Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Hội thứ I - 27. Phẩm “Cầu Bát Nhã”

 



Nguồn:  https://quangduc.com/


PHẨM “CẦU BÁT NHÔ

 

Phần sau quyển 89 cho đến phần đầu quyển 98, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương một phần của phẩm “Tán Hoa”, quyển thứ 09, MHBNBLMĐ)

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, Thiên Đế Thích hỏi Xá Lợi Tử rằng: Bạch Đại đức! Sở hành Bát nhã Ba la mật của đại Bồ tát phải cầu ở đâu? Xá Lợi Tử nói: Kiều Thi Ca! Sở hành Bát nhã Ba la mật của đại Bồ tát phải cầu ở trong sở thuyết của Thiện Hiện.

Khi ấy, Thiên Đế Thích thưa Thiện Hiện rằng: Những điều mà Tôn giả Xá Lợi Tử vừa nói, phải chăng là thần lực của Đại đức? Đại đức là chỗ nương ư?

Thiện Hiện bảo rằng: Kiều Thi Ca! Đấy chẳng phải thần lực của tôi, tôi chẳng phải là chỗ nương.

Thiên Đế Thích thưa: Vậy, đó là thần lực của ai? Ai là chỗ nương?

Thiện Hiện trả lời: Đó là thần lực của Như Lai, Như Lai là chỗ nương.

Thiên Đế Thích nói: Bạch Đại đức! Tất cả pháp không có chỗ nương, làm sao cho lời đã nói của Xá Lợi Tử là thần lực Như Lai, Như Lai là chỗ nương?

Thiện Hiện bảo rằng: Kiều Thi Ca! Đúng như vậy. Như lời ngươi vừa nói, tất cả pháp không có chỗ nương. Vậy nên Như Lai chẳng phải chỗ sở nương, cũng không có sở nương. Chỉ vì tùy thuận thế tục mà thi thiết nói là chỗ nương.

Kiều Thi Ca! Chẳng phải lìa cái không chỗ nương có thể đắc Như Lai, chẳng phải lìa cái không chỗ nương có thể đắc Như Lai như(1), chẳng phải lìa cái không chỗ nương có thể đắc Như Lai pháp tánh, chẳng phải lìa cái không chỗ nương chơn như có thể đắc Như Lai như, chẳng phải lìa cái không chỗ nương pháp tánh có thể đắc Như Lai pháp tánh.

Kiều Thi Ca! Chẳng phải trong cái không chỗ nương có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc cái không chỗ nương; chẳng phải trong chơn như không chỗ nương có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc chơn như không chỗ nương; chẳng phải trong pháp tánh không chỗ nương có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc pháp tánh không chỗ nương.

Kiều Thi Ca! Chẳng phải lìa sắc có thể đắc Như Lai, chẳng phải lìa sắc như có thể đắc Như Lai, chẳng phải lìa sắc pháp tánh có thể đắc Như Lai; chẳng phải lìa sắc có thể đắc Như Lai như, chẳng phải lìa sắc có thể đắc Như Lai pháp tánh.

Kiều Thi Ca! Chẳng phải trong sắc có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc sắc; chẳng phải trong sắc như có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc sắc như; chẳng phải trong sắc pháp tánh có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc sắc pháp tánh.

Nhẫn đến tất cả pháp Phật cũng như vậy.

Kiều Thi Ca! Chẳng phải lìa Thanh văn thừa có thể đắc Như Lai, chẳng phải lìa Độc giác thừa, Vô thượng thừa có thể đắc Như Lai; chẳng phải lìa Thanh văn thừa như có thể đắc Như Lai, chẳng phải lìa Độc giác thừa như, Vô thượng thừa như có thể đắc Như Lai; chẳng phải lìa Thanh văn thừa pháp tánh có thể đắc Như Lai, chẳng phải lìa Độc giác thừa pháp tánh, Vô thượng thừa pháp tánh có thể đắc Như Lai.

Kiều Thi Ca! Chẳng phải trong Thanh văn thừa có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc Thanh văn thừa; chẳng phải trong Độc giác thừa, Vô thượng thừa có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc Độc giác thừa, Vô thượng thừa; chẳng phải trong Thanh văn thừa như có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc Thanh văn thừa như; chẳng phải trong Độc giác thừa như, Vô thượng thừa như có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc Độc giác thừa như, Vô thượng thừa như; chẳng phải trong Thanh văn thừa pháp tánh có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc Thanh văn thừa pháp tánh, chẳng phải trong Độc giác thừa pháp tánh, Vô thượng thừa pháp tánh có thể đắc Như Lai, chẳng phải trong Như Lai có thể đắc Độc giác thừa pháp tánh, Vô thượng thừa pháp tánh.

