Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Luận #13. Các Pháp Dễ Hiểu, Dễ Học, Nhưng Khó Tu Khó Chứng

 

LUẬN #13. CÁC PHÁP DỄ HIỂU, DỄ HỌC,

NHƯNG KHÓ TU KHÓ CHỨNG.

 

Đọc xong ba quyển cuối cùng: Quyển 598, 599 và 600 trong toàn bộ ĐBN, chúng tôi cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn bao giờ hết. Thoải mái dễ chịu không có nghĩa là sắp hoàn thành thiên Tổng luận này sau gần 10 năm miệt mài đọc tụng nghiên cứu khảo luận mà thoải mái là giáo pháp này dễ hiểu dễ học. Nói chung, Kinh điển thuộc hệ Bát Nhã không dễ gì thâm nhập, nhiều giáo pháp phải đọc đi đọc lại hàng chục lần, có khi phải thức trắng nhiều đêm, có khi phải gác sang một bên, tiếp tục học hỏi các giáo khác rồi mới trở lại trì tụng tiếp.

Nhưng đọc 3 quyển cuối cùng, đọc tới đâu hiểu tới đó, có lẽ vì các lý do sau đây: Một, các giáo lý của 3 quyển này đã được xiển dương nhiều lần trong các pháp hội trước và hai nữa giáo lý này hiển hiện quá gần gũi và thân thiết trong sinh hoạt thường nhật của mỗi chúng ta như cơm, nước, củi, lửa mà chúng ta không thể nào ngoảnh mặt quay đi được. Tất cả nhân sinh và vũ trụ phơi bày trong đó! Nên có lẽ Phật chọn 3 quyển này để kết thúc cho việc thuyết giảng Đại Bát Nhã Ba La Mật này chăng?

Không phải giáo lý bí nhiệm, khó giác, khó hiểu mới được coi là mầu nhiệm vi diệu. Còn giáo pháp dễ hiểu, dễ học lại xem thường? Các pháp càng giản dị, càng dễ hiểu, càng dễ lãnh hội chừng nào lại càng khó diễn đạt hơn bao giờ hết. Ở đây chúng tôi không luận về các giáo pháp cao thấp, hay dở... mà ở đây chúng tôi chỉ muốn nói đến tánh cách xảo diệu trong kỹ thuật truyền đạt tư tưởng mà thôi.

Như trên giới thiệu Phật thuyết quá nhiều về các giáo pháp được coi là cực kỳ hy hữu. Gần kết thúc 16 pháp hội, Phật lại bảo chẳng có pháp khá trụ khá vượt, các pháp không phải là thực tại tuyệt đối hay thực tại cứu cánh nào cả. Đến ba quyển cuối cùng Phật thuyết các giáo pháp hết sức dễ hiểu dễ học. Mục đích để cho bất cứ ai học Phật nhất là trì tụng Đại Bát Nhã cũng có phần.

Nên, đối với chúng tôi 3 quyển cuối cùng mặc dầu cho là dễ hiểu, dễ học nhất, nhưng lại được xem là quan trọng. Vì có hợp với căn cơ, trình độ thì mới có thể tiêu hóa được. Ba quyển cuối cùng có thể đáp ứng được nhu cầu này, nên chúng tôi mới nói là quan trọng nhất. Đọc tới Quý vị sẽ hiểu tại sao?

 

1- Quyển 598, Phật nói gì?

 

1/. Không hành.

 

Đừng lẫn lộn cụm từ “không hành” trong Bát Nhã mà chúng ta thường thấy. Suốt cuộc đời của Bồ tát là hành đạo để hóa độ chúng sanh: Trên cầu Vô thượng Bồ đề dưới hạ hóa chúng sanh, nên cũng gọi là tu Bồ tát đạo, hành Bồ tát hạnh. Hành có nghĩa là hành động tạo tác theo nghĩa thông thường của nó. Hành bắt nguồn ở thấy biết, nghĩ tưởng, một trong năm uẩn. Con người không thể ngồi chờ sung rụng. Phải hành để mà sống. Hành chẳng có gì xấu tốt, nhiễm tịnh ở đây miễn đừng dụng tâm tham ái. Hành do lục dục(1), thất tình(2), do bát phong(3) thúc đẩy mới xấu. Ngoài không phan duyên, trong không bám víu, đó là hành như không hành, gọi là vô đạo hành, vô công dụng hạnh, nghĩa là hành mà không có tàng trữ cất giấu, nương chấp v.v... Kinh nói: “Nếu các Bồ tát hành như vậy thì không hành sắc cho đến thức, không hành tập, không hành diệt, không hành sâu, không hành cạn, không hành Không, không hành bất Không, không hành hữu tướng, không hành vô tướng, không hành hữu nguyện, không hành vô nguyện, không hành có tạo tác, không hành không có tạo tác.

Vì tất cả pháp ấy đều có nương chấp, xoay chuyển, hý luận, và ái thú. Nghĩa là ta có thể hành xoay chuyển như vậy; đối với điều này ta hành hý luận như vậy; do điều này mà ta hành ái thú như vậy; dựa vào điều này mà ta hành nương chấp như vậy. Trong đó, Bồ tát biết rõ tất cả nương chấp, động chuyển, hý luận, ái thú. Vì biết cái hại đây nên họ tránh được chỗ nương chấp, vì không chỗ nương chấp nên hoàn toàn không có sở hành, cũng không có chứa giữ, cất giấu. Vì không có chứa giữ cất giấu nên không bị trói buộc, cũng không lìa trói buộc. Do đó, mà không có phát khởi và không theo phát khởi. Bồ tát nào biết cái hại về nương chấp ấy là tu hành Bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, nếu các Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật, đối với sắc cho đến thức không hành thường hay vô thường, không hành vui hay không vui, không hành ngã hay vô ngã, không hành tịnh hay bất tịnh, không hành Không hay bất Không, không hành như huyễn, không hành như mộng, không hành như bóng, không hành như tiếng vọng trong hang.

Vì sao? Vì các pháp có tầm, có tứ, có hành, có quán. Trong đây, nếu Bồ tát biết rõ tất cả có tầm, có tứ, có hành, có quán để dẹp tất cả hành và biết khắp các hành mà tu hành Bát nhã Ba la mật, thì đó là giảng nói các hạnh của Bồ tát”. (Q. 598, phần “Bát Nhã Ba La Mật”)

Không hành sở duyên, không phải là không hành, hành nhưng không bám vào nghĩ tưởng hay sở duyên. Trước khi hành động hay làm bất cứ việc gì ai cũng phải biết mục đích là gì, hậu quả ra sao? Nhưng khi xét đến mục đích mà thấy có nương chấp, có tàng giữ cất giấu tức có tùy thuộc là có động chuyển... thì không nên hành nữa nếu không muốn nói là hành trong điên đảo, hý luận.

Vì vậy, “làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó”(4). Đó là lời cảnh giác quý báu không những cho đạo mà cả cho đời!

 

2/. Không chấp tâm và tâm sở.

 

“... Lại nữa, nếu nói rằng do tâm sanh thì đó là điên đảo, còn nói rằng tâm không sanh thì cũng là điên đảo. Nếu có thể thông đạt tâm và tâm sở đều vô sở hữu thì chẳng điên đảo. Chẳng phải bản tánh của tâm có sanh, có khởi, có tận, có diệt... tương quan với điên đảo mà bảo rằng tâm, tâm sở có sanh, có khởi, có tận, có diệt.

Bởi chấp đắm tâm tức là ngã, tâm là ngã sở, tâm nương nơi ngã, tâm từ ngã sanh. Sau khi người kia chấp tâm rồi, lại chấp là thiện hoặc chấp phi thiện, hoặc chấp là vui hoặc chấp là khổ, hoặc chấp là đoạn hoặc chấp là thường, hoặc chấp kiến thú hoặc chấp các che, hoặc chấp điên đảo, hoặc chấp bố thí xan tham, hoặc chấp trì giới phạm giới, hoặc chấp an nhẫn giận dữ, hoặc chấp tinh tiến lười biếng, hoặc chấp tĩnh lự tán loạn, hoặc chấp Bát Nhã ác huệ, hoặc chấp ba cõi, hoặc chấp duyên khởi, hoặc chấp danh sắc, hoặc chấp tham sân si, hoặc chấp ganh ghét keo kiết, hoặc chấp ngã mạn, hoặc chấp khổ tập diệt đạo, hoặc chấp lục đại chủng, hoặc chấp hữu tình pháp giới, hoặc chấp niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn lực, giác chi, đạo chi, hoặc chấp tịnh lự giải thoát, đẳng trì đẳng chí, hoặc chấp vô lượng thần thông, hoặc chấp minh và giải thoát, hoặc chấp tận trí, vô sanh trí, hoặc chấp vô tạo tác trí, hoặc chấp Phật Pháp Tăng Bảo, hoặc chấp Thanh văn Độc giác Bồ tát Phật địa, hoặc chấp Thanh văn Độc giác Bồ tát Phật, hoặc chấp vô trước trí, hoặc chấp bát Niết bàn, hoặc chấp Phật trí, hoặc chấp tướng hảo, hoặc chấp cõi Phật, hoặc chấp Thanh văn viên mãn, hoặc chấp Độc giác viên mãn, hoặc chấp Bồ tát viên mãn, hoặc chấp các tạp nhiễm thanh tịnh khác nữa”.

