Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 51. Phẩm "Điều Phục Tham Đẳng"

 

PHẨM "ĐIỀU PHỤC THAM ĐẲNG"

 

Giữa quyển 446, tập 18, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương phẩm “Trí Hướng Đến”, phần cuối Q.316,

cho đến phần đầu Q.318, Hội thứ I, ĐBN)

 

Gợi ý:

Muốn cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì Bồ tát phải điều phục thân tâm, bằng cách lấy sự điều phục tham, sân, si và xa lìa tham, sân, si làm tánh, làm tướng, làm trạng, làm dung mạo. Bởi lý do đó, nên phẩm này của Hội thứ II mới có tên là “Điều Phục Tham Đẳng”. Trong khi Hội thứ I thì gọi là “Trí Hướng Đến”. Dầu dưới "danh nghĩa" nào, một khi Bồ tát đối với Bát nhã Ba la mật sanh tịnh tín và thắng giải thì đại Bồ tát này có thể hướng đến Nhất thiết trí trí. Nếu có thể hướng đến Nhất thiết trí trí thì có thể làm chỗ hướng đến cho tất cả hữu tình. Kinh Thuyết như sau:

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Ai là người đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa thường sanh tịnh tín và thắng giải(1)?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ tát nào đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, đối với tâm cầu hướng đến, tinh tấn tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật; đã từng cúng dường trăm ngàn, vô số đức Phật, ở chỗ chư Phật tu phạm hạnh lâu dài, phát thệ rộng lớn, thiện căn thuần thục, được vô lượng bạn lành giúp đỡ, hộ niệm, mới có thể đối với Bát Nhã sâu xa như thế thường sanh tịnh tín và thắng giải.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ tát thường đối với Bát Nhã sâu xa như thế sanh tịnh tín và thắng giải, thì tâm đại Bồ tát này tánh như thế nào, tướng như thế nào, (hình) trạng như thế nào, dung mạo như thế nào?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu đại Bồ tát đối với Bát Nhã sâu xa như thế sanh tịnh tín và thắng giải thì tâm Bồ tát lấy sự điều phục tham, sân, si và xa lìa tham, sân, si làm tánh, làm tướng, làm trạng, làm dung mạo.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tâm đại Bồ tát này lấy điều phục tham, sân, si và không tham, sân, si; xa lìa tham, sân, si và không tham, sân, si làm tánh; làm tướng; làm trạng; làm dung mạo.

Thiện Hiện! Đại Bồ tát nào thành tựu tánh, tướng, trạng, mạo như thế thì tâm mới có thể đối với Bát nhã Ba la mật thường sanh tịnh tín và thắng giải.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ tát nào thường đối với Bát Nhã sâu xa như thế sanh tịnh tín và thắng giải thì đại Bồ tát này sẽ đến đâu?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ tát này sẽ đến Nhất thiết trí trí.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có phải đại Bồ tát nào đạt được Nhất thiết trí trí thì đại Bồ tát ấy có thể làm nơi hướng đến cho tất cả hữu tình?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói, đại Bồ tát nào thường đối với Bát Nhã sâu xa như thế sanh tịnh tín và thắng giải thì đại Bồ tát này thường hướng đến Nhất thiết trí trí. Nếu thường hướng đến Nhất thiết trí trí thì thường làm chỗ hướng đến cho tất cả hữu tình.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ tát này thường làm việc khó làm, nghĩa là mặc áo đội mũ bền chắc và nguyện: “Tôi sẽ độ thoát tất cả hữu tình, đều giúp họ chứng đắc Niết bàn rốt ráo”. Tuy làm việc như thế đối với hữu tình nhưng hoàn toàn không thấy hữu tình được độ?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ tát này đã mặc áo mũ không thuộc sắc, cũng không thuộc thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì sắc cho đến thức đều rốt ráo vô sở hữu, không Bồ tát, không áo mũ. Nên nói áo mũ kia không thuộc sắc, cũng không thuộc thọ, tưởng, hành, thức. Đại Bồ tát này đã mặc áo mũ không thuộc sắc cho đến Nhất thiết trí, cũng không thuộc Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Vì sao? Vì Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí rốt ráo đều vô sở hữu, không Bồ tát, không áo mũ. Nên nói áo mũ kia không thuộc Nhất thiết trí, cũng không thuộc Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Đại Bồ tát này đã mặc áo mũ không thuộc tất cả pháp. Vì sao? Vì tất cả pháp đều rốt ráo vô sở hữu, không Bồ tát, không áo mũ. Nên nói áo mũ kia không thuộc tất cả pháp.

