Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 12. Phẩm “Đoạn Chư Kiến”

 



Nguồn:  https://quangduc.com/


PHẨM “ĐOẠN CHƯ KIẾN”

Phần giữa quyển 411, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương phẩm “Ma Ha Tát”, quyển 47, Hội thứ I, ĐBN)

 

Tóm lược:

 

Lúc bấy giờ, Xá lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con cũng thích đem trí tuệ biện tài nói về ý nghĩa Ma ha tát của Bồ tát?

Phật bảo Xá lợi Tử:

- Tùy ông! Nếu thích ông c nói.

Xá lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Vì các Bồ tát với phương tiện thiện xảo có thể giảng nói pháp yếu cho các hữu tình, làm cho họ đoạn trừ ngã kiến, hữu tình kiến, mạng giả kiến, sanh giả kiến, dưỡng giả kiến, sĩ phu kiến, Bổ đặc già la kiến, ý sanh kiến, nho đồng kiến, tác giả kiến, thọ giả kiến, tri giả kiến, kiến giả kiến. Do nghĩa ấy nên gọi là Ma ha tát. Vì các Bồ tát với phương tiện thiện xảo, có thể giảng nói pháp yếu cho các hữu tình, làm cho họ đoạn trừ thường kiến, đoạn kiến, hữu kiến, vô kiến; làm cho họ đoạn trừ uẩn kiến, xứ kiến, giới kiến, đế kiến, duyên khởi kiến; làm cho họ đoạn trừ bốn niệm trụ kiến cho đến mười tám pháp Phật bất cộng kiến. Do nghĩa này nên gọi là Ma ha tát. Vì các Bồ tát với phương tiện thiện xảo, có thể giảng nói pháp yếu cho các hữu tình, làm cho họ đoạn trừ thành thục hữu tình kiến, nghiêm tịnh cõi Phật kiến, Bồ tát kiến, Như Lai kiến, Bồ đề kiến, Niết bàn kiến, Chuyển pháp luân kiến. Do nghĩa này nên gọi là Ma ha tát. Vì các Bồ tát với phương tiện thiện xảo, có thể vì các hữu tình đem vô sở đắc làm phương tiện, giảng nói đoạn tr hẳn kiến của tất cả pháp. Do nghĩa này nên gọi là Ma ha tát.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện hỏi Xá lợi Tử:

- Đại Bồ tát nào có thể vì hữu tình đem vô sở đắc làm phương tiện giảng nói pháp yếu đoạn hẳn các kiến. Do nhân duyên nào có các Bồ tát tự mình có sở đắc để làm phương tiện, sanh uẩn kiến, xứ kiến, giới kiến, đế kiến, duyên khởi kiến, bốn niệm trụ kiến, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng kiến, và thành thục hữu tình kiến, nghiêm tịnh cõi Phật kiến, Bồ tát kiến, Như Lai kiến, Bồ đề kiến, Niết bàn kiến, Chuyển pháp luân kiến?

Xá lợi Tử đáp:

- Đại Bồ tát nào khi tu hành Bát Nhã không có phương tiện thiện xảo, đem hữu sở đắc làm phương tiện, phát sanh uẩn kiến cho đến Chuyển pháp luân kiến thì đại Bồ tát ấy vì không có phương tiện thiện xảo, nên quyết định không thể đem vô sở đắc làm phương tiện, giảng nói pháp yếu đoạn hẳn các kiến cho các hữu tình. Đại Bồ tát nào khi tu hành Bát Nhã có phương tiện thiện xảo, có thể vì các hữu tình đem vô sở đắc làm phương tiện, giảng nói pháp yếu đoạn hẳn các kiến thì đại Bồ tát ấy quyết định không phát sanh các kiến chấp như uẩn kiến, xứ kiến, giới kiến, v.v...

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con cũng muốn đem trí tuệ biện tài nói ý nghĩa Ma ha tát của Bồ tát.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Tùy ý ông.

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Các Bồ tát vì muốn chứng đắc Nhất thiết trí trí, nên phát tâm Bồ đề, tâm vô đẳng đẳng, không đồng với tâm của Thanh văn, Độc giác v.v... Đối với tâm như vậy cũng không nắm giữ. Do nghĩa này nên gọi là Ma ha tát. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì tâm Nhất thiết trí trí là chơn thật vô lậu, không đọa trong ba cõi. Mong cầu tâm Nhất thiết trí trí cũng là vô lậu, không đọa trong ba cõi. Đối với tâm như vậy, không nên chấp trước. Vì vậy Bồ tát gọi là Ma ha tát.

Khi ấy, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Tâm vô đẳng đẳng của đại Bồ tát không đồng với tâm Thanh văn, Độc giác v.v... là như thế nào?

