Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 18. Phẩm “Tu Trị Địa”

                                                                     


Nguồn:  https://quangduc.com/


                                                                PHẨM “TU TRỊ ĐỊA”

 

Phần sau quyển 415 đến phần đầu quyển 416, Hội thứ II.

(Tương đương phẩm “Biện Đại Thừa”, phần cuối Q. 53 - 55, Hội thứ I, ĐBN)

 

Tóm lược:

 

Lại nữa, này Thiện Hiện! “Ông hỏi làm thế nào biết được Bồ tát phát tâm hướng đến Đại thừa”. Khi tu hành sáu pháp Ba la mật từ một địa vị sang một địa vị khác, bằng cách đó sẽ biết Bồ tát phát tâm hướng đến Đại thừa.

Thế nào là Bồ tát khi tu hành sáu pháp Ba la mật từ địa này đến địa khác?

Này Thiện Hiện! Bồ tát biết tất cả pháp không từ đâu đến cũng không đến đâu. Vì sao? Vì tất cả pháp không đi không đến, không từ không tới. Bởi các pháp kia không biến hoại vậy. Bồ tát này đối với nơi xuất phát, hướng đến không ỷ lại, không tư duy, tuy tu nghiệp trị địa nhưng không thấy địa ấy. Đó là Bồ tát khi tu hành sáu pháp Ba la mật từ địa này đến địa khác. (Q.415, ĐBN)

Thế nào là Bồ tát tu nghiệp trị địa(1)?

1- Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi trụ sơ địa (Hoan hỉ địa cũng gọi Cực hỉ địa) nên khéo tu trị mười thắng nghiệp. Những gì là mười?

Một là lấy vô sở đắc làm phương tiện tu trị nghiệp tăng thượng ý lạc; sự tướng lợi ích bất khả đắc. Hai tu trị nghiệp tâm bình đẳng đối với tất cả hữu tình, tất cả hữu tình bất khả đắc. Ba tu trị nghiệp bố thí, vì người cho, người nhận và vật cho bất khả đắc. Bốn tu trị nghiệp thân cận bạn lành, đối với các bạn lành không chấp trước. Năm tu trị nghiệp cầu pháp, vì các pháp sở cầu bất khả đắc. Sáu tu trị nghiệp thường muốn xuất gia, vì xả bỏ gia đình bất khả đắc. Bảy tu trị nghiệp ưa thích Phật thân, cái thân tướng tùy hảo bất khả đắc. Tám tu trị nghiệp xiển dương giáo pháp, vì pháp phân biệt bất khả đắc. Chín tu trị nghiệp phá kiêu mạn, vì các pháp hưng thạnh bất khả đắc. Mười tu trị nghiệp lời nói chân thật, vì tất cả ngôn ngữ bất khả đắc.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ sơ địa, nên khéo tu trị mười thắng nghiệp này.

- Thế nào là Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp tăng thượng ý lạc? Nếu Bồ tát nào đem tác ý tương ưng với Nhất thiết trí trí tu tập tất cả thiện căn thù thắng. Đó là Bồ tát tu trị nghiệp tăng thượng ý lạc.

Thế nào là Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp tâm bình đẳng đối với tất cả hữu tình? Nếu Bồ tát nào đem tác ý tương ưng với Nhất thiết trí trí, hướng đến bốn vô lượng tâm: Từ bi hỷ xả. Đó là Bồ tát tu trị nghiệp tâm bình đẳng với tất cả hữu tình.

Thế nào là Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp bố thí? Nếu Bồ tát nào đối với tất cả hữu tình thực hành bố thí không phân biệt.

Thế nào là Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp thân cận bạn lành? Nếu Bồ tát nào thấy các bạn lành khuyến hóa hữu tình làm cho họ tu tập Nhất thiết trí trí, thân cận, cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán, thưa hỏi, lãnh thọ chánh pháp, ngày đêm phụng sự tâm không mệt mỏi, biếng nhác. Đó là Bồ tát tu trị nghiệp thân cận bạn lành.

Thế nào là Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp cầu pháp? Nếu Bồ tát nào đem tác ý tương ưng với Nhất thiết trí trí, siêng năng mong cầu Chánh pháp Vô thượng của Như Lai, không rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác v.v...

Thế nào là Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp thường ưa xuất gia? Nếu Bồ tát sanh ở đâu cũng thường nhàm chán nơi huyên náo, phức tạp khó chịu giống như lao ngục, thường thích Phật pháp thanh tịnh xuất gia, tịch tịnh vô vi như hư không không chướng ngại. Đó là Bồ tát tu trị nghiệp thường ưa xuất gia.

Thế nào là Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp ưa thích Phật thân? Nếu Bồ tát nào một khi trông thấy hình tướng Phật rồi, cho đến chứng đắc Nhất thiết trí trí, hoàn toàn không bỏ tác ý niệm Phật. Đó là Bồ tát tu trị nghiệp ưa thích Phật thân.

Thế nào là Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp xiển dương giáo pháp? Nếu Bồ tát nào khi Phật còn tại thế và sau khi Niết bàn, vì các hữu tình xiển dương giáo pháp đầu, giữa, sau đều thiện, văn nghĩa thiện xảo, thuần nhất viên mãn thanh bạch phạm hạnh, nghĩa là từ Khế Kinh cho đến Luận nghị. Đó là Bồ tát tu trị nghiệp xiển dương giáo pháp.

Thế nào là Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp phá bỏ kiêu mạn? Nếu Bồ tát nào thường ôm lòng kính nhường, điều phục tâm kiêu mạn, do đó không sanh vào dòng họ thấp hèn.

Thế nào là Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp lời nói chân thật? Nếu Bồ tát nào nói đúng theo hiểu biết của mình, lời nói, hành động hợp nhau. Đó là Bồ tát tu nghiệp lời nói chân thật.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ sơ địa nên khéo tu trị mười thắng nghiệp này.

2- Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ hai nên đối với tám pháp tư duy, tu tập sớm được viên mãn. Những gì là tám?

Một là giới thanh tịnh; hai là tri ơn báo ơn; ba là an trụ lực nhẫn nhục; bốn là thọ nhận nhiều hoan hỷ; năm là không bỏ hữu tình; sáu là thường sanh lòng đại bi; bảy là đối với các bậc Sư trưởng đem tâm tin tưởng, cung kính, phụng sự, cúng dường như chư Phật; tám là siêng năng mong cầu tu tập pháp Ba la mật.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ hai(Ly cấu địa), đối với tám pháp này nên tư duy, học tập cho sớm được viên mãn.

- Thế nào là Bồ tát giới thanh tịnh? Nếu Bồ tát nào không phát sanh tác ý đến Thanh văn, Độc giác và các điều phá giới chướng ngại pháp Bồ đề. Đó là Bồ tát giới thanh tịnh.