Thiện Hiện! Đại Bồ tát này tu hành Bát Nhã sâu xa như thế, nên thường mặc áo mũ công đức như vầy: Ta sẽ độ tất cả hữu tình, giúp họ chứng đắc Niết bàn rốt ráo.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ tát nào thường mặc áo mũ bền chắc như vầy: Ta sẽ độ tất cả hữu tình, đều giúp họ chứng đắc Niết bàn rốt ráo thì Bồ tát ấy không rơi vào bậc Thanh văn và Độc giác. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì đại Bồ tát này an lập hữu tình không giới hạn nên mặc áo mũ bền chắc như thế.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ông quán pháp nghĩa nào mà nói: Đại Bồ tát thường mặc áo mũ bền chắc như thế thì không rơi vào bậc Thanh văn và Độc giác?

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ tát này không vì độ thoát phần ít hữu tình mà mặc áo mũ bền chắc như thế, cũng không vì cầu phần ít trí mà mặc áo mũ bền chắc như thế. Vì sao? Vì đại Bồ tát này vì cứu vớt khắp tất cả hữu tình, giúp họ vào Niết bàn mà mặc áo mũ bền chắc như thế; chỉ vì cầu được Nhất thiết trí trí mà mặc áo mũ bền chắc như thế. Do đó nên không rơi vào bậc Thanh văn và Độc giác.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế rất là sâu xa, Không kẻ năng tu, không pháp sở tu, cũng không chỗ tu, cũng không do đây mà được tu tập. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Chẳng phải trong nghĩa sâu xa Bát nhã Ba la mật đây mà có phần ít thật pháp khá được gọi kẻ năng tu, pháp sở tu, hoặc nơi tu, hoặc do đây mà được tu tập.

Bạch Thế Tôn! Vì không phải trong nghĩa sâu xa của Bát nhã Ba la mật này mà có phần ít thật pháp có thể được gọi là người thường tu và pháp tu, hoặc chỗ tu, hoặc do đây mà được tu tập.

Bạch Thế Tôn! Như tu hư không là tu Bát Nhã. Như tu tất cả pháp là tu Bát Nhã. Như tu pháp không thật là tu Bát Nhã. Như tu vô sở hữu là tu Bát Nhã. Như tu vô nhiếp thọ là tu Bát Nhã. Như tu trừ khiển là tu Bát Nhã. (Q. 446, ĐBN)

Phật hỏi:

- Thiện Hiện! Tu trừ khiển pháp nào là tu Bát Nhã?

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Tu trừ khiển(2) sắc là tu Bát Nhã; tu trừ khiển thọ, tưởng, hành, thức là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển mười hai xứ, mười tám giới là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển ngã là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, bổ đặc già la, ý sanh, nho đồng, tác giả, thọ giả, tri giả, kiến giả là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển bố thí Ba la mật là tu Bát Nhã; tu trừ khiển tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển pháp nội Không cho đến pháp vô tánh tự tánh Không là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển tứ Thánh đế cho đến ba mươi bảy pháp trợ đạo là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ đề là tu Bát Nhã. Tu trừ khiển Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí là tu Bát Nhã. Nói gọn, tu trừ khiển tất cả các pháp Phật là tu Bát Nhã.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nên y Bát nhã Ba la mật sâu xa như thế để quán sát đại Bồ tát Bất thối chuyển. Đại Bồ tát nào tuy hành Bát Nhã mà không chấp trước, nên biết đây là đại Bồ tát Bất thối chuyển. Đại Bồ tát nào tuy hành tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật mà không chấp trước, nên biết đây là đại Bồ tát Bất thối chuyển. Đại Bồ tát nào tuy hành pháp nội Không cho đến pháp vô tánh tự tánh Không mà không chấp trước, nên biết đó là đại Bồ tát Bất thối chuyển. Đại Bồ tát nào tuy hành chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì mà không chấp trước, nên biết đây là đại Bồ tát Bất thối chuyển. Đại Bồ tát nào tuy hành Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo mà không chấp trước, nên biết đây là đại Bồ tát Bất thối chuyển. Đại Bồ tát nào tuy hành bốn niệm trụ nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí mà không chấp trước, nên biết đây là đại Bồ tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các đại Bồ tát Bất thối chuyển khi hành Bát nhã Ba la mật sâu xa không quán lời người và sdạy răn của người khác cho là chơn yếu; không phải chỉ tin người có sở tác; không bị các tham dục, sân nhuế, ngu si, kiêu mạn v.v… làm ô nhiễm tâm, cũng không bị chúng dẫn dắt. Các đại Bồ tát Bất thối chuyển khi hành Bát Nhã sâu xa không lìa bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. Các đại Bồ tát Bất thối chuyển khi hành Bát Nhã, nghe thuyết Bát Nhã sâu xa như thế, không những chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng hãi, chẳng nghi, chẳng hối, chẳng thối, chẳng chìm cũng chẳng lui bỏ sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà đối với Bát Nhã sâu xa lại vui thích muốn nghe, thọ trì, đọc tụng, thông hiểu tường tận, chánh niệm tư duy, như thuyết tu hành, không hề nhàm chán. Nên biết đại Bồ tát này, đời trước đã từng nghe Bát Nhã thọ trì, đọc tụng, chánh niệm tư duy v.v…

