Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Hội thứ II - 09. Phẩm “Hành Tướng”

 


Nguồn:  https://quangduc.com/


PHẨM “HÀNH TƯỚNG”

 

Cuối quyển 409 đến đầu quyển 410, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương phẩm “Bát Nhã Hành Tướng”, Q. 38 đến Q. 41, Hội thứ I) 

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Bồ tát nào không có phương tiện thiện xảo, khi tu hành Bát Nhã, nếu hành sắc là hành theo tướng đó, nếu hành thọ, tưởng, hành, thức tức là hành theo tướng đó. Nếu hành thường, vô thường của sắc là hành theo tướng đó, nếu hành thường, vô thường của thọ, tưởng, hành, thức là hành theo tướng đó. Nếu hành lạc hay khổ của sắc là hành theo tướng đó, nếu hành lạc hay khổ của thọ, tưởng, hành, thức là hành theo tướng đó. Nếu hành ngã hay vô ngã, hành tịnh hay bất tịnh, viễn ly hay bất viễn ly, tịch tịnh hay bất tịch tịnh, của ngũ uẩn tức là hành theo tướng đó. Nếu hành bốn niệm trụ là hành theo tướng đó, cho đến nếu hành mười tám pháp Phật bất cộng là hành theo tướng đó. Nếu suy nghĩ như vầy: Ta hành Bát Nhã, vì có sở đắc nên là hành theo tướng đó. Hoặc suy nghĩ: Ta là Bồ tát, vì có sở đắc nên là hành theo tướng đó. Hoặc suy nghĩ: Có khả năng tu hành Bát Nhã như vậy, là Bồ tát tu hành Bát Nhã có sở đắc nên là hành theo tướng đó.

Bạch Thế Tôn! Bồ tát nào phân biệt các pháp như vậy, tu hành Bát Nhã không có phương tiện thiện xảo, nên chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bảo Xá lợi Tử:

- Nếu Bồ tát không có phương tiện thiện xảo, khi tu hành Bát Nhã, đối với sắc trụ tưởng thắng giải, thì đối với sắc phát sanh tạo tác; hoặc đối với thọ, tưởng, hành, thức trụ tưởng thắng giải, thì đối với thọ, tưởng, hành, thức phát sanh hành động. Do phát sanh hành động, nên không thể giải thoát sanh, lão, bệnh, tử đời này hay khổ đời sau. Nếu Bồ tát không có phương tiện thiện xảo, khi tu hành Bát Nhã, đối với 12 xứ, 18 giới thì dối với 12 xứ 18 giới trụ tưởng thắng giải, sẽ phát sanh hành động. Do phát sanh hành động, nên không thể giải thoát sanh, lão, bệnh, tử đời này hay khổ đời sau. Nếu Bồ tát không có phương tiện thiện xảo, khi tu hành Bát Nhã, đối với tất cả pháp Phật trụ tưởng thắng giải, thì đối với tất cả pháp Phật phát sanh hành động. Do phát sanh hành động như vậy, nên không thể giải thoát sanh, lão, bệnh, tử v.v…

Này Xá Lợi Tử! Các Bồ Tát này vì không phương tiện khéo léo, chẳng thể trụ bậc Thanh Văn, Độc giác, huống được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Này Xá lợi Tử! Nếu Bồ tát tu hành như vậy, thì nên biết đó là người không có phương tiện thiện xảo. Muốn thành tựu mà không có phương tiện thì làm việc gì cũng không thể thành tựu được.

Khi ấy, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Tôn giả! Làm sao biết được các Bồ tát tu hành Bát Nhã có phương tiện thiện xảo?

Thiện Hiện đáp:

- Bồ tát nào khi tu hành Bát Nhã mà có phương tiện thiện xảo, thì không hành sắc, không hành theo tướng sắc; không hành thọ, tưởng, hành, thức, không hành theo tướng của thọ, tưởng, hành, thức. Không hành ngũ uẩn, không hành theo tướng ngũ uẩn là thường hay vô thường, lạc hay khổ, ngã hay vô ngã, hành tịnh hay bất tịnh, không hay bất không, hữu tướng hay vô tướng, hữu nguyện hay vô nguyện, tịch tịnh hay bất tịch tịnh, viễn ly hay bất viễn ly. Không hành bốn niệm trụ, không hành theo tướng bốn niệm trụ, cho đến không hành mười tám pháp Phật bất cộng; không hành theo tướng mười tám pháp Phật bất cộng.

