Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Hội Thứ XIII

 HỘI THỨ XIII 

(bố cục)

 

13. Hội thứ XIII: Phần “An Nhẫn Ba La Mật”, 1 quyển. Nội dung Ngài Mãn Từ Tử (Phú Lâu Na) và Xá lợi Phất nói rõ về pháp An nhẫn Vô Thượng Bồ đề, tức là nếu đem tâm tàm quý (1) mà tu pháp quán Không thì sẽ chấm dứt tâm tranh đấu, được an ổn. 

--- o0o --- 

PHẦN “AN NHẪN BA LA MẬT”
 

Dẫn nhập:

 

Phần “An Nhẫn Ba La Mật” chỉ có 1 quyển. Giáo lý phần này rất đơn giản. Ở đây Kinh cũng phân biệt an nhẫn của Nhị thừa và an nhẫn của Bồ tát thừa như hai phần trước là bố thí và trì giới Ba la mật và cũng khuyên hữu tình nên an nhẫn theo Đại thừa, an nhẫn vì người, vì tất cả chúng sanh mới được xem là rốt ráo. An nhẫn là pháp khó tu khó chứng trong các Ba la mật. Nó là pháp tu tích cực của người chịu đựng, kiên trì mà chúng tôi cho là người can đảm, có khí phách nhất. Thành đạt pháp tu này chính là mở ngỏ cho Giác ngộ.

 

Nên nhẫn độ mới gọi là điều phục đáng khen!

 

---o0o---

 

Tóm lược: 

 

Quyển thứ 589

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Bạc già phạm cùng với 1250 vị đại Bí sô trú ở vườn Cấp Cô Độc, rừng Thệ đa, tại thành Thất la phiệt. Bấy giờ, Thế Tôn bảo cụ thọ Mãn Từ Tử:

- Bây giờ, ngươi nên vì các đại Bồ tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, tuyên thuyết an nhẫn Ba la mật.

Mãn Từ Tử vâng lời Phật dạy, nương thần lực Phật liền bạch:

- Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ tát nào muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, dù bị các lời mắng chửi, hủy báng của hữu tình khác đều phải nhẫn chịu, không nên khởi tâm giận dữ, oán hận, phải khởi tâm từ bi để báo đền ân đức kia. Bồ tát như vậy là đối với an nhẫn Ba la mật có lòng tin ưa sâu xa. Tùy theo sự phát khởi tâm an nhẫn, hồi hướng cầu đến Nhất thiết trí trí. Đại Bồ tát này có thể an trụ an nhẫn Ba la mật.

Lúc đó, Xá lợi Tử liền hỏi cụ thọ Mãn Từ Tử:

- Sở tu an nhẫn của các Bồ tát và sở tu an nhẫn của Thanh văn, có gì khác nhau?

Mãn Từ Tử đáp:

- Chúng các Thanh văn sở tu an nhẫn gọi là phần ít, sở duyên hành tướng chẳng cực viên mãn. Chúng các Bồ tát sở tu an nhẫn gọi là phần đủ, sở duyên hành tướng rất cực viên mãn. Nghĩa là an nhẫn của các Bồ tát vô lượng, vì muốn vô lượng hữu tình được lợi ích an lạc, nên mặc áo giáp an nhẫn, lập thề nguyện: Ta phải độ thoát vô lượng hữu tình, đều làm cho họ xa lìa khổ, chứng an lạc Niết bàn. Nên gọi là an nhẫn của Bồ tát vô lượng. (Q. 589, ĐBN)

An nhẫn của Thanh văn, chỉ vì muốn xả bỏ phiền não tự thân, không vì hữu tình. Cho nên gọi là an nhẫn phần ít. Không giống như an nhẫn của đại Bồ tát nhiều vô lượng. Vì các Bồ tát không xa lìa an nhẫn Ba la mật. Cho nên gọi là an nhẫn toàn phần. Đối với Bồ tát nào khởi tâm không thanh tịnh, tâm không kham nhẫn chịu tổn hoại, nên biết vị ấy bị vô lượng tội chẳng phải như đối với Thanh văn, Độc giác thừa v.v... Cho nên an nhẫn Bồ tát là tối thắng.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Các đại Bồ tát, nếu như bị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quở trách thì tâm không hờn giận. Cũng vậy, nếu bị kẻ đồ tể, người gánh thây chết, hoặc các hữu tình hèn hạ khác mắng chửi, hủy báng, cũng không khởi tâm giận dữ, hiềm hận, báo thù, dù chỉ trong giây lát. Bồ tát như vậy nhiếp trì an nhẫn Ba la mật, mau được viên mãn, không bao lâu chứng đắc Nhất thiết trí trí. Bồ tát như vậy tu học an nhẫn Ba la mật, dần dần được rốt ráo, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nếu đại Bồ tát an trú, nhiếp trì an nhẫn Ba la mật như thế, mới kham chịu sự mắng chửi, hủy nhục của người khác. Tâm vị ấy không lay động như núi Diệu Cao, tăng trưởng công đức thiện căn khó hoại, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, làm lợi ích an lạc cho khắp thế gian.

Xá lợi Tử liền hỏi cụ thọ Mãn Từ Tử:

- Nếu khi đại Bồ tát tu an nhẫn, có hai người đến chỗ Bồ tát. Một người vì thiện tâm nên đem bột chiên đàn xoa thân(cho Bồ tát). Một người vì ác tâm nên đem lửa đốt thân(Bồ tát). Bồ tát đối với những người kia nên khởi tâm gì?

Mãn Từ Tử đáp:

- Đại Bồ tát này vì muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nên đối với người thứ nhất không khởi tâm ưa thích, đối với người thứ hai không khởi tâm tức giận. Phải khởi tâm bình đẳng đối với cả hai, đều muốn lợi ích an lạc hoàn toàn. Như vậy, đại Bồ tát hành an nhẫn Ba la mật nên trụ an nhẫn Ba la mật.

Nếu đại Bồ tát hành an nhẫn Ba la mật, trụ an nhẫn Ba la mật là đại Bồ tát hành hành xứ Bồ tát, không điên đảo, an trụ tịnh độ Bồ tát không điên đảo. Đại Bồ tát như vậy đối với hữu tình không nên phát khởi tâm giận dữ, không nên phát khởi tâm hiềm hận, không nên phát khởi tâm báo thù. Chúng đại Bồ tát như thế đối với hữu tình được viên mãn an nhẫn, viên mãn xưng tán, viên mãn nhu hòa, viên mãn ý vui. Đối với tất cả chỗ đều khởi lòng từ, không phẫn nộ, không hiềm hận. Như vậy, nếu các hữu tình khác đến chỗ của các đại Bồ tát mà đem lòng oán hại, muốn đánh, muốn trói, hủy nhục, trách mắng, nên an nhẫn, tâm không được báo thù.