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ tát nào nghe thuyết Bát Nhã sâu xa như thế, tâm không kinh, không khủng, không hãi, không chìm, không đắm, cũng không lui bỏ sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề; đối với Bát Nhã, vui mừng thích nghe, thọ trì, đọc tụng, thông hiểu tường tận, chánh niệm tư duy, tinh tấn tu hành, tâm không nhàm chán, đại Bồ tát này tu hành Bát Nhã như thế nào?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ tát này liên tục tùy thuận hướng đến Nhất thiết trí trí nên thực hành Bát nhã Ba la mật sâu xa như thế.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Làm sao đại Bồ tát này liên tục tùy thuận hướng đến Nhất thiết trí trí, thực hành Bát nhã Ba la mật sâu xa?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu đại Bồ tát nào liên tục tùy thuận hướng đến không, vô tướng, vô nguyện, như hư không, vô sở hữu, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì, không tạo, không tác, như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như hình tượng, như bóng sáng, như sóng nắng, như việc biến hoá, như thành Tầm hương mà hành Bát Nhã, thì đây là đại Bồ tát liên tục tùy thuận hướng đến Nhất thiết trí trí, thực hành Bát nhã Ba la mật sâu xa. (Q.446, ĐBN)

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

Bạch Thế Tôn! Như đức Thế Tôn đã nói, nếu đại Bồ tát liên tục tùy thuận hướng đến không, vô tướng, vô nguyện, cho đến như thành tầm hương hành Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, thì Bồ tát này tiếp nối tùy thuận hướng đến Nhất thiết trí trí thực hành Bát Nhã thẳm sâu, ấy là Bồ tát khi hành Bát Nhã thẳm sâu là hành sắc chăng? Là hành thọ tưởng hành thức chăng? Như vậy cho đến là hành Nhất thiết trí chăng? Là hành Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chăng?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ tát này khi hành Bát Nhã sâu xa không hành sắc, không hành thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, cho đến không hành Nhất thiết trí, không hành Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Vì sao? Vì đại Bồ tát này đã tùy thuận hướng đến Nhất thiết trí trí, không kẻ có thể hành được, không kẻ có thể phá hoại được, không từ đâu đến, không đi về đâu, cũng không chỗ trụ, không phương cõi, không số lượng, không đi, không đến. Đã không số lượng, không đi, không đến, thì cũng chẳng thể nắm bắt, cũng chẳng thể chứng đắc vậy.

Thiện Hiện! Nhất thiết trí trí như thế không thể lấy sắc chứng, không thể lấy thọ, tưởng, hành, thức chứng. Như vậy, cho đến không thể lấy Nhất thiết trí chứng, không thể lấy Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chứng. Vì sao? Vì sắc tức là tánh Nhất thiết trí trí; thọ, tưởng, hành, thức tức là tánh Nhất thiết trí trí. Như vậy, cho đến Nhất thiết trí tức là tánh Nhất thiết trí trí; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí tức là tánh Nhất thiết trí trí. Vì sao? Vì sắc như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác; hoặc thọ, tưởng, hành, thức như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác. Như vậy, cho đến hoặc Nhất thiết trí như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác; hoặc Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác. Thế nên, Nhất thiết trí trí không thể lấy sắc chứng; không thể lấy thọ, tưởng, hành, thức chứng. Như vậy, cho đến không thể lấy Nhất thiết trí chứng; không thể lấy Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chứng.

