, vô biên phước đức. Do nhân duyên này mà phát sanh chánh kiến chân thật, cũng có thể nhập vào Chánh tánh ly sanh, cho đến có thể chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch:

- Bạch Thế Tôn! Vô lượng, vô biên, vô số đã nói có gì khác nhau không?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nói vô số là số bất khả đắc, số không thể ở trong giới hữu vi, số không thể ở trong giới vô vi. Nói vô lượng là lượng bất khả đắc, lượng không thể ở trong pháp quá khứ, lượng không thể ở trong pháp vị lai, lượng không thể ở trong pháp hiện tại. Nói vô biên là biên bất khả đắc, không thể so lường bờ mé kia.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nhân duyên nào mà nói sắc là vô lượng, vô biên, vô số; thọ, tưởng, hành, thức cũng nói là vô lượng, vô biên, vô số?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Sắc tự tánh là không, nên cũng nói là vô lượng, vô biên, vô số; thọ, tưởng, hành, thức tự tánh là không, nên cũng nói là vô lượng, vô biên, vô số.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chỉ có sắc tự tánh là không; thọ, tưởng, hành, thức tự tánh là không; hay tất cả pháp tự tánh cũng đều không?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Trước đây ta từng chẳng nói tất cả pháp tự tánh đều là không sao?

Thiện Hiện thưa:

- Tuy Phật thường nói tất cả pháp tự tánh là không, con cũng đã rõ, nhưng các hữu tình chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu, nên nay con hỏi như vậy.

Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp tự tánh không, tức là vô tận, cũng là vô số, cũng là vô lượng, cũng là vô biên? Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp trong tự tánh không, tận chẳng thể được, số chẳng thể được, lượng chẳng thể được, biên chẳng thể được. Do nhân duyên đây vô tận vô số vô lượng vô biên, hoặc nghĩa hoặc văn đều không sai khác.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói! Vô tận, vô số, vô lượng, vô biên, hoặc nghĩa, hoặc văn đều không sai khác, đều đồng hiển bày rõ các pháp không.

Thiện Hiện! Tất cả pháp không đều không thể nói. Như Lai phương tiện nói là vô tận, hoặc nói là vô số, hoặc nói là vô lượng, hoặc nói là vô biên, hoặc nói là không, hoặc nói là vô tướng, hoặc nói là vô nguyện, hoặc nói vô tác, hoặc nói vô sanh, hoặc nói vô diệt, hoặc nói lìa nhiễm, hoặc nói tịch diệt, hoặc nói Niết bàn, hoặc nói chơn như, hoặc nói thật tế. Những nghĩa v.v… như vậy Như Lai đều phương tiện giảng nói. (Q.450, ĐBN)

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ, đối với phương tiện thiện xảo, thật tướng các pháp không thể tuyên thuyết nhưng vì hữu tình Thế Tôn đã phương tiện hiển bày. Bạch Thế Tôn! Theo con hiểu ý nghĩa Phật nói là, tánh của tất cả pháp đều bất khả thuyết?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Tánh của tất cả pháp đều bất khả thuyết! Vì sao? Vì tánh của tất cả pháp rốt ráo đều không, trong rốt ráo không, không ai có thể tuyên thuyết rốt ráo không.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Nghĩa của bất khả thuyết có tăng giảm không?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nghĩa bất khả thuyết không tăng không giảm.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Nếu nghĩa bất khả thuyết không tăng, không giảm thì bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật cũng phải không tăng, không giảm. Ba mươi bảy pháp trợ đạo cũng không tăng, không giảm; bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng không tăng, không giảm; tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ cũng không tăng, không giảm; pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện cũng không tăng, không giảm; năm loại mắt, sáu phép thần thông cũng không tăng, không giảm; Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng không tăng, không giảm; pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả cũng không tăng, không giảm; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng không tăng, không giảm.

