Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 57. Phẩm "Trời Căng Già"

 

PHẨM “TRỜI CĂNG GIÀ” hay “CĂNG GIÀ THIÊN”(1)

Phần cuối cùng quyển 451, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương với phẩm cùng tên là “Căng Già Thiên”,

phần giữa Q.331, Hội thứ I, ĐBN)

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, trong chúng có một Thiên nữ tên Căng Già Thiên từ tòa đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, kéo áo che vai trái, gối hữu chấm đất(2), chắp tay cung kính thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Con sẽ tu đủ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát nhã Ba la mật, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật. Tịnh độ được con trang nghiêm cũng giống như cõi Phật mà hôm nay đức Thế Tôn đã nói cho đại chúng nghe trong Kinh Bát nhã Ba la mật thẳm sâu này, trong đó mọi thứ đều viên mãn.

Sau khi nói xong, Căng Già Thiên liền đem đủ loại hoa vàng, hoa bạc, các loài hoa mọc trên cạn hoặc dưới nước, đồ trang sức và một bộ thiên y màu vàng kim hết lòng cung kính rải dâng lên Phật. Nhờ thần lực Phật các thứ đó bay lên không trung xoay quanh bên phải, hóa thành đài báu có bốn trụ và bốn góc ở trên đảnh Phật. Đài ấy được trang trí xinh đẹp, rất đáng ưa thích. Đấy là Thiên nữ đem căn lành này cùng các hữu tình bình đẳng chung có, hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Bấy giờ, Thế Tôn biết Thiên nữ kia chí nguyện sâu rộng bèn mỉm cười. Thường chư Phật khi mỉm cười thì có ánh sáng đủ màu sắc từ miệng chiếu ra. Nay Phật cũng vậy, từ miệng Ngài phóng ra đủ loại ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tím, xanh biếc, xanh lục v.v… chiếu khắp mười phương vô lượng, vô biên thế giới chư Phật, rồi trở lại cõi này, hiện đại thần biến xoay quanh Phật ba vòng, rồi nhập vào đảnh Phật(3).

Khi ấy, A Nan Đà thấy nghe rồi, từ tòa đứng dậy, đỉnh lễ chân Phật, kéo áo che vai trái, gối hữu chấm đất, chấp tay cung kính thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà Phật mỉm cười? Chư Phật mỉn cười chắc có nhân duyên?

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Khánh Hỷ rằng:

- Thiên nữ đây tức là người thọ thân nữ sau cùng. Xả thân này rồi bèn thọ nam thân, tận đời vị lai chẳng làm nữ nữa. Từ đây chết rồi sẽ sanh qua cõi Phật Bất Động ở phương Đông, một cõi Phật rất đáng ưa thích. Ở chỗ Phật đó có hiệu là Kim Hoa, siêng tu Bồ tát hạnh.

Khánh Hỷ! Phải biết Kim Hoa Bồ tát từ thế giới Phật Bất Động chết rồi, lại sanh phương khác, từ một cõi Phật đến một cõi Phật cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Sanh ở đời chỗ nào thường chẳng lìa Phật, như vua Chuyển luân từ cung điện này đến cung điện khác, vui khoái hưởng lạc, cho đến mạng chung chân chẳng đạp đất. Kim Hoa Bồ tát cũng lại như thế, từ một nước Phật đến một nước Phật cho đến Vô thương Chánh Đẳng Bồ đề, ở trong đời thường thấy chư Phật, hằng nghe Chánh pháp, tu Bồ tát hạnh.

Bấy giờ, Khánh Hỷ thầm khởi nghĩ: Kim Hoa Bồ tát khi làm Phật cũng sẽ tuyên nói Bát Nhã thẳm sâu; số lượng Bồ tát trong hội ấy có nhiều bằng số Bồ tát trong hội Phật hiện nay chăng?

Phật biết ý liền bảo Khánh Hỷ rằng:

- Như vậy! Như ngươi đã nghĩ! Kim Hoa Bồ tát khi làm Phật cũng vì chúng hội tuyên nói Bát nhã Ba la mật thẳm sâu như thế. Chúng Bồ tát hội kia, số lượng cũng như chúng hội Bồ tát Phật hôm nay.

Khánh Hỷ! Phải biết Kim Hoa Bồ tát khi làm Phật, đệ tử xuất gia số ấy rất nhiều chẳng thể xưng kể. Nghĩa là chẳng thể đếm hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc trăm ngàn thảy. Chỉ có thể nói tổng số chúng vô lượng vô biên trăm ngàn trăm ức muôn ức.