(Đây là một đoạn kinh khó nuốt, khó tiêu hóa nhất. Phải lưu ý).

 

Thích nghĩa:

(1). Thắng giải: (勝解) Phạm: Adhimokwa. Pàli:Adhimutti. Cũng gọi Tín giải. Tên của tâm sở, 1 trong 10 Đại địa pháp thuộc 75 pháp của Câu xá, 1 trong 5 Biệt cảnh thuộc 100 pháp của Duy thức. Nghĩa là sự hiểu rõ thù thắng, tức đối với các cảnh sở duyên (đối tượng nhận thức) khởi lên tác dụng phán đoán chính xác. Nhưng về tâm sở này, các phái giải thích có khác nhau. Thuyết nhất thiết hữu bộ và tông Câu xá cho rằng Thắng giải là 1 trong 10 Đại địa pháp, có thể tương ứng với tất cả tâm sở, tức trùm khắp tất cả tâm phẩm. Luận Câu xá quyển 4, (Đại 29, 19 thượng) nói: Thắng giải nghĩa là đối với các cảnh có năng lực hiểu rõ chính xác. Tức bất luận là thị phi, tà chính, tác dụng của tâm sở này đều có thể quyết đoán rõ ràng, chính xác. Ví dụ khi tâm đối trước cảnh, dù cảnh đó là hoa hay trăng, tâm liền quyết đoán là hoa, là trăng, cho nên tất cả tâm đều có tâm sở này. Nhưng tông Duy thức thì cho rằng Thắng giải là 1 trong 5 Biệt cảnh, không có công năng trùm khắp tất cả tâm sở. Luận Thành duy thức quyển 5 (Đại 31, 28 trung) nói: Thế nào là thắng giải? Nghĩa là khi đối trước cảnh tâm quyết định rõ ràng, phán đoán chính xác, đó là Thắng giải; còn nếu đối trước cảnh tâm còn do dự, nghi ngờ, không thể quyết đoán, thì không phải là Thắng giải, không thể trùm khắp. Còn Thượng tọa bộ thì chủ trương Thắng giải chính là quyết định và không khác gì với Trí tướng. Thuyết Nhất thiết hữu bộ thì cho rằng ấn khả là tác dụng khác của Thắng giải, vì thế khác với Thắng giải hoặc Trí tướng. Luận Đại tì bà sa quyển 101 cho rằng Trạch diệt là tự tính của giải thoát vô vi, còn Thắng giải thì là tự tính của giải thoát hữu vi. [X. luận Phẩm loại túc Q.1; luận Đại tì bà sa Q.16, 28]. - Từ điển Phật Quang.

(2). Khiển có nghĩa là khiển trách, quở, lên án, phê phán. Tu trừ khiển: Tu để trừ bỏ bình phẩm hay phê phán (người hay vật v.v…)

 

Lược giải:

 

1. Muốn chứng giác, muốn được Nhất thiết trí trí, muốn trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì Bồ tát phải liên tục tùy thuận đến Không, Vô tướng, Vô nguyện, như hư không mà tu, tu vô sở hữu, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tạo, không tác, như mộng, như ảo, như trò biến hóa, như ảo thành. Vì Chánh giác, Nhất thiết trí trí, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác không thể lấy sắc mà chứng, không thể lấy thọ tưởng hành thức mà chứng; cũng không thể lấy xứ giới mà chứng, cũng không thể lấy tất cả pháp Phật mà chứng. “Vì sao? Vì đại Bồ tát đã tùy thuận hướng đến Nhất thiết trí trí, không kẻ có thể hành được, không kẻ có thể phá hoại được, không từ đâu đến, không đi về đâu, cũng không chỗ trụ, không phương cõi, không số lượng, không đi, không đến. Đã không số lượng, không đi, không đến, thì cũng chẳng thể nắm bắt, cũng chẳng thể chứng đắc vậy”.

Phẩm“Huệ Đến Bờ Kia”, quyển 527, Hội thứ III, ĐBN nói rõ ràng:

Các đại Bồ tát khi hành sâu Bát nhã Ba la mật, nếu nhớ có sắc và nghĩ phải tu, như vậy là chẳng trừ khiển sắc, chẳng phải tu Bát nhã Ba la mật. Nếu nhớ có thọ tưởng hành thức và nghĩ phải tu, như vậy là chẳng trừ khiển thọ tưởng hành thức, chẳng phải tu Bát nhã Ba la mật. Nói rộng, cho đến nếu nhớ có dứt hẳn phiền não tập khí nối nhau và nghĩ phải tu, như vậy là chẳng trừ khiển dứt hẳn phiền não tập khí nối nhau, chẳng phải tu Bát nhã Ba la mật. Nếu nhớ có Nhất thiết trí trí và nghĩ phải tu đây, như vậy là chẳng trừ khiển Nhất thiết trí trí, chẳng phải tu Bát nhã Ba la mật.

