Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

Hội thứ I - 43. Phẩm "Biện Sự"

 


Nguồn:  https://quangduc.com/

PHẨM “BIỆN SỰ”

 

Phần sau quyển 310 đến phần đầu quyển 311, Hội thứ I, ĐBN.

(Phần nầy cũng tương đương với quyển thứ 17, phẩm “Thành Biện”, MHBNBLMĐ)

 

Gợi ý:

Kinh MHBNBLMĐ nhập hai phẩm “Chẳng Nghĩ Bàn” và “Biện Sự” của Kinh ĐBN lại thành một phẩm có tên là “Thành Biện” . Phẩm “Chẳng Nghĩ Bàn”chúng ta đã tụng rồi ở trên, bây giờ chúng ta tụng tiếp phẩm“Biện Sự”.

 

Tóm lược:

 

Bát nhã Ba la mật thậm thâm vì nhân duyên đại sự mà xuất hiện ở đời; vì việc chẳng thể nghĩ bàn mà xuất hiện ở đời; vì việc chẳng xưng lường mà xuất hiện ở đời; vì việc không có hạn lượng mà xuất hiện ở đời; vì việc không gì sánh bằng mà xuất hiện ở đời. Vì sao? Vì Bát Nhã thậm thâm có khả năng thành tựu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Vì Bát Nhã thậm thâm có khả năng thành tựu 18 pháp không; thành tựu chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v…, thành tựu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; có khả năng thành tựu 37 pháp trợ đạo; có khả năng thành tựu Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; có khả năng thành tựu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí... cho đến có khả năng thành tựu quả vị Giác ngộ tối cao của chư Phật.

Như vua Quán đảnh đại vương dòng Sát đế lợi oai đức tự tại hàng phục tất cả, đem các việc nước giao phó cho đại thần, khoanh tay vô sự an hưởng vui thú. Như Lai cũng vậy, là Đại pháp vương đem pháp Thanh văn, pháp Độc giác, hoặc pháp Bồ tát, hoặc các Phật pháp khác thảy đều phó chúc cho Bát nhã Ba la mật. Bởi Bát Nhã đây đều năng thành xong tất cả sự nghiệp. Vậy nên, Bát Nhã vì đại sự nhân duyên xuất hiện thế gian, vì việc chẳng thể nghĩ bàn, vì việc chẳng thể xưng lường, vì việc không hạn lượng, vì việc không gì sánh bằng nên xuất hiện thế gian. Vì sao? Vì Bát Nhã chẳng chấp trước sắc mà xuất hiện ở đời, nên có khả năng thành tựu nghiệp sự; vì Bát Nhã chẳng chấp trước thọ, tưởng, hành, thức mà xuất hiện ở đời, nên có khả năng thành tựu nghiệp sự; chẳng chấp trước 12 xứ, 18 giới và tất cả pháp Phật từ tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến chẳng chấp trước quả vị Giác ngộ tối cao mà xuất hiện ở đời, nên có khả năng thành tựu nghiệp sự.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Tại sao Bát nhã Ba la mật thậm thâm xuất hiện ở đời mà chẳng chấp trước sắc, chẳng chấp trước thọ, tưởng, hành, thức? Tại sao Bát Nhã thậm thâm xuất hiện ở đời mà chẳng chấp trước mười hai xứ, mười tám giới... cho đến tất cả pháp Phật?

Phật hỏi lại Thiện Hiện: Này Thiện Hiện! Theo ý ông, ông thấy sắc có thể chấp, có thể trước chăng? Ông thấy thọ, tưởng, hành, thức có thể chấp, có thể trước chăng? Ông thấy có pháp nào có thể chấp, có thể trước chăng? Ông thấy do pháp ấy mà có chấp, có trước chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!

Này Thiện Hiện! Theo ý ông, ông thấy mười hai xứ, mười tám giới và tất cả pháp Phật từ tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao có thể chấp, có thể trước chăng? Ông có thấy do pháp ấy mà có chấp, có trước chăng?

Bạch Thế Tôn! Không!

