Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 84. Phẩm “Tánh Không"

 

PHẨM “TÁNH KHÔNG”

 

Phần cuối quyển 478, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương phẩm “Pháp Tánh Vô Động”, phần sau Q.397, Hội thứ I, ĐBN)

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp bình đẳng đều bản tánh không, bản tánh không đây đối tất cả pháp chẳng phải năng tác sở tác, đại Bồ Tát làm sao khi hành sâu Bát nhã Ba la mật chẳng động thắng nghĩa dùng bốn nhiếp sự nhiêu ích hữu tình?

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Như vậy, như vậy! Tất cả pháp tánh bình đẳng đều bản tánh không, bản tánh không đây đối tất cả pháp chẳng năng sở tác, nhưng các Bồ Tát vì hữu tình đem bố thí thường làm việc nhiêu ích. Nếu các hữu tình tự biết các pháp đều bản tánh không, thời các Như Lai và các Bồ Tát chẳng hiện thần thông làm việc hy hữu. Nghĩa là đối trong các pháp bản tánh không dù không sở động mà khiến hữu tình xa lìa vọng tưởng điên đảo, nghĩa là khiến các hữu tình xa lìa tưởng ngã, tưởng hữu tình, cho đến tưởng tri giả, kiến giả. Cũng khiến xa lìa tưởng sắc cho đến thức. Tưởng nhãn xúc cho đến ý xúc. Tưởng nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ. Tưởng địa giới cho đến ý thức giới. Tưởng vô minh cho đến lão tử. Cũng khiến xa lìa tưởng hữu vi giới, trụ vô vi giới giải thoát tất cả sanh lão bệnh tử. Vô vi giới ấy tức các pháp không, nương thế tục nói danh vô vi giới. (Q.478, ĐBN)

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Do cái gì không nên nói các pháp không?

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Do tưởng không nên nói các pháp không.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Nếu thân biến hóa lại làm việc hóa, đây có thật mà chẳng phải không chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Các điều biến hóa đều không thật có, tất cả đều không.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Biến hóa và không, hai pháp như thế chẳng hợp chẳng tan. Vì hai pháp đây đều “không không” nên “không” chẳng nên phân biệt cái này không, cái này hóa. Vì sao? Vì chẳng phải trong tánh không có không có hóa hai việc khá được, vì tất cả pháp rốt ráo không vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Không có sắc nào mà chẳng phải hóa; không có thọ, tưởng, hành, thức nào mà chẳng phải hóa. Các pháp hóa này đều không. Các pháp khác, hữu tình cũng phải biết như vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Các pháp thế gian như uẩn, giới, xứ v.v… và các hữu tình đều là hóa. Pháp xuất thế gian như bốn niệm trụ v.v… và các hữu tình lẽ nào cũng lại là hóa nốt?

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Tất cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian đều là biến hóa, nhưng trong đó, có pháp là sở hóa của Thanh văn, có pháp là sở hóa của Độc giác, có pháp là sở hóa của Bồ tát, có pháp là sở hóa của Như Lai, có pháp là sở hóa của phiền não, có pháp là sở hóa của thiện pháp. Do nhân duyên này mà Ta nói là tất cả pháp đều như biến hóa như nhau không sai khác.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Tất cả quả đoạn trừ như là quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác, Như Lai, đoạn trừ hẳn phiền não tập khí nối nhau, lẽ nào cũng là hóa?

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Các pháp nếu cùng hai tướng sanh diệt hợp nhau, thì đều là hóa. Nếu pháp chẳng cùng với tướng sanh diệt hợp nhau, pháp ấy chẳng phải hóa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Pháp nào là pháp chẳng phải là hóa?

- Này Thiện Hiện! Pháp chẳng hư dối tức là Niết bàn. Pháp này chẳng hợp với tướng sanh diệt, vì vậy chẳng phải là hóa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Như Thế Tôn đã nói, pháp tánh bình đẳng, tất cả đều không, không lay động, không hai có thể nắm bắt được, không có pháp nhỏ nào chẳng phải là tự tánh không, thì tại sao nói Niết bàn chẳng phải là hóa?