Như vậy, nếu các hữu tình khác muốn đến chỗ chúng đại Bồ tát tranh đấu, làm việc không lợi ích, thì Bồ tát phải khởi tâm hòa hảo với họ, dùng lời lẽ nhẹ nhàng xin lỗi, khiến họ dứt bỏ tâm độc hại. Bấy giờ, Bồ tát suy nghĩ như vầy: Hữu tình này đến chỗ ta gây sự tranh đấu, không muốn lợi ích. Khi ta chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nên vì họ mà tuyên dương pháp Không sâu xa, để họ chấm dứt tất cả sự tranh đấu.

Nghĩa là vì họ tuyên dương tánh Không của sắc uẩn đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu. Cũng vì họ tuyên dương tánh Không của thọ, tưởng, hành, thức uẩn đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu.

Hoặc vì họ tuyên dương tánh Không của 12 xứ, 18 giới đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu. Cũng vì họ tuyên dương tánh Không của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu.

Hoặc vì họ tuyên dương tánh Không của nhãn xúc đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu. Cũng vì họ tuyên dương tánh Không của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu.

Hoặc vì họ tuyên dương tánh Không của các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu. Cũng vì họ tuyên dương tánh Không của các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu. lăng nhục Hoặc vì họ tuyên dương tánh Không của địa giới đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu. Cũng vì họ tuyên dương tánh Không của thủy, hỏa, phong, không, thức giới đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu.

Hoặc vì họ tuyên dương tánh Không của 4 duyên đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu. Cũng vì họ tuyên dương tánh Không của đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu.

Hoặc vì họ tuyên dương tánh Không của 12 duyên khởi (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ ái, thủ, hữu, sanh, lão tử), 3 cõi (Dục, Sắc và Vô sắc giới) đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự cạnh tranh, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt tranh đấu. Như vậy, Bồ tát suy nghĩ: Khi ta chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thuyết pháp như thế cho các hữu tình, khiến cho họ dứt hẳn tất cả tranh đấu, tâm họ bình đẳng như hư không, không tìm lỗi lầm của nhau. Do đây chiêu cảm được thân tướng trang nghiêm của Đại Sĩ, tất cả hữu tình thấy đều hoan hỷ, làm lợi ích cho nhau, cho đến lúc chứng đắc Niết bàn thanh tịnh, xa lìa các hý luận, hoàn toàn an lạc.

 

(An nhẫn của Nhị thừa và an nhẫn của Bồ tát,

loại nào rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh thù thắng hơn?)

 

Xá lợi Tử lại hỏi Mãn Từ Tử:

- Hai loại an nhẫn, Bồ tát và Thanh văn nên biết loại nào rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh, thù thắng?

Mãn Từ Tử liền hỏi lại cụ thọ Xá lợi Tử:

- Nay tôi đem việc hiện tại hỏi lại Tôn giả, tùy ý Tôn giả trả lời.

Xá lợi Tử đáp:

- Tùy theo các câu hỏi, tôi sẽ đáp.

Mãn Từ Tử hỏi:

- Lưỡi cày sắc ở thế gian và vàng ở châu Thiệm bộ, hai loại ánh sáng đó, nên biết loại nào rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh, thù thắng?

Xá lợi Tử đáp:

- Ánh sáng của lưỡi cày sắt ở thế gian làm sao sánh nổi vàng ròng ở châu Thiệm bộ này. Nghĩa là ánh sáng vàng ròng ở châu Thiệm bộ rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh, thù thắng.

Mãn Từ Tử hỏi:

- An nhẫn của Thanh văn giống như ánh sáng của lưỡi cày sắt ở thế gian. An nhẫn của Bồ tát giống như ánh sáng vàng ròng ở châu Thiệm bộ. Nên biết tướng của hai loại an nhẫn hơn kém có khác nhau. Vì sao? Xá lợi Tử! Vì an nhẫn của hàng Thanh văn thừa, chỉ quán sắc uẩn cho đến thức uẩn, đưa đến phát khởi vô ngã, hữu tình, sinh mạng, sự sống, nuôi dưỡng, trưởng thành, người, ý sanh, thanh niên, tạo tác, thọ nhận, sự biết, sự thấy... An nhẫn của hàng Bồ tát thừa, cũng quán sắc uẩn cho đến thức uẩn hoàn toàn không tự tánh, nhưng đưa đến phát khởi sự không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tịch tĩnh xưa nay… Cho nên an nhẫn của Bồ tát rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh, thù thắng hơn an nhẫn của các Thanh văn. (Q.589, ĐBN)

An nhẫn của hàng Thanh văn thừa, chỉ quán 12 xứ cho đến 18 giới, đưa đến phát khởi vô ngã, hữu tình, sinh mạng, sự sống, nuôi dưỡng, trưởng thành, người, ý sanh, thanh niên, tạo tác, thọ nhận, sự biết, sự thấy... An nhẫn của hàng Bồ tát thừa, cũng quán 12 xứ cho đến 18 giơi hoàn toàn không tự tánh, nhưng đưa đến phát khởi sự không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tịch tĩnh xưa nay... Cho nên an nhẫn của Bồ tát rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh, thù thắng hơn an nhẫn của các Thanh văn.

An nhẫn của hàng Thanh văn thừa, chỉ quán nhãn xúc cho đến ý xúc, đưa đến phát khởi vô ngã, hữu tình, sinh mạng, sự sống, nuôi dưỡng, trưởng thành, người, ý sanh, thanh niên, tạo tác, thọ nhận, sự biết, sự thấy... An nhẫn của hàng Bồ tát thừa, cũng quán nhãn xúc cho đến ý xúc hoàn toàn không tự tánh, nhưng đưa đến phát khởi sự không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tịch tĩnh xưa nay... Cho nên an nhẫn của Bồ tát rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh, thù thắng hơn an nhẫn của các Thanh văn.

An nhẫn của hàng Thanh văn thừa, chỉ quán các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, đưa đến phát khởi sự vô ngã, hữu tình, sinh mạng, sự sống, nuôi dưỡng, trưởng thành, người, ý sanh, thanh niên, tạo tác, thọ nhận, sự biết, sự thấy... An nhẫn của hàng Bồ tát thừa, cũng quán các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, hoàn toàn không tự tánh, nhưng đưa đến phát khởi sự không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tịch tĩnh xưa nay... Cho nên an nhẫn của Bồ tát rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh, thù thắng hơn của Thanh văn.

An nhẫn của hàng Thanh văn thừa, chỉ quán lục địa giới, 12 nhân duyên, đưa đến phát khởi sự vô ngã, hữu tình, sinh mạng, sự sống, nuôi dưỡng, trưởng thành, người, ý sanh, thanh niên, tạo tác, thọ nhận, sự biết, sự thấy... An nhẫn của hàng Bồ tát thừa, cũng quán lục địa giới, 12 nhân duyên giới hoàn toàn không tự tánh, nhưng đưa đến phát khởi sự không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tịch tĩnh xưa nay... Cho nên an nhẫn của Bồ tát rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh, thù thắng hơn an nhẫn của các Thanh văn.