Này Xá lợi Tử! Nên biết như vậy là Bồ tát có phương tiện thiện xảo tu hành Bát Nhã. Vì sao? Vì sắc đây chẳng phải sắc không, sắc không đây chẳng phải sắc. Sắc chẳng lìa không, không chẳng lìa sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng lại như thế. Cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đây chẳng phải mười tám pháp Phật bất cộng không, mười tám pháp Phật bất cộng không đây chẳng phải mười tám pháp Phật bất cộng. Mười tám pháp Phật bất cộng chẳng lìa không, không chẳng lìa mười tám pháp Phật bất cộng. Mười tám pháp Phật bất cộng tức là không, không tức là mười tám pháp Phật bất cộng.

Này Xá lợi Tử! Như vậy, Bồ tát tu hành Bát Nhã có phương tiện thiện xảo, nên có thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này Xá lợi Tử! Bồ tát này khi tu hành Bát Nhã, đối với Bát Nhã không chấp lấy hành, không chấp lấy chẳng hành, không chấp lấy cũng hành cũng chẳng hành, không chấp lấy chẳng phải hành chẳng phải chẳng hành, đối với không chấp lấy cũng không chấp nốt. (Q.409, ĐBN)

Khi ấy, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Thưa Tôn giả! Do đâu mà Bồ tát này khi tu hành Bát Nhã, đối với Bát nhã Ba la mật đều không sở chấp?

Thiện Hiện đáp:

- Do tự tánh Bát nhã Ba la mật bất khả đắc. Vì sao? Vì Bát nhã Ba la mật lấy vô tánh làm tự tánh.

Này Xá lợi Tử! Do nhân duyên này Bồ tát nào khi tu hành Bát Nhã, đối với Bát nhã Ba la mật hoặc chấp hành, hoặc chấp không hành, hoặc chấp cũng hành cũng không hành, hoặc chấp chẳng hành không hành, hoặc chấp chẳng chấp. Như vậy, tất cả chẳng phải hành Bát Nhã. Vì sao? Vì tất cả pháp đều dùng vô tánh làm tự tánh nên không thủ, không chấp. Đó là Bồ tát đối với tất cả pháp không chấp trước Tam ma địa. Tam ma địa này vi diệu, thù thắng, rộng lớn vô lượng, có thể tập hợp vô biên vô ngại tác dụng, không đồng với tất cả Thanh văn, Độc giác.

Này Xá lợi Tử! Nếu Bồ tát có thể đối với Tam ma địa thù thắng như vậy, thường trụ không xả thì mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bấy giờ, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Các Bồ tát chỉ đối với một Tam ma địa này thường trụ không xả, mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hay còn có các Tam ma địa nào khác?

Thiện Hiện đáp:

- Chẳng phải đối với một Tam ma địa này thường trụ không xả, làm cho các Bồ tát mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mà còn có các Tam ma địa khác.

Xá lợi Tử lại hỏi:

- Còn các Tam ma địa nào khác nữa?

Thiện Hiện đáp:

- Các Bồ tát có Tam ma địa Kiện hành, Tam ma địa Bửu ấn, Tam ma địa Sư tử du hý, Tam ma địa Diệu nguyệt, Tam ma địa Nguyệt tràng tướng, Tam ma địa Nhất thiết pháp hải, Tam ma địa Quán đỉnh, Tam ma địa Pháp giới quyết định, Tam ma địa Quyết định tràng tướng, Tam ma địa Kim cương dụ v.v… vô lượng, vô số Tam ma địa môn, Đà la ni môn khác.

Này Xá lợi Tử! Nếu Bồ tát đối với các Tam ma địa và Đa la ni như vậy thường an trụ, thì mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại bảo cụ thọ Xá lợi Tử:

- Bồ tát an trụ các Tam ma địa như vậy nên biết đã được chư Phật quá khứ thọ ký, cũng được mười phương chư Phật hiện tại thọ ký.

Này Xá lợi Tử! Bồ tát này tuy trụ các Tam ma địa như vậy nhưng không thấy các Tam ma địa này, cũng không chấp các Tam ma địa như vậy, cũng không nghĩ: Ta đã nhập, đang nhập, sẽ nhập các Tam ma địa này. Chỉ mình Ta mới có thể nhập, người khác không thể nhập được. Đối với các suy nghĩ lệch lạc như vậy cũng không phát sanh.

Khi ấy, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Ông có chắc là chỉ riêng các Bồ tát an trụ các Tam ma địa như vậy, đã được chư Phật quá khứ, hiện tại thọ ký chăng?