- Này Thiện Hiện! Không có bất cứ một pháp nào dầu nhỏ nhặt bằng đầu mảy lông mà tự tánh chẳng không, tự tánh không này không do ai làm ra, tánh nó thường không, đây tức là Niết bàn. Vì không ai làm ra, tự tánh thường không, chẳng lúc nào chẳng không, nên mới gọi là Niết bàn. Niết bàn là vô sanh, vô diệt, phi hóa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ta vì các Bồ Tát tân học nói Niết Bàn chẳng phải hóa, chẳng riêng thật có bất không Niết Bàn. Vậy nên, chẳng nên chấp đây làm nạn.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Dùng phương tiện nào dạy bảo trao truyền tân học Bồ Tát khiến biết các pháp tự tánh thường không?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Đâu tất cả pháp trước có sau không mà chẳng thường không? Nhưng tất cả pháp trước đã chẳng phải có, sau cũng chẳng phải không, tự tánh thường không, chẳng nên kinh sợ. Nên dùng phương tiện khéo léo như thế dạy bảo trao truyền tân học Bồ Tát khiến biết các pháp tự tánh thường không.

Khi Thế Tôn thuyết Kinh này rồi, vô lượng chúng đại Bồ Tát, Từ Thị Bồ Tát làm thượng thủ, cụ thọ Thiện Hiện và Xá Lợi Tử, Đại Thái Thục Thị Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp Ba, A Nan Đà v.v…, các Đại Thanh Văn và các Thiên Long, A tu la thảy tất cả đại chúng nghe Phật đã thuyết đều vui mừng lớn, tín thọ phụng hành.

 

Sơ giải:

 

Phẩm “Tánh Không” của Hội thứ II tương đương với phẩm “Pháp Tánh Vô Động”, phần sau quyển 397, Hội thứ I, chúng tôi đã chiết giải rõ ràng rồi, nên ở đây không muốn trùng tuyên nữa. Vậy, xin Quý vị có thể quay lại đọc tụng phẩm “Pháp Tánh Vô Động”, Hội thứ I nếu cần. Trong phẩm này chỉ cần nhớ các câu nói sau đây của Phật:

 

- “Tất cả pháp tánh bình đẳng đều bản tánh không, bản tánh không đây đối tất cả pháp chẳng năng sở tác…”

- “Không có sắc nào mà chẳng phải hóa; không có thọ, tưởng, hành, thức nào mà chẳng phải hóa. Các pháp hóa này đều không. Các pháp khác, hữu tình cũng phải biết như vậy”.

- “Tất cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian đều là biến hóa, nhưng trong đó, có pháp là sở hóa của Thanh văn, có pháp là sở hóa của Độc giác, có pháp là sở hóa của Bồ tát, có pháp là sở hóa của Như Lai, có pháp là sở hóa của phiền não, có pháp là sở hóa của thiện pháp. Do nhân duyên này Ta nói là tất cả pháp đều như biến hóa như nhau không sai khác”.

- “Các pháp nếu cùng hai tướng sanh diệt hợp nhau, thì đều là hóa. Nếu pháp chẳng cùng với tướng sanh diệt hợp nhau, pháp ấy chẳng phải hóa”.

- “Không có bất cứ một pháp nào dầu nhỏ nhặt bằng đầu mảy lông mà tự tánh chẳng không, tự tánh không này không do ai làm ra, tánh nó thường không, đây tức là Niết bàn. Vì không ai làm ra, tự tánh thường không, chẳng lúc nào chẳng không, nên mới gọi là Niết bàn. Niết bàn là vô sanh, vô diệt, phi hóa”.

 

Để chứng minh tất cả pháp đều không, chúng tôi xin trình bày một số các đoạn kinh ngắn để Quý vị có thể hiểu toàn bộ ĐBN nói về Tánh Không và ý nghĩa của nó là gì:

 

- Phẩm“Bất Khả Động”, quyển 386, Hội thứ I. ĐBN. Nói:

 “Pháp bản tánh không chưa từng chẳng không”.

Đây là câu nói căn bản mà hành giả Bát Nhã phải ghi nhớ nằm lòng khi tụng đọc, thọ trì Kinh Bát nhã Ba la mật này.