Lại, Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ tát muốn chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, hoặc kẻ oán tặc đến mổ xẻ thân thể, Bồ tát này nên khởi nghĩ: Số cát sông Hằng có thể đếm được nhưng số lượng thân khó có thể đếm hết. Hoặc thân bị mổ, hoặc kẻ hay mổ, đều thuộc về sắc số khó biết. Thân thể bị mổ xẻ chỉ là phần nhỏ làm sao duyên đây mà sanh giận dữ?

Đại Bồ tát này quán nghĩa như thế, dù gặp phải oán tặc mổ xẻ lóng đốt vẫn năng nhẫn chịu được, đều không tâm oán hận giận dữ. Chúng Bồ tát này tùy đã phát khởi tâm an nhẫn, hồi hướng cầu Nhất thiết trí trí, nhiếp thọ an nhẫn Ba la mật. Chúng đại Bồ tát như thế nên biết là an nhẫn Ba la mật được tất cả thời thường chẳng bỏ lìa.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Đại Bồ tát nào muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nếu có người đến đánh đập, mắng chửi, đại Bồ tát này suy nghĩ: Số lượng cát ở sông Hằng còn có thể đếm biết được, nhưng tội lỗi nơi thân ta khó có thể đếm hết. Nghĩa là từ vô thỉ đến nay khởi các phiền não ác nghiệp, lý sự ác hại, chư Phật, Hiền Thánh cùng nhau quở trách. Nay người này có đến đánh đập, mắng chửi thì có thấm gì so với tội lỗi trên, sao lại duyên nơi đây mà sanh sân hận?

Đại Bồ tát này quán nghĩa như vậy, dù có người đến đánh đập, mắng chửi nhưng vẫn nhẫn nhục, lãnh thọ, hoàn toàn không có tâm sân hận, báo thù. Các đại Bồ tát này tùy theo sự phát khởi tâm an nhẫn, hồi hướng cầu Nhất thiết trí trí, nhiếp trì an nhẫn Ba la mật. Chúng đại Bồ tát như thế nên biết là an nhẫn Ba la mật được tất cả thời thường chẳng bỏ lìa.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Nếu đại Bồ tát nào muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, có oán tặc đến cướp đoạt tài sản, đại Bồ tát này nên suy nghĩ: Tài sản như vậy bản tánh đều Không, không có hệ thuộc, sao lại duyên nơi đây mà sanh sân hận? Đại Bồ tát này quán nghĩa như vậy, tuy gặp oán tặc cướp đoạt tài sản nhưng tâm hoàn toàn không sân hận, oán thù. Các đại Bồ tát này tùy theo sự phát khởi tâm an nhẫn, hồi hướng cầu Nhất thiết trí, hộ trì an nhẫn Ba la mật. Chúng đại Bồ tát như thế nên biết là an nhẫn Ba la mật được tất cả thời thường chẳng bỏ lìa.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Nếu đại Bồ tát nào muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nên tu tâm mình giống như đất, nước, gió, lửa, hư không v.v...

Xá lợi Tử hỏi:

- Tại sao chúng đại Bồ tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, phải tu tâm mình giống như đất, nước, lửa, gió, hư không v.v…?

Mãn Từ Tử đáp:

- Nếu các Bồ tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nên tu tâm mình giống như đại địa, đại thủy, đại hỏa, đại phong, hư không, không có sự phân biệt.

Xá lợi Tử hỏi:

- Tại sao chúng đại Bồ tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, phải tu tâm mình giống như đại địa, không có sự phân biệt?

Mãn Từ Tử đáp:

- Ví như lục đại giới (đất, nước, gió, lửa, hư không) tuy đem sắc, hương, vị, xúc đáng ưa thích để trong đó, nhưng đất hoàn toàn không vui mừng, yêu thích. Hoặc đem sắc, hương, vị, xúc không ưa thích ném vào trong đó, cũng không tức giận, buồn rầu. Chúng đại Bồ tát như vậy, tuy gặp các cảnh ưa thích nhưng không vui mừng, yêu thích; dù gặp các cảnh buồn bực cũng không tức giận, buồn rầu. Vì niềm tin thanh tịnh an nhẫn luôn luôn hiện tiền, giống như đại địa bình đẳng mà lưu chuyển. Nên nói, chúng đại Bồ tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, phải tu tâm mình giống như đại địa, không có sự phân biệt.

 

(Thân tâm bình đẳng như hư không)

 

Xá lợi Tử liền hỏi cụ thọ Mãn Từ Tử:

- Hư không vô vi, không có chúng Bồ tát nào mà chẳng nhiếp thuộc vô vi?

Mãn Từ Tử đáp:

- Chẳng phải chúng Bồ tát nhiếp thuộc bởi vô vi, nhưng do các Bồ tát dùng phương tiện thiện xảo tu hành Bát nhã Ba la mật, quán thân tâm bình đẳng với hư không, khiến đối với cảnh giới không có phân biệt, kham tu an nhẫn Ba la mật. Nghĩa là các đại Bồ tát dùng phương tiện thiện xảo quán thân tâm vô tánh, vô ngại, bình đẳng với hư không, kham chịu mọi thứ xúc chạm dao gậy v.v...

 

(Tu bố thí, tịnh giới Ba la mật cũng phải có tâm bình đẳng. Bây giờ, tu an nhẫn Ba la mật cũng phải có tâm bình đẳng. Như vậy, mới thấy bình đẳng là giáo pháp tối tôn trong việc tu hành cũng như trong việc xử người tiếp vật vậy).

 

Đại Bồ tát như thế phương tiện khéo léo nương dựa Bát nhã Ba la mật, quán sát thân tâm bình đẳng với hư không, nhiếp thọ an nhẫn Ba la mật. Hằng thời giả sử lửa dữ địa ngục, dao gậy địa ngục và những khí cụ tra tấn bức bách nơi thân, cũng có thể nhẫn chịu được, nơi tâm bình đẳng không động không biến. Đại Bồ tát như thế tu hành Bát nhã Ba la mật, nhiếp thọ Bát Nhã, quán sát thân bình đẳng với hư không, kham chịu các khổ không động không biến. Đại Bồ tát như thế kham chịu các khổ không động không biến tức là an nhẫn Ba la mật.

