Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 50. Phẩm "Sơ Nghiệp"

 

PHẨM “SƠ NGHIỆP”

 

Phần sau quyển 445 cho đến phần đầu quyển 446, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương phẩm “Chơn Thiện Hữu”, phần sau Q.313 cho đến

phần đầu Q.316, Hội thứ I, ĐBN)

 

Gợi ý:

Phẩm “Sơ Nghiệp” hay còn gọi là “Thiện Tri Thức” đều thuyết cùng một đề tài là nói về hạnh nguyện của Bồ tát sơ nghiệp. Hạnh nguyện này là “trên cầu quả vị Giác ngộ tối cao và dưới thì hóa độ chúng sanh”. Đó chính là Bồ tát hạnh hay Bồ tát đạo. Muốn hoàn thành sứ mạng đó điều kiện tiên quyết là: Bồ tát phải là bạn lành chân thật (thiện hữu tri thức) của tất cả hữu tình và phải có phương tiện để thực hiện các hạnh nguyện đó. Phương tiện đó chính là sáu pháp Ba la mật, hành trang vi diệu trên con đường cứu khổ.

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bồ tát sơ phát tâm làm thế nào học Bát Nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Bồ tát sơ phát tâm, nếu muốn tu học Bát Nhã cho đến Bố thí Ba la mật, thì trước nên thân cận thừa sự, cúng dường chơn thiện tri thức giỏi tuyên nói lục Ba la mật. Nghĩa là khi thuyết, dạy bảo, trao truyền Kinh Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, Bồ tát nói: Thiện nam tử đến đây, ngươi hãy siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Khi tu, nên dùng vô sở đắc làm phương tiện đối xử với tất cả hữu tình bình đẳng, cùng hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao. Các ngươi chớ lấy sắc mà cầu là quả vị Giác ngộ tối cao; cũng chớ lấy thọ, tưởng, hành, thức mà cầu là quả vị Giác ngộ tối cao. Chớ lấy mười hai xứ, mười tám giới mà cầu là quả vị Giác ngộ tối cao cũng chớ cầu các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra mà chấp là quả vị Giác ngộ tối cao. Các ngươi chớ lấy bố thí Ba la mật mà cầu quả vị Giác ngộ tối cao; cũng chớ lấy tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật mà cầu quả vị Giác ngộ tối cao. Chớ lấy 18 pháp không cũng chớ lấy chơn như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế... cho đến cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì mà cầu quả vị Giác ngộ tối cao. Chớ lấy tứ Thánh đế, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ mà cầu quả vị Giác ngộ tối cao. Chớ lấy ba mươi bảy pháp trợ đạo cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí mà cầu quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì chẳng phải lấy sắc mà được quả vị Giác ngộ tối cao; chẳng phải lấy thọ, tưởng, hành, thức mà được quả vị Giác ngộ tối cao. Như vậy, cho đến chẳng phải lấy Nhất thiết trí mà được quả vị Giác ngộ tối cao; chẳng phải lấy Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí mà được quả vị Giác ngộ tối cao.

Này thiện nam tử! Khi tu hành Bát Nhã thẳm sâu, chớ đối với sắc sanh tham ái; chớ đối với thọ, tưởng, hành, thức sanh tham ái. Vì sắc cho đến thức không thể tham ái. Vì sao? Vì tự tánh tất cả pháp là không. Chớ đối với mười hai xứ, mười tám giới sanh tham ái. Vì mười hai xứ, mười tám giới không thể tham ái. Vì sao? Vì tự tánh 12 xứ 18 giới là không. Chớ đối với các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra sanh tham ái. Vì các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ không thể tham ái. Vì sao? Vì tự tánh 12 xứ 18 giới là không. Chớ đối với lục Ba la mật, 18 pháp không cho đến chơn pháp giới, pháp tánh, thật tế... cho đến cảnh giới bất tư nghì sanh tham ái. Vì sao? Vì tự tánh lục Ba la mật cho đến cảnh giới bất khả tư nghì tự tánh là không. Nói rộng ra, chớ đối với tất cả pháp Phật sanh tham ái. Vì tất cả pháp Phật không thể tham ái. Vì sao? Vì tự tánh tất cả pháp kể cả pháp Phật là không. (Q.445, ĐBN)

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ tát có khả năng làm việc khó làm, là ở trong tự tánh không của tất cả pháp, mà lại mong cầu quả vị Giác ngộ, lại muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao?

