Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Hội thứ I - 22. Phẩm “Thiên Đế”

 


Nguồn:  https://quangduc.com/

PHẨM “THIÊN ĐẾ”

 

Quyển 77 đến phần đầu quyển 81, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với quyển thứ 08, phẩm “Thiên Vương”, MHBNBLMĐ)

 

Gợi ý:

Phẩm “Thiên Đế”, cụ thọ Thiện Hiện trả lời Thiên Đế Thích Thích Đề Hoàn Nhân(1)ba vấn đề: 1. Thế nào gọi là Bồ tát Bát nhã Ba la mật; 2. Thế nào là chỗ nên trụ của Bồ tát Bát nhã Ba la mật; 3. Thế nào là chỗ chẳng nên trụ của Bồ tát Bát nhã Ba la mật.

 

Tóm lược:

 

1. Thế nào là đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật?(2)

 

Lúc bấy giờ các cõi Lục dục thiên có Thiên đế, Thiên vương và vô lượng vô biên thiên chúng ở các cõi trời Ba mươi ba, trời Dạ ma, trời Đỗ sử đa, trời Lạc biến hóa và trời Tha hóa tự tại và các cõi trời Sắc giới như trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Phạm hội, trời Đại phạm, trời Quang, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Cực quang tịnh, trời Tịnh, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Quảng, trời Thiểu quảng, trời Vô lượng quảng, trời Quảng quả, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện kiến và trời Sắc cứu cánh cùng đến nhóm họp.

Cụ thọ Thiện Hiện nói với Thiên Đế Thích:

“Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ tát đem tâm tương ưng Nhất thiết trí trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, suy nghĩ sắc vô thường, suy nghĩ sắc khổ, suy nghĩ sắc vô ngã, bất tịnh, không, vô tướng, vô nguyện, vắng lặng, xa lìa. Suy nghĩ sắc như bệnh hoạn, suy nghĩ sắc như ung thư, suy nghĩ sắc như tên đâm, suy nghĩ sắc như mụt nhọt, suy nghĩ sắc nóng nảy, suy nghĩ sắc bức ngặt, suy nghĩ sắc bại hoại, suy nghĩ sắc suy hư, suy nghĩ sắc biến động, suy nghĩ sắc chóng diệt, sắc đáng sợ, sắc đáng nhàm, sắc có tai (tai ương), có hoạnh, sắc có dịch, sắc như hủi (cùi hủi), sắc tánh chẳng yên ổn, sắc chẳng thể tin cậy, sắc vô sanh vô diệt, sắc vô nhiễm vô tịnh, sắc vô tác vô vi. Không những đối với sắc mà đối với thọ, tưởng, hành, thức, 12 xứ, 18 giới và tất cả pháp Phật cũng lại như thế. Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ tát suy nghĩ như vậy thì được coi là đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật”.

“Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, khởi quán như vầy: “Duy có các pháp thay nhau vin nương, thấm nhuần tăng trưởng, đầy khắp sung nhẩy, không có ngã và ngã sở. Chỉ có các pháp và các pháp làm nhơn duyên cho nhau mà có thuận ích, tăng trưởng, phân biệt, so tính, trong đây không có ngã và ngã sở”. (pháp giới trùng trùng duyên khởi)

Lại khởi lên quán này: “Đại Bồ tát tâm hồi hướng chẳng hòa hiệp cùng tâm Bồ đề, tâm Bồ đề chẳng hòa hiệp cùng hồi hướng. Tâm hồi hướng với tâm Bồ đề vô sở hữu bất khả đắc, tâm Bồ đề với tâm hồi hướng vô sở hữu bất khả đắc". Đại Bồ tát, tuy quán các pháp, mà đối với các pháp đều vô sở kiến. Kiều Thi Ca! Đấy là đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật.