Nếu thấy biết tất cả pháp mà không chấp trước thì không điên đảo. Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật, xa lìa chấp tâm và tâm sở, ngã và ngã sở nên chứng tâm thanh tịnh trong đó hoàn toàn không sanh tâm. Nếu tâm thanh tịnh thì không có hành động nào ngoài thân có thể làm cho nó hoen ố được; nó sẽ tùy cơ ứng biến qua lại tự do mà bổn thể vẫn hoàn toàn vô nhiễm.

Kinh nói tiếp: “Phàm phu ngu si nương vào cảnh duyên mà sanh tâm, tâm sở rồi chấp có duyên, chấp có tất cả tâm, tâm sở. Các Bồ tát biết duyên và tâm, tâm sở phát sanh hoàn toàn không có, nên không sanh tâm, tâm sở. Nếu Bồ tát quán tất cả tâm, tâm sở như vậy thì được bản tánh thanh tịnh và trong suốt. Còn phàm phu ngu si điên đảo, vọng sanh tạp nhiễm nên nghĩ: Do duyên vào cảnh nên sanh tâm, tâm sở.

Nếu biết rõ cảnh đã duyên vô sở hữu thì tâm, tâm sở đều không sanh. Đã không sanh thì cũng không trụ diệt, vì bản tánh của tâm, tâm sở trong suốt và thanh tịnh, lìa nhiễm, được tịnh nên vui”.(Q. 598, phần “Bát Nhã Ba La Mật”)

Tâm vốn vắng lặng trong suốt, tự mình nghĩ tưởng nọ kia như người khuấy bùn tự nhiên nước trong khuấy thành đục rồi lăng xăng tìm cách lóng. Một khi nước biến thành đục thì liền theo đó một chuỗi dài sanh diệt trôi lăn, hết gạn rồi lóng, hết lóng rồi gạn... suốt đời loanh quanh khổ mình, khổ người mà không tự biết.

 

3/. Vì các pháp không có tự tánh, lấy vô tánh làm tự tánh, nên không tu cũng không khiển tu.

 

“Không có chút pháp tánh được coi là thực tại cứu cánh, tất cả pháp (đều tùy theo) thế tục giả lập, chẳng phải trong ấy có chút tự tánh. Vì không tự tánh nên đều chẳng thật có. Các pháp đều lập vô tánh làm tánh, vậy nên các pháp không thật không sanh. Vì sao? Vì các pháp điên đảo đều chẳng thật có, các pháp đều từ điên đảo mà khởi. Các điên đảo ấy đều không thật tánh. Vì sao? Vì tất cả pháp đều lìa tự tánh, tìm cầu tự tánh trọn chẳng thể được, vậy nên đều lấy vô tánh làm tánh.

Vô tánh ấy không thật, không sanh, nên gọi vô tánh. Đây thời chỉ rõ tánh chẳng phải thật có, nên gọi vô tánh. Nếu tánh chẳng có thời chẳng thể tu, cũng chẳng thể khiển, điên đảo sở khởi chẳng phải thật có, nên chẳng thể tu cũng chẳng thể khiển. Vì sao? Vì tất cả pháp lấy vô tánh làm tánh, xa lìa tự tánh thời chẳng phải thật vật. Vì chẳng thật vật nên không tu không khiển.

Nếu các đại Bồ Tát đối trong các pháp trụ kiến như thật, tu hành Bát nhã Ba la mật, đối tất cả pháp không tu không khiển, gọi tu Bát nhã Ba la mật. Nếu các Bồ tát năng hành như thế, năng trụ như thế tu hành Bát nhã Ba la mật mau được viên mãn”.

Điên đảo thanh tịnh cũng là pháp, triền cái ái hành cũng là pháp, phiền não Niết bàn cũng là pháp... Pháp nào, pháp nào cũng đầy dẫy trong vũ trụ. Nó xuất phát từ đâu, sanh khởi từ đâu, đến đi thế nào? Kinh nhiều lần, quá nhiều lần đều nói pháp không sanh pháp, pháp không biết pháp, pháp không thấy pháp. Đó không phải là câu nói trống không.

Như Kinh nói khổ, khổ từ đâu đến? Nếu không biết khổ từ đâu đến tức khổ đoạn. Nhưng “không có sự đoạn trừ nên mới hiển bày ý niệm về khổ đoạn”. Tu để đoạn khổ, để khiển những thứ điên đảo sanh ra khổ. Nhưng chẳng có gì để đoạn, chẳng có gì để khiển, điên đảo sở khởi chẳng phải thật có. Vì “tất cả pháp lấy vô tánh làm tánh, xa lìa tự tánh thời chẳng phải thật vật. Chẳng thật vật nên không cần tu không cần khiển”.

Khó có thể chấp nhận quan điểm này lắm phải không? Cái duy lý là không thấy, không biết. Dĩ nhiên, không thấy không biết thì không sanh khởi. Không sanh khởi thì nói có nói không, chẳng nhằm nhò gì.

- Chắc không ai quên câu chuyện thiền phổ thông giữa Bồ Đề Lạt Ma và Nhị tổ Huệ Khả. Huệ Khả thưa: Con không an tâm, xin Thầy an tâm cho con. Đạt Ma bảo: Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho. Huệ Khả quay lại tìm tâm, tìm hoài không thấy, nên đáp: Con không thấy tâm đâu cả. Đạt Ma đáp: Ta đã an tâm cho con rồi đó!

 

- Câu chuyện thứ hai giữa Tam tổ Tăng Xán và Đạo Tín:

Đạo Tín quì thưa: Xin Hòa Thượng chỉ dạy con pháp môn giải thoát. Tổ hỏi: Ai trói buộc ngươi? Sư đáp: Chẳng có ai. Tổ bảo: Chẳng có ai trói buộc thì tìm giải thoát làm gì? Nghe câu ấy, Sư tỉnh.

Cả hai câu chuyện trên cho thấy những gì do nghĩ tưởng đều là sở khởi không thật. Vì không phải là “thật vật” nên không thấy không biết. Không thấy không biết thì có gì để chữa, để đoạn! Đoạn Kinh kế tiếp Phật giải thích ý niệm này.

 

Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 599, Hôi thứ XVI, ĐBN. Kinh nói:

“... Vì không có sự đoạn trừ nên mới hiển bày ý niệm về khổ đoạn. Nghĩa là trong đó không có một chút khổ nào để đoạn trừ nên gọi là khổ đoạn. Nếu khổ tự tánh có chút chơn thật thì mới có thể đoạn trừ, nhưng tự tánh khổ không chút chơn thật nên không có chỗ để đoạn trừ, chỉ thấy khổ không có nữa nên gọi khổ đoạn. Nghĩa là biết khắp khổ trọn không tự tánh chút phần khá được nên gọi khổ đoạn. Nếu mọi người đối với khổ hoàn toàn không phân biệt và phân biệt khác thì gọi là khổ tịch tĩnh, tức là làm cho khổ không còn có ý nghĩa phát sanh nữa”.

Không có gì để đoạn trừ nên mới hiển bầy ý niệm về khổ đoạn. Nếu khổ tự tánh có chút chơn thật thì mới có thể đoạn trừ, nhưng tự tánh khổ không chút chơn thật nên không có chỗ để đoạn trừ, chỉ thấy khổ không có tự tánh nên gọi khổ đoạn. Mấu chốt là thấy tự tánh của khổ có chút chơn thật hay không?

Khổ thì ai cũng thấy, nhưng thấy được tự tánh của khổ có chút chơn thật, là điều hết sức khó. Và còn khó hơn nữa là đối với khổ mà hoàn toàn không phân biệt và phân biệt khác. Đó là cái có thể hiểu, có thể biết, dễ hiểu dễ biết quá, nhưng không phải dễ hành dễ chứng! Đời trăm cay nghìn đắng, tam khổ, tứ khổ, bát khổ... đủ điều như mạng nhện. Tại sao so sánh với mạng nhện? Bởi vì một con vật rơi vào mạng nhện chằng chịt cố vùng vẫy nhưng làm sao thoát khỏi chết. Khổ làm sao không thấy, không biết, không phân biệt. Phàm phu là thế, nên phải chịu nhiều đắng cay, cháy cả ruột gan. Còn Thánh giả không thấy không biết, không phân biệt nên nói khổ tịch tĩnh, tức làm cho khổ không còn chỗ phát sanh nữa, nên nói là khổ đoạn, đoạn nhưng chẳng có gì để đoạn!