Phật dạy:

- Đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Các đại Bồ tát có khả năng làm việc khó làm, là ở trong tự tánh không của tất cả pháp, lại mong cầu chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Các đại Bồ tát tuy thấu đạt tất cả pháp như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như ảnh, như bóng sáng, như sóng nắng, như việc biến hoá, như thành tầm hương, tự tánh đều không, nhưng vì thế gian được nghĩa lợi nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì làm cho thế gian được lợi ích, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì làm cho thế gian được an vui, vì muốn cứu vớt các thế gian, vì làm nơi nương tựa cho thế gian, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì làm nhà cửa, vì muốn chỉ đường rốt ráo(1) cho thế gian, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì làm hòn đảo, vì làm nhật nguyệt đèn đuốc nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì làm đạo sư, vì làm tướng soái cho thế gian, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì làm chỗ hướng đến cho thế gian, vì thương xót khổ sanh tử của thế gian, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Thế nào là đại Bồ tát vì các thế gian được nghĩa lợi, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các đại Bồ tát vì muốn giải thoát các khổ não cho tất cả hữu tình, phương tiện tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Thiện Hiện! Đó là Đại Bồ tát vì nghĩa lợi thế gian nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Thế nào là đại Bồ tát vì làm cho thế gian được lợi ích, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các Đại Bồ tát vì muốn tự trụ sáu pháp Ba la mật, phương tiện khuyên dẫn các loài hữu tình, giúp họ an trụ sáu pháp Ba la mật, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Thiện Hiện! Đó là Đại Bồ tát vì muốn làm cho thế gian được lợi ích nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ tát vì làm cho thế gian được an vui, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các đại Bồ tát vì muốn tự trụ mười thiện nghiệp đạo, phương tiện khuyên dẫn các loài hữu tình, giúp họ an trụ mười thiện nghiệp đạo, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Thiện Hiện! Đó là đại Bồ tát vì làm cho thế gian được an vui nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Thế nào là đại Bồ tát vì muốn cứu vớt thế gian, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các đại Bồ tát thấy các hữu tình đọa ba đường ác, muốn cứu vớt khiến tu thiện nghiệp được chỗ yên thân, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Thiện Hiện! Đó là đại Bồ tát vì muốn cứu vớt thế gian nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Thế nào là đại Bồ tát vì muốn làm chỗ nương về cho thế gian, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các đại Bồ tát muốn vì hữu tình nói pháp không nương tựa. Nghĩa là sắc không nương tựa; thọ, tưởng, hành, thức không nương tựa. Như vậy, cho đến Nhất thiết trí không nương tựa; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí không nương tựa, làm cho các hữu tình sau khi nghe xong được giải thoát tất cả sanh, lão, bệnh, tử, sầu, than, khổ, ưu, não. Do đó, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Thiện Hiện! Đó là đại Bồ tát làm chỗ nương về cho thế gian, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Thế nào là đại Bồ tát vì làm nhà cửa cho thế gian, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các Đại Bồ tát muốn làm nơi nương dựa cho các hữu tình, và làm cho họ đến được cung đại Niết bàn không sợ không hãi, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Thiện Hiện! Đó là đại Bồ tát vì làm nhà cửa cho thế gian nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Thế nào là đại Bồ tát muốn chỉ đạo rốt ráo cho thế gian nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các đại Bồ tát thấy các hữu tình chẳng thông suốt đạo chẳng phải đạo tướng, rơi vào tham dục, muốn vì phương tiện tuyên nói pháp yếu khiến chúng biết rõ tướng đạo rốt ráo, phát tới quả vị Giác ngộ tối cao. Muốn vì hữu tình nói pháp yếu nào? Chỗ gọi nói rốt ráo sắc thường không sợ hãi, nói rốt ráo thọ tưởng hành thức thường không sợ hãi. Như vậy, cho đến nói rốt ráo Nhất thiết trí thường không sợ hãi; nói rốt ráo Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí thường không sợ hãi. Nói rốt ráo sắc tức chẳng phải sắc, nói rốt ráo thọ tưởng hành thức tức chẳng phải thọ tưởng hành thức. Như vậy, cho đến nói rốt ráo Nhất thiết trí tức chẳng phải Nhất thiết trí; nói rốt ráo Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí tức chẳng phải Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.