Thiện Hiện đáp:

- Các đại Bồ tát từ khi mới phát tâm không thấy có chút pháp nào có sanh, có diệt, có tăng, có giảm, có nhiễm, có tịnh. Nếu không thấy có chút pháp nào có sanh, có diệt, có tăng, có giảm, có nhiễm, có tịnh thì cũng không thấy có tâm Thanh văn, tâm Độc giác, tâm Bồ tát, tâm Như Lai.

Này Xá lợi Tử! Đó gọi là tâm vô đẳng đẳng của đại Bồ tát không đồng với tâm của Thanh văn, Độc giác v.v... Các đại Bồ tát đối với tâm như vậy cũng không chấp trước.

Bấy giờ, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Đại Bồ tát nào đối với tâm như vậy không nên chấp đắm, thì đối với tâm tất cả Thanh văn, Độc giác, phàm phu v.v... cũng không chấp đắm. Và tâm đó đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng không chấp đắm. Vì sao? Vì các tâm như vậy là vô tâm tánh(2).

Thiện Hiện đáp:

- Đúng vậy! Đúng như ông đã nói.

Bấy giờ, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Nếu tất cả tâm là vô tâm thì không có chấp đắm. Do đó, sắc, thọ, tưởng, hành thức không phải là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nên cũng không chấp đắm, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng không phải mười tám pháp Phật bất cộng, nên cũng không nên chấp đắm.

Thiện Hiện đáp:

- Đúng vậy! Đúng như lời ông nói!

Xá lợi Tử thưa:

- Nếu tâm Nhất thiết trí trí là chơn thật vô lậu không đọa vào ba cõi, thì tâm của tất cả  phàm phu ngu muội, Thanh văn, Độc giác v.v... cũng phải là chơn thật vô lậu không đọa ba cõi. Vì sao? Vì các tâm như vậy bản tánh đều không.

Thiện Hiện đáp:

- Đúng vậy! Đúng như lời ông nói!

Xá lợi Tử thưa:

- Nếu tâm như vậy bản tánh không, là chơn thật vô lậu không đọa trong ba cõi, thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng phải là chơn thật vô lậu không đọa vào ba cõi. Vì sao? Vì các pháp như vậy bản tánh đều không.

Thiện Hiện đáp:

- Đúng vậy! Đúng như lời ông nói!

Xá lợi Tử nói:

- Nếu tâm sắc thảy pháp là tâm không thời sắc thảy pháp chẳng thể chấp đắm, nên tất cả pháp đều bình đẳng, không sai biệt?

Thiện Hiện đáp:

- Đúng vậy! Đúng như lời ông nói!

Xá lợi Tử hỏi:

- Nếu tất cả pháp không sai khác thì tại sao Như Lai nói tâm sắc thảy có các loại khác nhau?

Thiện Hiện đáp:

- Đây là Như Lai tùy theo thế tục mà nói, chứ không phải tùy thắng nghĩa.

Xá lợi Tử hỏi:

- Nếu các phàm phu, Thanh văn, Độc giác, Bồ tát, Như Lai các pháp tâm sắc thảy đều là vô lậu không đọa trong ba cõi, thì các phàm phu và chư Thánh, Bồ tát, Như Lai cũng phải không sai khác?

Thiện Hiện đáp:

- Đúng vậy! Đúng như lời ông nói!

Xá lợi Tử hỏi:

- Nếu các phàm, Thánh, Bồ tát, Như Lai không sai khác, thì tại sao Phật nói phàm, Thánh lớn, nhỏ có các bậc khác nhau?

Thiện Hiện đáp:

- Đây cũng là Như Lai dựa vào thế tục mà nói chứ không phải dựa vào thắng nghĩa.

- Này Xá lợi Tử! Các đại Bồ tát khi tu hành Bát Nhã, đem vô sở đắc làm phương tiện, nên đối với việc phát tâm Bồ đề rộng lớn, tâm vô đẳng đẳng, tâm không cùng với Thanh văn, Độc giác không ỷ, không chấp. Đối với sắc, phi sắc cho đến mười tám pháp Phật bất cộng không lấy, không đắm. Do nghĩa này nên gọi là Ma ha tát.

 

Thích nghĩa:

(1). Vô đẳng đẳng (Asamasama – skt). 1- Không gì sánh nổi, lại không gì sánh bằng. 2- Tôn hiệu của chư Phật và đạo Phật.

(2). Vì các tâm như vậy là vô tâm tánh: Nguyên văn câu chữ Hán là như thị chư tâm tâm tánh cố”

 

Chú ý: Phẩm “Đoạn Phân Biệt” này là tiếp nối phần sau của phẩm “Thí Dụ” nói trên.