Ngược lại, các đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật thậm thâm, chẳng nhớ có sắc và chẳng nghĩ phải tu trừ khiển sắc, là tu Bát nhã Ba la mật. Chẳng nhớ có thọ tưởng hành thức và chẳng nghĩ phải tu trừ khiển thọ tưởng hành thức, là tu Bát nhã Ba la mật. Nói rộng, cho đến chẳng nhớ có dứt hẳn phiền não tập khí nối nhau và chẳng nghĩ phải tu trừ khiển dứt hẳn phiền não tập khí nối nhau, là tu Bát nhã Ba la mật. Chẳng nhớ có Nhất thiết trí trí và chẳng nghĩ phải tu trừ khiển Nhất thiết trí trí, là tu Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì chẳng phải kẻ tưởng có dứt tham sân si, tùy miên trói buộc thường d tu Bát nhã Ba la mật.

Vậy nên, Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ tát tu trừ khiển sắc, cũng trừ khiển tu đây, gọi tu Bát nhã Ba la mật. Tu trừ khiển thọ tưởng hành thức, cũng trừ khiển tu đây gọi tu Bát nhã Ba la mật. Nói rộng, cho đến tu trừ khiển dứt hẳn phiền não tập khí nối nhau và trừ khiển tu đây, gọi tu Bát nhã Ba la mật. Tu trừ khiển Nhất thiết trí trí và trừ khiển tu đây, gọi tu Bát nhã Ba la mật”.

Nếu cứ nghĩ tưởng phải tu, phải hành, phải khiển, phải chứng bất cứ pháp nào dầu pháp đó mang nhiều công đức nhất thì cũng coi như chẳng tu Bát nhã Ba la mật. Nếu nhớ, nếu nghĩ ngũ uẩn là cái che đậy tánh giác thì nên khiển trừ cái nhớ cái nghĩ đó. Nhưng mỗi khi khởi niệm thì vọng sanh. Nên đức Quán Âm trong “Tâm Kinh” bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Nầy Xá Lợi tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng lại như thế”. Nếu coi ngũ uẩn là không thì không cần phải lìa cũng không cần phải khiển.

Khiển chính là một động niệm thì khiển cũng là cái đáng trừ, đáng bỏ. Do đó, Phật nói: “Tất cả pháp chẳng có tướng, chẳng không tướng. Nếu đại Bồ tát biết tất cả pháp hoặc có tướng hoặc không tướng, đều đồng nhất tướng, chỗ gọi vô tướng, tu vô tướng đây là tu Bát nhã Ba la mật”.

Vậy lìa cũng bỏ, khiển cũng bỏ và cái bỏ sau cùng đó cũng không nên nói đến nữa. Như thế thì tâm hành diệt, ngôn ngữ đoạn, mới an trụ tánh không, hành cảnh vô tướng, nguyện không phân biệt, tâm mới tuyệt đối an nhiên tịch lặng. Bát Nhã nghịch lý ở chỗ đó, vì cái suy lý thường tục bằng tri thức, thấy cái gì nghịch lại qui ước sống thì phải trừ, phải lìa, phải khiển mà không biết rằng chính cái phải trừ, phải lìa, phải khiển là những biện pháp chống lại sự an tịnh của tâm, cái mà Bát Nhã gọi là vô niệm, vô tâm.

Cuối cùng Phật dạy: “… đại Bồ tát nào thường đối với Bát Nhã sâu xa như thế sanh tịnh tín và thắng giải thì đại Bồ tát này thường hướng đến Nhất thiết trí trí. Nếu thường hướng đến Nhất thiết trí trí thì thường làm chỗ hướng đến cho tất cả hữu tình”.

Đó là chúng ta chỉ giải quyết một vấn đề là tu trừ khiển.