Nhẫn đến tất cả pháp Phật cũng như vậy.

Kiều Thi Ca! Như Lai đối với sắc chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng (2); đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng. Như Lai đối với sắc như chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng; đối với thọ, tưởng, hành, thức như cũng chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng.

Kiều Thi Ca! Như Lai lìa sắc chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng; lìa thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng. Như Lai lìa sắc như chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng; lìa thọ, tưởng, hành, thức như cũng chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng.

Như Lai đối với sắc pháp tánh chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng; đối với thọ, tưởng, hành, thức pháp tánh chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng.

Như Lai lìa sắc pháp tánh chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng; lìa thọ, tưởng, hành, thức pháp tánh cũng chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng.

Nhẫn đến tất cả pháp Phật cũng như vậy.

Kiều Thi Ca! Những điều mà Tôn giả Xá Lợi Tử đã nói là đối với tất cả pháp, chẳng phải ly, chẳng phải tức, chẳng hợp, chẳng tan, đó là  thần lực của Như Lai, Như Lai là chỗ nương, vì lấy cái không chỗ nương làm chỗ nương.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bảo trời Đế Thích: Kiều Thi Ca! Trước, ngươi đã hỏi về Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát tu hành, nên cầu ở chỗ nào?

Kiều Thi Ca! Đại Bồ tát chẳng nên cầu Bát Nhã nơi sắc, chẳng nên cầu Bát Nhã nơi thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng nên lìa sắc, chẳng nên lìa thọ, tưởng, hành, thức mà cầu Bát Nhã. Vì sao? Vì hoặc sắc, hoặc thọ, tưởng, hành, thức; hoặc lìa sắc, hoặc lìa thọ, tưởng, hành, thức, hoặc đại Bồ tát, hoặc Bát Nhã, hoặc cầu tất cả các thứ ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát tu hành chẳng phải sắc, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức; chẳng phải là lìa sắc, chẳng phải lìa thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì tất cả các thứ ấy đều vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Vì vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được nên Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát tu hành chẳng phải sắc, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức; chẳng phải là lìa sắc, chẳng phải lìa thọ, tưởng, hành, thức. Vì vậy, nên đại Bồ tát chẳng nên cầu Bát Nhã nơi sắc, chẳng nên cầu Bát Nhã nơi thọ, tưởng, hành, thức; chẳng nên lìa sắc, chẳng nên lìa thọ, tưởng, hành, thức mà cầu Bát Nhã.

Kiều Thi Ca! Đại Bồ tát chẳng nên cầu Bát Nhã nơi 12 xứ, 18 giới, chẳng cầu Bát Nhã nơi Tứ đế, 12 nhân duyên, 18 pháp không, chơn như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế… Đại Bồ tát chẳng nên cầu Bát Nhã nơi tứ thiền, tứ vô lượng, tứ vô sắc định, 37 pháp trợ đạo, 18 pháp Phật bất cộng. Đại Bồ tát chẳng nên cầu Bát Nhã nơi Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí… cho đến chẳng nên cầu Bát Nhã nơi quả vị Giác ngộ tối cao. Các đại Bồ tát cũng chẳng nên lìa Bát Nhã nơi 12 xứ 18 giới, chẳng lìa Bát Nhã nơi Tứ đế cho đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Kiều Thi Ca! Đại Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật chẳng nên cầu cũng chẳng nên lìa ở tất cả pháp ấy. Vì sao? Vì các pháp ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát tu hành chẳng phải Tứ đế cho đến quả vị Giác ngộ tối cao, cũng chẳng phải lìa Tứ đế cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì tất cả các pháp ấy đều vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Vì vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được nên Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát tu hành chẳng phải Tứ đế cho đến quả vị Giác ngộ tối cao; cũng chẳng phải là lìa Tứ đế cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì vậy, nên Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát tu hành chẳng nên cầu cũng chẳng nên lìa tất cả các pháp Phật nói trên.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát tu hành chẳng nên cầu nơi sắc như, chẳng nên cầu nơi thọ, tưởng, hành, thức như; chẳng nên lìa sắc như mà cầu, chẳng nên lìa thọ, tưởng, hành, thức như mà cầu.

Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát tu hành chẳng nên cầu nơi sắc pháp tánh, chẳng nên cầu nơi thọ, tưởng, hành, thức pháp tánh; chẳng nên lìa sắc pháp tánh mà cầu, chẳng nên lìa thọ, tưởng, hành, thức pháp tánh mà cầu. Nhẫn đến tất cả pháp Phật cũng như vậy.