Thế nào là Bồ tát tri ơn báo ơn? Nếu Bồ tát nào khi thực hành hạnh thù thắng của Bồ tát, chịu ơn nhỏ của người còn phải báo đáp nhiều, huống chi là ơn lớn mà không báo đáp. Đó là Bồ tát tri ơn báo ơn.

Thế nào là Bồ tát an trụ lực nhẫn nhục? Nếu Bồ tát nào giả sử bị hữu tình làm hại mà đối với họ không có tâm giận dữ, trả thù. Đó là Bồ tát an trụ lực nhẫn nhục.

Thế nào là Bồ tát được sự rất hoan hỷ? Nếu Bồ tát nào thấy các hữu tình thực hành ba thừa rồi được thành thục, tâm rất vui mừng.

Thế nào là Bồ tát không xả bỏ hữu tình? Nếu Bồ tát nào muốn cứu giúp khắp tất cả hữu tình.

Thế nào là Bồ tát phát lòng đại bi? Nếu Bồ tát nào khi thực hành các hạnh thù thắng của Bồ tát, thường nghĩ như vầy: Ta làm lợi ích cho tất cả hữu tình, giả sử trải qua vô lượng, vô số hằng hà sa kiếp ở trong địa ngục lớn, chịu các khổ nặng, hoặc đốt, hoặc nấu, hoặc mổ, hoặc xẻ, hoặc đâm, hoặc treo, hoặc xay, hoặc giã, chịu vô lượng các khổ như vậy, nhưng tâm đại bi của ta cũng không lìa bỏ. Đó là Bồ tát thường phát lòng đại bi.

Thế nào là Bồ tát đối với các bậc Sư trưởng đem lòng tin tưởng, cung kính, thăm hỏi, phụng sự, cúng dường như là phụng sự chư Phật? Nếu Bồ tát nào vì mong cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nên cung kính hiếu thuận với Sư trưởng không luyến tiếc.

Thế nào là Bồ tát siêng năng mong cầu tu tập pháp Ba la mật? Nếu Bồ tát nào đối với tất cả pháp Ba la mật chuyên tâm cầu học, không nghĩ đến các việc khác.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ hai đối với tám pháp này nên suy nghĩ tu tập làm cho mau viên mãn.

3- Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ ba nên an trụ năm pháp. Những gì là năm?

Một là siêng năng mong cầu nghe nhiều nhưng không nhàm chán, đối với pháp được nghe không chấp văn tự. Hai là đem tâm không nhiễm thường hành pháp thí, tuy giáo hóa nhiều nhưng không tự cao. Ba là làm trang nghiêm cõi tịnh độ, gieo trồng các thiện căn, tuy hồi hướng nhưng không tự cao. Bốn là vì giáo hóa hữu tình, tuy không nhàm chán vô biên sanh tử nhưng không kiêu mạn, buông lung. Năm là tuy an trụ tàm quý nhưng không chấp trước.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ ba (Phát quang địa) nên thường an trụ năm pháp như vậy.

- Thế nào là Bồ tát siêng năng mong cầu nghe nhiều, thường không nhàm chán đối với pháp đã nghe, không chấp văn tự? Nếu Bồ tát nào nỗ lực tinh tấn, suy nghĩ như vầy: Hoặc ở cõi Phật này, hoặc ở mười phương thế giới tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng Chánh pháp tôi sẽ lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tu học rốt ráo, không để thiếu sót, mà ở trong Chánh pháp đó không chấp văn tự. Đó là Bồ tát không chấp văn tự.

Thế nào là Bồ tát đem tâm không nhiễm trước thường hành pháp thí, tuy giáo hóa nhiều nhưng không tự cao? Nếu Bồ tát nào giảng thuyết Chánh pháp cho các hữu tình còn không đem thiện căn này hồi hướng quả Bồ đề cho riêng mình huống là mong cầu việc khác, tuy giáo hóa nhiều nhưng không tự thị(2). Đó là Bồ tát đem tâm không nhiễm trước thường hành pháp thí, tuy giáo hóa nhiều nhưng không tự cao.

Thế nào là Bồ tát làm trang nghiêm cõi tịnh độ, gieo trồng các căn lành, tuy có hồi hướng nhưng không tự cao? Nếu Bồ tát nào dũng mãnh tinh tấn tu tập các thiện căn, vì muốn làm trang nghiêm các cõi Phật và làm thanh tịnh tâm mình, người, tuy làm việc này nhưng không tự cao. Đó là Bồ tát trang nghiêm cõi tịnh độ, gieo trồng các căn lành, tuy có hồi hướng nhưng không tự cao.

Thế nào là Bồ tát giáo hóa hữu tình, tuy không nhàm chán vô biên sanh tử nhưng không kiêu mạn, buông lung? Nếu Bồ tát nào vì muốn giáo hóa tất cả hữu tình gieo trồng các căn lành, làm nghiêm tịnh cõi Phật, cho đến chưa viên mãn Nhất thiết trí trí, tuy chịu vô biên khổ nhọc sanh tử nhưng không nhàm chán, cũng không tự cao. Đó là Bồ tát giáo hóa hữu tình, tuy không nhàm chán vô biên sanh tử nhưng không kiêu mạn, buông lung.

Thế nào là Bồ tát tuy an trụ tàm quý(3) mà không chấp trước? Nếu Bồ tát chuyên mong cầu quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì có tàm quý nên hoàn toàn không bao giờ khởi niệm tác ý về Thanh văn, Độc giác, mà ở trong đó cũng không chấp trước. Đó là Bồ tát tuy an trụ tàm quý mà không chấp trước.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ ba nên thường an trụ năm pháp như vậy. (Q. 415, ĐBN)

4- Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ tư nên đối với mười pháp thọ trì không xả bỏ. Những gì là mười?

Một là sống nơi vắng lặng thường không lìa bỏ. Hai là thường ưa thiểu dục. Ba là thường ưa biết đủ. Bốn là thường không lìa bỏ công đức đầu đà. Năm là đối với các học xứ(4) thường không xả bỏ. Sáu là đối với các dục lạc sanh tâm nhàm chán. Bảy là thường ưa phát sanh tâm câu hữu với tịch diệt. Tám là xả bỏ tất cả vật. Chín là tâm không trầm trệ. Mười là đối với tất cả vật thường không luyến tiếc.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ tư (Diệm tuệ địa) đối với mười pháp như vậy nên thọ trì không xả bỏ.