Bạch Thế Tôn! Nếu sáu pháp Ba la mật không tăng, không giảm, cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng không tăng, không giảm thì sáu pháp Ba la mật vô sở hữu, cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng vô sở hữu. Nếu sáu pháp Ba la mật vô sở hữu cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng vô sở hữu; làm sao Bồ tát tu hành sáu pháp Ba la mật cho đến Nhất thiết tướng trí chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Nghĩa bất khả thuyết không tăng, không giảm, sáu pháp Ba la mật cũng không tăng, không giảm, cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng không tăng, không giảm. Vì nghĩa bất khả thuyết vô sở hữu, nên sáu pháp Ba la mật cũng vô sở hữu, cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng vô sở hữu.

Các Bồ tát tu hành Bát Nhã, an trụ Bát nhã Ba la mật, phương tiện thiện xảo, chẳng nên nghĩ rằng: Ta đối với bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật hoặc có tăng, có giảm, mà nên nghĩ: Bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật chỉ là danh tưởng mà thôi. Bồ tát khi tu hành bố thí Ba la mật, đem tác ý tương ưng với bố thí Ba la mật này và nương vào đây mà khởi tâm và căn lành, ban cho tất cả hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Như vậy, cho đến tu hành Bát nhã Ba la mật, đem tác ý tương ưng với Bát nhã Ba la mật và nương vào đây mà khởi tâm và căn lành, ban cho hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nhờ phương tiện thiện xảo của sự hồi hướng này mà chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

 

(Thế nào là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?)

 

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Tất cả pháp như gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Khi ấy, Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tất cả pháp như mà nói tất cả pháp như là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Sắc như, thọ, tưởng, hành, thức như gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Mười hai xứ như cho đến mười tám giới như gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nhãn xúc như cho đến ý xúc như, đấy gọi Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ như cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ như, đấy gọi Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Địa giới như cho đến thức giới như gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Bố thí Ba la mật như cho đến Bát nhã Ba la mật như gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Pháp nội không như cho đến pháp vô tánh tự tánh không như gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Tất cả pháp Phật như là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Sanh tử như, Niết bàn như cũng gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Tất cả như không tăng, không giảm, nên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật cũng không tăng, không giảm.

Thiện Hiện! Các Bồ tát chẳng lìa Bát nhã Ba la mật, thường an trụ trong các pháp như, hoàn toàn chẳng thấy pháp có tăng, có giảm. Do nhân duyên này, nghĩa bất khả thuyết không tăng, không giảm. Bố thí Ba la mật cũng không tăng, không giảm; tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật cũng không tăng, không giảm. Cho đến Nhất thiết trí không tăng, không giảm; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng không tăng, không giảm. Nghĩa bất khả thuyết không có sở hữu, sáu pháp Ba la mật cũng không có sở hữu. Cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng không có sở hữu.

Thiện Hiện! Các Bồ tát nương vào sự không tăng, không giảm, vô sở hữu làm phương tiện, tu hành Bát nhã Ba la mật. Do đây làm cửa ngõ tập hợp các công đức liền chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bồ tát dựa vào sự không tăng, không giảm, vô sở hữu làm phương tiện, tu hành Bát nhã Ba la mật. Vì đây là cửa ngõ tập hợp các công đức, nên liền chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Bồ tát này tâm ban đầu phát khởi nên chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề hay tâm sau khởi lên mà chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề? Bạch Thế Tôn! Nếu vì tâm ban đầu khởi mà Bồ tát chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề, thì khi tâm ban đầu khởi, tâm sau chưa khởi nên không có nghĩa hòa hợp? Nếu tâm sau khởi mà chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề, thì khi tâm sau khởi, tâm trước đã diệt, cũng không có nghĩa hòa hợp? Như vậy, trước sau phát tâm, tâm sở, tiến thối suy gạn không có nghĩa hòa hợp làm sao có thể chứa nhóm căn lành? Nếu các căn lành không thể tích tập, thì các thắng trí không do đâu mà phát sanh. Nếu các thắng trí không phát sanh thì làm sao Bồ tát này chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ta sẽ vì ngươi lược nói thí dụ, khiến kẻ có trí đối nghĩa sẽ nói dễ hiểu. Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Như khi đốt đèn thì ngọn lửa trước làm cháy tim hay ngọn lửa sau làm cháy tim?

