Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 14. Phẩm “Đại Thừa”

 


Nguồn:  https://quangduc.com/



PHẨM “ĐẠI THỪA”

 

Phần sau quyển 412, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương phần sau phẩm “Ma Ha Tát”, Q.49, Hội thứ I, ĐBN)

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, Xá Lợi Tử hỏi Mãn Từ Tử rằng: Sao là Bồ tát Ma ha tát khắp vì lợi vui các hữu tình nên nương Đại thừa?

Mãn Từ Tử nói: Xá Lợi Tử! Nếu Bồ tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, tuy nương tựa bố thí Ba la mật mà chẳng đắc bố thí, chẳng đắc kẻ thí, kẻ thọ, của thí và pháp bị ngăn.Tuy nương tựa tịnh giới Ba la mật mà chẳng đắc tịnh giới, chẳng đắc kẻ trì giới và kẻ phạm giới cùng pháp bị ngăn.Tuy nương tựa an nhẫn Ba la mật mà chẳng đắc an nhẫn, chẳng đắc kẻ năng nhẫn và cảnh sở nhẫn cùng pháp bị ngăn.Tuy nương tựa tinh tấn Ba la mật mà chẳng đắc tinh tấn, chẳng đắc kẻ tinh tấn hay kẻ lười nhác cùng pháp bị ngăn.Tuy nương tựa tĩnh lự Ba la mật mà chẳng đắc tĩnh lự, chẳng đắc người tu định, kẻ tán loạn, chẳng đắc định cảnh cùng pháp bị ngăn.Tuy nương tựa Bát nhã Ba la mật mà chẳng đắc Bát Nhã, chẳng đắc kẻ có trí huệ, kẻ ngu si, chẳng đắc pháp thiện, bất thiện, vô ký, chẳng đắc pháp thế gian xuất thế gian, chẳng đắc pháp hữu lậu vô lậu và pháp bị ngăn.

Xá Lợi Tử! Đấy là Bồ tát khắp vì lợi vui các hữu tình mà nươngvào Đại thừa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu Bồ tát đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, vì khiển tu nên tu bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; tu ba giải thoát môn, tu Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. 

Xá Lợi Tử! Đấy là Bồ tát vì lợi vui khắp các hữu tình nên nương vào Đại thừa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu Bồ tát đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, như thật quán sát Bồ tát chỉ có giả danh, thi thiết lời nói, Bồ đề và Tác đỏa đều bất khả đắc.  Sắc cho đến thức chỉ có giả danh thi thiết lời nói, cũng bất khả đắc. Nhãn cho đến ý chỉ có giả danh, thi thiết lời nói, cũng bất khả đắc. Sắc, thọ, tưởng cho đến pháp chỉ có giả danh, thi thiết lới nói, cũng bất khả đắc. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới chỉ có giả danh, thi thiết lời nói, cũng bất khả đắc.Bốn niệm trụ cho đến tám Thánh đạo chi chỉ có giả danh, thi thiết lời nói, bất khả đắc. Nội không cho đến vô tánh tự tánh không chỉ có giả danh, thi thiết lời nói, bất khả đắc. Nói rộng cho đến Như Lai mười lực, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chỉ có giả danh, thi thiết lời nói, cũng bất khả đắc.Chơn như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế chỉ có giả danh, thi thiết lời nói, bất khả đắc. Năng giác, sở giác chỉ có giả danh, thi thiết lời nói, bất khả đắc. Chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chỉ có giả danh, thi thiết lời nói, cũng bất khả đắc.

Xá Lợi Tử! Đấy là Bồ tát vì lợi vui khắp các hữu tình nên nương vào Đại thừa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu Bồ tát đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, từ sơ phát tâm cho đến chứng Nhất thiết trí trí thường tu viên mãn thần thông, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật. Từ một nước Phật đến một nước Phật cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Ở chỗ chư Phật nghe thọ trì diệu pháp tương ưng với Đại thừa của chư Phật. Đã lắng nghe, thọ trì rồi, tư duy đúng lý, siêng năng tu học.