Thiện Hiện! Tướng rốt ráo của các pháp này như thế nào thì tướng tất cả pháp cũng như vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tướng tất cả pháp như tướng rốt ráo ấy, đại Bồ tát làm sao đối tất cả pháp ứng hiện Đẳng Giác? Vì sao? Bạch Thế Tôn! Chẳng phải trong sắc rốt ráo có phân biệt, rằng đây là sắc. Cũng chẳng phải trong thọ tưởng hành thức rốt ráo có phân biệt, rằng đây là thọ tưởng hành thức. Như vậy, cho đến chẳng phải trong Nhất thiết trí rốt ráo có phân biệt, rằng đây là Nhất thiết trí. Cũng chẳng phải trong Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí rốt ráo có phân biệt, rằng đây là Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Như vậy, đúng như ngươi đã nói! Trong sắc rốt ráo không phân biệt như vầy, rằng đây là sắc. Trong thọ tưởng hành thức rốt ráo không phân biệt như vầy, rằng đây là thọ tưởng hành thức. Như vậy, cho đến trong Nhất thiết trí rốt ráo không phân biệt như vầy, rằng đây là Nhất thiết trí. Trong Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí rốt ráo không phân biệt, rằng đây là Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Vì tất cả pháp bản tánh không vậy.

Thiện Hiện! Đây là việc rất cực khó của đại Bồ tát. Nghĩa là tuy quán tướng tất cả pháp đều vắng lặng, thẳm sâu mầu nhiệm mà tâm chẳng chìm đắm, tác nghĩ này rằng: Ta đối pháp này hiện đẳng giác rồi, chứng được quả vị Giác ngộ tối cao, vì các hữu tình tuyên nói khai chỉ pháp vắng lặng thâm diệu.

Thiện Hiện! Đấy là đại Bồ tát muốn chỉ đạo rốt ráo cho thế gian nên phát tới quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Sao là đại Bồ tát vì làm cồn đảo cho thế gian nên phát tới quả vị Giác ngộ tối cao? Ví như trong biển sông ao lớn nhỏ, đất cao ở được, chung quanh nước dứt, gọi là cồn đảo. Thiện Hiện! Cũng vậy, khoảng trước, sau của sắc đều dứt, khoảng trước, sau của thọ, tưởng, hành, thức đều dứt; khoảng trước, sau của mười hai xứ, mười tám giới đều dứt, khoảng trước, sau của tất cả pháp Phật đều dứt.

Thiện Hiện! Do khoảng trước, khoảng sau đều dứt nên tất cả pháp đều dứt.

Thiện Hiện! Khoảng trước, sau của tất cả pháp Phật đều dứt tức là tịch diệt, tức là vi diệu, tức là như thật, đó là không, vô sở đắc, con đường dứt ái hết, lìa nhiễm, vĩnh viễn Niết bàn. Đại Bồ tát cầu chứng quả vị Giác ngộ tối cao, muốn vì hữu tình tuyên thuyết khai thị pháp vi diệu tịch diệt như thế.

Thiện Hiện! Đấy là đại Bồ tát vì làm cồn đảo cho thế gian nên phát tới quả vị Giác ngộ tối cao. 