Như vậy, đại Bồ tát tu hành Ba la mật, khi gặp những nổi khổ nặng nề, nên nghĩ như vầy: Ta từ sanh tử vô thủy đến nay, tuy chịu nhiều nỗi khổ đau đớn nơi thân tâm, nhưng do nỗi khổ này biết đâu đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề, huống chi do khổ này chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nay thân tâm ta chịu nhiều khổ sở là vì lợi ích cho các hữu tình, nên nhất định chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì vậy, bây giờ ta nên hoan hỷ lãnh thọ. Đại Bồ tát như vậy, quán nghĩa này, tuy chịu nhiều khổ sở nhưng tăng trưởng sức nhẫn nhục, lãnh thọ một cách hoan hỷ.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Ví như có người ăn món ăn có trăm vị, thân tâm sảng khoái, sanh lòng hoan hỷ hơn. Bồ tát cũng vậy, thấy người đến xin, hoặc xin của cải, hoặc xin từng phần nơi thân, nhân đó mà bố thí, chịu đựng các nỗi khổ, nhẫn nhục lãnh thọ một cách hoan hỷ, thân tâm vui thích, niềm khoái lạc ấy hơn trước gấp trăm ngàn lần.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Như A la hán thấy Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, tuy lậu đã tận nhưng vẫn sanh tâm hoan hỷ, cung kính tin tưởng thù thắng hơn. Đại Bồ tát cũng vậy, thấy người đến xin, hoặc xin của cải, hoặc xin từng phần nơi thân, vẫn sanh tâm hoan hỷ, cung kính tin tưởng thù thắng hơn. Nhẫn nhục, lãnh thọ những điều oan gia, oán hại, mắng chửi, hủy nhục, đủ các thứ khổ nặng nề của kẻ kia. Tùy theo lúc đó mà phát khởi tâm an nhẫn, hồi hướng cầu đến Nhất thiết trí trí. Đại Bồ tát như vậy, tùy theo lúc đó mà phát khởi tâm an nhẫn, hồi hướng cầu Nhất thiết trí trí, thường không xa lìa sự tu an nhẫn Ba la mật, luôn làm lợi ích lớn cho các hữu tình, không để gián đoạn.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Các đại Bồ tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, đối với các hữu tình nên tu an nhẫn, bị đánh không đánh trả, mạ nhục không nhục mạ lại, hủy báng không hủy báng lại, sân giận không sân giận lại, quở trách không quở trách lại, phẫn hận không phẫn hận lại, khủng bố không khủng bố lại, hại không hại lại. Đối với các việc ác nhẫn nhục lãnh chịu. Vì sao? Xá lợi Tử! Vì các đại Bồ tát này thường không xả ly (xa lìa) tâm Nhất thiết trí trí, đối với các hữu tình muốn làm lợi ích. Nếu các đại Bồ tát thường không xả ly tâm Nhất thiết trí trí, muốn làm lợi ích lớn cho hữu tình, giả sử dù thân bị mâu giáo đâm ngàn mũi, nhưng trong tâm không khởi một niệm báo thù; đối với người kia, thường sanh an nhẫn tịnh tĩnh.

Chúng đại Bồ tát tu hành an nhẫn Ba la mật như thế, đối với các hữu tình muốn làm lợi ích lớn, nhất định sẽ được sắc thân vàng ròng, tướng hảo trang nghiêm, người thấy hoan hỷ. Vì vậy, Xá lợi Tử! Đại Bồ tát đều nên tinh tấn tu sức an nhẫn, nhịn nhục, lãnh thọ tất cả các nỗi khổ oan gia báo hại.

Nếu đại Bồ tát tu hành sức an nhẫn, nhịn nhục, lãnh thọ các nỗi khổ thì có thể nhiếp trì an nhẫn Ba la mật. Đại Bồ tát này lìa được sanh tử, thân cận Nhất thiết trí trí, làm lợi ích lớn cho các hữu tình.

 

(Không tu theo hành xứ của mình

 mà lại tu theo hành xứ của người khác)

 

Nếu đại Bồ tát ưa thích Thanh văn hoặc Độc giác, thì nên biết đại Bồ tát này thối thất an nhẫn Ba la mật của Bồ tát. Vì sao? Vì các đại Bồ tát Ma ha tát thà đem tự thân chịu đủ đại khổ sanh tử vô biên, chớ chẳng nên ưa đắm các thiện tự lợi Thanh văn Độc giác. Vì sao? Xá lợi Tử! Vì nếu đại Bồ tát đắm trước Thanh văn hoặc Độc giác, nên biết đại Bồ tát này thối thất hành xứ của mình, mà hành hành xứ của người khác.

Xá lợi Tử liền hỏi cụ thọ Mãn Từ Tử:

- Sao gọi là đại Bồ tát hành hành xứ của người khác?

Mãn Từ Tử đáp:

- Nếu đại Bồ tát trụ ở bậc Thanh văn hoặc bậc Độc giác, thì đại Bồ tát này hành hành xứ của người khác. Nếu đại Bồ tát khởi suy nghĩ về Thanh văn, hoặc suy nghĩ về Độc giác, thì đại Bồ tát này hành hành xứ của người khác. Nếu đại Bồ tát đắm trước giáo pháp tương ưng với Thanh văn, hoặc ưa thích ngôn luận tương ưng với Độc giác, thì đại Bồ tát này hành hành xứ của người khác.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Nếu đại Bồ tát thích quán sắc uẩn thường hoặc vô thường; thích quán thọ, tưởng, hành, thức uẩn thường hoặc vô thường, thì đại Bồ tát này hành hành xứ của người khác.

Nếu đại Bồ tát thích quán sắc uẩn vui hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh; thích quán thọ, tưởng, hành, thức uẩn hoặc vui hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh thì đại Bồ tát này hành hành xứ của người khác.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Nếu đại Bồ tát thích quán mười hai xứ, mười tám giới thường hoặc vô thường, vui hoặc khổ, ngã hoặc vô ngã, tịnh hoặc bất tịnh... thì đại Bồ tát này hành hành xứ của người khác.

 

(Thế nào tu hành theo hành xứ của mình?)

 

Xá lợi Tử lại hỏi cụ thọ Mãn Từ Tử:

- Sao gọi là đại Bồ tát hành hành xứ của mình?

Mãn Từ Tử đáp:

- Nếu đại Bồ tát nào tu hành sáu pháp Ba la mật, tác ý tương ưng với Nhất thiết trí trí, thì đại Bồ tát này hành hành xứ của mình.

Nếu đại Bồ tát nào tu hành sáu pháp Ba la mật, thì tất cả ác ma không làm hại được. Ví như loài cáo không làm hại được các loài rùa, ba ba; không bị làm hại nên việc đi lại được tự tại. Chúng đại Bồ tát tu hành sáu pháp Ba la mật cũng vậy, không bị tất cả ác ma làm hại; không bị làm hại nên việc tu hành được tự tại.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Giả sử ác ma hóa tất cả hữu tình ở ba ngàn đại thiên thế giới đều là ác ma. Cứ mỗi một ác ma đều có nhiều ma quân quyến thuộc, thứ tự trước sau kéo đến chỗ đại Bồ tát. Nhưng đại Bồ tát này tu hành sáu pháp Ba la mật nên các ác ma kia không thể làm hại được. Vì không hại được nên Bồ tát tu hành tự tại. Ví như loài cáo không thể làm hại được các loài rùa, ba ba. Vì không hại được nên rùa, ba ba đi lại tự tại.