Xá Lợi Tử! Đấy là Bồ tát vì lợi vui khắp các hữu tình nên nương vào Đại thừa.

Xá Lợi Tử! Bồ tát này tuy nương vào Đại thừa, từ một nước Phật đến một nước Phật cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Ở chỗ chư Phật nghe thọ diệu pháp, thành thục hữu tình nghiêm tịnh cõi Phật, mà tâm không tưởng đến cõi Phật.

Này Xá lợi Tử! Bồ tát này an trụ địa vị Bất nhị, quán các hữu tình nên dùng thân nào để độ được liền hiện ra thân như vậy.

Xá Lợi Tử! Bồ tát này cho đến chứng được Nhất thiết trí trí, tùy sanh chỗ nào thường chẳng xa lìa Chánh pháp Đại thừa.Bồ tát này chẳng bao lâu sẽ được Nhất thiết trí trí, vì trời người… quay xe Chánh pháp. Xe pháp như thế Thanh văn, Độc giác, trời, ma, phạm chẳng thể quay được.

Xá Lợi Tử! Bởi các Bồ tát vì lợi vui khắp các hữu tình nên nương vào Đại thừa nên lại gọi Ma ha tát.

Xá Lợi Tử! Như vậy, vì lợi vui hữu tình nương Đại thừa Bồ tát được khắp mười phương thế giới như cát sông Hằng, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, ở giữa đại chúng vui mừng ngợi khen, nói lời như vầy: Phương ấy, trong thế giới ấy, có Bồ tát tên ấy, vì lợi vui khắp tất cả hữu tình, nương Đại thừa, chẳng bao lâu sẽ được Nhất thiết trí trí, vì trời người… quay xe Chánh pháp. Xe ấy thế gian các Thanh văn đều chẳng thể quay được. Như vậy lần lữa tiếng vang khắp mười phương, người trời nghe thấy đều rất vui mừng, nên nói lời này: Bồ tát đây chẳng bao lâu sẽ được Nhất thiết trí trí, quay xe diệu pháp độ chúng vô lượng.

 

Thay lời lược giải:

 

Tất cả những điều mà Mãn Từ Tử giải thích cho Xá Lợi Tử đều rất dễ hiểu ngắn gọn, ai cũng có thể hiểu nên không cần giải thích thêm ở đây. Chỉ cần nhớ: Nếu Bồ tát nương Đại thừa tu hành tất cả phương tiện thiện xảo, đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tu hành bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã, nhưng đừng thấy năng sở hay say đắm cảnh giới khả ái do mình tu hành, thì được xem là Bồ tát lớn (Ma ha tát là đại, là lớn). Chư vị Bồ tát này mau chứng Vô Thương Chánh Đẳng Chánh Giác, quay xe diệu pháp cứu độ vô lượng chúng sanh, chư Phật trong mười phương thế giới như cát sông Hằngở giữa đại chúng vui mừng khen ngợi.

Điều đáng lưu ý của phẩm này cũng như toàn bộ Đại Bát Nhã là “tất cả pháp chỉ có giả danh, thi thiết lời nói, đều bất khả đắc, dù đó là pháp Phật hay Niết bàn”. Nên đừng bao giờ mong cầu chứng đắc hay hưởng phúc lợi do tu hành mà được. Nếu hiểu điểm này thì hiểu tánh không Bát Nhã hay hiểu toàn bộ giáo lý Đại thừa!

Xin xem lại phẩm “Ma Ha Tát”, Hội thứ I, thích nghĩa và chiết giải đầy đủ hơn. Ở đây, chỉ tóm lược đại cương để nhắc lại những gì đã tụng đọc về Hội thứ I, chúng tôi không muốn trùng tuyên nữa, chỉ làm quý vị mệt mỏi thôi!

 

---o0o---