Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Hội thứ I - 38. Phẩm “Ba La Mật"

 



Nguồn:  https://quangduc.com/

PHẨM  “BA LA MẬT"

 

Phần cuối quyển 296 đến phần đầu quyển 297, Hội thứ I, ĐBN.

(Tức phẩm “Khắp Ca Ngợi Trăm Ba la mật” quyển thứ 14, MHBNBLMĐ)

 

Tóm lược:

 

Bát nhã Ba la mật là Ba la mật vô biên vì không có ngằn mé; là Ba la mật không có dấu vết vì không có danh thể; là viễn ly vì rốt ráo không; là vô hành vì tất cả pháp không đến không đi; là Ba la mật vô tri vì các sự hiểu biết chẳng thể nắm bắt được; là Ba la mật chẳng sanh diệt vì tất cả pháp không sanh diệt; là không tạo tác vì các sự tạo tác chẳng thể nắm bắt được; là không dời đổi vì sự sanh tử bất khả đắc, không hư mất vì tất cả pháp không biến hoại; là Ba la mật vô nhị vì xa lìa nhị biên (hai bên); là không sở đắc, không hý luận, không nhiễm, không tịnh; là Ba la mật không kiêu mạn, không tham dục, không sân nhuế, không ngu si, không phiền não; là Ba la mật không đoạn, không hoại, không chấp trước, không phân biệt, không so lường, không khởi đẳng cấp; là Ba la mật bình đẳng, xa lìa nhiễm trước, vô cùng tĩnh lặng, như hư không

Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật như mộng vì tất cả pháp như chiêm bao, chẳng thể nắm bắt được; là Ba la mật như tiếng vang vì năng, sở, văn, thuyết đều chẳng thể nắm bắt được; là Ba la mật như ảnh tượng vì các pháp đều như ảnh hiện trong gương, chẳng thể nắm bắt được; là Ba la mật như bóng nắng; như ảo ảnh vì tất cả pháp như tướng trạng của dòng nước, chẳng thể nắm bắt được; là Ba la mật như biến hóa vì các pháp đều như ảo thuật; là Ba la mật-đa như ảo thành vì các pháp đều như thành bằng hương khói.

Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật khổ, Ba la mật không, Ba la mật vô thường, Ba la mật vô ngã(1), Ba la mật vô tướng, vì có khả năng vĩnh viễn đoạn trừ các vọng niệm chấp trước.

Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật thập bát pháp không (18 pháp không) vì các pháp chẳng thể nắm bắt được. Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật chơn như, là Ba la mật pháp giới, là Ba la mật pháp tánh, bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, hư không giới, bất tư nghì giới. Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật bốn Thánh đế, là 37 pháp trợ đạo.

Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật không giải thoát môn, là vô tướng giải thoát môn, là vô nguyện giải thoát môn. Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật tám giải thoát, là Ba la mật tám thắng xứ, chín thứ đệ định, mười biến xứ v.v… Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật Nhất thiết trí, là Ba la mật Đạo tướng trí, Ba la mật Nhất thiết tướng trí. Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật tất cả Bồ tát hạnh, là quả vị Giác ngộ tối cao. Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật Như Lai. Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật tự nhiên vì đối với tất cả pháp được tự tại. Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật Chánh Đẳng Giác vì đối với tất cả pháp có khả năng giác ngộ chơn chánh bình đẳng tất cả tướng.

 

Thích nghĩa:

(1). Khổ, không, vô thường, vô ngã: Đó là tứ pháp ấn của Phật đạo. Chỉ được xem là Kinh Phật khi Kinh nào có nói đến các yếu tố căn bản thuộc nhân sinh và vũ trụ như: Khổ, có thân tức có cảm thọ nên phải chịu khổ; Không, các pháp duyên hợp giả có nên gọi là không; Vô thường, các pháp hữu vi sanh diệt nối nhau, duyên hợp thì có, duyên hết thì tan, không thường còn; Vô ngã, tất cả pháp không có chủ thể, không có tự tánh, chúng sinh không rõ biết, cho nên đối với hết thảy pháp cưỡng lập chủ tể, bởi vậy Phật nói vô ngã để phá cái chấp ngã của chúng sinh. Phật nói các giáo pháp nầy để phá cái chấp lấy khổ làm vui, lấy cái giả dối không thật làm thật, lấy cái vô thường biến hoại làm thường còn, lấy cái vô ngã mà chấp có ngã, có cái ta hay thần ngã. Đó là tứ pháp ấn của đạo Phật.

 

Lược giải:

 

Nói chung, ngoài mười Ba la mật thông thường được các Kinh giới thiệu: 1. Bố thí Ba la mật, 2. Trì giới Ba la mật, 3. An nhẫn Ba la mật, 4.Tinh tấn Ba la mật, 5. Thiền định Ba la mật, 6. Bát nhã Ba la mật, 7. Phượng tiện xảo, 8. Nguyện, 9. Lực và 10. Trí Ba la mật. Ngoài ra phẩm này còn cho rằng tất cả pháp mầu Phật đạo cũng được gọi là Ba la mật của chư Phật, chư Bồ tát. Tu học các Ba la mật nầy sẽ được Nhất thiết chủng trí, được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác và Giác ngộ nghĩa là được giải thoát hay được sang bờ kia. Vì Ba la mật là rốt ráo, là viên mãn, là cứu nh, là đáo bỉ ngạn. Bát nhã Ba la mật nhiếp thọ tất cả pháp, tức nhiếp thọ trăm ngàn các Ba la mật khác. Vì vậy, Kinh nói “Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật Như Lai”. Đó là âm vang cao tột cho những ai hành trì các Ba la mật. Cứ theo chỉ dẫn đó mà đi, đi đi rồi sẽ tới bờ bên kia.

 

“Gaté gaté, paragaté, parasamgaté Bodhi Svahà!”

(Này Bodhi, đi qua, đi qua, qua bờ kia, qua đến bờ bên kìa, Svàha!)

 

---o0o---