Vì vậy, Xá lợi Tử! Đại Bồ tát phải nên học như vầy: Tâm ta không nên xa lìa sáu pháp Ba la mật. Nếu tâm không xa lìa sáu pháp Ba la mật, thì tất cả ác ma không làm hại được; không bị hại nên Bồ tát tu hành tự tại.

 

(Làm sao đại Bồ tát biết việc ma?)

 

Xá lợi Tử liền hỏi cụ thọ Mãn Từ Tử:

- Làm thế nào đại Bồ tát nên biết như thật các việc ma?

Mãn Từ Tử đáp:

- Nếu đại Bồ tát không thích nghe giáo pháp tương ưng với Ba la mật, nên biết đây là việc các ác ma.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Nếu đại Bồ tát không thích thọ trì giáo pháp tương ưng với Ba la mật, nên biết đây là việc các ác ma.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Nếu đại Bồ tát không thích đọc tụng giáo pháp tương ưng với Ba la mật, nên biết đây là việc các ác ma.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Nếu đại Bồ tát không thích suy nghĩ giáo pháp tương ưng với Ba la mật, nên biết đây là việc các ác ma.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Nếu đại Bồ tát không thích tu hành pháp hành tương ưng Ba la mật, nên biết đây là việc các ác ma.

Các đại Bồ tát hiểu rõ những việc này rồi, bèn suy nghĩ: Nhất định là ác ma dùng phương tiện cản trở sự cầu Nhất thiết trí trí nơi tâm ta. Bây giờ, ta không nên tùy thuộc vào sự mong muốn kia, phải tinh cần tu học Bát nhã Ba la mật.

Đại Bồ tát này đối với ác ma kia, không nên sân hận, cũng không nên khởi tâm không nhẫn nhục. Thực hành được như vậy tức là an nhẫn Ba la mật. Đại Bồ tát này suy nghĩ: Khi ta chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nên độ thoát hữu tình dứt hẳn pháp tham, sân, si. Vì vậy, bây giờ đối với ác ma kia không nên sân hận. Nếu đại Bồ tát nghĩ được như vậy, thì đại Bồ tát hơn các ác ma, tự tại tu hành sáu pháp sang bờ kia.

 

(Thế nào là lãng phí thời gian?)

 

Nếu lúc đại Bồ tát tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí mà chẳng hiện tiền, thì khi đó đại Bồ tát suy nghĩ: Bây giờ, Ta không nên hành phi xứ, vì nó khiến cho ta chẳng nhớ tới Nhất thiết trí trí. Như vậy, Bồ tát nên tự trách tâm mình: Nay chính ta đã lãng phí thời giờ.

Xá lợi Tử hỏi cụ thọ Mãn Từ Tử:

- Mức độ nào thì gọi là lãng phí thời giờ?

Mãn Từ Tử đáp:

- Nếu đại Bồ tát đối với sáu pháp Ba la mật đây, tuy có hiện hành nhưng lại không nhớ nghĩ đến Nhất thiết trí trí, chẳng hồi hướng Nhất thiết trí trí, thì đại Bồ tát này lãng phí thời nhật, tổn hại kết quả tu chứng.

Nếu đại Bồ tát đối với sáu pháp Ba la mật đây, tùy một lần hiện hành, hoặc hai lần, hoặc ba lần, cho đến năng nhớ nghĩ Nhất thiết trí trí và hồi hướng Nhất thiết trí trí, thì đại Bồ tát này tuy có chỗ phạm nhưng có thể xem là đắc quả thời nhật tu chứng(2).

 

(An nhẫn của Bồ tát so với an nhẫn của Nhị thừa

 có khác nhau không?)

 

Xá lợi Tử hỏi Mãn Từ Tử:

- An nhẫn Bồ tát cùng với an nhẫn A la hán có khác nhau không?

Mãn Từ Tử đáp:

- Bây giờ, tôi hỏi lại Tôn giả: Núi Diệu Cao cùng với hạt cải, lớn nhỏ, cao thấp, nặng nhẹ khác nhau như thế nào?

Xá lợi Tử đáp:

- Khác nhau vô lượng.

Mãn Từ Tử nói:

- An nhẫn Bồ tát cùng với an nhẫn A la hán cũng lại như vậy, không nên hỏi làm chi.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Ý Tôn giả thế nào? Nước trong biển lớn, nước đầu một sợi lông, bên nào nhiều hơn?

Xá lợi Tử đáp:

- Nước trong biển lớn nhiều hơn nước đầu một sợi lông cả trăm phần, ngàn phần, cho đến muôn ức phần cũng chưa sánh bằng một phần nhỏ số lượng kia.

Mãn Từ Tử nói:

- An nhẫn Bồ tát cùng với an nhẫn A la hán cũng lại như vậy, trăm phần, ngàn phần, cho đến muôn ức phần cũng chưa sánh bằng một phần nhỏ số lượng kia. Vì vậy, không nên hỏi như vậy.

Phật khen ngợi Mãn Từ Tử:

- Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ngươi nói. Ngươi nương oai lực của Phật khéo nói an nhẫn Ba la mật. Nếu lấy số lượng an nhẫn của đại Bồ tát, so sánh với số lượng an nhẫn lớn nhỏ của Thanh văn, Độc giác thì như muốn lấy số lượng an nhẫn của Như Lai, so sánh với số lượng an nhẫn lớn nhỏ của Thanh văn, Độc giác v.v... Vì sao? Vì sự thành tựu nhẫn nhục của các Bồ tát, lượng kia rất vô biên, không nên đem so sánh với lượng nhẫn của Thanh văn, Độc giác v.v…

Bấy giờ, Phật bảo A nan đà:

- Ngươi nên thọ trì những lời Mãn Từ Tử thuyết về sự tu an nhẫn của đại Bồ tát, chớ để quên mất.

A nan đà bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con đã thọ trì đúng như lời Mãn Từ Tử đã thuyết về sự tu an nhẫn Ba la mật  của đại Bồ tát, chắc chắn chẳng quên mất.