 

4/. Tất cả pháp không thủ, không chấp, không trụ, không trước.

 

“Vì tất cả pháp chẳng thể tùy lấy, chẳng thể chấp thọ, không năng tùy lấy, không năng chấp thọ. Vì sao? Vì không có chút pháp nào khá chấp thọ, cũng không chút pháp năng có chấp thọ. Vì hoặc năng chấp thọ hoặc sở chấp thọ đều chẳng thể đắc. Vì tất cả pháp đều chẳng chắc thật như việc huyễn vậy. Vì tất cả pháp đều tánh chẳng tự tại, trơ lì chẳng thể đắc vậy. Vì tất cả pháp đều như bóng sáng chẳng thể lấy vậy.Vì tất cả pháp thảy đều hư ngụy, không tự tánh vậy. Vì tất cả pháp đều như nhóm bọt chẳng thể bắt nắm vậy. Vì tất cả pháp đều như bọt nổi khởi rồi chóng diệt vậy. Vì tất cả pháp như quáng nắng do điên đảo mà sanh. Vì tất cả pháp đều như cây chuối, lõi không chắc thật vậy. Vì tất cả pháp đều như trăng trong nước chẳng thể bắt lấy vậy. Vì tất cả pháp đều như cầu vồng hư dối phân biệt vậy. Vì tất cả pháp đều không có tác dụng nên không thể phát sanh. Vì tất cả pháp đều như nắm tay rỗng không nên tánh, tướng nó không thật.

Các Bồ tát sau khi quán sát như vậy rồi, đối với tất cả pháp không thủ, không chấp, không trụ và không trước. Nếu các Bồ tát giữ gìn lòng tin sâu sắc đối với tất cả pháp, không còn chấp trước, không chấp chặt, không tham ái là hành Bát nhã Ba la mật. Nếu các Bồ tát hành như vậy, trụ như vậy mà tu hành Bát nhã Ba la mật thì mau được viên mãn”. (Q. 598, phần “Bát Nhã Ba La Mật”)

Pháp môn như huyễn như mộng là pháp môn khó thấy khó giác. Nếu giác biết được như vậy sẽ thấy tất cả pháp đều không, như “Tâm Kinh” nói sẽ không còn điên đảo mộng tưởng, không còn quái ngại nên chứng Niết bàn. Đấy là bài học quý báu cho bất cứ ai đối với tất cả pháp không thủ, không chấp, không trụ, không trước. Nếu hành được như vậy là hành Bát nhã Ba la mật mau được viên mãn.

 

5/. Rốt ráo Bồ tát không phải học:

 

 Không cần phải tìm đâu xa các giáo pháp gọi là siêu việt để tu để hành. Toàn quyển 598 nói lên các giáo pháp hết sức giản dị: Không chỗ phan duyên thì không chỗ hành, không chỗ hành thì không có chỗ bám, không chỗ bám thì không có tàng chứa cất giấu.

Ngoài không phan duyên, trong không chỗ bám, trong ngoài rỗng rang trong suốt, thì được tịch lặng an nhiên. Bởi chấp đắm tâm tức tâm là ngã, là ngã sở. Tâm nương nơi ngã, tâm từ ngã sanh. Tâm vốn không bỗng phát điên đảo, rồi sanh ra lo âu phiền muộn mới tìm cách tháo gỡ. Suốt đời loanh quanh hết buộc rồi gỡ, hết gỡ rồi buộc tự mình làm rối mình mà không tự biết!

Vì vậy, Kinh khuyên đừng chấp tâm và tâm sở. Vì sao? Vì các pháp không có tự tánh, lấy vô tánh làm tự tánh. Nên đối với tất cả pháp không thủ, không chấp, không trụ, không trước. Rốt ráo, không cần học, không cần tu, cũng không khiển.

Khi các Bồ tát quán biết các pháp như thế là không phải học. Không học uẩn xứ giới sanh hay diệt; không vì nhiếp phục hay không nhiếp phục uẩn xứ giới mà học, không vì uẩn xứ giới nhiếp phục hay dời chuyển mà học, không vì uẩn xứ giới hướng vào hay an trụ mà học.

Một khi đối với tất cả pháp không thủ, không chấp, không trụ, không trước, không tham ái... thì cần học, cần tu, cần khiển cái gì?

Nói thì quá dễ nhưng thực hành đến chỗ đó mới là siêu xuất! Làm sao không học mà thành đạo Bồ đề? Phật nói không biết bao nhiêu giáo pháp, bao nhiêu pháp môn mà rốt lại tuyên bố “đối với tất cả pháp không thủ, không chấp, không trụ, không trước” thì không cần học, không cần tu nữa! Nói như thế nhưng không phải thế. Nói “không thủ, không chấp, không trụ, không trước..”, chính là học, học cái không thủ, không chấp, không trụ, không trước đó!

 

Giáo pháp dễ hiểu, dễ thấy, dễ biết ai cũng có thể hiểu thấy biết, nhưng hành không dễ! Đó là lý do tại sao trong phần mở đầu giới thiệu ba quyển cuối cùng của phần “Bát Nhã Ba La Mật” này chúng tôi nói kỹ thuật truyền đạt tư tưởng của ba quyển Kinh này hết sức xảo diệu. Xảo diệu vì dễ hiểu, dễ thấy, nhưng khó học, khó hành, khó chứng!

 

Thích nghĩa cho quyển 598, phần "Bát nhã Ba la mật", ĐBN:

(1). Lục dục: Sáu thứ ham muốn là sắc dục, hình mạo dục, uy nghi dục, ngôn ngữ âm thanh dục, tế hoạt dục, và nhân tướng dục.

(2). Thất tình: Hỷ (mừng), nộ (giận), ai (đau đớn), cụ (sợ sệt), ái(yêu), ố (ghét), dục (muốn).

(3). Bát phong: Được (lợi), mất (suy), khen (dự), chê (hủy), vinh (xưng), nhục (cơ), khổ (khổ), vui (lạc).

(4). Sách do HT. Thích Thiện Hoa viết.

 

2- Quyển 599, Phật nói gì?

 

1/. Không năng duyên, sở duyên lìa ái thì được thanh tịnh.

 

“Khi các Bồ tát học thì không học về 5 uẩn là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là Không hay bất Không, là ngã hay vô ngã; cũng không học về 12 xứ 18 giới là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là Không hay bất Không, là ngã hay vô ngã. Khi các Bồ tát học như vậy thì không duyên vào căn trần xứ giới mà hành thuộc quá khứ hoặc hành thuộc vị lai hoặc hành thuộc hiện tại.

Nếu các Bồ tát học như vậy, tuy lấy hành tướng của Không, tịch tĩnh, vô ngã để quán sát quá khứ, nhưng không lấy sở hành về Không, tịch tĩnh, vô ngã thuộc quá khứ; tuy lấy hành tướng của Không, tịch tĩnh, vô ngã để quán sát vị lai, nhưng không lấy sở hành về Không, tịch tĩnh, vô ngã thuộc vị lai; tuy lấy hành tướng của Không, tịch tĩnh, vô ngã để quán sát hiện tại, nhưng không lấy sở hành về Không, tịch tĩnh, vô ngã thuộc hiện tại.

Nếu các Bồ tát năng hành như thế, tuy quán quá khứ không, vô ngã, vô ngã sở, vô thường, không hằng, không lâu, an trụ pháp chẳng biến đổi, mà chẳng hành nơi quá khứ như thế. Tuy quán vị lai hay hiện tại không, vô ngã, vô ngã sở, vô thường, không hằng, không lâu, an trụ pháp chẳng biến đổi, mà chẳng hành nơi vị lai hay hiện tại như thế. Nếu các Bồ tát nào hành được như vậy thì không duyên vào 5 uẩn; cũng không duyên vào 12 xứ, 18 giới; không duyên vào danh sắc; không duyên vào tạp nhiễm; không duyên vào điên đảo, tà kiến, các triền cái, ái hành; không duyên vào tham, sân, si; không duyên vào ngã, hữu tình v.v…; không duyên vào đoạn, thường; không duyên vào biên vô biên; không duyên vào cõi Dục, Sắc, Vô sắc; không duyên vào duyên khởi v.v...

Vì tất cả pháp chẳng có năng duyên, vì tất cả các pháp chẳng có sở duyên, chẳng phải tất cả pháp có chấp thủ mà cho rằng nó có sở duyên. Nếu có sở duyên tức là có tác động chấp trước; nếu có chấp trước thì sẽ có sầu, than, khổ, ưu, não. Nếu có sở duyên tức là bị trói buộc, không giải thoát mà xa lìa đạo. Do đó, làm cho tất cả khổ não tăng trưởng. Nếu có sở duyên tức là có nương chấp, động chuyển và hý luận. Nếu có sở duyên tức là có đấu tranh, kiện tụng. Nếu có sở duyên tức là có vô minh, si ám. Nếu có sở duyên tức là có sợ hãi. Nếu có sở duyên tức là có khổ bức bách và tìm cầu an lạc.