Phật dạy: Hay thay! Đúng như ý ông đáp! Này Thiện Hiện! Ta cũng chẳng thấy sắc có thể chấp, có thể trước; chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức có thể chấp, có thể trước. Ta cũng chẳng thấy có pháp nào có thể chấp có thể trước, cũng chẳng thấy do pháp ấy mà có chấp có trước; do chẳng thấy nên chẳng chấp, do chẳng chấp nên chẳng trước.

Ta cũng chẳng thấy Chánh đẳng giác tánh, Như Lai tánh, tự nhiên giác tánh, Nhất thiết trí trí tánh khiến tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có thể chấp có thể trước. Ta cũng chẳng thấy có pháp nào có thể chấp có thể trước, cũng chẳng thấy do pháp ấy mà có chấp có trước; do chẳng thấy nên chẳng chấp, do chẳng chấp nên chẳng trước. Cho nên, này Thiện Hiện! Đại Bồ tát cũng chẳng nên chấp trước sắc, chẳng nên chấp trước thọ, tưởng, hành, thức. Đại Bồ tát cũng chẳng nên chấp trước mười hai xứ, mười tám giới và tất cả pháp Phật. (Q.311, ĐBN)

Lúc bấy giờ, các Thiên tử ở cõi Dục, cõi Sắc bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế rất là sâu xa, khó thấy khó biết, chẳng thể suy tầm, vượt cảnh suy tầm, vắng lặng mầu nhiệm, chắc thật kín đáo, chỉ người trí tuệ mới có thể biết rõ được. Nếu các hữu tình có khả năng tin hiểu sâu sắc Bát nhã Ba la mật như thế thì nên biết họ đã từng cúng dường vô lượng chư Phật trong quá khứ; ở chỗ chư Phật phát nguyện rộng lớn, trồng nhiều căn lành, đã được vô lượng các thiện tri thức nhiếp thọ mới có khả năng tin hiểu được.

Giả sử các loại hữu tình trong tam thiên đại thiên thế giới đều thành tựu bậc tùy tín hành(1), tùy pháp hành(2), bậc bát nhơn(3), bậc Thanh văn, bậc Bích Chi Phật cũng chẳng bằng người chỉ một ngày ưa thích, tư duy, xưng lường, quán sát Bát nhã Ba la mật. Người nầy chắc chắn hơn các bậc trí đoạn(4) kia vô lượng, vô biên. Vì sao? Vì trí đoạn của các bậc trên chỉ được một phần nhỏ nhẫn so với vô sanh pháp nhẫn của bậc đã từng chứng đắc Bát nhã Ba la mật”.

Phật bảo các Thiên tử: “Đúng vậy! Đúng như các ông đã nói! Trí đoạn của chư tùy tín hành, tùy pháp hành, đệ bát, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác đều chỉ là một phần nhỏ nhẫn so với vô sanh pháp nhẫn của bậc đã chứng đắc Bát nhã Ba la mật.

Thiên tử nên biết! Nếu thiện nam thiện nữ nào vừa nghe Bát nhã Ba la mật thậm thâm như thế, nghe rồi sao chép, đọc tụng, thọ trì, tư duy, tu tập thì những người ấy thoát khỏi sanh tử, chứng đắc Niết bàn, nhanh hơn những người thích cầu Thanh văn, Độc giác, xa lìa Bát nhã Ba la mật mà học Kinh điển khác, một kiếp hoặc hơn một kiếp. Vì sao? Nầy các Thiên tử! Trong Bát nhã Ba la mật thậm thâm này, rộng nói các pháp thắng diệu. Các bậc tùy tín hành, hoặc tùy pháp hành, đệ bát v.v…đều nên đối với pháp này mà tinh cần tu học. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương pháp này mà học, đã chứng, sẽ chứng và hiện chứng quả vị Giác ngộ tối cao”.

Khi ấy, các Thiên tử đều cùng bạch: “Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế là Ba la mật lớn, Bát nhã Ba la mật thậm thâm như thế là Ba la mật chẳng thể nghĩ bàn, Bát nhã Ba la mật như thế là Ba la mật chẳng thể xưng lường, Bát nhã Ba la mật như thế là Ba la mật không có hạn lượng, Bát nhã Ba la mật như thế là Ba la mật không gì sánh bằng.