  

- Phẩm “Khen Tánh Chẳng Chắc Thật”, quyển 346, Hội thứ I, ĐBN thuyết:

“Các đại Bồ tát tu hành sâu sắc Bát nhã Ba la mật, quán tất cả pháp đều không, đó là quán tất cả pháp hữu sắc không, pháp vô sắc cũng không; quán tất cả pháp hữu kiến không, pháp vô kiến cũng không; quán tất cả pháp hữu đối không, pháp vô đối cũng không; quán tất cả pháp hữu lậu không, pháp vô lậu cũng không; quán tất cả pháp hữu vi không, pháp vô vi cũng không; quán tất cả pháp thế gian không, pháp xuất thế gian cũng không; quán tất cả pháp tịch tịnh không, pháp chẳng tịch tịnh cũng không; quán tất cả pháp viễn ly không, pháp chẳng viễn ly cũng không; quán tất cả pháp quá khứ không, pháp vị lai, hiện tại cũng không; quán tất cả pháp thiện không, pháp bất thiện, vô ký cũng không; quán tất cả pháp Dục giới không, pháp Sắc, Vô sắc giới cũng không; quán tất cả pháp học không, pháp vô học, phi học, phi vô học cũng không; quán tất cả pháp kiến sở đoạn không, pháp tu sở đoạn, phi sở đoạn cũng không; quán tất cả pháp hữu không, pháp vô, phi hữu, phi vô cũng không”.

Quán tất cả pháp đều không. Nếu thấy biết tất cả pháp đều không như vậy thì không còn vướng mắc, quán ngại nữa. Tâm mới rỗng không tronh suốt.

 

- Phẩm “Thật Ngữ”, quyển 458, Hội thứ II, ĐBN. Phật bảo Khánh Hỷ:

“Khánh Hỷ phải biết: Tất cả pháp tánh không không kẻ năng kiến, không kẻ năng tri, không kẻ năng chứng, không động không tác. Vì sao? Vì tất cả pháp đều như hư không, không có tác dụng, vì năng lấy bị lấy tánh xa lìa vậy. Vì tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn, vì năng sở nghĩ bàn tánh xa lìa vậy. Vì tất cả pháp đều như huyễn như mộng..., nhiều duyên hòa hợp giả có. Vì tất cả pháp không kẻ tác thọ, vọng hiện như có, nhưng không bền chắc vậy”.

  Đạt đến trạng thái thì gọi là vô thức vô niệm thì được tự tại thôi.

 

- Vì vậy, Phẩm “Phật Mẫu”, quyển 306, Hội thứ I, ĐBN. Nói:

 “Bát Nhã thậm thâm lấy không làm tướng; Bát Nhã lấy vô tướng, vô nguyện làm tướng; Bát Nhã lấy vô tác, vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tánh làm tướng; Bát Nhã lấy vô tự tánh, vô sở y, phi đoạn phi thường, phi nhất phi dị, vô lai vô khứ làm tướng; Bát Nhã lấy hư không làm tướng; Bát nhã Ba la mật có vô lượng tướng như thế”. Nhờ lấy Không làm tướng nên không còn đảo điên mộng tưởng, mới chứng được Niết Bàn rốt ráo!

 

- Phẩm 18, “Tánh Không”, quyển thứ 17, “Phật Mẫu Bát Nhã Kinh”. Tu Bồ Đề bạch Phật:

“Phật bảo Tu Bồ Đề: Sắc vô lượng, thọ tưởng hành thức cũng vô lượng.

Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vô lượng có nghĩa là gì?

Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Vô lượng nghĩa là Không, nghĩa là Vô tướng, nghĩa là Vô nguyện.

Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch thế tôn! Vô lượng chỉ có nghĩa là tam muội Không, Vô tướng, Vô nguyện, không phải là nghĩa của tất cả pháp sao?

Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Ý ngươi thế nào? Chẳng lẽ ngươi không nghe Phật nói tất cả pháp đều không sao?

Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Đúng thế! Bạch Thế Tôn! Phật nói tất cả pháp đều không.

Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Không tức là vô lượng. Vì thế, trong này nghĩa của tất cả các pháp không có phân biệt, lìa mọi tạo tác. Tu bồ đề, nói như thế chính là Phật thuyết. Vì sao? Nếu nói như thế tức là vô lượng, vô lượng tức vô số, vô số tức Không, Không tức Vô tướng, Vô tướng tức Vô nguyện, Vô nguyện tức Vô sinh, Vô sinh tức Vô diệt, Vô diệt tức Vô tác, Vô tác tức Vô tri, Vô tri tức Vô tánh, Vô tánh tức Vô nhiễm, Vô nhiễm tức Niết bàn tịch tĩnh. Pháp môn như thế do chính Như Lai Ứng Cúng Chính Đẳng Chính Giác thuyết. Thuyết như thế tức là tất cả các pháp không có thuyết”.

Chúng ta có thể tóm tắt Tánh không hay Bán tánh không bằng câu nói sau đây: “Chẳng chấp thật có, chẳng chấp thật không, chẳng chấp thật chân, chẳng chấp thật giả, được như thế thì các pháp tự không, chẳng cần đoạn diệt, không cần khiển hay trừ khiển tất cả tướng rồi mới thành không, nên gọi là Tánh không”.

Toàn thể Đại Bát Nhã nói về Tánh không này. Hẹn trở lại vấn đề khi luận về Tánh không với những nguyên lý chỉ đạo của nó trong phần thứ III của thiên Tổng luận này.

 

---o0o---

 

Đến đây chấm dứt phần hai,

(Hội thứ II)

 

Hội thứ I tổng cộng có đến 400 quyển, Hội thứ II ngắn gọn hơn, chỉ có 78 quyển bắt đầu từ quyển thứ 401 cho đến quyển 478, thiếu ba phẩm: “Bồ tát Thường Đề”, “Bồ tát Pháp Dũng” và phẩm “Kết Khuyến”. Tuy nhiên, giáo lý hạnh quả, tu chứng cùng kỹ thuật hành trì quán tưởng… của hai Hội như nhau. Điểm đáng lưu ý là Hội thứ II cô động, rõ ràng, chúng tôi mặc dầu nói là tóm lược, nhưng thật sự chẳng tóm lược mấy. Toàn bộ Kinh văn thuộc Hội thứ II, gần như giữ “nguyên chất”, hơn 90%. Vì sao? Vì Hội thứ I tóm lược, thích nghĩa kể cả lược giải, nhưng chỉ có khoảng 920 trang (cho 400 quyển); trong khi Hội thứ II thích nghĩa rất ít, lược giải đại cương, nhưng tổng cộng lên đến 970 trang(cho 78 quyển). Lý do, Hội thứ II cũng trùng tuyên khá nhiều, nhưng chúng tôi không cắt xén. Vì vậy, Hội thứ II mới dài hơn Hội thứ I.

Nếu tụng hết phần tóm lược 400 quyển của Hội thứ I, quý vị gặp nhiều trở ngại, không nắm được đầu mối (tổng quát), Hội thứ II bổ túc và giúp ích rất nhiều. Tuy nhiên, nếu tụng phần thứ II còn trở ngại nữa thì quý vị có thể tụng Kinh MHBNBLMĐ của Ngài Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn sang Hán và HT Thích Trí Tịnh dịch từ Hán sang Việt. Vì Kinh MHBNBLMĐ do Phật thuyết ở Hội thứ II cũng được gọi là đại phẩm như Hội thứ I vậy. Chúng tôi tụng cả ba!

Khi chiết giải Hội thứ I chúng tôi có nói dùng Kinh MHBNBLMĐ làm khung, so chiếu từ chi tiết đến tổng quát của từng phẩm, để giúp Quý vị nắm vững Hội thứ I của Kinh ĐBN mà không than phiền tác giả dẫn mình vào rừng, mà “mình nói không thấy rừng, chỉ thấy lá và cây”.