Thiện Hiện đáp:

Này Xá lợi Tử! Chẳng phải! Vì sao? Vì Bát nhã Ba la mật không khác Tam ma địa, Tam ma địa không khác Bát nhã Ba la mật. Bồ tát không khác Bát nhã Ba la mật và Tam ma địa, Bát nhã Ba la mật và Tam ma địa không khác Bồ tát. Bát nhã Ba la mật tức là Tam ma địa, Tam ma địa tức là Bát nhã Ba la mật. Bồ tát tức là Bát nhã Ba la mật và Tam ma địa, Bát nhã Ba la mật và Tam ma địa tức là Bồ tát. Vì sao? Vì tánh tất cả pháp đều bình đẳng. (Q.409, ĐBN)

Lúc bấy giờ, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Nếu Tam ma địa không khác Bồ tát, Bồ tát không khác Tam ma địa. Tam ma địa tức là Bồ tát, Bồ tát tức là Tam ma địa. Hoặc Tam ma địa, hoặc Bồ tát đối với Bát nhã Ba la mật cũng như vậy thì các Bồ tát làm thế nào đối với tất cả pháp tự hiểu biết chứng nhập các Tam ma địa của mình được?

Thiện Hiện đáp:

- Nếu Bồ tát khi nhập các định, không nghĩ: Ta nương vào tánh bình đẳng của tất cả pháp mà chứng nhập các đẳng trì như vậy, do nhân duyên này các Bồ tát tuy nương vào tánh bình đẳng của tất cả pháp mà chứng nhập các đẳng trì như vậy, nhưng đối với tánh bình đẳng của tất cả pháp và các đẳng trì không phát sanh nghĩ tưởng, hiểu biết. Vì sao? Vì tất cả pháp và các đẳng trì, hoặc Bồ tát, hoặc Bát nhã Ba la mật đều vô sở hữu. Trong vô sở hữu, sự phân biệt, nghĩ tưởng, hiểu biết không thể phát sanh.

Khi ấy, Thế Tôn khen Thiện Hiện:

- Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ông nói. Ta nói ông là người đứng đầu trụ định Vô tránh trong chúng Thanh văn. Do đó tương ưng với nghĩa Ta nói vì trong tánh bình đẳng không có sự chống trái nhau.

Này Thiện Hiện! Các Bồ tát muốn học Bát nhã Ba la mật nên học như vậy. Muốn học tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật nên học như vậy. Muốn học bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo nên học như vậy. Cho đến muốn học Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng nên học như vậy.

Bấy giờ, Xá lợi Tử liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bồ tát nào học như vậy chính là học Bát Nhã, cho đến chính là học mười tám pháp Phật bất cộng có phải như vậy không?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Bồ tát nào học như vậy chính là học Bát Nhã vì lấy vô sở đắc làm phương tiện, cho đến chính là học mười tám pháp Phật bất cộng, vì lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Khi ấy, Xá lợi Tử lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bồ tát nào khi học như vậy đều đem vô sở đắc làm phương tiện để học Bát Nhã? Cho đến đều đem vô sở đắc làm phương tiện để học mười tám pháp Phật bất cộng?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Bồ tát khi học như vậy đều đem vô sở đắc làm phương tiện để học cho đến đều đem vô sở đắc làm phương tiện để học mười tám pháp Phật bất cộng.

Xá lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Vô sở đắc ý muốn nói đến bất khả đắc phải chăng?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Ngã bất khả đắc cho đến người biết, người thấy bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Uẩn, xứ, giới bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Vô minh bất khả đắc cho đến lão tử bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Bốn Thánh đế bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Dục, Sắc, Vô sắc giới bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Bốn niệm trụ bất khả đắc cho đến tám chi Thánh đạo bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Phật mười lực bất khả đắc cho đến mười tám pháp Phật bất cộng bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Bố thí bất khả đắc cho đến Bát nhã Ba la mật bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Dự lưu cho đến A la hán bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Độc giác bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Bồ tát bất khả đắc, Như Lai bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh.

Xá lợi Tử lại thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nghĩa rốt ráo thanh tịnh là như thế nào?

Phật đáp:

- Này Xá lợi Tử! Tất cả pháp không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không xuất hiện, không ẩn mất, vô đắc, vô vi. Như vậy, là nghĩa rốt ráo thanh tịnh.

Khi ấy, Xá lợi Tử lại hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ tát khi học như vậy là học những gì?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Nếu Bồ tát khi học như vậy, thì đối với tất cả pháp đều không chỗ học. Vì sao? Vì không thể trong tất cả pháp như vậy, mà có các hàng phàm phu ngu muội, chấp trước có thể học.