- Thế nào là Bồ tát thường sống và không xa lìa nơi vắng lặng? Nếu Bồ tát nào siêng năng mong cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vượt qua các địa vị Thanh văn, Độc giác v.v... Đó là Bồ tát thường sống và không xa lìa nơi vắng vẻ.

Thế nào là Bồ tát thường ưa thiểu dục (muốn ít)? Nếu Bồ tát nào đối với quả Bồ đề còn không mong cầu cho riêng mình huống là mong cầu việc thế gian và Nhị thừa. Đó là Bồ tát thường ưa thiểu dục.

Thế nào là Bồ tát thường thích tri túc (biết đủ)? Nếu Bồ tát nào chỉ vì chứng đắc Nhất thiết trí trí, nên đối với việc khác không có chấp trước. Đó là Bồ tát thường ưa vui biết đủ.

Thế nào là Bồ tát thường không xa lìa công đức đầu đà (khổ hạnh)? Nếu Bồ tát nào thường đối với giáo pháp thâm sâu phát lòng nhẫn nại quán sát kỹ. Đó là Bồ tát thường không xa lìa công đức đầu đà.

Thế nào là Bồ tát đối với các học xứ thường không xả bỏ? Nếu Bồ tát nào đối với các học xứ giữ gìn không rời bỏ. Đó là Bồ tát đối với học xứ thường không xả bỏ.

Thế nào là Bồ tát đối với các dục lạc sanh lòng rất nhàm chán xa lìa? Nếu Bồ tát nào đối với dục lạc ngon ngọt không phát sanh dục tâm. Đó là Bồ tát đối với các dục lạc sanh lòng rất nhàm chán xa lìa.

Thế nào là Bồ tát thường ưa phát sanh tâm câu hữu(5) với tịch diệt(6)? Nếu Bồ tát nào biết tất cả pháp từng không phát sanh tạo tác. Đó là Bồ tát thường ưa phát sanh tâm câu hữu với tịch diệt.

Thế nào là Bồ tát xả bỏ tất cả vật? Nếu Bồ tát nào đối với pháp trong ngoài đều không lãnh thọ. Đó là Bồ tát xả bỏ tất cả vật.

Thế nào là Bồ tát tâm không trầm trệ? Nếu Bồ tát nào đối với các thức không sanh tâm trụ vào. Đó là Bồ tát tâm không trầm trệ.

Thế nào là Bồ tát đối với tất cả vật thường không luyến tiếc? Nếu Bồ tát nào đối với tất cả việc đều không suy nghĩ. Đó là Bồ tát đối với tất cả vật thường không luyến tiếc.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ tư đối với mười pháp như vậy nên thọ trì không xả bỏ.

5- Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ năm nên xa lìa mười pháp. Những gì là mười?

Một là nên xa lìa nhà ở. Hai là nên xa lìa Tỳ kheo ni. Ba là nên xa lìa nhà keo kiệt. Bốn là nên xa lìa chúng hội tranh cãi, giận dữ. Năm là nên xa lìa khen mình chê người. Sáu là nên xa lìa mười nghiệp bất thiện. Bảy là nên xa lìa tăng thượng ngạo mạn. Tám là nên xa lìa điên đảo. Chín là nên xa lìa do dự. Mười là nên xa lìa tham, sân, si.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ năm (Cực nan thắng địa) nên thường xa lìa mười pháp như vậy.

- Thế nào là Bồ tát nên xa lìa nhà ở? Nếu Bồ tát nào ở các cõi Phật, sanh nơi nào cũng thường ưa xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thọ trì pháp phục, làm Sa môn. Đó là Bồ tát xa lìa nhà ở.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa Tỳ kheo ni? Nếu Bồ tát nào thường nên xa lìa các Tỳ kheo ni, không ở chung dù trong khoảnh khắc, cũng không sanh tâm khác. Đó là Bồ tát xa lìa Tỳ kheo ni.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa nhà bỏn xẻn? Nếu Bồ tát nào suy nghĩ như vầy: Ta phải thường làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình; nên không bỏn xẻn ganh tỵ. Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chúng hội tranh cãi, giận dữ? Nếu Bồ tát nào suy nghĩ như vầy: Nếu ở chúng hội trong đó có Thanh văn, Độc giác, hoặc nói pháp yếu tương ưng với nhị thừa, thì làm cho ta thối lui tâm đại Bồ đề. Vì thế quyết định nên xa lìa chúng hội. Lại suy nhĩ như vầy: Những kẻ tranh cãi, giận dữ có thể làm cho hữu tình phát sanh lòng sân hận làm hại, tạo tác các nghiệp ác bất thiện, còn trái với đường thiện, huống là đại Bồ đề. Vì thế quyết định xa lìa tranh cãi, giận dữ.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa việc khen mình chê người? Nếu Bồ tát nào không thấy có các pháp trong ngoài, nên xa lìa sự khen mình chê người. Đó là Bồ tát xa lìa việc khen mình chê người.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện? Nếu Bồ tát nào suy nghĩ như vầy: Mười nghiệp đạo bất thiện như vậy còn có thể chướng ngại con đường thiện cõi trời người huống là đối với Thánh đạo và đại Bồ đề mà không làm chướng ngại? Vì thế đối với điều đó ta quyết định phải xa lìa. Đó là Bồ tát xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa ngạo mạn tăng thượng? Nếu Bồ tát thấy có pháp nào có thể phát sanh kiêu ngạo này, thì phải nên xa lìa. Đó là Bồ tát xa lìa ngạo mạn tăng thượng.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa điên đảo? Nếu Bồ tát nào quán các việc điên đảo đều bất khả đắc. Vì thế quyết định phải xa lìa điên đảo.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa do dự? Nếu Bồ tát nào quán các việc do dự đều bất khả đắc. Vì thế quyết định phải xa lìa do dự.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa tham, sân, si? Nếu Bồ tát thấy có việc tham, sân, si, nên phải xa lìa ba pháp như vậy. Đó là Bồ tát xa lìa tham, sân, si.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ năm (Cực nan thắng địa) nên thường xa lìa mười pháp như vậy.

6- Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ sáu (Hiện tiền địa) nên viên mãn sáu pháp: Viên mãn sáu pháp Ba la mật. Đó là bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Đồng thời lại nên xa lìa sáu pháp: Một là tâm Thanh văn. Hai là tâm Độc giác. Ba là tâm nóng nảy. Bốn là tâm không vui và buồn bực khi thấy người hành khất đến. Năm là tâm ưu buồn luyến tiếc khi xả bỏ vật sở hữu. Sáu là tâm đối với người đến xin, tìm cách dối gạt.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ sáu thường nên viên mãn sáu pháp nói trước và nên xa lìa sáu pháp nói sau.