Bồ tát nào quán sát thấy có những tai hại như vậy thì không duyên vào tất cả pháp. Vì không duyên vào tất cả pháp nên không có chấp thủ, không chấp thủ nên không trước không trụ vào tất cả pháp. Bồ tát không có sở duyên như vậy thì đối với cảnh giới nhất định được tự tại. Mặc dù đối với cảnh giới nhất định được tự tại nhưng không có nương chấp, cũng không chỗ trụ.

Nếu các Bồ tát có thể hành như vậy, thì không bị phan duyên, không chấp trước các pháp nên có thể an trụ tất cả pháp mà không bị nhiễm. Nếu đối với khắp cảnh giới và pháp sở duyên mà các Bồ tát ấy đều không bị trói buộc thì coi như tu hành Bát Nhã chóng được viên mãn rồi”. (Q. 599, phần “Bát Nhã Ba La Mật”)

Không duyên vào 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới; không duyên vào danh sắc; không duyên vào tạp nhiễm; không duyên vào điên đảo, tà kiến, các triền cái, ái hành; không duyên vào tham, sân, si; không duyên vào ngã, hữu tình v.v…; không duyên vào đoạn, thường, không duyên vào biên vô biên, không duyên vào cõi Dục, Sắc, Vô sắc, không duyên vào duyên khởi v.v... Tất cả pháp chẳng có năng duyên, sở duyên. Năng duyên là thấy nghe hiểu biết. Sở duyên là chỗ nương tựa nắm bắt. Không có sở duyên thì năng duyên làm sao khởi?

Kinh nói: Nếu có sở duyên tức bị trói buộc, không giải thoát mà xa lìa đạo. Do đó, làm cho tất cả khổ não tăng trưởng. Nếu có sở duyên tức là có nương chấp, động chuyển và hý luận. Nếu có sở duyên tức là có đấu tranh, kiện tụng. Nếu có sở duyên tức là có vô minh, si ám. Nếu có sở duyên tức là có sợ hãi. Nếu có sở duyên tức là có khổ bức bách nên tầm cầu an lạc. Bồ tát không có sở duyên như vậy thì đối với cảnh giới nhất định được tự tại.

Nếu các Bồ tát có thể hành như vậy, thì không bị phan duyên, không chấp trước các pháp nên có thể an trụ tất cả pháp mà không bị nhiễm. Nếu đối với khắp cảnh giới và pháp sở duyên, các Bồ tát ấy đều không bị trói thì coi như tu hành Bát Nhã chóng được viên mãn rồi.

Thật là sâu sắc quá phải không? Đây cũng là kinh nghiệm thực tiễn. Chặt đứt năng duyên, sở duyên thì phá được “võng ma”, ma đây chính là ma chướng trong cuộc sống: Đó là phiền não chướng và sở tri chướng. Ai cũng thấy cũng biết như vậy, không cần chỉ bảo nói năng.

Đó là tất cả sự thật, không phải lý luận. Chịu khó tư duy thì sẽ thấy lẽ đạo. Chẳng có gì là ảo diệu. Biết như vậy, nhưng chặt đứt năng duyên sở duyên không phải là chuyện dễ!

 

2/. Không phân biệt, không phân biệt khác.

 

“Các Bồ tát nào có thể hành như vậy tức là đối với ngũ uẩn không trụ phân biệt, không phân biệt khác. Đối với 12 xứ 18 giới không trụ phân biệt, không phân biệt khác. Do nhân duyên này mà các Bồ tát đối với danh sắc không khởi phân biệt, không phân biệt khác. Đối với nhiễm tịnh không khởi phân biệt, không phân biệt khác. Đối với duyên khởi không khởi phân biệt, không phân biệt khác. Đối với điên đảo, tà kiến, các triền cái, ái hành không khởi phân biệt, không phân biệt khác v.v...”

Giáo pháp này đã được giới thiệu không biết bao nhiêu lần không những trong ĐBN mà còn trong các Kinh khác và “Phân Biệt Kinh” là một Kinh dành riêng để nói về giáo pháp này mà chúng tôi đã có dịp trình bầy. Nhất là trong Phần thứ III Tổng luận mục đặc biệt thuyết về “những biểu thị của Bát Nhã”, chúng tôi có luận riêng về giáo pháp “Phân biệt và Phân biệt khác”, được xem như là một thứ tuệ phát xuất từ Bát Nhã.

Chúng ta cũng từng nói phân biệt không có lỗi, lỗi là do chấp nhất theo sau phân biệt. Phán xét này không công bằng lắm, nếu phân biệt không trực tiếp tạo thành những mất mát to lớn trong cuộc sống, ít nhất nó cũng là động cơ phát khởi đầu tiên. Chúng tôi đã từng dẫn chứng nhiều lần câu nói của Phật trong Kinh Lăng Nghiêm “Bất tùy phân biệt là giải thoát”, để nêu lên tầm quan trọng của giáo pháp này.

 

1).- Chẳng khởi phân biệt, thì không phân biệt khác.

 

“Nếu có phân biệt thời có phân biệt khác. Nếu đối chỗ này không có phân biệt, thời đối chỗ ấy không phân biệt khác. Ngu phu dị sanh tất cả đều là phân biệt tạo ra và tư tưởng của họ cũng đều do phân biệt khác phát sanh. Vậy nên, Bồ tát chẳng khởi phân biệt, không phân biệt khác. 

Nói phân biệt ấy là bên thứ nhất, phân biệt khác ấy là bên thứ hai. Nếu đối chỗ này chẳng khởi phân biệt, không phân biệt khác, thời đối chỗ ấy xa lìa hai bên, cũng không có giữa.

Nếu bảo có giữa cũng là phân biệt, phân biệt giữa ấy cũng gọi có bên. Nếu đối chỗ này có phân biệt ấy, thời đối chỗ đây có phân biệt khác. Do nhân duyên đây có nghĩa không dứt phân biệt, phân biệt khác. Nếu đối chỗ này không phân biệt ấy, thời đối chỗ ấy không phân biệt khác. Do nhân duyên đây có nghĩa dứt phân biệt, phân biệt khác.

Đoạn trừ phân biệt nghĩa là trong đó hoàn toàn không có gì để đoạn trừ cả. Vì sao? Vì phân biệt, phân biệt khác là vô sở hữu, hư vọng nên phát sanh điên đảo; vì nó tịch tĩnh nên điên đảo cũng không có; vì điên đảo cũng không nên hoàn toàn không có chỗ đoạn trừ. Vì không có đoạn trừ nên mới hiển bày ý niệm về khổ đoạn. Nghĩa là trong đó không có một chút khổ nào để đoạn trừ nên gọi là khổ đoạn. Nếu khổ tự tánh có chút chơn thật thì mới có thể đoạn trừ, nhưng tự tánh khổ không chút chơn thật nên không có chỗ để đoạn trừ, chỉ thấy khổ không có nữa nên gọi khổ đoạn. Nghĩa là biết khắp khổ trọn không tự tánh chút phần khá được nên gọi khổ đoạn.

Nếu mọi người đối với khổ mà hoàn toàn không phân biệt và phân biệt khác thì gọi là khổ tịch tĩnh, tức là làm cho khổ không còn có ý nghĩa phát sanh nữa.

Nếu Bồ tát thấy như vậy thì đối với các pháp không khởi phân biệt và không phân biệt khác. Đó gọi là Bồ tát biết rõ tánh phân biệt và phân biệt khác mà tu hành Bát nhã Ba la mật”. (Q. 599, phần “Bát Nhã Ba La Mật”)

Chúng ta có thể lấy câu nói sau đây làm giáo điều cho việc hành đạo: “Nếu mọi người đối với khổ mà hoàn toàn không phân biệt và phân biệt khác thì gọi là khổ tịch tĩnh, tức là làm cho khổ không còn có ý nghĩa phát sanh nữa”.

Câu đó dễ hiểu, dễ nhớ nhưng không phải dễ hành! Luôn luôn tâm niệm, luôn luôn nhớ tưởng như vậy, luôn luôn thực hành như vậy thì có thể hóa giải được khổ ải!

 

2).- Thành quả của không phân biệt.