Thiện Hiện! Thế nào là đại Bồ tát vì làm nhật nguyệt, đèn đuốc cho thế gian nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các đại Bồ tát muốn vì hữu tình tuyên nói sáu pháp Ba la mật và tứ nhiếp pháp tương ưng nghĩa lý chơn thật của Kinh điển, dùng phương tiện chỉ dạy, làm cho họ siêng năng tu học để phá trtất cả chủng tử vô minh đen tối, hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Thiện Hiện! Đó là đại Bồ tát vì làm nhật nguyệt, đèn đuốc, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Thế nào là đại Bồ tát vì làm đạo sư, tướng soái cho thế gian nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các đại Bồ tát muốn làm hữu tình xa lìa bốn chỗ không nên làm(2) của tà đạo, vì họ giảng nói nhất đạo để họ quay về chính đạo, người tạp nhiễm được thanh tịnh, người sầu não được vui tươi, người buồn khổ được an lạc, hữu tình phi lý chứng pháp như lý, hữu tình lưu chuyển được vào Niết bàn, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Thiện Hiện! Các đại Bồ tát hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao, muốn vì hữu tình tuyên nói khai thị sắc không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh; thọ, tưởng, hành, thức không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Mười hai xứ, mười tám giới không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Nhãn xúc không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh; các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Bố thí Ba la mật không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh; tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Pháp nội không cho đến vô tính tự tính không không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Chơn như không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh; pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Cho tới tất cả pháp mầu Phật đạo không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Thiện Hiện! Đó là đại Bồ tát vì làm đạo sư, tướng soái cho thế gian, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Thế nào là đại Bồ tát vì làm chỗ hướng đến cho thế gian nên hướng đến Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các đại Bồ tát mong cầu quả vị Giác ngộ tối cao, tu Bồ tát hạnh muốn đem bốn nhiếp sự (tứ nhiếp pháp) thu nhiếp tất cả hữu tình, đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Muốn vì hữu tình tuyên nói khai thị sắc lấy hư không làm chỗ hướng đến; thọ, tưởng, hành, thức cũng lấy hư không làm chỗ hướng đến. Như vậy, cho đến tất cả pháp mầu Phật đạo lấy hư không làm chỗ hướng đến. (Q.445, ĐBN)

Muốn vì hữu tình tuyên nói khai thị sắc không hướng đến, không phải không hướng đến. Vì sao? Vì tánh sắc là không, trong không không hướng đến, không phải không hướng đến. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không hướng đến không phải không hướng đến. Vì sao? Vì tánh thọ, tưởng, hành, thức là không, trong không không hướng đến, không phải không hướng đến. Như vậy, cho đến tất cả pháp mầu Phật đạo không hướng đến không phải không hướng đến. Vì sao? Vì tánh của tất cả pháp mầu Phật đạo là không, trong không không hướng đến, không phải không hướng đến.

Thiện Hiện! Đó là đại Bồ tát vì làm chỗ hướng đến cho thế gian, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không, vô tướng, vô nguyện làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt (vượt qua). Vì sao? Vì trong không, vô tướng, vô nguyện hướng đến và không hướng đến đều bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không khởi, không tác làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong không khởi, không tác hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không sanh, không diệt làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong không sanh, không diệt hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không nhiễm, không tịnh làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong không nhiễm, không tịnh hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy vô sở hữu làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong vô sở hữu hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy huyễn, mộng, tiếng vang, hình tượng, bóng sáng, sóng nắng, việc biến hóa, thành tầm hương làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong huyễn, mộng, tiếng vang, hình tượng, bóng sáng, sóng nắng, việc biến hóa, thành tầm hương hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy vô lượng, vô biên làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong vô lượng, vô biên hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không cho, không nhận làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong không cho, không nhận hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không nâng lên, không hạ xuống làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong không nâng, không hạ hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không đi, không đến làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong không đi, không đến hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không thêm, không bớt làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong không thêm, không bớt hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không vào, không ra làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong không vào, không ra hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không nhóm, không tan làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong không nhóm, không tan hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không hợp, không lìa làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong không hợp, không lìa hướng đến và không hướng đến bất khả đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy ngã, hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, bổ đặc già la, ý sanh, nho đồng, tác giả, sử tác giả, khởi giả, sử khởi giả, thọ giả, sử thọ giả, tri giả, kiến giả làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì ngã cho đến kiến giả rốt ráo vô sở hữu, bất khả đắc, huống chi có hướng đến, không hướng đến.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy vô ngã, vô hữu tình, vô mạng giả, vô sanh giả, vô dưỡng giả, vô sĩ phu, vô bổ đặc già la, vô ý sanh, vô nho đồng, vô tác giả, vô sử tác giả, vô khởi giả, vô sử khởi giả, vô thọ giả, vô sử thọ giả, vô tri giả, vô kiến giả làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì vô ngã cho đến vô kiến giả rốt ráo vô sở hữu, không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy thường, lạc, ngã, tịnh làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì thường, lạc, ngã, tịnh rốt ráo vô sở hữu, không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh còn rốt ráo vô sở hữu, bất khả đắc, huống chi có hướng đến, không hướng đến.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy việc tham, sân, si làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì việc tham, sân, si rốt ráo vô sở hữu, không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy các kiến thú làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì các kiến thú rốt ráo còn vô sở hữu, không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì rốt ráo còn vô sở hữu, không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy tánh bất động làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì tánh bất động rốt ráo còn vô sở hữu, không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến có thể đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy sắc thọ, tưởng, hành, thức làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì sắc cho đến thức rốt ráo còn vô sở hữu, không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến có thể đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy mười hai xứ, mười tám giới làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì mười hai xứ cho đến mười tám giới rốt ráo còn vô sở hữu, không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến có thể đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì nhãn xúc cho đến ý xúc rốt ráo còn vô sở hữu không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến có thể đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy các thọ do nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra rốt ráo còn vô sở hữu không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến có thể đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật rốt ráo còn vô sở hữu không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến có thể đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy pháp nội không cho đến vô tánh tự tánh không làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì pháp nội không cho đến pháp vô tánh tự tánh không rốt ráo còn vô sở hữu không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến có thể đắc.

Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy các pháp mầu Phật đạo làm chỗ hướng đến. Các đại Bồ tát đối với việc hướng đến như thế không thể siêu vượt. Vì sao? Vì tất cả các pháp mầu Phật đạo rốt ráo còn vô sở hữu không thể nắm bắt được, huống chi có hướng đến, không hướng đến có thể đắc.

Thiện Hiện! Đại Bồ tát vì làm chỗ hướng đến cho thế gian nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Thế nào là đại Bồ tát thương xót khổ sanh tử thế gian nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao? Thiện Hiện! Các đại Bồ tát vì được thần thông vô ngại tự tại, cứu vớt khổ lớn sanh tử cho các hữu tình, nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao. Thiện Hiện! Đó là đại Bồ tát thương xót khổ sanh tử thế gian nên hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao.

 

Thích nghĩa:

(1). Đường rốt ráo: Nguyên văn chữ Hán là cứu cánh đạo”. Tác giả dịch đạo” là đường. Đạo trong nghĩa đạo lý, đường lối, nguyên tắc phải noi theo, như Khổng Tử nói “sớm thấy đạo, tối chết cũng cam!” Từ đạo của Hán ngữ trong triết học và tôn giáo có nhiều ý nghĩa và phổ thông hơn từ “đường”của Việt ngữ! Từ đạo không cần dịch ai đọc cũng có thể hiểu.

(2). Lìa bốn chỗ không nên làm: Nguyên văn chữ Hán là ly hành tứ chủng bất ưng/ứng hành xứ. Tứ chủng là tứ chủng chướng (四種障) là bốn thứ chướng đạo gồm: Duyên tướng, Nhân tướng, Sanh tướng, và Hoại tướng. Nên cụm từ “lìa bốn chỗ không nên làm” có thể dịch là “xa lìa tứ chủng chướng chẳng nên hành”. Xem lại thích nghĩa chi tiết ở phẩm “Chơn Thiện Hữu”, phần sau quyển 313 đến phần đầu quyển 316, Hội thứ I, ĐBN.

 

Lược giải:

 

Phẩm “Sơ Nghiệp” của Hội thứ II chẳng khác gì phẩm “phẩm “Chơn Thiện Hữu”, phần sau quyển 313 cho đến phần đầu quyển 316, Hội thứ I, ĐBN. Hai phẩm cùng thuyết một thể tài như nhau:

1. Ai là người có thể làm thiện tri thức hay bạn lành chơn tịnh của tất cả hữu tình?

2. Đâu là chỗ hướng đến của Bồ tát?

3. Chỗ hướng đến chẳng thể siêu vượt.

Phẩm “Chơn Thiện Hữu” của Hội thứ I, đã trả lời ba câu hỏi này rồi. Phẩm này dễ hiểu, nếu có thắc mắc Quý vị có thể trở lại đọc phẩm “Chơn Thiện Hữu” của Hội thứ I!

 

---o0o---