Khánh Hỷ! Phải biết Kim Hoa Bồ tát khi thành Phật, cõi kia không có nhiều thứ tội lỗi, như trong Kinh Bát nhã Ba la mật đây đã nói.

Bấy giờ, Khánh Hỷ lại thưa Phật rằng:

- Thiên nữ này trước đây vào thời đức Phật nào đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, trồng các căn lành hồi hướng phát nguyện, mà nay gặp Phật cúng dường cung kính mà được trao ký Bất thối chuyển?

Phật bảo Khánh Hỷ:

- Thiên nữ đây ở thời Phật Nhiên Đăng đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, trồng các căn lành hồi hướng phát nguyện, nên nay gặp Ta cúng dường cung kính mà được nhận ký Bất thối chuyển.

Khánh Hỷ! Phải biết Ta ở quá khứ chỗ Phật Nhiên Đăng đem năm cọng hoa dâng rải Phật, hồi hướng phát nguyện. Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết Ta căn lành đã thành thục, liền trao ký cho Ta: “Người đời vị lai sẽ được làm Phật, hiệu là Năng Tịch, cõi danh Kham nhẫn, kiếp hiệu là Hiền”. Bấy giờ, Thiên nữ cũng đang ở đó thấy Phật Nhiên Đăng trao ký cho Ta, vui mừng khôn xiết, liền đem hoa vàng dâng rải lên Phật, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, trồng các căn lành, hồi hướng phát nguyện rằng: “Tôi đời sau đối trước Bồ tát này khi Ngài thành Phật, sẽ trao ký đại Bồ đề cho tôi”. Do duyên đó nên nay Ta trao ký cho thiên nữ này.

Bấy giờ, Khánh Hỷ nghe Phật nói, vui mừng, lại thưa Phật rằng:

- Chính Thiên nữ đây từ lâu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề trồng nhiều cội đức, nay được thành thục. Vì vậy, nên được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trao ký cho.

Phật bảo:

- Khánh Hỷ! Như vậy! Như ngươi đã nói! Thiên nữ Căng Già đây từ lâu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề trồng nhiều cội đức, nay đã thành thục, nên Ta trao ký sở cầu Bất thối chuyển Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề như cô ấy mong muốn.

 

Thích nghĩa:

(1). Căng Già Thiên, Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, quyển thứ 20 còn gọi là “Hằng Già Đề Bà”: Một Thiên nữ chứng kiến ngày Phật Nhiên Đăng trao ký cho Phật Thích Ca (lúc đó đang tu Bồ tát đạo) và ngay đó phát nguyện, khi nào Bồ tát (tức Phật Thích Ca) này thành Phật thì sẽ trao ký cho mình. Nhờ tu sáu Ba la mật, thành thục hữu tình, thanh tịnh Phật độ, trồng nhiều công đức thiện căn, lại đem các công đức ấy ban cho tất cả hữu cùng chung hồi hướng Vô Thượng Bồ đề. Nhờ công đức thiên căn thành thục viên mãn nên Phật Thích Ca thọ ký cho Thiên nữ ấy. Thiên nữ có tên là Căng Già, tên này không được phổ thông lắm, nên Kinh sách ít nói đến.

(2). Đảnh lễ chân Phật, lệch che vai tả, gối hữu chấm đất: Tục lệ bên Ấn khi Phật còn tại thế, bất cứ Phật tử nào dầu là dân dã hay quan quyền, vua chúa... khi gặp Phật thường đảnh lễ chân Phật, nghĩa là “dập” đầu trên hai chân Phật để lễ lạy. Đối với Tăng Ni, khi gặp Phật cũng dập đầu trên hai chân Phật, trịch áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất. Kinh Bát Nhã, phẩm “Căng Già thiên”, quyển 331, Hội thứ I ghi là “phủ che vai trái”. Cũng cùng một phẩm “Căng Già Thiên”, quyển 451, Hội thứ II ghi là “lệch che vai trái”. Quyển 517, Hội thứ III ghi là “trịch áo bày vai hữu”. Cách diễn tả của ba Hội tuy có khác, nhưng tục lệ chỉ là một, nghĩa là khi Tăng Ni gặp Phật nếu cần thưa thỉnh thì phải đảnh lễ chân Phật, trịch áo bày vai phải, gối phải chấm dất. Đến khi Phật nhập Niết bàn mỗi khi Phật tử hay Tăng Ni vào chùa, thiền tự, hay tịnh xá... nếu gặp hình tượng Phật, thường dập đầu lên hai bàn tay ngửa lên mà lễ lạy Phật. Hai bàn tay ngửa tượng trưng cho chân Phật. Còn Tăng Ni từ thời Phật còn tại thế đến bây giờ thường vận cà xa (hay áo bá nạp) phủ từ vai trái choàng qua nách phải, để trần vai phải. Kinh thường diễn tả “lệch che vai trái”. Lối diễn tả này khó hiểu vì lệch có nghĩa là trịch xuống, nên chúng tôi sửa lại “kéo áo che vai trái”. Có hai lối diễn tả hoặc “trịch áo bày vai hữu” hay “kéo áo che vai trái” như nhau. TB