Thiện Hiện đáp:

- Theo ý con, chẳng phải ngọn lửa trước làm cháy tim đèn, cũng chẳng phải lìa ngọn lửa trước làm cháy tim đèn; chẳng phải ngọn lửa sau làm cháy tim đèn, cũng chẳng phải lìa ngọn lửa sau làm cháy tim đèn.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Khi đốt đèn thì chính tim đèn bị cháy chăng?

Thiện Hiện thưa:

- Theo thế gian thì thấy tim đèn bị cháy.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Các Bồ tát tu hành Ba la mật, chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cũng lại như vậy: Chẳng phải tâm ban đầu phát khởi thì chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề, cũng chẳng phải lìa sự phát khởi tâm ban đầu mà chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề. Chẳng phải tâm sau phát khởi thì chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề, cũng chẳng phải lìa sự phát khởi của tâm sau mà chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề. Nhưng các Bồ tát tu hành Bát Nhã, làm cho căn lành tăng trưởng dần dần, chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ tát từ lúc mới phát tâm, tu hành Bát Nhã, viên mãn mười địa, chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Bấy giờ, Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Các Bồ tát tu học viên mãn mười địa nào mà chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Các Bồ tát tu hành từ Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa viên mãn, thì chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề. Cũng học Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa làm cho viên mãn, thì chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề.

Thiện Hiện! Đối với mười địa này các Bồ tát tinh siêng tu học, khi viên mãn, chẳng phải do tâm ban đầu phát khởi thì chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề, cũng chẳng phải lìa sự phát khởi tâm ban đầu mà chứng, chẳng phải tâm sau phát khởi mà chứng, cũng chẳng phải lìa tâm sau phát khởi mà chứng, các Bồ tát do tinh cần tu học mười địa viên mãn, nên chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như Lai đã thuyết nghĩa lý duyên khởi rất là thậm thâm. Nghĩa là các Bồ tát chẳng phải do tâm ban đầu phát khởi chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề, cũng chẳng phải lìa sự phát khởi tâm ban đầu chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề; chẳng phải tâm sau phát khởi thì chứng được, cũng chẳng phải lìa sự phát khởi tâm sau chứng, mà các Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật làm cho các căn lành dần dần tăng trưởng, viên mãn mười địa, chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Khi tâm đã diệt rồi, có thể phát sanh lại được không?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng được!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Nếu tâm đã sanh có pháp diệt chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Như vậy! Nếu tâm đã sanh rồi, nhất định có pháp diệt!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Có pháp diệt, tâm chẳng sẽ diệt chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng sẽ!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Tâm trụ là tâm như chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Như vậy! Tâm như, tâm trụ như thế.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Nếu tâm trụ như, tâm này là thường như như chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng thường!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Các pháp như là thậm thâm chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Các pháp như rất là thậm thâm.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Tức như là tâm chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Lìa như có tâm chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng có!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Tâm tức là như chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Lìa tâm có như chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Không có!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Như có thể thấy được như chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng thấy(2)!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Nếu Bồ tát hành được như vậy là hành Bát Nhã thâm sâu chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Nếu Bồ tát hành được như vậy là hành Bát Nhã thâm sâu.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Nếu Bồ tát hành được như vậy là hành chỗ nào?

Thiện Hiện đáp:

- Nếu Bồ tát hành được như thế đều vô sở hành. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ tát hành Bát Nhã thẳm sâu, không tâm hiện hành, không chỗ hiện hành. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ tát khi hành Bát Nhã thẳm sâu trụ trong như đều không hiện hành, không chỗ hiện hành và kẻ hiện hành vậy.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Khi Bồ tát hành Bát Nhã thâm sâu là hành chỗ nào?