Khi đức Bạc già phạm thuyết Kinh này rồi, cụ thọ Mãn Từ Tử, cụ thọ Xá lợi Tử, cụ thọ A nan đà và các chúng Bồ tát, Thanh văn khác, cùng với tất cả trời, rồng, Dược xoa, A tố lạc v.v... nghe Phật thuyết đều hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

 

Thích nghĩa:

(1). Tàm quý: (慚愧) Cũng gọi Hữu tàm hữu quý. Đối lại: Vô tàm vô quý. Tàm (Phạm: Hrì), Quý (Phạm: Apatràpya). Từ gọi chung tàm và quý (hổ và thẹn), tên tâm sở, nghĩa là tác dụng của tâm biết hổ thẹn khi phạm tội lỗi, là 1 trong các Đại thiện địa pháp của Thuyết nhất thiết hữu bộ, 1 trong các Thiện pháp của tông Pháp tướng. Luận Câu xá quyển 4 nêu ra 2 cách giải thích về Tàm và Quý như sau: Cách thứ nhất: Tàm là lòng tôn kính các công đức và người có đức, Quý là lòng sợ tội lỗi. Cách thứ hai: Tàm là khi mình phạm tội mặc dầu không có ai biết nhưng tự cảm thấy hổ thẹn, còn Quý là khi mình tạo tội mọi người đều biết nên tự mình biết xấu hổ. Theo thuyết trên thì Tàm và Quý đều là tâm hổ thẹn, nhưng vì đối với chính mình và đối với người khác mà chia làm hai. Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 19 (bản Bắc) thì cho rằng Tàm là tự mình không tạo tội, Quý là không bảo người khác tạo tội; Tàm là tự trong lòng mình cảm thấy hổ thẹn, Quý là cảm thấy hổ thẹn khi bày tỏ tội lỗi của mình với người khác; Tàm là lòng hổ thẹn đối với người, Quý là lòng hổ thẹn đối với trời. Thuyết này tương đương với cách giải thích thứ 2 trong luận Câu xá. Luận Thành duy thức quyển 6 thì thu dụng cả 2 cách giải thích của luận Câu xá, cho rằng Tàm là trước tôn trọng chính mình, sau tôn kính các bậc hiền thánh và tôn trọng Pháp; Quý là chống lại sự bạo ác do áp lực của thế gian (tức do sự chê cười của người đời, hoặc sự chế tài của luật pháp). Tức chủ trương hổ thẹn là tướng chung của Tàm và Quý, còn tôn sùng điều thiện, chống lại cái ác thì theo thứ tự là tướng riêng của Tàm và Quý. Trái lại với Tàm và Quý, không tôn kính các công đức và những bậc hiền thánh, hoặc không tự thấy hổ thẹn trước tội ác do chính mình gây ra, thì gọi là Vô tàm (Phạm: Àhrìkya). Còn đối với người khác đã biết rõ tội ác của mình mà mình không cảm thấy xấu hổ thì gọi là Vô quý (Phạm: Anapatràpya). Tàm và Quý có công năng làm cho tất cả hành vi trở nên trong sáng, nên được gọi là Nhị chủng bạch pháp (Hai thứ pháp trong trắng sáng sạch). [X. Kinh Phật di giáo; Kinh Bản sự Q.4; luận Đại tỳ bà sa Q.35; luận Tạp a tỳ đàm tâm Q.2; luận Hiển dương thánh giáo Q.1; luận Du già sư địa Q.55; luận Đại thừa a tỳ đạt ma tập Q.1; luận Thuận chính lý Q.11; Câu xá luận quang ký Q.20]. - Phật Quang từ điển:

(2). Chúng tôi phỏng dịch lại đoạn Kinh này.

 

Lược giải:

 

Nếu Bồ tát muốn chứng Vô thượng Giác ngộ thì phải an trụ an nhẫn Ba la mật, nghĩa là dầu bị lăng nhục, chửi mắng, đánh đập cũng không giận dữ, oán hận mà trái lại phải khởi tâm từ bi để báo ơn ân đức. Tại sao bị chửi mắng, lăng nhực mà coi là ân đức? Vì có thử thách chịu đựng, thì công hạnh mới được vuông tròn. Bồ tát này có lòng tin sâu xa nơi an nhẫn Ba la mật như vậy để cầu Nhất thiết trí trí. Vì vậy, Bồ tát mới có khả năng an trụ an nhẫn Ba la mật, trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác, mới có cơ hội phục vụ chúng sanh.

An nhẫn của Nhị thừa, chỉ vì muốn xả bỏ phiền não tự thân, không vì chúng sanh, nên an nhẫn đó có hạn cuộc. Còn an nhẫn của Bồ tát rộng lớn, viên mãn. Vì Bồ tát muốn vô lượng hữu tình được an lạc, nên thệ nguyện độ thoát hữu tình xa lìa khổ ải, chứng an lạc Niết bàn. Cho nên nói an nhẫn của Bồ tát là vô lượng, tối thắng.

Các đại Bồ tát dù bị những bậc cao trọng như chư Phật quở trách hoặc bị các hữu tình hạ tiện, bọn đồ tể, bọn gánh thây chết…mắng chửi, hủy báng, cũng không khởi tâm giận dữ, hiềm hận, báo thù, dù chỉ trong thoáng chốc. Trái lại, Bồ tát khởi tâm bình đẳng đối với mọi người, nhiếp trì an nhẫn Ba la mật miên mật, lại luôn luôn hướng đến Nhất thiết trí trí thì mau chứng đắc Vô thượng Bồ đề.

Nếu các hữu tình khác muốn đến chỗ Bồ tát tranh đấu, thì Bồ tát phải khởi tâm hòa hoãn với họ, dùng lời lẽ nhẹ nhàng xin lỗi, khiến họ dứt bỏ tâm độc hại. Bấy giờ, Bồ tát suy nghĩ như vầy: Hữu tình này đến chỗ ta gây sự tranh đấu, không muốn lợi ích. Khi ta chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nên vì họ mà tuyên dương pháp Không, để họ chấm dứt tất cả sự tranh đấu. Nghĩa là vì họ tuyên dương tánh Không của ngũ uẩn đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự tranh giành hơn thua, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt đấu tranh. Cũng vì họ tuyên dương tánh Không của 12 xứ, 18 giới đều hoàn toàn như huyễn hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự tranh chấp hơn thua, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt đấu tranh.

Hoặc vì họ tuyên dương tánh Không của lục đại chủng (đất, nước, gió, lửa, hư không và thức), 4 duyên (nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên), 12 duyên khởi (vô minh, hành, thức danh sắc, lục nhập, xúc, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử), ba cõi (Dục, sắc, Vô sắc) đều hoàn toàn như huyễn như hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự tranh đấu hơn thua được mất. Cũng vì họ tuyên dương tánh Không của các pháp đều hoàn toàn như huyễn như hóa. Trong Không đó, tuyệt đối không có sự tranh chấp hơn thua, để người kia nghe rồi tâm liền chấm dứt đấu tranh.

Như vậy, Bồ tát suy nghĩ: Khi ta chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thuyết pháp như thế cho các hữu tình, khiến cho họ dứt hẳn tất cả đấu tranh, tâm họ bình đẳng như hư không, không tìm lỗi lầm của nhau. Do đây chiêu cảm được thân tướng trang nghiêm của Đại sĩ, tất cả hữu tình thấy đều hoan hỷ, làm lợi ích cho nhau, cho đến lúc chứng đắc Niết bàn thanh tịnh, xa lìa các hý luận, hoàn toàn an lạc.

 

1. An nhẫn của Nhị thừa và an nhẫn của Bồ tát,

loại nào rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh thù thắng hơn?