Xá lợi Tử lại hỏi:

- Các pháp như vậy làm sao mà có được?

Phật dạy:

- Các pháp Vô sở hữu như vậy mà có được. Nếu đối với pháp vô sở hữu như vậy không thể hiểu rõ thì gọi là vô minh.

Xá lợi Tử hỏi:

- Những pháp gì vô sở hữu hoặc không hiểu biết được gọi là vô minh?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Sắc vô sở hữu, thọ, tưởng, hành, thức vô sở hữu, vì pháp không nội cho đến pháp không không tánh tự tánh. Như vậy, bốn niệm trụ vô sở hữu cho đến mười tám pháp Phật bất cộng vô sở hữu, vì pháp không nội cho đến pháp không vô tánh tự tánh. Phàm phu ngu muội nếu đối với pháp vô sở hữu như vậy không thể hiểu rõ được thì gọi là vô minh. Do vô minh và thế lực ái, người ấy chấp trước phân biệt hai bên đoạn, thường. Do đó không biết, không thấy tánh các pháp vô sở hữu, nên phân biệt các pháp. Do phân biệt nên sanh chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến chấp trước mười tám pháp Phật bất cộng. Do chấp trước nên phân biệt tánh của các pháp vô sở hữu. Do đó đối với pháp mới không biết, không thấy.

Xá lợi Tử hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Đối với những pháp nào không biết, không thấy?

Phật dạy:

- Đối với sắc không biết, không thấy; đối với thọ, tưởng, hành, thức không biết, không thấy. Cho đến đối với mười tám pháp Phật bất cộng không biết, không thấy. Vì không biết, không thấy nên mới rơi vào hạng phàm phu ngu muội không thoát ra khỏi.

Xá lợi Tử hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Người ấy không thể thoát khỏi nơi nào?

Phật bảo:

- Người ấy không thể ra khỏi Dục, Sắc, Vô sắc giới. Do không thể ra khỏi ba cõi nên đối với pháp Thanh văn, pháp Độc giác không thể thành tựu, đối với pháp Bồ tát không thể thành tựu, pháp chư Phật không thể thành tựu. Do đối với ba thừa không thể thành tựu, nên đối với các pháp không thể tin nhận.

Xá lợi Tử hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Đối với pháp nào mà người ấy không thể tin nhận?

Phật dạy:

- Đối với sắc không, người ấy không thể tin nhận. Đối với thọ, tưởng, hành, thức không, không thể tin nhận, cho đến đối với mười tám pháp Phật bất cộng không, không thể tin nhận. Do không tin nhận nên không thể trụ.

Xá lợi Tử hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Đối với pháp nào người ấy không thể trụ?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Đối với bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật, người ấy không thể an trụ. Đối với địa vị Bất thối chuyển cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, người ấy không thể an trụ. Do đó, nên gọi là phàm phu ngu muội, vì đối với các pháp chấp trước có tánh.

Xá lợi Tử hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Người kia đối với pháp nào chấp trước có tánh?

Phật dạy:

- Người kia đối với sắc chấp trước có tánh, đối với thọ, tưởng, hành, thức chấp trước có tánh. Đối với 12 xứ, 18 giới chấp trước có tánh, cho đến đối với các kiến thú chấp trước có tánh. Đối với bốn niệm trụ chấp trước có tánh, cho đến đối với mười tám pháp Phật bất cộng chấp trước có tánh.

Bấy giờ, Xá lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Vả lại có Bồ tát học như vậy, chẳng học Bát Nhã thì không thể thành tựu Nhất thiết trí trí phải chăng?

Phật bảo Xá lợi Tử:

- Có Bồ tát học như vậy, không học Bát nhã Ba la mật thì không thể thành tựu Nhất thiết trí trí.

Xá lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Như vậy nghĩa là như thế nào?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Bồ tát nào không có phương tiện thiện xảo, đối với Bát nhã Ba la mật, phân biệt chấp trước. Đối với tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật, phân biệt chấp trước. Đối với bốn niệm trụ phân biệt chấp trước, cho đến đối với mười tám pháp Phật bất cộng phân biệt chấp trước. Do chấp trước những pháp này nên đối với Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng chấp trước. Do nhân duyên này, Bồ tát không thể học Bát Nhã, không thể thành tựu Nhất thiết trí trí.

Xá lợi Tử thưa:

- Bồ tát này khi học như vậy quyết định không thể học Bát Nhã thì không thể thành tựu Nhất thiết trí trí phải không?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Đúng như vậy!