 

Thích nghĩa:

(1). Như Lai như: Đó là từ được dùng trong Kinh MHBNBLMĐ. Trong khi Kinh ĐBN gọi là chơn như của Như Lai hay Như Lai chơn như. Cách dịch của Kinh MHBNBLMĐ khéo và gọn hơn nên chúng tôi dùng cụm từ “Như Lai như”. Vả lại, Chơn như (Chân như) hay Như như tướng chỉ là một. Chân, chân thật không hư dối, Như, tánh của sự chân thật ấy không thay đổi. Đó là một quan điểm trọng yếu của Đại thừa giáo, chỉ thể tánh thường hằng tuyệt đối của vạn hữu, nằm ngoài mọi lí luận nhận thức, ngược lại thế giới hiện tượng thuộc cảm quan hay ý thức. Tri kiến được Chân như tức là Giác ngộ, vượt ra khỏi thế giới nhị nguyên, chứng được cái nhất thể giữa chủ và khách. Chân như đồng nghĩa với Như như, Như thực, Pháp giới, Pháp tánh, Thật tế, Thực tướng, Như lai tạng, Pháp thân, Phật tánh, Tự tánh thanh tịnh thân, Nhất tâm, Bất tư nghị giới… Người đã thấy, biết và chứng được cái thể chân thật, thường hằng, bất biến của tất cả pháp như thế thì gọi là Như lai.

(2). Kinh ĐBN dùng cụm từ “chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng”, Kinh MHBNBLMĐ dùng cụm từ “chẳng hợp, chẳng tan”. Chẳng tương ưng hay chẳng phải chẳng tương ưng có nghĩa là chẳng khế hợp hay chẳng phải không khế hợp (hay nói khác là chẳng có quan hệ gì hay chẳng phải không có quan hệ gì). Còn cụm từ chẳng hợp, chẳng tan có nghĩa chẳng hòa hợp mà cũng chẳng ly tán (phân ly) nhau. Cả hai cụm từ này có nghĩa như nhau.

 

Lược giải:

 

1. Phẩm “Rải Hoa”.

 

Trong phẩm “Rải Hoa” chúng ta học được cái gì?

Sắc chẳng sanh, nếu chẳng sanh thời chẳng gọi là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng sanh, nếu chẳng sanh thời chẳng gọi là thọ, tưởng, hành, thức. Mười hai xứ, mười tám giới chẳng sanh, nếu chẳng sanh thời chẳng gọi là mười hai xứ, mười tám giới. Tứ niệm xứ cho đến Nhất thiết chủng trí cũng chẳng sanh. Nếu chẳng sanh thời chẳng gọi là tứ niệm xứ cho đến Nhất thiết chủng trí.

Các pháp chẳng sanh vì không có tự tánh, bản tánh không, chúng chỉ do duyên hợp giả có. Vì giả có nên gọi là không. Như vậy, chẳng sanh, không có tự tánh hay giả có, không thật... cũng có nghĩa là không, rỗng không. Nên nói, sắc là không, không thật có. Do nghĩa này nên nói sắc chẳng sanh thời chẳng gọi là sắc. Tất cả các pháp khác cũng lại như thế.

Học cái “chẳng sanh, bất sanh hay vô sanh” của tất cả pháp là học Bát nhã Ba la mật. Nói chẳng sanh, bất sanh hay vô sanh, có nghĩa là các pháp không tự sanh, do duyên hội. Vì vậy, giáo lý 12 duyên khởi là giáo lý chính trong hệ thống A hàm do Phật chứng ngộ, nói lên thế giới quan của mọi hiện hữu (tức bất cứ sự vật gì trong thế giới hiện tượng) đều nương vào những điều kiện nhân duyên mà sinh khởi, tồn tại, biến hóa và hoại diệt. Không có bất cứ một yếu tố lẻ loi, độc lập nào có thể tự sanh. Nên Kinh nói sắc chẳng sanh thời chẳng phải sắc hay nói dễ hiểu hơn cây cỏ không do các yếu tố khác tạo thành thì không thể tự sanh. Nếu chẳng tự sanh nên chẳng phải là cây cỏ hay nói vô sanh.

Đại Bồ Tát nầy học sắc không nhẫn đến học Nhất thiết chủng trí không, nên không sanh phân biệt, vì không phân biệt thì không chấp đắm, nên đại Bồ Tát nầy có thế học vô lượng vô biên a tăng kỳ pháp.