 

“Các Bồ tát nào hành như vậy và trụ như vậy để tu hành Bát nhã Ba la mật thì mau được viên mãn. Cho nên tất cả ác ma không thể gây chướng ngại cho họ được. Đối với tất cả pháp được mắt thanh tịnh, đem lại ánh sáng lớn cho các loài hữu tình, nối dõi hạt giống Phật không để đoạn mất. Chứng đắc tánh bình đẳng của chơn đạo, đầy đủ tinh tấn, xa lìa giải đãi, đạt được tâm an nhẫn và xa lìa sân hận, nhập các tĩnh lự không còn chỗ nương đắc được chân trí tuệ, thành tựu trí tuệ thông đạt, trừ bỏ các việc ác, viễn ly các triền cái, thoát khỏi bẫy rập của ác ma, chặt đứt lưới ái, an trụ trong chánh niệm, được giới thanh tịnh đến bờ tịnh giới, an trụ vào các công đức, xa lìa tội lỗi, an định tuệ không thể lay động.

Nếu các Bồ tát dõng mãnh tinh tấn tu hành Bát nhã Ba la mật và tùy thuận mà an trụ, thì lúc ấy Bồ tát không nương tựa vào 5 uẩn; cũng không nương tựa vào 12 xứ 18 giới; không nương tựa vào danh sắc; không nương tựa vào điên đảo, tà kiến, các triền cái và các ái hành; không nương tựa vào duyên khởi; không nương tựa vào cõi Dục, Sắc, Vô sắc; không nương tựa ngã, hữu tình, mạng giả v.v...; không nương tựa vào đoạn kiến, thường kiến; không nương tựa vào hữu tánh, không nương tựa vào vô tánh; không nương tựa vào bố thí, tham lam, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, sân hận, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, trí tuệ, ác tuệ; không nương tựa vào trí tận, trí vô sanh, trí vô tạo tác; không nương tựa vào trí vô trước; không nương tựa vào minh và giải thoát; không nương tựa vào giải thoát tri kiến; không nương tựa vào địa vị của Thanh văn, Độc giác, Bồ tát và Phật; không nương tựa vào tất cả pháp kể cả Niết bàn.

Do không nương tựa nên khiển trừ tất cả, cũng chẳng chấp trước đạo. Đối không nương tựa cũng chẳng ỷ chấp. Cũng lại chẳng đắc đây là nương tựa, cũng lại chẳng đắc nương tựa ở đây, cũng lại chẳng đắc nương tựa thuộc đây, cũng lại chẳng đắc nương tựa cái nương đây. Đối chỗ nương cũng không ỷ chấp. Như vậy, Bồ tát đối chỗ nương cũng không ỷ lại, không đắc, không chấp, không lấy, không nói, không mừng, không đắm mà trụ. Chẳng bị tất cả chỗ nương làm nhiễm, đối chỗ nương cũng không trệ ngại, chứng được tịnh pháp tránh được tất cả sự nương chấp”. (Q. 599, phần “Bát Nhã Ba La Mật”)

Đây là một đoạn Kinh giúp ích thiết thực nhất trong việc hành trì đối với pháp chướng đạo phân biệt này. Phân biệt là một thứ thức vọng thường xuyên xảy ra trong đời sống, nó xuất hiện qua tai, mắt, mũi, lưỡi của chúng ta từng giây từng phút trong đời sống và trở thành nguy hại. Sở dĩ, nguy hại vì không ai chú ý đề phòng, nên dễ bị xâm nhập. Nó là kẻ thù vô hình chẳng khác nào khí độc không màu, khó thấy khó tránh. Nhưng còn nguy hại hơn nữa, bè đảng của nó là chấp trước, theo liền hỗ trợ nó như hình với bóng. Khi nhận diện được chính phạm và đồng phạm rồi thì quá trễ, chúng đã gậm nhấm tâm thức chúng ta từ thuở nào không biết. Từ đó chúng ta thấy thế giới phân hai (lưỡng nguyên) thay vì hợp nhất, cái duy nhất một trọn vẹn của cõi đời vô tận.

Vậy, hãy lấy lời Phật dậy trong quyển 599, nói về “phân biệt và phân biệt khác” làm tôn chỉ tu hành. Đừng bao giờ xao lãng!

 

3/. Tất cả pháp không hợp không lìa.

 

“Các Bồ tát này y vào tất cả pháp, nương tựa vào diệu kiến vi diệu thanh tịnh để tu hành Bát nhã Ba la mật. Nhờ vậy các Bồ tát này sẽ không hành uẩn xứ giới là tướng hợp, không hành uẩn xứ giới là tướng lìa; không hành uẩn xứ giới là tướng thanh tịnh hay không thanh tịnh; không hành duyên với uẩn xứ giới là tướng thanh tịnh hay không thanh tịnh; không hành sự phát sanh của uẩn xứ giới là tướng thanh tịnh hay không thanh tịnh, hợp hay lìa; không hành uẩn xứ giới của quá khứ, vị lai, hiện tại là tướng thanh tịnh hay không thanh tịnh, hợp hay lìa. Nếu các Bồ tát hành như vậy thì không cùng uẩn xứ giới hoặc hợp, hoặc lìa; không cùng danh sắc hoặc hợp hoặc lìa; không cùng điên đảo, tà kiến, các triền cái, và các ái hành hoặc hợp hoặc lìa; không cùng cõi Dục, Sắc, Vô sắc hoặc hợp hoặc lìa; không cùng tham, sân, si hoặc hợp hoặc lìa; không cùng đoạn kiến, thường kiến hoặc hợp hoặc lìa; không cùng năm diệu dục hoặc hợp hoặc lìa; không cùng tạp nhiễm, thanh tịnh hoặc hợp hoặc lìa; không cùng bố thí, tham lam, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, sân hận, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, trí tuệ, ác tuệ hoặc hợp hoặc lìa; không cùng trí tận, trí vô sanh, trí vô tạo tác, trí vô trước hoặc hợp hoặc lìa; không cùng sanh tử Niết bàn hoặc hợp hoặc lìa v.v... Vì sao?

Vì tất cả các pháp không hợp, không lìa. Chẳng phải tất cả pháp vì hợp hay lìa mà hiện tiền. Hợp nghĩa là thường, mà lìa nghĩa là đoạn. Bản tánh của các pháp không do quán sát giác biết mà có hợp, có lìa.

Nếu tánh các pháp vì hợp vì lìa mà hiện tiền, thời các pháp ấy có thể đắc, có kẻ tác kẻ khiến tác, kẻ khởi kẻ khiến khởi, kẻ thọ kẻ khiến thọ, kẻ biết kẻ khiến biết, kẻ thấy kẻ khiến thấy, kẻ hợp kẻ khiến hợp, kẻ lìa kẻ khiến lìa. Như Lai cũng lẽ thi thiết các pháp: Đây là kẻ tác kẻ khiến tác, cho đến kẻ lìa kẻ khiến lìa. Nếu như vậy thì Như Lai cũng có thể thiết lập ra các pháp, đây là kẻ tác kẻ khiến tác, cho đến kẻ lìa, kẻ khiến lìa.

Do tánh các pháp không vì hợp, lìa mà hiện tiền, nên các pháp không có kẻ tác kẻ khiến tác, cho đến kẻ lìa kẻ khiến lìa, chút phần khá được. Vì chẳng thể được nên Phật chẳng thi thiết.

Vả lại, nếu chỗ có hợp, chỗ ấy có lìa. Nếu ở trong hợp mà không đắc, không nương tựa và không khởi chấp trước thì không thấy lìa. Nếu ở trong lìa mà có đắc, có nương tựa và khởi chấp trước thì đó là có hợp, nên khổ đau sanh tử chưa thể giải thoát. Các Bồ tát ấy quán sát thật nghĩa này, nên đối với pháp tánh chẳng hợp, chẳng lìa; cũng không vì pháp hoặc hợp hoặc lìa mà có sở tác hoặc có tu học. Nhờ biết rõ về hợp, lìa mà các Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật mau viên mãn”.(Q. 599, phần “Bát Nhã Ba La Mật”)

Câu nói sau đây giải thích toàn thể đoạn Kinh trên: “Vì tất cả các pháp không hợp, không lìa. Chẳng phải tất cả pháp vì hợp hay lìa mà hiện tiền. Hợp nghĩa là thường, mà lìa nghĩa là đoạn. Bản tánh của các pháp không do quán sát giác biết mà có hợp, có lìa”. Nếu quán và hành được như vậy mà không khởi chấp đắm thì hành Bát Nhã mau được viên mãn!

 

4/. Không năng hành, sở hành là hành Bát Nhã.    

 

“Các Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật, chẳng hành uẩn xứ giới đắm không đắm; cũng chẳng hành uẩn xứ giới thanh tịnh không thanh tịnh; chẳng hành sở duyên hợp hay lìa. Vì tất cả đều có dời chuyển, nương chấp, dao động, hoặc hành hoặc quán, Bồ tát biết rõ tất cả như vậy, nên ở trong đó không hành, không quán nữa.