Bạch Thế Tôn! Bậc tùy tín hành, hoặc tùy pháp hành, đệ bát v.v… đều đối với Bát nhã Ba la mật như thế mà tinh cần tu học, chóng thoát sanh tử, chứng đắc Niết bàn. Tất cả đại Bồ tát đều đối với Bát Nhã như thế mà tinh cần tu học, mau chứng quả vị Giác ngộ tối cao”.

 

Thích nghĩa:

(1). Tùy tín hành (S: śraddhānusārin; P: saddhānu-sārin) và (2). Tùy pháp hành: (S: dharmānussarin; p: dhammānussarin) là hai hạng người tu hành đang chuẩn bị đắc quả Dự lưu. Tùy tín hành là người chỉ dựa vào lòng tin (Tín; s: śraddhā; p: saddhā), lấy lòng tin làm căn bản để tu tập Phật pháp. Trong khi Tùy pháp hành: (S: dharmānussarin; p: dhammānussarin), là người lấy lý trí phân tích lời thuyết của Phật mà đạt quả Dự lưu. - Phỏng theo Từ điển Đạo uyển.

(3). Bát nhân: Còn gọi là Bát nhẫn: Giai vị tu 8 pháp nhẫn để đoạn Kiến hoặc. Cũng gọi Đệ bát địa, Bát nhân địa. Nhân nghĩa là nhẫn. Tương đương với 15 tâm kiến đạo của Thanh văn và vô sinh pháp nhẫn của Bồ tát. Đây là địa vị thứ ba trong mười địa vị thuộc Tam thừa cộng thập địa.

Mục (1), (2) và (3) là ba địa vị trong Thập Địa cộng thông cả ba thừa (còn gọi Tam thừa cộng thập địa, hoặc Cộng thập địa, Cộng địa. Tông Thiên thai gọi là Thông giáo thập địa) với tên gọi khác là Càn Huệ Địa hay Tánh quán địa (Phạm: Zukla-vidar= zanà-bhùmi); Tánh Địa hay Tánh địa nhơn (Phạm: Gotra-bhùmi); Bát Nhân Địa (Phạm: Awỉamakabhùmi); Cụ Kiến Địa hay Tu Đà Hoàn (phạm: Durzana-bhùmi); Bạc Địa hay Tư Đà Hàm (Phạm: Tanù-bhùmi); Ly Dục Địa hay A Na Hàm (Phạm: Vìta-ràga-bhùmi); Dĩ Biện Địa hay A La Hán (Phạm: Kftàvì-bhùmi); Bích Chi Phật Địa hay Độc giác Bồ đề; Bồ Tát Địa và Phật Địa. Tam thừa cộng thập địa liệt kê là ghi theo sự giới thiệu của Kinh ĐBN. Đã thích nghĩa chi tiết trong phẩm “Học Quán”.

(4). Trí đoạn: Trí huệ đoạn tuyệt, người học đạo nhờ trí huệ này mà đoạn tuyệt các phiền não, ấy là trí đoạn. Lại nữa, trí và đoạn là hai đức của người học đạo: Trí là chiếu liễu chân lý, hiểu rõ sự và lý; đoạn là diệt trừ các phiền não tham luyến, sân hận, si mê. Trí tức Bồ đề, đoạn tức là Niết bàn, hai thể ấy liên quan với nhau vậy. (Phật học từ điển Đoàn Trung Còn).

 

Lược giải:

 

(Thật ra, phẩm này và phẩm “Chẳng Nghĩ Bàn” của ĐBN do Ngài Huyền trang dịch chỉ là một, tương đương với phẩm duy nhất là phẩm “Thành Biện” của Kinh MHBNBLMĐ do Ngài La Thập dịch như đã gợi ý ở trên).