 

Lược giải:

 

Cái thấy của con người trần tục đòi hỏi “thấy là phải có đối tượng”, nghĩa là phải có người thấy và vật để thấy. Đó là điều kiện cần và đủ để hoàn thành cái thấy. Như nhìn một người thì thấy cao thấp, mập ốm, xấu đẹp... Đó là thấy tướng. Tướng thì hiện bên ngoài nên dễ thấy. Đó là cái thấy có đối tượng, nên dễ thấy, dễ phân biệt, vì dễ thấy, dễ phân biệt nên dễ chấp. Vì vậy, mới nói là cái thấy của phàm phu. Thấy mà không có đối tượng như nói thấy tánh (kiến tánh). Đó là cái thấy đặc biệt. Nhưng cái thấy đó cũng chưa hẳn là cái thấy của bậc đạt Đạo, chỉ được coi là Thánh nếu thấy mà chẳng có gì để thấy gọi là vô kiến, vô niệm, vô tâm.

Thật phi lý lắm phải không? Nhưng đó chính là cái thấy của Bát Nhã. Cái phi lý trở thành hữu lý, khi hiểu ra rằng vì phân biệt tướng mà sanh ra cái thấy có chấp đắm, làm cho thân tâm không còn thanh tịnh nữa!

Phân biệt không phải là điều đáng trách. Làm sao sống mà không phân biệt. Chính phân biệt mới đưa đến chấp trước và chấp trước mới là cái đáng trách! Thánh nhân sống trong đối đãi phân biệt mà tâm không phân biệt. Đó mới thật là khó! Còn phàm phu sống với tâm phân biệt, nên lúc nào cũng thấy uế tịnh, thiện ác, sanh diệt… vì vậy mà Phật nói “có chấp là có phiền não”, tâm không được an nhiên tịch lặng. Nên, Bát Nhã khuyên không thấy (Vô kiến) thì không phân biệt, không phân biệt thì không chấp. Đó là mấu chốt của phẩm “Đoạn Chư Kiến”dù đó là ngã kiến, chúng sanh kiến, Phật đạo kiến, Niết bàn kiến v.v… Kinh Lăng Nghiêm nói:

 

Tri kiến lập tri tức vô minh bổn.

Tri kiến vô kiến tự tức Niết bàn”.

 

(Trên thấy biết mà lập cái biết là gốc Vô minh. Thấy biết mà không biết tự tức là Niết bàn!)

 

Câu chuyện sau đây cho thấy rằng “thấy tướng” (có đối tượng để thấy) và “kiến tánh” (không có đối tượng của cái thấy). Vì không phải đối tượng của cái thấy, nên “thấy tánh” đó không phải là một cái thấy bình thường mà là một cái thấy đặc biệt:

“Một vị Tăng hỏi Thiền sư Vân Cư Tích thuộc thế k thứ VIII:

- Kiến tánh thành Phật là nghĩa gì?

Vân Cư Tích:

- Tánh này vốn xưa nay thanh tịnh, tịch lặng và an nhiên. Không ở trong đối đãi có không, tịnh uế, dài ngắn, thủ xả; Thể vẫn ở trong Chân như. Thấu triệt được việc này là thấy được Tự tánh. Tự tánh chính là Phật, và Phật là Tự tánh. Vì thế thấy tánh thì thành Phật.

- Nếu Tự tánh vốn thanh tịnh, không thuộc nhị nguyên có không… thì thấy ở chỗ nào?

- Thấy mà không có đối tượng để thấy.

- Nếu không có đối tượng để thấy thì sao gọi là thấy được?

- Thật không có dấu vết của cái thấy.

- Nếu là một cái thấy như thế thì cái thấy qui về ai?

- Chẳng có người thấy.

- Rốt ráo chúng ta đến đâu?

- Ông có biết rằng chính do phân biệt mê lầm mà chúng ta nhận thức về một sanh mệnh và do đó có chủ thể và đối tượng. Đó là tà kiến. Vì nhìn như thế sẽ kéo theo phức tạp rối rắm và sẽ rơi vào vòng sanh tử. Những ai có trí sẽ không nhìn như thế. Cái thấy có thể sẽ liên tục suốt ngày song không có vật bị thấy. Ông muốn tìm dấu vết của cái thấy, nhưng Thể cũng không và Dụng cũng không, chẳng có gì được khám phá ở đây. Nhị nguyên giữa chủ thể và khách thể biến mất ấy gọi là thấy tánh”.

Xin đọc lại phẩm “Ma Ha Tát”, về phần đoạn chư kiến của Hội thứ I.

 

---o0o---