- Thế nào là Bồ tát nên viên mãn sáu Ba la mật? Nếu Bồ tát nào viên mãn sáu Ba la mật sẽ vượt qua các địa vị Thanh văn, Độc giác. Lại an trụ sáu Ba la mật này, Phật và Nhị thừa có thể vượt qua bờ kia, biết được năm pháp. Những gì là năm? Một là quá khứ; hai là vị lai; ba là hiện tại; bốn là bất khả thuyết; năm là vô vi. Đó là Bồ tát viên mãn sáu Ba la mật.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa tâm Thanh văn? Vì Bồ tát nghĩ: Tâm các Thanh văn chẳng chứng đạo Vô thượng Bồ đề nên phải xa lìa. Vì sao? Vì nhàm chán sanh tử. Đó là đại Bồ tát xa lìa tâm Thanh văn.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa tâm Độc giác? Vì Bồ tát nghĩ: Tâm các Độc giác chẳng chứng đạo Vô thượng Bồ đề nên phải xa lìa. Vì sao? Vì ưa Niết bàn. Đó là Bồ tát xa lìa tâm Độc giác.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa tâm nóng nảy? Nếu Bồ tát nào nghĩ như vầy: Tâm nóng nảy chẳng chứng đạo Vô thượng Bồ đề, nên phải xa lìa. Vì sao? Vì sợ sanh tử. Đó là Bồ tát xa lìa tâm nóng nảy.

Sao Bồ tát nên xa lìa thấy người đến xin tâm sầu lo, không vui? Nếu Bồ tát nào nghĩ như vầy: Tâm sầu lo này chẳng chứng đạo Vô thượng Bồ đề nên phải xa lìa. Vì sao? Vì trái với từ bi. Đó là Bồ tát xa lìa thấy người đến xin tâm sầu lo không vui.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa tâm ưu sầu hối tiếc khi xả bỏ vật sở hữu? Nếu Bồ tát nào nghĩ như vầy: Tâm hối tiếc này chẳng chứng đạo Vô thượng Bồ đề, nên phải xa lìa. Vì sao? Vì trái với bổn nguyện. Nghĩa là khi mới phát tâm Bồ đề, ta nguyện: Các vật sở hữu của ta bố thí cho người đến xin đầy đủ theo ý muốn của họ. Như vậy, sao hôm nay bố thí rồi lại hối tiếc.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa tâm tìm cách dối gạt khi người đến xin? Nếu Bồ tát nào nghĩ như vầy: Tâm dối gạt này chẳng chứng đạo Vô thượng Bồ đề nên phải xa lìa. Vì sao? Vì trái với thệ nguyện của mình. Nghĩa là khi mới phát tâm Bồ đề ta thệ nguyện như vầy: Phàm những vật sở hữu của ta bố thí cho người đến xin đầy đủ theo ý muốn của họ. Như vậy sao hôm nay dối gạt họ.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ sáu thường phải viên mãn sáu pháp nói trước, và phải xa lìa sáu pháp nói sau.

7- Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ bảy (Viễn hành địa) nên xa lìa hai mươi pháp. Những gì là hai mươi?

Một là nên xa lìa chấp ngã cho đến chấp người thấy. Hai là nên xa lìa chấp đoạn(chấm dứt). Ba là nên xa lìa chấp thường (tiếp tục). Bốn là nên xa lìa chấp tướng. Năm là nên xa lìa chấp kiến. Sáu là nên xa lìa chấp tên danh sắc. Bảy là nên xa lìa chấp uẩn (5 uẩn). Tám là nên xa lìa chấp xứ (12 xứ). Chín là nên xa lìa chấp giới (18 giới). Mười là nên xa lìa chấp đế (Tứ đế). Mười một là nên xa lìa chấp duyên khởi (12 duyên khởi). Mười hai nên xa lìa chấp đắm trước trong ba cõi (Dục, Sắc, Vô sắc). Mười ba nên xa lìa chấp tất cả pháp. Mười bốn nên xa lìa chấp tất cả pháp như lý, bất như lý. Mười lăm nên xa lìa kiến chấp lệ thuộc Phật. Mười sáu nên xa lìa kiến chấp lệ thuộc Pháp. Mười bảy nên xa lìa kiến chấp lệ thuộc Tăng. Mười tám nên xa lìa kiến chấp lệ thuộc giới. Mười chín nên xa lìa kiến chấp lệ thuộc không. Hai mươi nên xa lìa nhàm chán lo sợ tánh không.

Lại nên viên mãn hai mươi pháp. Những gì là hai mươi? Một là nên viên mãn thông đạt không. Hai là nên viên mãn chứng vô tướng. Ba là nên viên mãn biết vô nguyện. Bốn là nên viên mãn ba luân thanh tịnh(7). Năm là nên viên mãn thương xót hữu tình và đối với hữu tình không chấp trước. Sáu là nên viên mãn thấy tất cả pháp bình đẳng và đối với điều này không chấp trước. Bảy là nên viên mãn thấy tất cả hữu tình bình đẳng và đối với điều này không chấp trước. Tám là nên viên mãn thông đạt nghĩa lý chơn thật và ở trong đó không chấp trước. Chín là nên viên mãn trí vô sanh nhẫn. Mười là nên viên mãn thuyết tất cả pháp nghĩa lý nhất tướng. Mười một nên viên mãn diệt trừ phân biệt. Mười hai nên viên mãn xa lìa các tưởng. Mười ba nên viên mãn xa lìa các kiến. Mười bốn nên viên mãn xa lìa phiền não. Mười lăm nên viên mãn địa chỉ quán. Mười sáu nên viên mãn điều phục tâm tánh. Mười bảy nên viên mãn tịch tịnh tâm tánh. Mười tám nên viên mãn trí tánh vô ngại. Mười chín nên viên mãn không có ái nhiễm. Hai mươi nên viên mãn tùy theo ý muốn đến các cõi Phật, ở trong chúng hội Phật tự hiện thân mình.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ bảy thường nên xa lìa hai mươi pháp nói như trước, và nên viên mãn hai mươi pháp nói sau như thế.