Mấu chốt của phẩm này ở câu Phật nói do chẳng thấy nên chẳng chấp, do chẳng chấp nên chẳng trước”. Nhưng làm sao sống mà có thể bịt tai, bịt mắt, bịt miệng được. Căn trần xứ giới là cái cần thiết giúp ta sống, vì nhờ chúng mà con người mới có thể tiếp xúc với thế giới nội và ngoại. Ai cũng đồng ý điểm này. Phật đạo cũng không phủ nhận. Phật đạo chỉ phủ nhận là đàng sau cái thấy biết có kéo theo phân biệt, chấp trước. Nên Phật bảo: “Ta chẳng thấy sắc có thể chấp, có thể trước; chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức có thể chấp, có thể trước. Ta cũng chẳng thấy có pháp nào có thể chấp có thể trước, cũng chẳng thấy do pháp ấy mà có chấp có trước; do chẳng thấy nên chẳng chấp, do chẳng chấp nên chẳng trước”.

Phật không thấy nên không chấp, còn chúng sanh lúc nào cũng thấy nên phân biệt chấp trước mà bị ngăn ngại.

Ngài Hoàng Bá lại nói “Tất cả thanh (nghe) sắc (thấy) là mắt tuệ của Phật”. Cũng cùng cái nghe thấy đó mà biết quay lại (thấy tâm) thì cái nghe thấy ấy chính là mắt tuệ(hồi đầu thị đạo). Vì thấy như vậy là “kiến chiếu vào tự tánh”, một cái thấy đặc biệt, nên bảo là mắt tuệ của chư Phật.

Kinh Lăng nghiêm Phật bảo ông A nan: “Căn trần đồng một thể (tâm), triền phược và giải thoát không hai (mê thì triền phược, ngộ thì giải thoát). Các thứ hư vọng như hoa đốm giữa hư không. Vì có trần cảnh, nên ở nơi căn khởi ra phân biệt. Vì có năng phân biệt ở nơi căn, nên mới hiện ra cái tướng bị phân biệt là cảnh. Căn (kiến) và cảnh (sắc tướng) đối đãi vọng hiện, chớ không có thật (vô tâm)(1). Cũng như hình cây lau gác nhau. Thế nên, khi thấy, nghe, hay, biết mà khởi vọng niệm phân biệt, đó là gốc vô minh triền phược. Còn khi thấy, nghe, hay, biết mà không khởi vọng niệm phân biệt, đó là Niết bàn. Ở trong chơn tâm thanh tịnh, không dung chứa vật nào khác!”

Làm sao thấy mà không chấp? Chỉ những bậc có đạo hạnh sâu dầy, có tâm như như bất động gọi là Vô tri, Vô thức, Vô niệm, Vô tâm thì mới có cái thấy chân thật!(2)

Sau đây là câu chuyện Thiền do Bồ Đề Đạt Ma trao đổi với đệ tử về “Vô tâm” trong cái thấy nghe nghĩ biết(3) làm thí dụ:

“Đ (Đệ tử hỏi): (Lý rốt ráo) là hữu tâm hay vô tâm?

T (Thầy đáp): Vô tâm.

Đ: Nếu là Vô tâm, ai đang thấy, nghe, nghĩ biết? Cái người nhận biết rằng vô tâm ấy là ai?

T: Chính do Vô tâm mà có thấy, nghe, nghĩ, biết; chính do Vô tâm mà biết là Vô tâm.

Đ: Làm sao Vô tâm lại có thể thấy, nghe, nghĩ, biết? Lẽ ra Vô tâm không thể làm được hết thảy việc này.

T: Dù rằng thuộc Vô tâm nhưng vẫn có thể thấy, nghe, nghĩ, biết. 

Đ: Nếu có thể thấy, nghe, nghĩ, biết thì không thể thuộc Vô tâm, mà phải là một loại hữu tâm.