Các Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật, chẳng hành uẩn xứ giới quá khứ vị lai hiện tại đắm không đắm; chẳng hành uẩn xứ giới quá khứ vị lai hiện tại thanh tịnh không thanh tịnh; chẳng hành uẩn xứ giới quá khứ vị lai hiện tại sở duyên hợp hay lìa. Vì sao chẳng hành? Vì các Bồ tát này hành Bát nhã Ba la mật đều chẳng thấy pháp hành, chẳng hành. Các Bồ tát ấy đều không có sở hành nên có thể ngộ nhập biết rõ các hành mà tu hành Bát nhã Ba la mật. Nếu các Bồ tát năng hành như thế, mau được viên mãn pháp Nhất thiết trí”. (Q. 599, phần “Bát Nhã Ba La Mật”).

Đó là một phần quan điểm trong toàn bộ giáo lý Bát Nhã đối với uẩn xứ giới và tất cả pháp hay nói là một phần trong toàn bộ quan điểm về nhân sinh và vũ trụ quan Bát Nhã được tóm tắt trong quyển 599 này. Ý chính ở đây là tất cả pháp không thể phân biệt, không phân biệt khác. Có phân biệt là có chấp, có chấp là có trói buộc, có nương tựa, có động chuyển, có hý luận, có hợp có lìa. Có hợp có lìa là có được có mất. Có được có mất là có sầu, than, khổ, ưu, não.

Lên một tầng nữa Bồ tát chẳng hành dù đắm hay chẳng đắm, dù thanh tịnh hay chẳng thanh tịnh. “Vì tất cả pháp đều có dời chuyển, nương chấp, dao động, hoặc hành hoặc quán. Bồ tát biết rõ tất cả như vậy, nên ở trong đó không hành, không quán nữa”.

 Quyển 598 bảo là không cần học, quyển 599 bảo không hành, không quán nữa! Chúng ta nghe tất cả lời thuyết giảng trên đều có thể hiểu, nhưng vấn đề quan trọng là làm sao tu hành. Nói như vậy nhưng không phải vậy. Vẫn hành vẫn quán, nhưng hành mà coi như không hành tức không sở hành, quán cứ quán nhưng đừng quán trăng quán cuội!

Tóm lại, các pháp chẳng thật, không năng duyên, không sở duyên, thì cũng không hành, không chấp, không trụ. Nếu ai hành Bát nhã Ba la mật mà chẳng thấy pháp hành, chẳng hành, thời kẻ ấy không có sở hành nên có thể ngộ nhập biết rõ các hành mà tu hành Bát nhã Ba la mật. Nếu kẻ nào có khả năng hành như thế, sớm viên mãn Nhất thiết trí trí.

 

3- Quyển 600, Phật nói gì?

 

1/. Không chấp, không hành thì không trụ.

 

“Lại nữa, này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ tát tu hành Bát Nhã thì không hành uẩn, xứ, giới hiển bày hay không hiển bày. Không hành uẩn, xứ, giới tịch tĩnh hay không tịch tĩnh, viễn ly hay không viễn ly. Không hành uẩn, xứ, giới thanh tịnh hay không thanh tịnh. Không hành bản tánh của uẩn, xứ, giới hiển bày hay không hiển bày, tịch tĩnh hay không tịch tĩnh, viễn ly hay không viễn ly. Không hành bản tánh của uẩn, xứ, giới thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại là thanh tịnh hay không thanh tịnh, hiển bày hay không hiển bày, tịch tĩnh hay không tịch tĩnh, viễn ly hay không viễn ly.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Bồ tát hành được như vậy mau viên mãn Nhất thiết trí trí.

Lại nữa, này Thiện Dũng Mãnh! Các Bồ tát tu hành Bát Nhã không chấp trước uẩn, xứ, giới; không chấp trước uẩn, xứ, giới thanh tịnh; không chấp trước uẩn, xứ, giới sở duyên thanh tịnh.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ tát hành như vậy mau viên mãn Nhất thiết trí trí.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ tát hành được như vậy thì gần được Như Lai mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ tát năng hành được như thế, thời gần kề ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi tùy hảo, sắc thân chơn kim sáng rực vô biên, xem như rồng voi không ai thấy đỉnh.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ tát hành được như vậy thì gần gũi được trí kiến vô trước, vô ngại ở quá khứ, vị lai và hiện tại; cũng gần gũi Như Lai chỉ dạy, truyền trao hướng dẫn; cũng gần gũi được trí kiến vô trước, vô ngại ở quá khứ, vị lai và hiện tại. Các vị ấy chắc chắn sẽ được thọ ký.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ tát năng hành được như thế, mau chứng tất cả Phật Pháp thanh tịnh, chóng chứng được cõi Phật thanh tịnh, năng nhiếp thọ được chúng Thanh văn viên mãn, năng nhiếp thọ được chúng Bồ tát viên mãn.

Này Thiện Dũng Mãnh! Các Bồ tát hành như vậy, thì không trụ vào uẩn, xứ, giới; không trụ vào danh sắc; không trụ vào điên đảo, tà kiến, triền cái, ái hành; không trụ cõi Dục, Sắc và Vô sắc; không trụ vào hữu tình giới, hay nói rộng ra là không trụ vào tất cả pháp nào cả, kể cả pháp Phật. Vì tất cả pháp không thể trụ”.

 

Phải trì tụng và suy nghĩ nhiều mới hiểu đoạn kinh này, nếu không sẽ hiểu lầm lời Phật dạy. Theo thông thường mà nói là không thấy không nghe thì không chấp. Không chấp lành dữ, được mất, có không... thì không nắm bắt, cất giữ. Không nắm bắt cất giữ tức là không trụ. Không trụ thì không hành.

Vì vậy, Kinh bảo chẳng phải tất cả các pháp có nghĩa khá hành khá trụ. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không thể nắm giữ. Bởi không thể nắm giữ cất giấu nên không thể trụ được. Nếu tất cả pháp có thể trụ, thì có thể thị hiện đây là pháp có thể nắm giữ, đây là pháp thường trụ. Như vậy, Như Lai cũng có thể an trụ vào các pháp, thị hiện các pháp, đây là pháp có thể nắm giữ, đây là pháp có thể tích tập.

Vì tất cả pháp không thể an trụ, không thể nắm giữ, cũng không thể tích tập, cho nên không có pháp nào là thường trụ. Do đó mà Như Lai không an trụ pháp nào, cũng không thị hiện đây là pháp có thể nắm giữ hay đây là pháp có thể tích tập.

Các đại Bồ tát như vậy chỉ dựa vào tất cả pháp vô trụ làm phương tiện, để tu hành Bát nhã Ba la mật.

Nếu các đại Bồ tát muốn làm lợi ích cho các tất cả hữu tình, muốn giúp cho tất cả hữu tình đầy đủ giải thoát cứu cánh, muốn giúp cho tất cả hữu tình đầy đủ tri kiến giải thoát, muốn giúp cho tất cả hữu tình đều sanh vào các cõi lành, muốn giúp cho tất cả hữu tình vào Niết bàn rốt ráo, muốn giúp tất cả hữu tình đầy đủ diệu pháp của chư Phật, muốn giúp tất cả hữu tình đầy đủ sự viên mãn các công đức, muốn chuyển pháp luân Vô thượng vi diệu mà tất cả thế gian đều không thể chuyển, muốn giảng nói diệu pháp, muốn được thọ ký địa vị chư Phật, Bồ tát, Độc giác hay Thanh Văn, hãy dũng mãnh tinh tấn đừng bao giờ để gián đoạn và hãy nương vào Bát nhã Ba la mật thậm thâm mà tinh tấn siêng năng tu học để không bị tham luyến, ái nhiễm.

Các đại Bồ tát phải dựa vào tất cả pháp như vậy làm phương tiện, để tu hành Bát nhã Ba la mật. Phật bảo: “Ta hoàn toàn không thấy các pháp nào có thể làm cho Bồ tát mau viên mãn sở cầu diệu pháp Vô thượng của chư Phật, như Bát nhã Ba la mật thậm thâm đã nói ở đây. Nếu các Bồ tát an trụ Bát nhã Ba la mật như vậy và tinh tấn siêng năng tu học không bao giờ tạm bỏ, thì sẽ mau viên mãn Nhất thiết trí trí cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, chắc chắn không nghi ngờ gì nữa.

Ví như biển lớn là nơi dung chứa nhiều dòng nước và thường làm chỗ quay về cho các dòng sông. Cũng vậy, nếu Bồ tát nắm giữ được Bát nhã Ba la mật thâm sâu này mà tinh tấn siêng năng tu học thì vô cùng thông đạt và lợi ích. Phải biết không bao lâu vị này sẽ là biển lớn chứa tất cả pháp, mau thành tựu tất cả pháp khí, thường làm chỗ quay về cho các pháp, nên các pháp thế gian không thể nào quấy nhiễu được”.

Đối với sở học Bát nhã Ba la mật thâm sâu này, chư Phật Thế Tôn đã, đang, sẽ an trụ rất hoàn hảo và vì các hữu tình cũng đã, đang và sẽ thuyết pháp Vô thượng thanh tịnh như vậy.