- Xa lìa hai mươi pháp trước:

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp ngã cho đến chấp người thấy? Nếu Bồ tát nào quán ngã, chúng sanh, mạng giả v.v… cho đến người thấy chẳng phải có, chẳng khá được vậy. Đó là Bồ tát xa lìa chấp ngã, chúng sanh, mạng giả v.v… cho đến chấp người thấy.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp đoạn? Nếu Bồ tát nào quán nghĩa tất cả pháp rốt ráo không sanh, không đoạn diệt. Đó là Bồ tát xa lìa chấp đoạn.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp thường? Nếu Bồ tát nào quán tánh tất cả pháp đã không sanh, đó là ý nghĩa vô thường. Đó là Bồ tát xa lìa chấp thường.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa tướng tưởng? Nếu Bồ tát nào quán hoặc như tham v.v... đều vô sở hữu. Đó là Bồ tát xa lìa tướng tưởng.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa kiến chấp? Nếu Bồ tát không thấy có tánh các kiến chấp. Đó là Bồ tát xa lìa kiến chấp.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp danh sắc? Nếu Bồ tát nào quán tánh danh sắc đều vô sở hữu bất khả đắc. Đó là Bồ tát xa lìa chấp danh sắc.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp uẩn? Nếu Bồ tát nào quán tánh các uẩn đều vô sở hữu bất khả đắc. Đó là Bồ tát xa lìa chấp uẩn.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp xứ? Nếu Bồ tát nào quán tánh các xứ đều vô sở hữu bất khả đắc. Đó là Bồ tát xa lìa chấp xứ.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp giới? Nếu Bồ tát nào quán tánh các giới đều vô sở hữu bất khả đắc. Đó là Bồ tát xa lìa chấp giới.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp đế? Nếu Bồ tát nào quán tánh các đế đều vô sở hữu bất khả đắc. Đó là Bồ tát xa lìa chấp đế.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp duyên khởi? Nếu Bồ tát nào quán tánh duyên khởi đều vô sở hữu bất khả đắc. Đó là Bồ tát xa lìa chấp duyên khởi.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp vướng mắc vào ba cõi? Nếu Bồ tát nào quán tánh ba cõi đều vô sở hữu bất khả đắc. Đó là Bồ tát xa lìa chấp vướng mắc vào ba cõi.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp tất cả pháp? Nếu Bồ tát nào quán tánh các pháp đều như hư không bất khả đắc. Đó là Bồ tát xa lìa chấp tất cả pháp.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp tất cả pháp như lý bất như lý? Nếu Bồ tát nào quán tánh các pháp đều bất khả đắc, không như lý bất như lý. Đó là Bồ tát xa lìa chấp tất cả pháp như lý bất như lý.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp nương Phật kiến? Nếu Bồ tát nào biết kiến chấp lệ thuộc vào Phật, không được thấy Phật. Đó là Bồ tát xa lìa chấp nương Phật kiến.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp nương Pháp kiến? Nếu Bồ tát nào biết pháp tánh chơn thật không thể thấy. Đó là Bồ tát xa lìa chấp nương Pháp kiến.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp nương Tăng kiến? Nếu Bồ tát nào biết chúng hòa hợp vô tướng, vô vi không thể thấy. Đó là Bồ tát xa lìa chấp nương Tăng kiến.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp nương giới kiến (tức giới luật)? Nếu Bồ tát nào biết tánh tội phước đều chẳng có. Đó là Bồ tát xa lìa chấp nương giới kiến.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chấp nương không kiến? Nếu Bồ tát nào quán không của các pháp đều vô sở hữu không thể thấy. Đó là Bồ tát xa lìa chấp nương không kiến.

Thế nào là Bồ tát nên xa lìa chán sợ tánh không? Nếu Bồ tát nào quán tự tánh tất cả pháp đều không, chẳng phải không cùng không có trái hại nhau, nên việc chán sợ đều bất khả đắc, bởi thế nên không chán sợ. Đó là Bồ tát xa lìa chán sợ tánh không.

- Lại nên viên mãn hai mươi pháp sau:

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn thông đạt không? Nếu Bồ tát nào biết tự tướng tất cả pháp đều không. Đó là Bồ tát viên mãn thông đạt không.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn chứng vô tướng? Nếu Bồ tát nào không tư duy tất cả tướng. Đó là Bồ tát viên mãn chứng vô tướng.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn biết vô nguyện? Nếu Bồ tát nào đối với các pháp trí ba cõi đều không sanh. Đó là Bồ tát viên mãn biết vô nguyện.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn ba luân thanh tịnh? Nếu Bồ tát nào đầy đủ mười thiện nghiệp đạo thanh tịnh. Đó là Bồ tát viên mãn ba luân thanh tịnh.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn thương xót hữu tình và đối với hữu tình không có chấp trước? Nếu Bồ tát nào đã có lòng đại bi và làm nghiêm tịnh cõi Tịnh độ đều không chấp trước. Đó là Bồ tát viên mãn thương xót hữu tình và đối với hữu tình không có chấp trước.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn thấy tất cả pháp bình đẳng và ở trong đó không có chấp trước? Nếu Bồ tát nào đối với tất cả pháp không tăng, không giảm, đều không chấp trước. Đó là Bồ tát viên mãn thấy tất cả pháp bình đẳng và ở trong đó không có chấp trước.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn thấy tất cả hữu tình bình đẳng, không có chấp trước? Nếu Bồ tát nào đối với các hữu tình không tăng, không giảm, đều không chấp trước. Đó là Bồ tát nên viên mãn thấy tất cả hữu tình bình đẳng, không có chấp trước.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn thông đạt nghĩa lý chơn thật, không có chấp trước? Nếu Bồ tát nào đối với nghĩa lý chơn thật của tất cả pháp, tuy như thật thông đạt nhưng không có sở thông đạt, đều không sở chấp trước. Đó là Bồ tát viên mãn thông đạt nghĩa lý chơn thật, không có chấp trước.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn trí vô sanh nhẫn? Nếu Bồ tát nào nhẫn tất cả pháp không sanh, không diệt, không tạo tác và biết danh sắc rốt ráo không sanh. Đó là Bồ tát viên mãn trí vô sanh nhẫn.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn thuyết nghĩa lý nhất tướng của tất cả pháp? Nếu Bồ tát nào đối với tất cả pháp thực hành tướng không hai. Đó là Bồ tát viên mãn thuyết nghĩa lý nhất tướng của tất cả pháp.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn diệt trừ phân biệt? Nếu Bồ tát nào đối với tất cả pháp không sanh phân biệt. Đó là Bồ tát viên mãn diệt trừ phân biệt.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn xa lìa các tưởng? Nếu Bồ tát nào xa lìa lớn nhỏ và vô lượng tưởng. Đó là Bồ tát viên mãn xa lìa các tưởng.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn xa lìa các kiến? Nếu Bồ tát nào xa lìa thấy Thanh văn, Độc giác kiến. Đó là Bồ tát viên mãn xa lìa các kiến.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn xa lìa phiền não? Nếu Bồ tát nào xả bỏ tất cả phiền não tập khí nối nhau. Đó là Bồ tát viên mãn xa lìa phiền não.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn bậc chỉ quán? Nếu Bồ tát nào tu Nhất thiết trí, Nhất thiết tướng trí. Đó là Bồ tát viên mãn bậc chỉ quán.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn điều phục tâm tánh? Nếu Bồ tát nào không chấp trước ba cõi. Đó là Bồ tát viên mãn điều phục tâm tánh.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn tâm tánh tịch tịnh? Nếu Bồ tát nào khéo thu nhiếp sáu căn. Đó là Bồ tát viên mãn tâm tánh tịch tịnh.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn tánh vô ngại trí? Nếu Bồ tát nào tu đắc Phật nhãn. Đó là Bồ tát viên mãn tánh trí vô ngại.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn không có ái nhiễm? Nếu Bồ tát nào xả bỏ sáu xứ. Đó là Bồ tát viên mãn không có ái nhiễm.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn tùy theo ý muốn đến các cõi Phật, ở trong chúng hội Phật tự hiện thân? Nếu Bồ tát nào tu các thần thông thù thắng đến các cõi Phật, phụng sự cúng dường chư Phật Thế Tôn, thỉnh chuyển pháp luân, độ các loại hữu tình. Đó là Bồ tát viên mãn tùy theo ý muốn đến các cõi Phật, ở trong chúng hội Phật tự hiện thân.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ bảy thường phải xa lìa hai mươi pháp trước, và phải viên mãn hai mươi pháp sau như kể trên.

8- Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ tám (Bất động địa) nên viên mãn bốn pháp. Những gì là bốn?

Một là nên viên mãn hiểu rõ tâm hạnh của tất cả hữu tình. Hai là nên viên mãn an trụ các thần thông. Ba là nên viên mãn thấy các cõi Phật như sở kiến của mình mà tự nghiêm tịnh các cõi Phật. Bốn là nên viên mãn phụng sự cúng dường chư Phật, Thế Tôn, đối với thân Như Lai quán sát như thật.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ tám đối với bốn pháp này nên cố gắng viên mãn.

- Thế nào là Bồ tát nên viên mãn hiểu rõ tâm hạnh của tất cả hữu tình? Nếu Bồ tát nào dùng trí nhất tâm như thật biết khắp tất cả tâm và tâm sở của hữu tình. Đó là Bồ tát viên mãn hiểu rõ tâm hạnh của tất cả hữu tình.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn an trụ các thần thông? Nếu Bồ tát nào an trụ tự tại các loại thần thông, vì muốn thân cận cúng dường Phật, nên từ cõi Phật này đến cõi Phật kia mà năng tưởng dạo chơi cõi Phật kia. Đó là Bồ tát viên mãn an trụ các thần thông.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn thấy các cõi Phật như sở kiến của mình mà tự làm nghiêm tịnh các cõi Phật? Nếu Bồ tát nào an trụ một cõi Phật có thể thấy vô biên cõi Phật trong mười phương, cũng có thể thị hiện mà không khi nào sanh tưởng các cõi Phật, và giáo hóa các hữu tình hiện ở khắp ba ngàn đại thiên thế giới làm Chuyển luân vương và tự trang nghiêm, cũng năng lìa bỏ mà không sở chấp. Đó là Bồ tát viên mãn thấy các cõi Phật như sở kiến của mình mà tự làm nghiêm tịnh các cõi Phật.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn cúng dường phụng sự chư Phật Thế Tôn, đối với thân Như Lai như thật quán sát? Nếu Bồ tát nào vì muốn nhiêu ích các hữu tình nên đối pháp nghĩa thú như thật phân biệt, như vậy gọi là đem pháp cúng dường vâng thờ chư Phật, lại quan sát kỹ Pháp thân chư Phật. Đó là Bồ tát viên mãn cúng dường phụng sự chư Phật Thế Tôn, đối với thân Như Lai như thật quán sát.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ tám đối với bốn pháp này nên siêng năng để viên mãn.

9- Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ chín (Thiện tuệ địa) nên viên mãn bốn pháp. Những gì là bốn?

Một là nên viên mãn trí căn thắng liệt. Hai là nên viên mãn nghiêm tịnh cõi Phật. Ba là nên viên mãn thường nhập các định đẳng trì như huyễn. Bốn là nên viên mãn tùy theo căn lành của các hữu tình đã thuần thục, nên vào các cõi tự hiện thân hóa sanh.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ chín đối với bốn pháp này nên cố gắng viên mãn.

- Thế nào là Bồ tát nên viên mãn trí căn thắng liệt? Nếu Bồ tát nào an trụ mười lực của Phật, như thật biết rõ các căn thắng liệt của tất cả hữu tình. Đó là Bồ tát nên viên mãn trí căn thắng liệt.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn làm nghiêm tịnh cõi Phật? Nếu Bồ tát đem vô sở đắc làm phương tiện, làm nghiêm tịnh tâm hành của tất cả hữu tình. Đó là Bồ tát viên mãn nghiêm tịnh cõi Phật.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn thường nhập đẳng trì như huyễn hằng vào các định? Nếu Bồ tát Ma ha tát trụ đẳng trì đây, tuy năng thành xong tất cả sự nghiệp, mà đối pháp ấy đều không động chuyển. Lại tu đẳng trì rất thành thục vậy, mà chẳng khởi gia hạnh năng hằng hiện tiền.  Đấy là Bồ tát viên mãn đẳng trì như huyễn hằng vào các định.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn theo căn lành các hữu tình đáng thành thục, nên vào cõi tự hiện hóa sanh? Nếu Bồ tát vì muốn thành thục các loại hữu tình căn lành thù thắng theo sở nghi kia, nên vào các cõi mà hiện thọ sanh. Đấy là Bồ tát viên mãn theo căn lành các hữu tình đáng thành thục, nên vào cõi tự hiện hóa sanh.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ chín đối với bốn pháp này nên siêng năng để viên mãn.

10- Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ mười (Pháp vân địa) nên viên mãn mười hai pháp. Những gì là mười hai?

Một là nên viên mãn nhiếp thọ vô biên xứ sở, đại nguyện, tùy theo sở nguyện đều làm cho chứng đắc. Hai là nên viên mãn trí tuệ tùy theo âm thanh các loại khác nhau: Trời, rồng, dược xoa v.v... Ba là nên viên mãn biện thuyết vô ngại. Bốn là nên viên mãn vào thai đầy đủ. Năm là nên viên mãn ra đời đầy đủ. Sáu là nên viên mãn gia tộc đầy đủ. Bảy là nên viên mãn dòng họ đầy đủ. Tám là nên viên mãn quyến thuộc đầy đủ. Chín là nên viên mãn sanh thân đầy đủ. Mười là nên viên mãn xuất gia đầy đủ. Mười một nên viên mãn trang nghiêm cội Bồ đề đầy đủ. Mười hai nên viên mãn tất cả công đức thành tựu đầy đủ.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ mười nên cố gắng viên mãn mười hai pháp này.