Bấy giờ, Xá lợi Tử lại thưa:

- Bạch Thế Tôn! Sao là Bồ tát tu học Bát Nhã, là học Bát nhã Ba la mật, khi học như thế bèn năng thành xong Nhất thiết trí trí?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Bồ tát nào tu học Bát Nhã, không thấy Bát Nhã, cho đến không thấy Nhất thiết tướng trí. Bồ tát tu học như vậy là học Bát Nhã Bát nhã Ba la mật. Khi học như vậy liền có thể thành tựu Nhất thiết trí trí. Vì sao? Vì lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Xá lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Bồ tát này lấy vô sở đắc pháp nào làm phương tiện?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Bồ tát này khi tu hành bố thí, lấy vô sở đắc của bố thí làm phương tiện, cho đến khi tu hành Bát Nhã, lấy vô sở đắc của Bát Nhã làm phương tiện, cho đến khi cầu Bồ đề, lấy vô sở đắc của Bồ đề làm phương tiện, cho đến khi cầu Nhất thiết tướng trí, lấy vô sở đắc của Nhất thiết tướng trí làm phương tiện. Như vậy, Bồ tát tu học Bát Nhã là học Bát nhã Ba la mật. Khi học như vậy liền có thể thành tựu Nhất thiết trí trí.

Xá lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Bồ tát này khi tu học Bát Nhã, đem vô sở đắc của những pháp nào làm phương tiện?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Bồ tát này khi tu học Bát Nhã đem vô sở đắc của pháp không nội làm phương tiện, cho đến đem vô sở đắc của pháp vô tánh tự tánh không làm phương tiện. Do nhân duyên này có thể mau thành tựu Nhất thiết trí trí.

 

Lược giải:

 

Thấy tướng, mê tướng, mới sanh thi vi tạo tác, nên nói là mất tâm. Kinh bảo: Bồ tát khi tu hành Bát Nhã, nếu hành sắc, hành thọ, tưởng, hành, thức tức là hành theo tướng nó. Nếu hành thường, vô thường của sắc là hành theo tướng đó, nếu hành thường, vô thường của thọ, tưởng, hành, thức là hành theo tướng đó. Nếu hành lạc hay khổ của sắc là hành theo tướng đó, nếu hành lạc hay khổ của thọ, tưởng, hành, thức là hành theo tướng đó. Nếu hành ngã hay vô ngã, hành tịnh hay bất tịnh, viễn ly hay bất viễn ly, tịch tịnh hay bất tịch tịnh, của ngũ uẩn tức là hành theo tướng đó. Nếu hành bốn niệm trụ là hành theo tướng đó, cho đến nếu hành mười tám pháp Phật bất cộng là hành theo tướng đó. Nếu suy nghĩ như vầy: Ta hành Bát Nhã, là có sở đắc nên nói là hành theo tướng đó. Hoặc tự nghĩ: Ta là Bồ tát, là có sở đắc nên nói là hành theo tướng. Hoặc nghĩ: Ta có khả năng tu hành Bát Nhã tức là có sở đắc nên nói là hành theo tướng. Bồ tát nào có tâm phân biệt các pháp như vậy, tu hành Bát Nhã không có phương tiện thiện xảo, nên chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật.

Bát Nhã khuyên Bồ tát tu hành Bát Nhã: “Đối với Bát Nhã không chấp lấy hành, không chấp lấy không hành, không chấp lấy cũng hành cũng không hành, không chấp lấy chẳng phải hành chẳng phải không hành, đối với không chấp lấy cũng không chấp”. Vì sao? Vì tất cả pháp kể cả Bát Nhã đều không có tự tánh, lấy vô tánh làm tự tánh, nên không thủ, không chấp. Tánh của tất cả pháp đều bình đẳng. Vì vậy, Phật bảo Xá lợi Tử; “Tất cả pháp không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không xuất hiện, không ẩn mất, vô đắc, vô vi. Như vậy, là nghĩa rốt ráo thanh tịnh”.

Tất cả sự học không thể thành tựu là do phân biệt chấp đắm. Do chấp đắm nên sanh ra thủ giữ nắm bắt, tức tâm còn muốn chiếm hữu, còn sở đắc. Đó là hành theo tướng. Nên không thể đắc, không thể hiện quán. Muốn đắc muốn quán thì phải vô sở hữu, bất khả đắc thì tâm mới được an nhiên tịch lặng. Tâm tịch lặng thì linh chi sẽ mở, linh chi đó chính là huệ. Một khi huệ mở thì lo gì không chứng Bồ đề.

 

---o0o---