Đại Bồ Tát nầy cũng chẳng vì sắc tăng mà học, chẳng vì sắc giảm mà học, chẳng vì thọ sắc mà học, chẳng vì diệt sắc mà học. Tất cả pháp chẳng thọ được, cũng không có ai thọ, vì tất cả đều rỗng không. Do không thọ nên không chấp, nếu không chấp thì đại Bồ Tát có thể thành tựu Nhất thiết trí trí.

 

2. Phẩm “Học Bát Nhã”.

 

Trong phẩm “Rải Hoa” Kinh lại dạy nên học Bát Nhã như thế nào để thành tựu Nhất thiết trí trí? Phẩm “Học Bát Nhã”, cũng dạy học Bát nhã Ba la mật như trên, tuy nhiên về hành Bát Nhã, Kinh bảo: Đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, chẳng thấy sắc sanh chẳng thấy sắc diệt, chẳng thấy sắc thọ hay chẳng thọ, chẳng thấy sắc cấu hay tịnh, chẳng thấy sắc tăng hay giảm. Vì sắc tánh rỗng không nhẫn đến Nhất thiết chủng trí tánh rỗng không. Rồi Kinh kết luận:

Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp chẳng thấy sanh hay diệt, hoặc lấy hay bỏ, hoặc cấu hay tịnh, hoặc hợp hay tan, hoặc tăng hay giảm và lấy vô sở học làm phương tiện để học Bát Nhã thì mới có thể thành xong Nhất thiết trí trí.

Muốn học Bát Nhã để tiến đến Nhất thiết trí trí, phải như thế mà học. Học như không học là học Bát nhã Ba la mật, học chẳng khác nào như “ảo nhân thỉnh pháp” vậy.

 

3. Cầu Bát Nhã.

 

Bát nhã Ba la mật dạy rằng chẳng nên ở trong sắc hay lìa sắc mà cầu Bát Nhã, cũng chẳng nên ở trong thọ, tưởng, hành, thức hay lìa thọ, tưởng, hành, thức mà cầu Bát Nhã. Vì Bát Nhã nầy cùng với uẩn xứ giới đều chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, không sắc, không hình, không đối, chỉ là nhất tướng chỗ gọi vô tướng. Nhẫn đến chẳng nên ở trong Nhất thiết chủng trí mà cầu Bát Nhã, cũng chẳng nên lìa Nhất thiết chủng trí mà cầu Bát Nhã.

Bát nhã Ba la mật chẳng phải uẩn xứ giới cũng chẳng phải lìa uẩn xứ giới, nhẫn đến chẳng phải Nhất thiết chủng trí, cũng chẳng phải lìa Nhất thiết chủng trí. Bát Nhã chẳng phải sắc như, cũng chẳng phải lìa sắc như, nhẫn đến chẳng phải Nhất thiết chủng trí như, cũng chẳng phải lìa Nhất thiết chủng trí như. Bát nhã Ba la mật chẳng phải sắc pháp tánh, cũng chẳng phải lìa sắc pháp tánh, nhẫn đến chẳng phải Nhất thiết chủng trí pháp tánh, cũng chẳng phải lìa Nhất thiết chủng trí pháp tánh.

Vì sao? Vì tất cả pháp nầy đều vô sở hữu bất khả đắc.

Nên Kinh nói: “Sở hành Bát nhã Ba la mật của đại Bồ tát phải cầu ở trong sở thuyết của Thiện Hiện” mà sở thuyết của Thiện Hiện là không cầu ở ngũ ấm(1), lục nhập(2), lục thức(3), lục xúc(4) và tất cả pháp Phật; cũng không lìa ngũ ấm, lục nhập, lục thức, lục xúc và tất cả pháp Phật, vì tất cả pháp đều vô sở hữu bất khả đắc. Nên Kinh nói “chẳng lìa tất cả pháp mà được Như lai, cũng chẳng lìa Như lai mà được tất cả pháp. Cũng chẳng ở trong tất cả pháp mà được Như Lai, cũng chẳng ở trong Như Lai mà được tất cả pháp. Như Lai đối với tất cả pháp chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng. Như Lai lìa tất cả pháp cũng chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng”.

“(…)Như Lai đối với tất cả pháp chẳng phải ly, chẳng phải tức, chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng. Như Lai là chỗ nương vì đem không có chỗ nương mà làm chỗ nương vậy”.

Đây là công thức khó hội, chúng ta chỉ cần hiểu một cách đơn giản là: Không học là học, không hành là hành, không cầu mà được, không chỗ nương mới là chỗ nương. Có chỗ nương là có chỗ bám, có bám là có trụ, có trụ là có dính mắc dù là trụ trong các pháp được đem lại nhiều công đức nhất. Vô trụ mới là chân trụ. Vô trụ đây là trụ trong Bát Nhã. Trụ trong Bát Nhã là trụ vô sở trụ. Vì vậy, học, hành, mong cầu để có chỗ bám thì giống như nắm bắt một làn hương.