- Thế nào là Bồ tát nên viên mãn nhiếp thọ xứ sở đại nguyện vô biên, tùy có sở nguyện đều khiến chứng được? Thiện Hiện! Nếu Bồ tát đã đủ sáu Ba la mật rất viên mãn vậy, hoặc vì nghiêm tịnh cõi nước chư Phật, hoặc vì thành thục các loại hữu tình, tùy tâm sở nguyện đều khiến chứng được.  Đấy là Bồ tát viên mãn nhiếp thọ xứ sở đại nguyện vô biên, tùy có sở nguyện đều khiến chứng được.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn trí tùy theo âm thanh của các loài khác nhau: Trời, rồng, Dược xoa v.v... Nếu Bồ tát nào tu tập từ vô ngại giải thù thắng, có thể hiểu biết rõ ngôn ngữ âm thanh khác nhau của trời, rồng, Dược xoa, Kiền đạt phược, A tu la, Yết lộ trà, khẩn nại lạc, Mạc hô lạc già, người chẳng phải người v.v... Đó là Bồ tát viên mãn trí tùy theo âm thanh của các loài khác nhau.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn biện thuyết vô ngại? Nếu Bồ tát nào tu tập tu tập thù thắng biện vô ngại giải, có thể giảng thuyết vô tận cho các hữu tình. Đó là Bồ tát viên mãn biện thuyết vô ngại.

Thế nào là Bồ tát nên viên mãn nhập thai đầy đủ? Nếu Bồ tát nào tuy tất cả chỗ sanh ra đều hóa sanh, nhưng vì làm lợi ích cho hữu tình nên hiện vào trong thai tạng đầy đủ vô biên các việc thù thắng. Đó là Bồ tát viên mãn nhập thai đầy đủ.

Thế nào là Bồ tát nên đầy đủ sanh ra viên mãn? Nếu Bồ tát nào khi ra khỏi bào thai thị hiện các việc hi hữu thù thắng làm cho các hữu tình trông thấy đều vui vẻ, được lợi ích an lạc lớn. Đó là Bồ tát đầy đủ sanh ra viên mãn.

Thế nào là Bồ tát nên đầy đủ gia tộc viên mãn? Nếu Bồ tát nào hoặc sanh trong gia tộc lớn dòng Sát đế lợi, hoặc sanh trong gia tộc lớn dòng Bà la môn, cha mẹ chơn tịnh. Đó là Bồ tát đầy đủ gia tộc viên mãn.

Thế nào là Bồ tát nên đầy đủ chủng tánh viên mãn? Nếu Bồ tát nào ở đời quá khứ thường sanh trong dòng họ các Bồ tát. Đó là Bồ tát đầy đủ chủng tánh viên mãn.

Thế nào là Bồ tát nên đầy đủ quyến thuộc viên mãn? Nếu Bồ tát nào thường đem vô lượng, vô số chúng Bồ tát làm quyến thuộc. Đó là Bồ tát đầy đủ quyến thuộc viên mãn.

Thế nào là Bồ tát nên đầy đủ sanh thân viên mãn? Nếu Bồ tát nào khi mới sanh ra thân mình đầy đủ tất cả tướng hảo, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp vô biên thế giới chư Phật, cũng làm cho các thế giới ấy biến động sáu cách, hữu tình gặp được đều có lợi ích. Đó là Bồ tát đầy đủ sanh thân viên mãn.

Thế nào là Bồ tát nên đầy đủ xuất gia viên mãn? Nếu Bồ tát nào khi xuất gia vô lượng, vô số trăm ngàn ức, vạn ngàn ức chúng vây quanh tôn trọng, khen ngợi, đi đến đạo tràng cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, thọ trì ứng khí, hướng dẫn vô lượng, vô biên hữu tình làm cho họ nương vào ba thừa để hướng đến viên tịch. Đó là Bồ tát đầy đủ xuất gia viên mãn.

Thế nào là Bồ tát nên đầy đủ trang nghiêm cội Bồ đề viên mãn? Nếu Bồ tát nào với thiện căn thù thắng, nguyện lực rộng lớn, nên cảm ứng được cội nguồn Bồ đề lớn như vầy: Cọng làm bằng ngọc phệ lưu ly, gốc bằng vàng rồng, nhánh, lá, hoa, quả đều làm bằng bảy báu tốt đẹp, cây ấy cao rộng lớn trùm khắp ba ngàn đại thiên cõi Phật, ánh sáng chiếu soi khắp hằng hà sa số thế giới chư Phật trong mười phương. Đó là Bồ tát đầy đủ trang nghiêm cội Bồ đề viên mãn.

Thế nào là Bồ tát nên đầy đủ tất cả công đức thành tựu viên mãn? Nếu Bồ tát nào đầy đủ phước tuệ tư lương thù thắng, giáo hóa hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật. Đó là Bồ tát nên đầy đủ tất cả công đức thành tựu viên mãn.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát khi an trụ địa thứ mười nên siêng năng để viên mãn mười hai pháp này.

Này Thiện Hiện! Ông nên biết, Bồ tát nào an trụ địa thứ mười rồi nên nói không khác chư Như Lai.

Thế nào là Bồ tát an trụ địa thứ mười nên nói không khác với chư Như Lai? Nếu Bồ tát này đã viên mãn sáu pháp Ba la mật, cho đến đã viên mãn mười tám pháp Phật bất cộng; đầy đủ Nhất thiết trí, Nhất thiết tướng trí, hoặc lại đoạn dứt tất cả tập khí phiền não tương tục, rồi an trụ Phật địa. Do đó nên nói: Bồ tát nào đã an trụ địa thứ mười nên nói không khác với chư Như Lai.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Bồ tát an trụ địa thứ mười hướng đến địa Như Lai? Nếu Bồ tát này với phương tiện thiện xảo thực hành sáu Ba la mật, bốn niệm trụ, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; vượt qua Tịnh quán địa, Chủng tánh địa, Đệ bát địa, Cụ kiến địa, Bạc địa, Ly dục địa, Dĩ biện địa, Độc giác địa và Bồ tát địa. Lại có thể đoạn hẳn tất cả tập khí phiền não tương tục, thành tựu Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác an trụ Như Lai địa.

Này Thiện Hiện! Như vậy, Bồ tát an trụ địa thứ mười hướng đến Như Lai địa.

Này Thiện Hiện! Bằng cách này nên biết Bồ tát phát tâm hướng đến Đại thừa.

 

Thích nghĩa:

(1). Tu nghiệp trị địa: Tu sửa bậc mình đang tu.