Khi ấy, Thiên Đế Thích hỏi Thiện Hiện rằng: Bạch Đại Đức! Vì sao đại Bồ tát tâm hồi hướng chẳng hòa hiệp cùng tâm Bồ đề? Vì sao tâm Bồ đề chẳng hòa hiệp cùng tâm hồi hướng? Vì sao tâm hồi hướng ở trong tâm Bồ đề vô sở hữu bất khả đắc? Vì sao tâm Bồ đề ở trong tâm hồi hướng vô sở hữu bất khả đắc?

Thiện Hiện đáp: Kiều Thi Ca! Đại Bồ tát tâm hồi hướng thời phi tâm, tâm Bồ đề cũng phi tâm. Nếu phi tâm thời bất khả tư nghì. Chẳng lẽ phi tâm hồi hướng phi tâm? Cũng chẳng lẽ phi tâm hồi hướng bất khả tư nghì? Chẳng lẽ bất khả tư nghì hồi hướng bất khả tư nghì? Cũng chẳng lẽ bất khả tư nghì hồi hướng phi tâm? Vì sao? Vì phi tâm là bất khả tư nghì, bất khả tư nghì tức là phi tâm. Hai thứ như vậy đều vô sở hữu. Trong vô sở hữu không có hồi hướng vậy. Kiều Thi Ca! Nếu khởi quán như vậy, đấy là đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật”.

 

2. Thế nào là chỗ nên trụ của đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật?

 

Cũng cùng đoạn Kinh trích dẫn trên, Tu Bồ Đề nói tiếp:

“Kiều Thi Ca! Sắc, sắc tánh không. Thọ tưởng hành thức, thọ tưởng hành thức tánh không. Hoặc sắc tánh không, hoặc thọ tưởng hành thức tánh không, hoặc đại Bồ tát tánh không; không những ngũ uẩn tánh không mà mười hai xứ, mười tám giới và tất cả pháp Phật như Tứ đế, mười hai nhân duyên... cho đến Nhất thiết chủng trí, đều tánh không, tất cả như thế đều không hai, không hai phần. Kiều Thi Ca! Đại Bồ tát đối với Bát nhã Ba la mật nên trụ như thế”.

 

3. Thế nào là chỗ chẳng nên trụ của đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật?

 

Thiên Đế Thích lại hỏi: Bồ tát chẳng nên trụ chỗ nào?

“Thiện Hiện đáp: Kiều Thi Ca! Đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật chẳng nên trụ sắc, chẳng nên trụ thọ tưởng hành thức. Vì sao? Vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện vậy. Kiều Thi Ca! Đại Bồ khi hành Bát nhã Ba la mật chẳng nên trụ sắc xứ, chẳng nên trụ thanh hương vị xúc pháp. Vì sao? Vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện vậy. Cả đến chẳng nên trụ mười hai xứ, mười tám giới cho đến tất cả pháp Phật. Vì sao? Vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện vậy.

“Lại nữa, Kiều Thi Ca! Đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật, chẳng nên trụ Thanh văn thừa hoặc thường hoặc vô thường; chẳng nên trụ Độc giác thừa, Vô thượng thừa hoặc thường hoặc vô thường. Chẳng nên trụ Thanh văn thừa hoặc lạc hoặc khổ; chẳng nên trụ Độc giác thừa, Vô thượng thừa hoặc lạc hoặc khổ. Chẳng nên trụ Thanh văn thừa, chẳng nên trụ Độc giác thừa, Vô thượng thừa hoặc ngã hoặc vô ngã; hoặc tịnh hoặc bất tịnh. hoặc vắng lặng hoặc chẳng vắng lặng; hoặc xa lìa hoặc chẳng xa lìa; hoặc không hoặc bất không; hoặc hữu tướng hoặc vô tướng; hoặc hữu nguyện hoặc vô nguyện. Vì sao? Vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện vậy.