(3). Đảnh Phật: Trên đỉnh đầu của đức Phật có nhục kế (khối u bằng thịt như búi tóc). Đó là một trong 32 tướng hảo của Chư Phật, chỉ có Phật mới có. Các hào quang thâu phát nhiều nhất ở đây.

 

Lược giải:

 

Kinh Đại Bát Nhã đột ngột đưa ra một nhân vật tên là Căng Già Thiên hay Hằng Già Đề Bà, được Phật thọ ký thành Như Lai Chánh Đẳng giác. Sự kiện nầy có lẽ làm độc giả ngạc nhiên. Nhân vật nầy không phải là một Bồ tát đại từ đại bi như đức Quán Âm, đại trí như Văn Thù Sư lợi, đại hạnh như Phổ Hiền… Nhân vật nầy cũng không phải là đại đệ tử trí tuệ của Phật như Xá Lợi Phất, thần thông biến hóa như Mục kiền Liên, “người giải Không vào bậc nhất như Tu Bồ Đề, người có trí nhớ siêu việt như Ngài A Nan hay biện tài vô ngại như Phú Lâu Na v.v… thường xuất hiện trong nhiều Kinh điển Phật học. Nhân vật nầy chỉ là một người bình thường như những chúng sanh bình thường khác.

Tuy nhiên, Căng Già Thiên biết chứa nhóm thiện căn, tích tụ công đức, lại phát nguyện rộng lớn tu hành sáu phép Ba la mật liền được Phật thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Điều đó chứng tỏ bất cứ ai tu Bát nhã Ba la mật chứa nhóm thiện căn, tích tụ công đức, phụng thThiện hữu tri thức, cúng dường nhiều đời Phật… đều có cơ hội được thọ ký như trường hợp của thiên nữ nầy.

Phẩm nầy không phải là một phẩm đặc biệt, nhưng trở thành đặc biệt. Thiên nữ này bình thường cũng giống như trăm ngàn thiên nữ khác nhưng được thọ ký thành Phật vì chí nguyện sâu rộng, phát Bồ đề tâm, tu hành lục độ vạn hạnh, trồng nhiều cội phước, nay đã thành thục nên được Phật thọ ký. Điều đó có nghĩa ai cũng có phần nếu tiến tu như thiên nữ Căng Già Thiên này.

Phần thưởng Giác ngộ to lớn nhất không phải dành riêng cho Phật, mà dành riêng cho tất cả chúng sanh kể từ khi Phật chứng ngộ. Phật đã trao chìa khóa đó cho tất cả chúng sanh kể từ khi Ngài Giác ngộ từ 26 thế kỷ trước. Phật đã “rát hầu rã họng” thét vào tai chúng sanh mà mấy ai chú ý nghe theo. Tịnh tu phạm hạnh rồi một ngày nào đó sẽ có cơ hội, không thể ngồi hả miệng chờ sung rụng, phải đào xới bới vỡ mới có miếng ăn! Tu lục độ vạn hạnh và tất cả các pháp môn Phật học, tích tụ công đức thiện căn, tôn thờ bạn lành, cúng dường cung kính tất cả chư Phật. Đó là cơ hội!

Bởi vì những lý do đó nên mới có phẩm “Căng Già Thiên” này. Đây không phải là một trường hợp đặc biệt mà trở thành đặc biệt, nêu gương cho bất cứ ai có nguyện ước muốn trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề để hóa độ chúng sanh!

 

---o0o---