 

Tướng của hai loại an nhẫn hơn kém có khác nhau. Vì sao? Vì an nhẫn của hàng Thanh văn thừa, chỉ quán 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới cho đến 12 duyên khởi v.v…đưa đến phát khởi vô ngã, hữu tình, sinh mạng, sự sống, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, người, ý sanh, thanh niên, tạo tác, thọ nhận, sự biết, sự thấy... An nhẫn của hàng Bồ tát thừa, cũng quán 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới cho đến 12 duyên khởi v.v… hoàn toàn không tự tánh, nhưng đưa đến phát khởi sự không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tịch tĩnh xưa nay…Cho nên an nhẫn của Bồ tát rộng lớn, vi diệu, thanh tịnh, thù thắng hơn an nhẫn của các Thanh văn.

Vì Tiểu thừa quán ngã không, nhưng pháp có; Bồ tát quán ngã không, pháp cũng không. Vì vậy, Bồ tát có thể chứng vô sanh pháp nhẫn, nên mới có thể hy sinh tài sản, thân mạng cho tất cả chúng sanh. Bồ tát này quán nghĩa như vậy, dù gặp phải oán tặc mổ xẻ thân phần ra từng mảnh vẫn nhẫn chịu, hoàn toàn không có tâm sân hận, oán thù. Các Bồ tát này hồi hướng cầu Nhất thiết trí trí, nhiếp trì an nhẫn Ba la mật phát Bồ đề tâm, đại bi tâm mới có cơ hội cứu mình độ người.

 

2. Nếu Bồ tát muốn chứng Vô thượng Bồ đề,

nên tu tâm giống như đất, nước, gió, lửa, hư không.

 

Xá lợi Tử hỏi: “Tại sao chúng đại Bồ tát muốn chứng quả vị Vô thượng Bồ đề, phải tu tâm mình giống như đất, nước, lửa, gió, hư không v.v…?”

Mãn Từ Tử đáp: “Nếu các Bồ tát muốn chứng quả vị Vô thượng Bồ đề nên tu tâm mình giống như đại địa, đại thủy, đại hỏa, đại phong, hư không, không có sự phân biệt”.

 

Ví như đất, nước, gió, lửa, hư không tuy đem phân, nước tiểu đổ lên đó, trâu bò giẫm đạp, đái ỉa... nhưng đất, nước, gió, lửa, hư không hoàn toàn không giận không buồn. Thánh nhân đi qua đó cũng không mừng, không vui. Chúng đại Bồ tát cũng vậy, tuy gặp nghịch cảnh, trái duyên cũng không buồn không trách, không giận, không oán; tuy gặp thuận duyên cũng không hớn hở, huênh hoang. Vì niềm vui an nhẫn thanh tịnh luôn luôn hiện tiền trong tâm, giống như đại địa, đại thủy, đại hỏa, đại phong, cũng như hư không bao la bình đẳng im lặng vậy. Nên nói, chúng đại Bồ tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, phải tu tâm mình giống như đất, nước, gió, lửa... không có sự phân biệt.

 

3. Thân tâm bình đẳng như hư không.

 

“Chẳng phải chúng Bồ tát nhiếp thuộc bởi vô vi, nhưng do các Bồ tát dùng phương tiện thiện xảo tu hành Bát nhã Ba la mật, quán thân tâm bình đẳng với hư không, khiến đối với cảnh giới không có phân biệt, tu an nhẫn Ba la mật. Nghĩa là các đại Bồ tát dùng phương tiện thiện xảo quán thân tâm vô tánh, vô ngại, bình đẳng với hư không, nhẫn chịu mọi thứ đau đớn do dao gậy gây ra v.v...

Đại Bồ tát như thế phương tiện khéo léo nương tựa Bát nhã Ba la mật, quán thân tâm bình đẳng với hư không, nhiếp thọ an nhẫn Ba la mật. Hằng thời giả sử lửa dữ địa ngục, dao gậy và những khí cụ tra tấn bức bách nơi thân, cũng có thể nhẫn chịu được, nơi tâm bình đẳng không động không biến. Đại Bồ tát như thế tu hành Bát nhã Ba la mật, nhiếp thọ Bát Nhã, quán thân bình đẳng như hư không, nhẫn chịu các khổ không động không biến. Đại Bồ tát như thế nhẫn chịu các khổ mà tâm không động không biến tức là an nhẫn Ba la mật”.

 

Các đại Bồ tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, đối với các hữu tình nên tu an nhẫn như thế. Đối với các việc ác, nhẫn nhục chịu đựng. Đối với những oan khiên, không báo oán. Tâm từ ái rộng lớn bao la như hư không. Như vậy, mới được coi là an nhẫn Ba la mật.

 

4. Thế nào là không tu hành xứ của mình mà

tu hành xứ của người khác?

 

Nếu đại Bồ tát nào tu hành sáu pháp Ba la mật, tác ý tương ưng với Nhất thiết trí trí, thì đại Bồ tát này hành hành xứ của mình.

Nếu đại Bồ tát trụ ở bậc Thanh văn hoặc bậc Độc giác, thì đại Bồ tát này hành hành xứ của người khác. Nếu đại Bồ tát khởi nghĩ về Thanh văn hoặc Độc giác, thì đại Bồ tát này hành hành xứ của người khác. Nếu đại Bồ tát đắm trước giáo pháp tương ưng với Thanh văn hoặc ưa thích ngôn luận tương ưng với Độc giác, thì đại Bồ tát này hành hành xứ của người khác.

Nếu đại Bồ tát thích quán ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới thường hoặc vô thường, vui hoặc khổ, ngã hoặc vô ngã, tịnh hoặc bất tịnh… thì đại Bồ tát này hành hành xứ của người khác. Trong các pháp tu như bố thí, trì giới cũng có nói đến các việc quán hay tu các phi xứ như vậy, nên đây không nhắc lại nữa.

 

---o0o---

 

Đến đây chấm dứt phần mười ba,

(Hội thứ XIII).

 

Tại sao Phật chọn Mạn Từ Tử (hay Phú Lâu Na, Purna hay Punna) làm người thuyết giảng an nhẫn Ba la mật trong pháp hội thứ XIII này? Vì Mãn Từ Tử là 1 trong 10 đại đệ tử có giới hạnh an nhẫn Ba la mật không ai bằng. Câu chuyện sau đây chứng tỏ điều đó:

Lúc Phật còn tại thế, Mãn Từ Tử xin Phật truyền đạo tại xứ Chronaparanta, một xứ nằm ở miền Tây Ấn, nổi tiếng thô bạo.

Phật hỏi Phú lâu na:

- Ông đã phát nguyện đem đạo pháp của ta đến truyền bá cho dân xứ ấy, nhưng nếu họ không nghe, mà còn dùng lời hung ác mắng chửi ông, thì ông nghĩ sao?

- Bạch Thế Tôn! Con nghĩ họ còn hiền thiện, vì họ không dùng cây đánh đập con hay lấy đá ném con.

Phật hỏi tiếp:

- Nếu họ lấy cây đánh ông hay dùng đá ném ông, thì ông nghĩ sao?