Kiều Thi Ca! Đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật, chẳng nên trụ ta phải viên mãn ngũ nhãn, lục thần thông, cũng chẳng trụ ta phải thành xong ba mươi hai tướng trang nghiêm, chẳng nên trụ ta phải thành xong tám mươi tùy hảo, chẳng nên trụ ta phải đầy đủ Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, giác tất cả pháp tướng, rồi dứt hẳn tất cả phiền não và các tập khí nối nhau; chẳng nên trụ ta phải chứng cho kỳ được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, thành thục chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, quay xe diệu pháp, độ thoát vô lượng vô số hữu tình khiến được Niết bàn rốt ráo an vui. Vì sao? Vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện vậy.

Kiều Thi Ca! Đấy là đại Bồ tát đối với Bát nhã Ba la mật chẳng nên trụ, vì lấy sở đắc làm phương tiện.

Khi ấy Xá Lợi Tử khỏi nghĩ: Nếu Bồ tát chẳng nên trụ các pháp như trên thời làm sao trụ Bát nhã Ba la mật được?

“Cụ thọ Thiện Hiện đọc được ý nghĩ của Xá Lợi Tử, nên hỏi rằng: “Theo ý ông, tâm các Như Lai trụ chỗ nào?

Xá Lợi Tử đáp: Tâm chư Phật đều không có chỗ trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Tâm Như Lai chẳng trụ sắc, chẳng trụ thọ tưởng hành thức. Vì sao? Vì sắc uẩn thảy chẳng khá được vậy. Thiện Hiện! Tâm Như Lai chẳng trụ 12 xứ, 18 giới, cũng chẳng trụ tất cả pháp Phật. Vì sao? Vì tất cả các pháp đều không thể nắm bắt được. Thiện Hiện! Tâm Như Lai đối tất cả pháp đều không có chỗ trụ, cũng chẳng phải chẳng trụ.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bảo Xá Lợi Tử rằng: Đúng như vậy, đại Bồ tát tuy trụ Bát nhã Ba la mật, mà đồng như Như Lai đối tất cả pháp đều không có chỗ trụ, cũng chẳng phải chẳng trụ. Vì sao? Xá Lợi Tử! Đại Bồ tát tuy trụ Bát nhã Ba la mật, mà đối với sắc chẳng trụ, chẳng phải chẳng trụ; đối với thọ tưởng hành thức cũng chẳng trụ, chẳng phải chẳng trụ. Vì sao? Vì sắc uẩn thảy không có hai tướng vậy. Đại Bồ tát đối với tất cả pháp Phật cũng lại như thế.

Xá Lợi Tử! Đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật tuy chẳng trụ, chẳng phải chẳng trụ, đem vô sở đắc làm phương tiện, nên học như thế”.

 

Thích nghĩa:

(1). Thiên Đế Thích, Thích Đề Hoàn Nhân (phiên âm từ Phạn ngữ là Sákrodevnm Indrah, gọi đủ là Thích Ca Đề Hoàn Nhân Đà La) hay Kiều Thi Ca (là họ). Kiều Thi Ca và 32 người bạn cùng tu phước đức trí tuệ, sau khi mệnh chung đều được sinh lên tầng trời thứ 2 trên đỉnh núi Tu di, làm chủ cõi trời này, còn 32 người bạn kia là phụ tá. Vì vậy, cõi trời này có cả thảy 33 vị trời nên gọi là Tam thập tam thiên hay Đao lợi thiên.

(2).“Bồ tát Bát nhã Ba la mật đa”, đó là lối dịch của HT Thích Trí Nghiêm (Kinh ĐBN)- lối dịch này ngắn gọn, nhưng hơi khó hiểu. Còn HT Thích Trí Tịnh dịch là “Bát nhã Ba la mật đa của đại Bồ tát” (Kinh MHBNBLMĐĐ)- lối dịch này tuy dài dòng nhưng dễ hiểu. Đại khái có thể nói khi Bồ tát thâm nhập Bát Nhã thì gọi là Bồ tát Bát nhã Ba la mật đa.