Giáo pháp Bát Nhã ở đây một lần nữa chỉ rõ thế giới hiện tượng là giả danh, là không, là rỗng không, không có gì để sở hữu, nên nói là bất khả đắc. Nếu vô sở hữu, bất khả đắc thì không thể học hay hành, không thể cầu hay chứng. Có học, có hành, có mong cầu chứng đắc là còn nương tựa như chim tựa cành, như dây leo nương dậu thì không còn tự chủ, không thể đứng vững trên đôi chân của mình nữa. Kỹ thuật tu trì là luyện thân, luyện tâm, luyện chí. Thân có vững, tâm có chuyên, chí có bền… thì không cửa nào mà không gõ được!

Vậy, cầu Bát Nhã phải cầu trong sở thuyết của Thiện Hiện mà sở thuyết của Thiện Hiện không ngoài Không, Vô tướng, Vô nguyện. Đó là câu trả lời của chúng tôi!

Thích nghĩa cho phần lược giải này:

(1). Ngũ ấm: Sắc,thọ, tưởng, hành, thức.

(2). Lục nhập: Sáu chỗ xâm nhập (thấy biết) hay sáu căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý.

(3). Lục thức: Là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Khi 6 căn tiếp xúc 6 trần thì phát sinh 6 nhận thức này.

(4). Lục xúc: Chỉ cho 6 tác dụng tinh thần do 6 căn, 6 cảnh và 6 thức hòa hợp mà sinh ra. Đó là: Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỉ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc. 1/. Nhãn xúc sinh ái: Mắt tiếp xúc với những màu sắc, hình dáng xinh đẹp ở thế gian mà sinh tâm ưa thích, không chịu lìa bỏ. 2/. Nhĩ xúc sinh ái: Tai thường tiếp xúc với tất cả tiếng ca hát, đàn sáo, âm điệu du dương ở thế gian mà sinh tâm ưa thích, không lìa bỏ. 3/. T xúc sinh ái: Mũi thường tiếp xúc với các mùi thơm ở thế gian như chiên đàn, trầm thủy v.v... mà tâm sinh ưa thích, không lìa bỏ. 4/. Thiệt xúc sinh ái: Lưỡi thường tiếp xúc với tất cả hương vị thơm ngon của thế gian mà sinh tâm ưa thích, không lìa bỏ. 5/. Thân xúc sinh ái: Thân tiếp xúc với làn da mịn màng trơn láng của người nam, người nữ mà sinh tâm ham thích, không lìa bỏ. 6/. Ý xúc sinh ái: Ý thường duyên theo tất cả các pháp như sắc, thanh, hương, vị, xúc của thế gian mà sinh tâm ưa thích, không lìa bỏ. [X. Kinh Tạp a hàm Q.13; luận Câu xá Q.10; luận Thuận chính lý Q.29; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.1]. - Tự điển Phật Quang.

Ai học Phật đều có thể hiểu ý nghĩa của tất cả các pháp trên. Chỗ dẫn ý ở đây là: Khi Kinh đề cập đến ngũ uẩn, lục nhập, lục thức, lục xúc tức muốn nói đến thân căn và khí thế gian tức tâm và vật hay nói khác là có ý đề cập đến nhân sinh và vũ trụ. Tất cả quan điểm triết học Phật giáo đều xoay quanh chủ đề này, gọi là Nhân sinh quan và Vũ trụ quan Phật giáo.

 

Lưu ý:

Khi tóm lược Kinh chúng tôi thường nhập chung ngũ ấm, lục nhập, lục thức, lục xúc thành uẩn, xứ, giới. Uẩn tức năm căn, vì năm căn này hay che mờ tánh giác nên gọi là ngũ che hay ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Xứ là sáu căn hợp với sáu trần nên gọi là mười hai xứ (tức lục nhập là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý hợp với ngoại nhập là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Giới là sáu căn hợp với sáu trần và sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức). Vì vậy, khi tóm lược chúng tôi thường nói là uẩn, xứ, giới hay ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới cho gọn thay vì liệt kê từng pháp một, quá dài dòng. Xin thứ lỗi, thích nghĩa này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần vì toàn thể bản Kinh ĐBN bất cứ ở quyển nào, phẩm nào, Hội nào mà chẳng nói về các pháp này, nó chính là nhân sinh và vũ trụ, đối tượng nghiên cứu của tất cả Kinh, cũng là đối tượng nghiên cứu của tất cả các môn học về nhân sinh hay Tôn giáo.

 

---o0o---