 

2/. Học và an trụ Bát Nhã thì mau viên mãn sở cầu Vô Thượng Bồ đề:

 

Phật bảo:

“Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các đại Bồ tát muốn làm lợi ích cho các tất cả hữu tình, muốn lấy tài của để bố thí cho tất cả hữu tình được đầy đủ, muốn dùng pháp bố thí cho tất cả hữu tình để họ mãn nguyện, muốn phá vỡ vô minh cho tất cả hữu tình, muốn trao đại trí, Phật trí cho tất cả hữu tình, muốn thương xót khắp tất cả hữu tình, muốn làm lợi ích an lạc cho khắp tất cả hữu tình, muốn giúp tất cả hữu tình đầy đủ tài thí và pháp thí, muốn giúp cho tất cả hữu tình đầy đủ giới thanh tịnh, muốn giúp cho tất cả hữu tình đầy đủ an nhẫn hòa nhã, muốn giúp cho tất cả hữu tình đầy đủ sự tinh tấn dõng mãnh, muốn giúp cho tất cả hữu tình đầy đủ tĩnh lự trong sáng, muốn giúp cho tất cả hữu tình đầy đủ trí tuệ vi diệu, muốn giúp cho tất cả hữu tình đầy đủ giải thoát cứu cánh, muốn giúp cho tất cả hữu tình đầy đủ tri kiến giải thoát, muốn giúp cho tất cả hữu tình đều sanh vào các cõi lành, muốn giúp tất cả hữu tình đầy đủ minh và giải thoát, muốn giúp cho tất cả hữu tình đầy đủ Niết bàn rốt ráo, muốn giúp tất cả hữu tình đầy đủ diệu pháp của chư Phật, muốn giúp tất cả hữu tình đầy đủ sự viên mãn các công đức, muốn chuyển pháp luân Vô thượng vi diệu mà tất cả thế gian, Sa môn, Phạm chí, trời, ma, ngoại đạo đều không thể chuyển, muốn giảng nói diệu pháp ở thế gian, muốn như thật thọ ký địa vị chư Phật, muốn như thật thọ ký địa vị Bồ tát, muốn như thật thọ ký địa vị Độc giác, muốn như thật thọ ký địa vị Thanh văn và muốn biết bản nguyện căn lành của các loài hữu tình, thì nên học Bát nhã Ba la mật sâu xa như vậy; hãy dõng mãnh tinh tấn đừng bao giờ để gián đoạn và hãy nương vào Bát nhã Ba la mật sâu xa mà tinh tấn siêng năng tu học để không bị tham luyến.

Này Thiện Dũng Mãnh! Ta hoàn toàn không thấy các pháp nào có thể làm cho Bồ tát mau viên mãn sở cầu diệu pháp Vô thượng của chư Phật, giống như Bát nhã Ba la mật sâu xa đã nói ở đây. Nếu các Bồ tát an trụ Bát nhã Ba la mật sâu xa như vậy và tinh tấn siêng năng tu học không bao giờ tạm bỏ, thì sẽ mau viên mãn Nhất thiết trí.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật đến rốt ráo, thì các Bồ tát ấy gần đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, chắc chắn không nghi ngờ gì nữa.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu thiện nam, tín nữ v.v… nghe Bát nhã Ba la mật này mà hoan hỉ tín thọ, thật tâm chí thành thì Ta nói những người này có thể đạt đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, vì thiện căn của họ rất thù thắng, mau đạt đến cứu cánh. Và nhờ giữ gìn căn lành mà các thiện nam, tín nữ ấy nhất định tích tập được tư lương đại tuệ.                                                 

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ tát nắm giữ phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật sâu xa như vậy, tương ưng với giáo pháp ấy, thì các Bồ tát này dù hiện tại không được Phật thọ ký, nhưng phải biết vị này cũng gần được Phật thọ ký, hoặc không bao lâu nữa sẽ được Phật thọ ký.

Này Thiện Dũng Mãnh! Ví như có người tinh tấn thọ học mười thiện nghiệp đạo đã đạt đến cứu cánh, nên biết căn lành của người đó đã được thành thục, gần được sanh về Bắc Câu lô châu. Cũng vậy, Bồ tát nào nắm giữ Bát nhã Ba la mật sâu xa này, thì nên biết vị ấy đã gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như sở cầu, chắc chắn không nghi ngờ gì nữa”.

Trong ĐBN chúng ta đã đọc những đoạn kinh tương tự như vậy không biết bao nhiêu lần. Đó là những lời chân thật phát xuất từ kim khẩu của Phật. Vậy, người nào an trụ Bát nhã Ba la mật sâu xa như vậy, tinh tấn siêng năng tu học không bao giờ tạm bỏ, thì sẽ mau gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, sẽ mau chứng đắc sở cầu Nhất thiết trí trí, chắc chắn không nghi ngờ gì nữa!

 

3/. Không dính mắc, không trói buộc thì không cần tháo gỡ:

 

Để kết thúc cho quyển thứ 600 này, tức là quyển cuối cùng của Đại Bát Nhã Ba La Mật, Phật bảo:

“Nếu học Bát nhã Ba la mật thì đối trong các pháp trọn không sở học, nghĩa là dù thế gian hay xuất thế gian, hữu vi hay vô vi, hữu lậu hay vô lậu, có tội hay không tội. Đối với các pháp môn như thế đều không chấp trước...

(...)Vì tất cả các pháp không dính không buộc, không có chút pháp dính mắc hay trói buộc mà hiện tiền. Do đây cũng không có nghĩa là tháo gỡ”.

Nếu đối với tất cả pháp không chấp trước dù là thế gian hay xuất thế gian, hữu vi hay vô vi, hữu lậu hay vô lậu, hữu tội hay vô tội v.v... đều trọn vô sở học. Một câu nói quá giản dị. Vậy, từ bỏ chấp trước thì không cần gia công dụng hạnh nữa chăng? Không hẳn như vậy. Toàn thể Đại tùng thư chiếm 1/3 Địa tạng Kinh, thuyết làm 16 pháp hội, tất cả 600 quyển chỉ rút gọn vào một giáo lý Vô trước thì không có lẽ đó. Chỉ khi nào hiểu rõ câu Phật nói: Các pháp bản lai tịch tịnh, tự tánh Niết bàn”, thì không còn chấp trước nữa. Không chấp trước, không trói buộc thì được thanh tịnh. Đó là một chìa khóa của gia công dụng hạnh trong việc tu hành lục độ vạn hạnh mà thôi.

“Vì tất cả các pháp dính chẳng thể được, buộc cũng chẳng thể được. Dính buộc đã không có, từ đó tháo gỡ cũng không.

Nói dính mắc và trói buộc nghĩa là dính mắc và trói buộc vào pháp tánh. Nhưng pháp tánh đã không có nên không thể nói có dính có buộc. Nói tháo gỡ nghĩa là tháo gỡ khỏi sự dính mắc và trói buộc; dính buộc đã không nên tháo gỡ làm gì có.

Không tháo gỡ ấy, là đối các pháp đều không có tánh năng tháo gỡ. Nếu có thể thấy các pháp như vậy thì được gọi là tri kiến vô trước. Nói vô trước ấy là đối trong ấy trước chẳng thể được. Vì trước vô trước, Tánh không thật nên gọi vô trước. Vì đối trong ấy năng trước, sở trước, do đây, vì đây, nhân đây, thuộc đây đều chẳng thể được, nên gọi vô trước.

Nói không buộc ấy, nghĩa là đối trong ấy buộc chẳng thể được. Vì buộc không buộc, Tánh không thật, nên gọi không buộc. Vì đối trong ấy năng buộc, sở buộc, do đây, vì đây, nhân đây, thuộc đây đều chẳng thể được nên gọi không buộc.

Nếu không dính, không buộc vào các pháp, vậy tại sao nói đối với pháp phải có mở? Không dính, không buộc cũng không mở, lìa tất cả được tự tại gọi là chơn giải thoát.

Nếu kẻ đối các pháp không dính mắc thời không bị trói buộc. Nếu đối các pháp không bị trói buộc thì không cần tháo gỡ. Xa lìa ba việc (dính mắc, trói buộc, tháo gỡ), được tự tại mới gọi là chơn giải thoát.

Như vậy Bồ tát nào ngộ nhập được các pháp mà không dính không buộc cũng không mở, thì vị ấy sẽ đắc chơn trí kiến tu hành Bát nhã Ba la mật.