T: Thấy, nghe, nghĩ, biết, hết thảy chính là những hoạt dụng của Vô tâm. Ngoài thấy, nghe, nghĩ, biết, không có Vô tâm. Ta e rằng con không lĩnh hội điều đó, nên ta sẽ tìm cách giảng giải vấn đề từng bước một để dẫn con hội diện với chân lý. Thí dụ, khi đang thấy, tất nhiên có cái đang thấy, như thế là vì có cái không thấy; cái đang thấy như thế chính là Vô tâm. Khi đang nghe, tất nhiên có cái đang nghe, như thế là vì có cái không nghe; nghe chính là của Vô tâm. Khi đang nhớ nghĩ, tất nhiên có cái đang nghĩ, như thế là vì có cái không nhớ nghĩ; nhớ nghĩ chính là của Vô tâm. Khi đang biết, tất nhiên có cái đang biết, như thế là vì có cái không biết; đang biết chính là của Vô tâm. Khi đang làm, tất nhiên có cái đang làm, như thế là vì có cái không làm; đang làm chính là của Vô tâm. Vì vậy, ta nói rằng thấy, nghe, nghĩ, biết, hết thảy đều là Vô tâm.

Đ: Làm sao biết rằng của ấy là của Vô tâm?

T: Con cứ xét kỹ vấn đề thêm, rồi nói cho ta rõ Tâm có hình tướng khả nghi nào không. Nếu có, như thế sẽ không phải là Tâm chân thật. Phải nhìn nó có ở trong, ở ngoài hay ở giữa. Tâm không ở đâu trong ba chỗ ấy. Cũng không phải được trực nhận như là có ở những nơi khác nào đó. Vì vậy, gọi là Vô tâm.

Đ: Bạch Thầy, nếu chính Vô tâm ở khắp mọi nơi, vậy lẽ ra không có thiện ác. Tại sao mọi loài trôi lăn trong sáu nẻo và mãi mãi trong vòng sống chết?

T: Đây là do chúng sinh điên đảo trong tâm ôm ấp ý tưởng huyền hoặc về một thực tại (cá biệt) nơi Vô tâm, và, khi tạo tác mọi hành vi, chấp trước mê lầm quan niệm cho rằng quả thực có một cái tâm hữu tâm. Vì lý do đó, chúng trôi lăn trong sáu nẻo và mãi mãi trong vòng sống chết.

Như một người khi thấy một cái bàn tay hay một đoạn dây trong bóng tối mà tưởng là hồn ma hay con rắn, rồi sợ hãi. Cũng vậy, chúng sinh chấp trước mê hoặc những tạo tác của chúng. Ở chỗ Vô tâm, lầm tưởng là thực tại của một tâm hữu tâm. Có bấy nhiêu hành vi tạo tác như thế, quả thật có trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Vậy nên phải khuyên dạy những chúng sinh như thế hãy đến kiếm một người bạn tốt, (có đạo nhãn) rộng lớn và hãy tu tập Thiền định, nhờ đó sẽ chứng ngộ được Vô tâm. Khi tu tập như vầy, hết thảy nghiệp chướng của chúng tiêu trừ và chuỗi dây sinh tử bị triệt đoạn. Như ánh mặt trời một khi soi thấu vào chỗ tối tăm xua đuổi tất cả những gì tối tăm, hết thảy tội lỗi của chúng đều bị diệt trừ khi chúng chứng được Vô tâm.

Đ: Vì là ngu muội, tâm con chưa hoàn toàn tỏ rõ đối với công năng của Lục tình đáp ứng (sự kích thích) ở mọi nơi ra sao.

T: Lắm nhiều mưu chước được tiếp diễn bằng lời.

Đ: Tham dục và Giác ngộ, Sinh tử và Niết bàn, phải chăng chúng cũng là của Vô tâm?

T: Quả vậy, chúng thuộc Vô tâm. Chính vì chúng sinh chấp trước sai lầm ý tưởng về một tâm hữu tâm nên có đủ tất cả những Tham dục và Sinh tử, Giác ngộ và Niết bàn. Nếu tỏ ngộ Vô tâm, không có Tham dục, không có Sinh tử, không có Niết bàn. Bởi vậy, vì những người ôm giữ ý tưởng về một cái tâm hữu tâm, nên Như lai nói về Sinh tử; Giác ngộ đối với Tham dục, và Niết bàn đối đãi với Sinh tử. Tất cả những danh tự đó đều là pháp nhân duyên. Khi chứng đạt Vô tâm, không còn có Tham dục hay Giác ngộ, Sinh tử hay Niết bàn.