 

2. Vấn đề thứ hai mắc mỏ quá! Kinh hầu hết chỗ nào cũng nói đến hai chữ “Không hành”, thí dụ không hành Bồ tát đạo làm sao tiến đến Bồ đề? Làm sao hiện chứng? Làm sao đắc quả? Câu hỏi nếu không hành Bồ tát đạo thì làm sao tiến đến Bồ đề. Câu hỏi này đặt đúng chỗ. Nhưng đặt thêm mệnh đề sau: Làm sao hiện chứng? Làm sao đắc quả? Là sai. Vì có tưởng niệm, có chủ đích đằng sau tu hành thì gọi là hành có sở đắc! Tu thì cứ tu , hành thì cứ hành, không ai ngăn, không ai cản được. Mỗi khi có sở đắc là không đắc, không hiện quán. Nên kinh thường bảo là không hành hay hành như vô công dụng hạnh. V lại, các hành đều do tưởng tạo ra, không thật. Vì vậy, Phật dạy:

- “Thiện Hiện! Đại Bồ tát này khi hành Bát Nhã sâu xa không hành sắc, không hành thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, cho đến không hành Nhất thiết trí, không hành Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí”.

Phật bảo khi hành Bát Nhã là không hành sắc, không hành thọ tưởng hành thức. Chúng ta đồng ý điểm này. Vì sao? Vì ngũ uẩn còn gọi là ngũ che, nó che tánh giác của chúng ta không cho thấy thật tướng của tất cả pháp. Nếu không thấy thật tướng của tất cả pháp thì làm sao giác ngộ. Nên không hành sắc thọ tưởng v.v… là đúng. Nhưng không hành tam trí, trí tối cao của những bậc chứng ngộ thì hành cái gì? Có lẽ không ai đồng ý với câu nói này.

Nhất thiết trí trí, không có kẻ hành được, không từ đâu đến, không đi về đâu, cũng không chỗ trụ, không phương cõi, không số lượng. Đã không số lượng, không đi, không đến, thì cũng chẳng thể nắm bắt, cũng chẳng thể chứng đắc vậy. Đó là câu trả lời của Phật: Nếu nắm bắt thì cũng chẳng thể chứng đắc. Nhưng tại sao Phật chứng được? Phật chứng được là nói theo tục đế, nói theo ý nghĩ thói quen tập tục của chúng ta chứ không phải nói theo đệ nhất nghĩa đế. Vì vậy, những điều Phật phát biểu đều làm cho chúng ta có cảm tưởng nghịch đời. Điều đó cũng đúng thôi. Tất cả phàm phu đều thuận theo thế gian, còn người thuận theo đạo lý thì ngược lại với thế gian.

Sở dĩ, Phật có đắc là vì tu đến một độ nào đó sẽ chín mùi nứt vở thì Tam minh, Ngũ nhãn, Lục thần thông… hiện ra như đức Thế Tôn sau 49 ngày thiền định khi ánh mặt trời của buổi bình minh ló dạng chiếu vào cội Bồ đề. Phật muốn cũng không được, không muốn cũng không được, chỉ còn tùy thuận mà thôi. Rồi Phật bảo:

- “Thiện Hiện! Nhất thiết trí trí như thế không thể lấy sắc chứng, không thể lấy thọ, tưởng, hành, thức chứng. Như vậy, cho đến không thể lấy Nhất thiết trí chứng, không thể lấy Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chứng. Vì sao? Vì sắc tức là tánh Nhất thiết trí trí; thọ, tưởng, hành, thức tức là tánh Nhất thiết trí trí. Như vậy, cho đến Nhất thiết trí tức là tánh Nhất thiết trí trí; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí tức là tánh Nhất thiết trí trí. Vì sao? Vì sắc như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác; hoặc thọ, tưởng, hành, thức như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác. Như vậy, cho đến hoặc Nhất thiết trí như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác; hoặc Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác. Thế nên, Nhất thiết trí trí không thể lấy sắc chứng; không thể lấy thọ, tưởng, hành, thức chứng. Như vậy, cho đến không thể lấy Nhất thiết trí chứng; không thể lấy Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chứng”.

Khi giác ngộ rồi tự nhiên thấy tất cả pháp đều là chân như. Thấy tất cả pháp đều một như, không hai không khác: Sắc như, thọ tưởng hành thức như, Nhất thiết trí như, Đạo tướng trí, Nhất thiết trí trí như không hai không khác. Người thấy như vậy nên được gọi là Như Lai!

Phẩm “Chân Như” kế tiếp sẽ làm sáng tỏ sự chứng ngộ này của chư Phật.

 

---o0o---