Nếu Bồ tát hành được như vậy là gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề và mau chứng đắc Nhất thiết trí trí”. (Q. 600, phần “Bát Nhã Ba La Mật”)

Không dính mắc thời không trói buộc, không trói buộc thời không cần tháo gỡ. Xa lìa ba việc, được tự tại mới gọi là chơn giải thoát. Mấu chốt vẫn ở cái thấy biết. Thấy biết thì sanh thức, tức chấp chặt. Có chấp tức có trói, có trói nên cầu tháo gỡ. Một diễn trình bất tận của thế tục. Không ai có thể tránh khỏi nổi chỗ này, có vượt qua mới được tự tại, nên gọi là giải thoát. Đó là kinh nghiệm đau thương của cuộc đời thường. Biết như vậy nhưng vẫn tiếp tục co chân nhẩy vào bóng tối! Tại sao? Vì còn sống trong cuộc đời thường là còn thấy, còn tìm tòi, moi móc... thì còn chấp. Chỉ có bậc đạt ngộ mới lìa được ba gút: Dính mắc, trói buộc, tháo gỡ mới được tự tại.

Tu như vậy quá khó. Hiểu thì ai cũng hiểu, nói ai cũng nói được nhưng thực hành đến chỗ rốt ráo như thế phải “trơ trơ như Bụt” mới có phần khế hợp. Phật mới bảo: “Nếu Bồ tát hành được như vậy là gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề và mau chứng đắc Nhất thiết trí trí”.

Gần Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, mau chứng đắc Nhất thiết trí trí không phải dễ, phải mất bao nhiêu A tăng kỳ kiếp nếu tiệm tu. Vì vậy, mới nói các pháp ở 3 quyển cuối cùng của phần “Bát Nhã Ba La Mật” tuy dễ hiểu, dễ học nhưng khó tu, khó chứng là vậy.

 

4/. Không sở duyên, không sở trụ thì không sở hành:

 

Phần này chỉ là kết quả của phần trên.

Các Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật, chẳng hành uẩn xứ giới đắm không đắm; cũng chẳng hành uẩn xứ giới thanh tịnh không thanh tịnh; chẳng hành sở duyên hợp hay lìa. Vì tất cả đều có dời chuyển, nương chấp, dao động, hoặc hành hoặc quán, Bồ tát biết rõ tất cả như vậy, nên ở trong đó không hành, không quán nữa.

Các Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật, chẳng hành uẩn xứ giới quá khứ vị lai hiện tại đắm không đắm; chẳng hành uẩn xứ giới quá khứ vị lai hiện tại thanh tịnh không thanh tịnh; chẳng hành uẩn xứ giới quá khứ vị lai hiện tại sở duyên hợp hay lìa. Vì sao chẳng hành? Vì các Bồ tát này hành Bát nhã Ba la mật đều chẳng thấy pháp hành, chẳng hành. Các Bồ tát ấy đều không có sở hành nên có thể ngộ nhập biết rõ các hành mà tu hành Bát nhã Ba la mật. Nếu các Bồ tát năng hành như thế, mau được viên mãn pháp Nhất thiết trí”. (Q. 600, phần “Bát Nhã Ba La Mật”)

Đây là giải đáp của phần nói trên. Không sở duyên, không sở trụ thì không sở hành. Không có sở hành nên có thể ngộ nhập biết rõ các hành mà tu hành Bát nhã Ba la mật. Nếu các Bồ tát năng hành như thế, mau được viên mãn Nhất thiết trí trí. Ai cũng có thể thấy biết như vậy. Dễ quá phải không? Vậy mà vẫn dấn thân vào cát bụi. Đó là hành trong điên đảo nên phải chụi trôi lăn qua lại sáu đường.

Tôn chỉ tu hành rốt ráo là “chẳng hành, chẳng thấy hành hay chẳng hành” thì có thể tháo gỡ mọi trói buộc mà được giải thoát, giải thoát hai chướng: Phiền não và sở tri, tới đó mới có thể chứng tánh.

Đây là một phần trong toàn bộ quan điểm giáo lý Bát Nhã đối với uẩn xứ giới và tất cả pháp hay nói là một phần trong toàn bộ quan điểm về nhân sinh và vũ trụ của Bát Nhã được tóm tắt ở đây cũng như đã từng giảng trong nhiều pháp hội trước. Ý chính ở đây là quy trách ở cái thấy biết. Thật ra thấy biết chẳng có lỗi gì. Qua một tầng nữa do thấy biết rồi sanh phân biệt, nhưng phân biệt không đến nỗi tệ. Lên một tầng nữa do phân biệt mới sanh chấp. Đầu dây mối nhợ là nằm ở chỗ này. Tất cả pháp là không thể phân biệt, không biệt khác. Có phân biệt là có chấp, có chấp là có trói buộc, có nương tựa, có động chuyển, có hợp có lìa. Có hợp có lìa là có được có mất. Có được có mất là có sầu, than, khổ, ưu, não. Biết được gốc như thế thì có thể chữa cả gốc lẫn ngọn.

Tóm lại, các pháp chẳng thật, không năng duyên, không sở duyên, thì cũng không sở hành, không chấp, không trụ. Nếu ai hành Bát nhã Ba la mật mà chẳng thấy pháp hành, chẳng hành, thời kẻ ấy không có sở hành nên có thể ngộ nhập biết rõ các hành mà tu hành Bát nhã Ba la mật. Nếu những ai có khả năng hành như thế, sớm viên mãn Nhất thiết trí trí, mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

 

5/. Thọ trì Kinh Đại Bát Nhã này thì đạt được vô lượng vô biên công đức:

 

Trước khi chấm dứt cuộc thuyết giảng Đại tùng thư này, đức Thế Tôn dạy năm trăm Bồ tát đứng đầu như Bồ tát Hiền Thủ, Bồ tát Đạo Sư v.v... và đại Bồ tát Thiện Dũng Mãnh:

- “Này thiện nam tử! Các ông nên học Bát nhã Ba la mật thâm sâu mà từ vô lượng, vô số trăm ngàn triệu ức kiếp chính Như Lai đã từng tu tập như vậy để làm đầu. Vì Pháp tạng vô thượng của chư Như Lai lưu xuất cũng như kiến lập từ Bát nhã Ba la mật thâm sâu. Cho nên các ông nên giữ gìn Pháp tạng ấy. Vậy khi Ta nhập Niết bàn khoảng sau năm trăm năm, Chánh pháp vô thượng ấy khi sắp hoại diệt thì vào thời gian chuyển tiếp, các ông hãy vì các hữu tình mà giảng nói, khai thị rộng rãi để họ nghe đạt lợi ích lớn”.

Rồi để khuyến khích những người con Phật thọ trì đọc tụng, tu học Đại Bát Nhã  Ba la mật, Phật bảo:

“Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu ai đối với Bát nhã Ba la mật thâm sâu này mà thọ trì, dù chỉ một câu cũng đạt được vô lượng vô biên công đức; huống gì họ được Kinh Đại Bát Nhã này mà thọ trì, chuyển đọc, ghi chép đầy đủ và cúng dường lưu truyền rộng rãi khắp vì người khác, thì phước đức của người này đạt được không thể nghĩ bàn.

Này Thiện Dũng Mãnh! Chỉ có người trí tuệ thông minh và hòa nhã mới có thể hộ trì pháp môn này. Còn người không có trí tuệ thông minh và hòa nhã thì pháp môn này chẳng phải là cảnh giới của họ.

Này Thiện Dũng Mãnh! Vì muốn đoạn mối nghi cho các hữu tình mà Ta nói Kinh Đại Bát Nhã như vậy”.

Đoạn Kinh này được Phật thuyết không biết bao nhiêu lần. Nhưng đây là lần chót trước khi chấm dứt thuyết giảng bộ Đại tùng thư này. Hãy tin tưởng đây là lời chân thật của Thế Tôn. Vậy, hãy cố gắng thọ trì đọc tụng cũng như truyền bá rộng rãi Kinh này chớ có bỏ qua.

Hãy cố gắng trì tụng 8 quyển cuối cùng nói riêng và toàn thể Đại Bát Nhã nói chung. Các giáo lý Phật thuyết trong 8 quyển cuối cùng gần như quyện vào nhau, mở một gút thì có thể mở tất cả gút. Trên phương diện phân tích thì thấy có khác, nhưng thực tế, pháp này hỗ trợ pháp kia. Vì vậy, Phật đã thuyết rải rác trong toàn ĐBN, vào phút cuối cùng, Phật đúc kết lại trong 8 quyển này với lối diễn đạt dễ hiểu dễ học. Hãy trì tụng, tụng mãi cho đến khi không còn thấy Bát Nhã mà thấy Ta là Bát Nhã và Bát Nhã là Ta. Một Bát Nhã có đi đứng nằm ngồi, một Bát Nhã sống bằng xương bằng thịt, rồi thì sẽ thấy cái diệu dụng của nó!

 

“Gate, gate, pàragate, pàrasamgate, bodhi, svàha”!

“Này Bodhi, đi qua, đi qua, qua bờ kia, qua đến bờ kia, Svàha!”

 

---o0o---