Đồng thời để giúp độc giả nắm vững Hội thứ II, ở mỗi phẩm của Hội này, chúng tôi có ghi phẩm tương đương với Hội thứ I để quý vị dễ tra cứu. Công việc tuy nhiêu khê, nhưng rất hữu ích cho độc giả. Vì văn từ cũng như lối dịch thuật trong mỗi Hội rất khác nhau, có thể gây trở ngại cho sự hiểu biết. Trong sáu Hội đầu, chỉ cần nắm vững một Hội là hiểu tất cả. Chúng tôi lưu ý độc giả kinh nghiệm quý báo này: Hội thứ I quản diễn và trùng tụng quá nhiều so với bất cứ Hội nào trong 16 Hội ĐBN nên việc thọ trì trở nên khó khăn. Trong khi Hội thứ II cũng được xem là Đại phẩm như Hội thứ I, nhưng các phẩm của Hội này đặc biệt lại ngắn gọn, dễ hiểu hơn. Nên chúng tôi thường dùng Hội thứ II để ôn tập. Kèm theo đó chúng tôi cũng đọc thêm Kinh MHBNBLMĐ của HT Thích Trí Tịnh để nắm vững năm Hội đầu của ĐBN. Đây là phần căn bản để học tập các giáo lý Bát Nhã, các pháp mầu Phật đạo để phát khởi trí tuệ. Quý vị nào đã chịu khó theo dõi đọc tụng đến đây đã thật sự tinh tấn lắm rồi. Từ Hội thứ VI trở đi, giáo lý ĐBN hoàn toàn thay đổi, sẽ cho chúng ta một lối lãnh hội mới, trong khi 5 Hội đầu chỉ đặt nền móng. Nhưng không có nền móng làm sao có thể xây dựng dù là lâu dài trí tuệ, nên phải cố gắng thôi.

 

Hội thứ III kế tiếp, chúng tôi chỉ tóm lược và thích nghĩa đôi chút, lược giải còn ít hơn Hội thứ II nhiều. Tuy nhiên, trên mỗi phẩm tựa của Hội thứ III, chúng tôi có ghi các phẩm tương đương với Hội thứ II để quý vị tiện việc đối chiếu, tra cứu nếu cần. Hội thứ III này ngắn, nên có thể nói là còn nguyên chất hơn hai Hội trước. Chỉ có điều là Hội thứ III, các phẩm hơi dài vì thường nhập nhiều phẩm của Hội thứ II thành một phẩm duy nhất, nên sự đọc tụng có thể làm độc giả không được thoải mái như Hội thứ II.

Về phương diện thích nghĩa hay luận giải nói chung, chúng tôi chỉ đưa ra những giải luận căn bản, ngắn gọn chẳng khác nào bản chỉ đường, quý vị phải tự mình nỗ lực. Vả lại, Bát Nhã không thích kêu gọi. Thâm ý của Bát Nhã là muốn hành giả phải tự mình lặm sâu vào chính tận nguồn tâm, đào xới bới dỡ những biểu thị hay pháp nghĩa hiển hiện của nó. Rồi tự mình tư duy quán tưởng, như vậy mới mong đạt ngộ. Tự mình khám phá là giải pháp tốt nhất. “Cái gì từ ngoài vào không phải là gia bảo nhà ta”. Nếu nương cậy vào Thầy Tổ quá nhiều thì khi không có Thầy Tổ bên cạnh thì cũng mờ mịt như người không học vậy!

Cũng nên nói trước, nếu Quý vị trì tụng Hội thứ I và Hội thứ II kỹ rồi, Hội thứ III chỉ cần đọc lướt qua thôi. Vì giáo pháp của 5 Hội đầu giống nhau, có thể làm độc giả chán nản, mỏi mệt mà “bỏ cuộc” nữa chừng. Kinh nầy được xem là mẹ của chư Phật, chư Bồ tát và tất cả pháp thế gian, xuất thế gian, chắc chắn sẽ mang lại nhiều diệu dụng. Điều cần nhất của người học đạo là phải siêng năng trì tụng. Tụng nhiều sẽ ru ngũ được các cảm quan và ý thức cùng các vọng niệm sanh diệt, rồi nhờ sự tụng niệm mà tâm sẽ sạch trí sẽ sáng.

 

--- o0o ---