- Bạch Thế Tôn! Con nghĩ họ cũng vẫn còn hiền thiện, họ không chém giết, đánh đập con đến chết.

Phật lại hỏi:

- Nếu họ chém giết hay đánh đập ông đến chết, thì ông nghĩ sao?

- Bạch Thế Tôn! Họ là ân nhân của con, vì nhờ họ mà con thoát khỏi thân đau khổ, bỏ được cái bọc thúi tha, từ biệt thế gian khốn nạn này.

Đức Phật khen:

- Hay lắm! Ông nhẫn nhục được như vậy thì mới có thể qua xứ đó truyền đạo được.

Mãn Từ Tử qua xứ Chronaparanta truyền đạo không bao lâu, dân chúng xứ ấy qui đầu Phật đạo rất đông. Sau ông nhập Vô dư y Niết bàn tại xứ này, về sau Phật thọ ký cho ông tương lai sẽ thành Phật, hiệu là Pháp minh Như lai(1).

An nhẫn như ông Mãn Từ Tử mới thật đúng nghĩa an nhẫn Ba la mật. Người ta trừng (mắt) mình thì mình trừng lại, người ta cắn mình thì mình cắn lại (Oeil pour oeil, dent pour dent) tức “ăn miếng trả miếng” thì ai cũng như ai. Thánh Kitô dạy rằng “Ai vả má con bên này, thì chìa má bên kia”. Đó mới gọi là an nhẫn.

Phật đạo còn đi xa hơn thế nữa khi nói “phải khởi tâm từ bi để báo ơn ân đức”, vì có bị đánh đập, lăng nhục mà an nhẫn tức chịu đựng mọi thử thách thì công hạnh mới vuông tròn. Không có lửa thì không thể thử được vàng. Vì vậy, người an nhẫn không những là người có lòng từ bi, mà còn là người có khí phách cao độ, đáng gọi là Thánh nhân.

Chúng ta ngày ngày có thể ngâm bốn câu kệ sau đây để tự răn:

 

“Nhẫn, nhẫn, nhẫn, trái chủ oan gia từng thử tận

Nhiêu, nhiêu, nhiêu, thiên tiêu vạn họa nhất tề tiêu

Mặc, mặc, mặc, vô hạn thần tiên tùng thử đắc

Hưu, hưu, hưu cái thế công danh bất tự do”.

 

Dịch:

 

Nhẫn, nhẫn, nhẫn thì những điều oan gia trái chủ từ đây dứt tận

Nhịn, nhịn. nhịn thì ngàn tai muôn họa thảy đều tiêu

Nín, nín, nín thì cảnh giới thần tiên do đây mà được

Thôi, thôi, thôi công danh to lớn chỉ làm mất tự do thôi(2).

 

Biết như vậy thì Nhẫn độ chính là điều phục! Vậy, có thể nói:

 

Nhẫn một chút sóng yên gió lặng

Lùi một một bước biển rộng trời cao.

                               Vô danh.

 

Nhưng nhẫn có nhiều loại. Hàn Tín luồn trôn tên thất phu bán thịt giữa chợ bị mọi người cười chê, trở thành một người anh hùng, cùng với Trương LươngTiêu Hà, hợp thành “Hán sơ tam kiệt”, có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm.

Nước Việt khi xưa có một vì vua tên là Câu Tiển biết đánh không lại quân Ngô, nên hàng phục Phù Sai, chịu làm thân nô lệ để cứu nước. Mỗi lần Phù Sai đi chơi, bắt Câu Tiển dắt ngựa. Người nước Ngô trông thấy, cười bảo nhau: Vua nước Việt đó! Câu Tiển cắn răng gầm mặt, không nói không rằng. Câu tiển phải nằm gai nếm mật nhiều năm chờ ngày phục hận. Có lần vua Phù Sai lâm bệnh, Câu Tiển nếm phân Phù Sai để tỏ lòng trung thành. Phù Sai tin là Câu Tiển trung thành không tạo phản, nên tha. Câu Tiển trở về nước Việt chiêu binh mãi võ, luyện tập binh sĩ, sau đó đánh bại được Phù Sai phục hận.

Gương kiên nhẫn của Hàn Tín hay Câu Tiển đáng ca ngợi, mặc dù được xem là nhẫn nhục hơn người, nhưng nhẫn nhục đó có hậu ý, nên không được xem là an nhẫn Ba la mật. An nhẫn Ba la mật là lòng từ bi, không sân hận, kiên trì ẩn nhẫn chịu đựng mọi thử thách bất cứ trong tình huống nào, không oán trách thù hận, giống như Phú Lâu Na. Đó mới chính là an nhẫn Ba la mật.

 

Trên đây chúng ta đã trì tụng xong ba pháp: Bố thí, Trì giới, An nhẫn Ba la mật. Đó là ba pháp tu hết sức khó khăn. Tại sao nói là hết sức khó khăn? Như lấy một đồng bạc cho một người ăn xin nghèo khó còn đắn đo, huống chi đến hy sinh xương máu cho kẻ khác. Còn đối với bốn nghiệp của khẩu như nói láo, nói châm chọc, nói tục tằn, nói khoe dạng thì sao? Ngày nào cũng nói láo, cũng huênh hoang không kiềm chế nổi... mà nói giữ giới là chuyện hoang đường. Còn đối với ý là tham sân si thì sao? Suốt cuộc đời lúc nào cũng muốn vơ vét, sống vinh thân phì da, giàu sang sung sướng hơn người, bất kể đạo đức, lương tâm... Còn sân? Đụng một chút thì sân nổi dậy muốn đánh đấm chửi mắng, lăng nhục cho hả giận... mà nói an nhẫn là không tưởng. Nên có câu “một cơn giận đốt cả rừng công đức”. Còn si? Si mê tham ái là cái tệ hại ngàn đời của con người, nó đưa đến đau thương đổ vỡ nhiều hơn là xây dựng. Vì thế, mà con người phải bị đọa đày trong các cõi. Do vậy, tham sân si mới bị gọi là tam độc. Trừ được tam độc này thì chứng Thánh. Chỉ cần thực thi một trong ba Ba la mật này thì cũng được lên cõi trời, hưởng phúc lạc sung sướng, nói chi đến việc tu đủ tất cả sáu pháp đáo bỉ ngạn.

 

Kế tiếp, chúng ta học đến pháp tu tinh tấn Ba la mật. Tinh tấn là sức mạnh tinh thần cần thiết để vượt qua mọi thử thách thế gian. Người tinh tấn mới có thể thành công trong Đạo và Đời. Kẽ giải đãi tự giúp mình còn khó hiến chi giúp nhân quần xã hội.

Thích nghĩa cho lược giải Hội thứ XIII này:

(1). Câu chuyện Mãn Từ Tử (Phú lâu na) đi hóa độ xứ Chronaparanta và

(2). Bài kệ “tam nhẫn” là trích trong Phật Học Phổ Thông của HT Thích Thiện Hoa.

 

---o0o---