(2). Tự thị: Dưới mắt mình không ai hơn (mục hạ vô nhân), chỉ cho người tự cao, tự đại.

(3). Tàm quý hay hữu tàm hữu quý, ngược với vô tàm vô quý: Hổ và thẹn. Biết việc làm sai quấy mà tự hổ thẹn lấy mình. Đó gọi là tàm. Biết việc làm sai trái mà hổ thẹn với người khác. Đó là quý. Đấy là lối giải thích của Duy thức học về tâm sở tàm và quý.

Tự điển Phật Quang định nghĩa như sau: Tàm (Phạm: Hrì), Quí (Phạm: Apatràpya). Từ gọi chung tàm và quí (hổ và thẹn), tên tâm sở, nghĩa là tác dụng của tâm biết hổ thẹn khi phạm tội lỗi, là 1 trong các Đại thiện địa pháp của Thuyết nhất thiết hữu bộ, 1 trong các Thiện pháp của tông Pháp tướng. Luận Câu xá quyển 4 nêu ra 2 cách giải thích về Tàm và Quí như sau: Cách thứ nhất: Tàm là lòng tôn kính các công đức và người có đức, Quí là lòng sợ tội lỗi. Cách thứ hai: Tàm là khi mình phạm tội mặc dầu không có ai biết nhưng tự cảm thấy hổ thẹn, còn Quí là khi mình tạo tội mọi người đều biết mà mình xấu hổ. Theo thuyết trên thì Tàm và Quí đều là tâm hổ thẹn, nhưng vì đối với chính mình và đối với người khác mà chia làm hai. Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 19 (bản Bắc) thì cho rằng Tàm là tự mình không tạo tội, Quí là không xúi người khác tạo tội; Tàm là tự trong lòng mình cảm thấy hổ thẹn, Quí là cảm thấy hổ thẹn khi bày tỏ tội lỗi của mình với người khác; Tàm là lòng hổ thẹn đối với người, Quí là lòng hổ thẹn đối với trời. Thuyết này tương đương với cách giải thích thứ 2 trong luận Câu xá. Luận Thành duy thức quyển 6 thì thu dụng cả 2 cách giải thích của luận Câu xá, cho rằng Tàm là trước tôn trọng chính mình, sau tôn kính các bậc hiền Thánh và tôn trọng Pháp; Quí là chống lại sự bạo ác do áp lực của thế gian(tức do sự chê cười của người đời, hoặc sự chế tài của luật pháp). Tức chủ trương hổ thẹn là tướng chung của Tàm và Quí, còn tôn sùng điều thiện, chống lại cái ác thì theo thứ tự là tướng riêng của Tàm và Quí. Trái lại với Tàm và Quí, không tôn kính các công đức và những bậc hiền Thánh, hoặc không tự thấy hổ thẹn trước tội ác do chính mình gây ra, thì gọi là Vô tàm (Phạm:Àhrìkya). Còn đối với người khác đã biết rõ tội ác của mình mà mình không cảm thấy xấu hổ thì gọi là Vô quí (Phạm: Anapatràpya). Tàm và Quí có công năng làm cho tất cả hành vi trở nên trong sáng, nên được gọi là Nhị chủng bạch pháp (Hai thứ pháp trong trắng sáng sạch). [X. Kinh Phật di giáo; Kinh Bản sự Q.4; luận Đại tì bà sa Q.35; luận Tạp a tì đàm tâm Q.2; luận Hiển dương Thánh giáo Q.1; luận Du già sư địa Q.55; luận Đại thừa a tì đạt ma tập Q.1; luận Thuận chính lí Q.11; Câu xá luận quang kí Q.20].

(4). Học xứ (Phạm: Ziksàpada. Pàli: Sikkhàpada): Những chỗ (điều) cần phải học. Chỉ chung cho giới luật. Tức là những giới điều mà Tỉ khưu, Tỉ khưu ni phải tuân thủ, như 5 giới, 8 giới, 10 giới, v.v... gọi là Học xứ. Phật giáo Nam truyền gọi giới học, định học, tuệ học là Tam học xứ. Còn theo Kinh Bồ tát địa trì quyển 1, thì Bồ tát có 7 học xứ là: Tự lợi, lợi tha, chân thực nghĩa, lực, thành thục chúng sinh, tự thục Phật pháp và Vô thượng bồ đề. Ngoài ra, phẩm Thụ phương tiện học xứ trong Kinh Đại nhật quyển 6 chia ra Hiển, Mật để nói về sở học và dịch là Học cú [X. phẩm Học xứ trong luận Pháp uẩn túc Q.1; luận Đại tì bà sa Q.124; luận Câu xá Q.14; Câu xá luận quang kí Q.14]. - Từ điển Phật Quang.

(5). Câu hữu: Đồng thời hiện hữu; cùng tồn tại; vốn có, bẩm sinh.

(6). Tịch diệt (Phạm: Vyupazama. Pàli: Vùpasama) Gọi tắt: Diệt. Vượt thoát sinh tử, tiến vào cảnh giới vắng lặng, vô vi. Cảnh giới này xa lìa cõi mê hoặc, được an vui, nên gọi là Tịch diệt vi lạc, nghĩa khác của Niết bàn. Kinh Tăng nhất A hàm quyển 23 ghi: Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp, sinh diệc diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”, dịch là tất cả pháp đều vô thường, đều sinh diệt, sinh diệt hết rồi, thì tịch diệt là an vui.

(7). Tam luân không tịch: Người cho, kẻ nhận và của tín thí đều vô tướng, nghĩa là bố thí không chấp tướng, không phân biệt. Đó gọi là tam luân không tịch.

 

Lược giải:

 

Phẩm này Phật trả lời câu hỏi kế tiếp của cụ thọ Thiện Hiện “Làm thế nào biết được Bồ tát phát tâm hướng đến Đại thừa?” Đó là các Bồ tát phải trải qua nhập, trụ, xuất tam tâm để tu sửa từng địa vị của mình, hết địa vị này sang địa vị khác cho trọn hết thập địa, từ Cực hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm tuệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện tuệ địa, Pháp vân địa. Ở mỗi địa Bồ tát phải tu bao nhiêu pháp, phải xả, phải ly bao nhiêu pháp, phải viên mãn bao nhiêu pháp v.v… Kinh đều liệt kê rõ rệt như trên. Tu hết mười địa vị này, Bồ tát sẽ vào Đẳng giác rồi an trụ Diệu giác tức thành Phật, nên nói như Như Lai không khác.

Nhưng muốn tu thập địa Bồ tát thì trước hết phải viên mãn 40 địa vị từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, có khi phải viên mãn Tứ gia hạnh rồi mới bắt đầu lên Thập địa.

 

-                                                                --o0o---