Thiện Hiện đáp:

- Khi Bồ tát hành Bát Nhã thâm sâu là hành thắng nghĩa đế. Trong đây sự hiện hành và chỗ hiện hành đều vô sở hữu, có được và không được đều bất khả đắc.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Nếu Bồ tát khi hành Bát Nhã thẳm sâu, hành trong thắng nghĩa đế dù chẳng lấy tướng mà hành tướng chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng hành!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? khi hành Bát Nhã thâm sâu, Bồ tát này hành trong thắng nghĩa đế là khiển tưởng tướng chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Không!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Khi hành Bát Nhã thâm sâu, Bồ tát này hành trong thắng nghĩa đế là chẳng khiển tướng tưởng chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng khiển!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Bồ tát này khi hành Bát Nhã thâm sâu, vì khiển tướng hay chẳng khiển tưởng tướng chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Khi hành Bát Nhã thâm sâu, Bồ tát này chẳng nghĩ: Ta sẽ khiển tướng và khiển tưởng tướng. Cũng chẳng khởi nghĩ đây: Ta phải khiển vô tướng và khiển tưởng vô tướng. Đối tất cả thứ đó không phân biệt vậy.

Bạch Thế Tôn! Bồ tát này hành Bát Nhã thẳm sâu, dù có thể lìa được các phân biệt như thế mà tu Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng thảy vô lượng vô biên công đức thù thắng nhưng chưa viên mãn, nên chưa chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Bồ tát này trọn nên phương tiện khéo léo nhiệm mầu, do phương tiện khéo léo nhiệm mầu đây, đối tất cả pháp chẳng thành chẳng hoại, chẳng lấy chẳng khiển. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Bồ tát này đạt tất cả pháp tự tướng không vậy.

Bạch Thế Tôn! Bồ tát này trụ trong tự tướng không của tất cả pháp. Vì cứu độ các hữu tình nhập vào ba Tam ma địa(3), do nguyện lực đại bi dẫn dắt, thúc đẩy, nương vào ba định này thành thục hữu tình.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói!

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

- Bồ tát này nhập vào ba Tam ma địa ấy làm thế nào để thành thục hữu tình?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Bồ tát này an trụ không Tam ma địa, thấy các hữu tình nhiều chấp ngã, ngã sở, dùng phương tiện giáo hóa làm cho họ an trụ không Tam ma địa. Rồi Bồ tát này an trụ vô tướng Tam ma địa, thấy các hữu tình phần nhiều hành các pháp tướng, bèn dùng sức phương tiện giáo hóa làm cho họ an trụ vô tướng Tam ma địa. Bồ tát này an trụ vô nguyện Tam ma địa, thấy các hữu tình có nhiều sở nguyện và ham muốn, bèn dùng sức phương tiện giáo hóa, làm cho họ an trụ vô nguyện Tam ma địa.

Thiện Hiện! Khi hành Bát nhã Ba la mật thâm sâu, Bồ tát này cứ như vậy mà vào ba Tam ma địa này tùy theo sự thích ứng, phương tiện thành thục tất cả hữu tình.

 

Thích nghĩa:

(1). Sắc như hay chơn như của sắc là một như, không hai không khác.

(2). Nguyên đoạn Kinh này (được ghi đậm nét), như chúng tôi đã nhiều lần lưu ý, dịch giả dùng từ kép“chơn như”để diễn tả cái như tánh của muôn pháp. Chúng tôi dùng một từ đơn là “như” thay vì chơn như.

(3). Ba Tam ma địa: Còn gọi là Tam Tam ma địa: Không, vô tướng, vô nguyện tam muội. (Xem Phần thứ I Tổng luận).

 

Sơ giải:

 

Phẩm “Giáo Nghĩa Thẳm Sâu” của Hội thứ II này, Tương đương với phẩm “Phương Tiện Thiện Xảo”, quyển 328 cho đến hết quyển 330, Hội thứ I, ĐBN. Đây là một phẩm hay, có nhiều giáo lý thậm thâm. Phẩm “Phương Tiện Thiện Xảo” đã tóm lược và giảng luận rồi, nên ở đây không cần lặp lại nữa. Quý vị có thể quay lại ôn tập nếu muốn.

 

---o0o---