Đ: Nếu không có Giác ngộ, không có Niết bàn, vậy nói sao về sự giác ngộ mà chư Phật trong quá khứ đã chứng đắc?

T: Cái đó chỉ nói theo văn cú ước lệ (thế tục). Đối với chân lý tuyệt đối (Thánh đế), chẳng có cái gì như vậy. Do đó, Kinh Duy ma cật (Vimalakìrti) nói rằng trong thân không có giác ngộ để mà chứng, trong tâm không có giác ngộ để mà chứng. Lại nữa Kinh Kim cương nói rằng không có pháp cần phải chứng đắc, sự chứng đắc của hết thảy chư Phật là không chứng đắc. Do đó, nên biết rằng tất cả các pháp khởi lên khi thấy có hữu tâm, các pháp diệt mất khi chứng được Vô tâm.

Đ: Bạch Thầy, thầy nói rằng Vô tâm biến hành mọi nơi. Vậy ra, gỗ đá đều thuộc Vô tâm, phải chăng (hết thảy chúng sinh) đều như gỗ đá? 

T: Nhưng Vô tâm được chứng ngộ trong tâm thức ta không phải là của gỗ đá. Tại sao? Nó như cỗ trống trời, đang im lìm bỗng chốc tự nhiên trỗi lên nhiều thứ âm thanh vi diệu để giáo huấn hết thảy các loài. Lại cũng như hạt như ý bảo châu (mai), tự nhiên đột khởi vô số hình sắc. Cũng vậy, Vô tâm tạo tác ngang qua tâm thức của ta, khiến cho nó thấu hiểu chân tính của thực tại; nó có cả trí tuệ siêu việt chân thật, nó là chủ của Ba Thân, nó có công năng tự tại. Như Kinh Bảo Tích (Ratnakùta) có nói rằng tâm tạo tác do Vô tâm mà không hay biết. Vậy sao lại có thể như gỗ đá? Vô tâm là Chân tâm, Chân tâm là Vô tâm.

Đ: Vậy phải tự tu tập như thế nào với tâm (tương đối) của chúng ta đây?

T: Chỉ cần tỏ ngộ Vô tâm trong tất cả các pháp, trong tất cả các hành vi. Đây là con đường tu tập, không có con đường nào khác, như thế biết rằng khi ngộ Vô tâm thì các pháp không còn nhiễu loạn chúng ta nữa.

Khi nghe điều này, đồ đệ tức thì chứng ngộ và nhận ra rằng không có vật ở ngoài tâm, không có tâm ở ngoài vật, đạt được tự do viên mãn trong tất cả cử chỉ và hành vi của mình; hết thảy màng lưới nghi ngờ bị xé tan thành mảnh vụn và không thấy còn có chướng ngại nào nữa”.

Lý sự mãi cũng không tốt. Kinh “biện sự” nhiều rồi. Chúng tôi không muốn biện giải thêm nữa, nên lấy thí dụ trên để quý vị đạo hữu tự hội.

Thích nghĩa cho lược giải này:

(1). Đoạn Kinh này trích lại trong thiên khảo luận “Phật Học Phổ Thông” của HT. Thích Thiện Hoa, Khóa thứ VI - VII viết về Triết lý Đạo Phật hay Đại cương Kinh Lăng Nghiêm. Thuật ngữ (vô tánh) trong ngoặc kép được sửa lại là (vô tâm). Cái hiểu biết thấy nghe thuộc về tâm hay thức thường sanh ra cảm thọ vui buồn, nếu biết và nhận ra cần buông bỏ thì không còn phân biệt chấp trước nên mới được vô tâm.

(2). Vô tri, Vô thức, Vô niệm, Vô tâm: Đây là những quan niệm ở tầng cao trong sự thâm hiểu của ĐBN, sẽ được trình bày ở phần thứ III, Tổng luận.

(3). Đối thoại này được trích từ Thiền luận III trong mục nói về “Luận một: Từ Thiền Đến Hoa Nghiêm”.

 

---o0o---