(3). Tất cả Phật pháp hay tất cả thiện pháp đã liệt kê và giải thích tường tận ở phần th I Tổng luận nầy rồi, quyển 77 và các quyển kế tiếp lập lại như sau: Mười tám pháp Không; chơn như, pháp giới, pháp tánh, bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, hư không giới, bất tư nghì giới; sáu Ba la mật; bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; tám giải thoát, chín thứ đệ định, mười biến xứ; 37 pháp trợ đạo; tam giải thoát môn; bốn Thánh đế trí; năm nhãn, sáu thần thông; Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả; tất cả Đà la ni, Tam ma địa, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí… Tất cả pháp này được lặp đi lặp lại hàng trăm ngàn lần hoặc rút gọn hoặc giải rộng từng pháp một trong hầu hết các phẩm, các quyển, tập trong toàn bộ ĐBN. Để tránh trùng tụng chúng tôi nói gọn là tất cả pháp Phật hay các pháp mầu Phật đạo. Lưu ý này đã lặp đi lặp lại nhiều lần!

 

Lược giải:

 

1. Sao gọi là Bồ tát Bát nhã Ba la mật?

 

Cụ thọ Thiện Hiện nói với Thiên Đế Thích: “Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ tát đem tâm tương ưng Nhất thiết trí trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, suy nghĩ sắc vô thường, suy nghĩ sắc khổ, suy nghĩ sắc vô ngã, bất tịnh, không, vô tướng, vô nguyện, vắng lặng, xa lìa. Suy nghĩ sắc như bệnh hoạn, suy nghĩ sắc như ung thư, suy nghĩ sắc như tên đâm, suy nghĩ sắc như mụt nhọt, suy nghĩ sắc nóng nảy, suy nghĩ sắc bức ngặt, suy nghĩ sắc bại hoại, suy nghĩ sắc suy hư, suy nghĩ sắc biến động, suy nghĩ sắc chóng diệt, sắc đáng sợ, sắc đáng nhàm, sắc có tai (tai ương), có hoạnh, sắc có dịch, sắc như hủi (cùi hủi), sắc tánh chẳng yên ổn, sắc chẳng thể tin cậy, sắc vô sanh vô diệt, sắc vô nhiễm vô tịnh, sắc vô tác vô vi. Không những đối với sắc mà đối với thọ, tưởng, hành, thức, 12 xứ, 18 giới và tất cả pháp Phật cũng lại như thế. Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ tát suy nghĩ như vậy thì được coi là đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật”.

Đó là cách định nghĩa về đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật.

Kinh tiếp tục:

“Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, khởi quán như vầy: “Duy có các pháp thay nhau vin nương, thấm nhuần tăng trưởng, đầy khắp sung nhẩy, không có ngã và ngã sở. Chỉ có các pháp và các pháp làm nhơn duyên cho nhau mà có thuận ích, tăng trưởng, phân biệt, so tính, trong đây không có ngã và ngã sở”.

Đây là lối quán của pháp giới duyên khởi: Các pháp không phải tự có mà do nhân duyên trùng trùng hòa hợp, làm nhân làm duyên nương vịn lẫn nhau mà có.

Thiện Hiện bảo tiếp:

“Đại Bồ tát tâm hồi hướng chẳng hòa hiệp cùng tâm Bồ đề, tâm Bồ đề chẳng hòa hiệp cùng hồi hướng. Tâm hồi hướng với tâm Bồ đề vô sở hữu bất khả đắc, tâm Bồ đề với tâm hồi hướng vô sở hữu bất khả đắc. Đại Bồ tát, tuy quán các pháp, mà đối với các pháp đều vô sở kiến. Kiều Thi Ca! Đấy là đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật”.

Tâm hồi hướng không năng sở cũng như tâm Bồ đề vô sở hữu bất khả đắc, tâm Bồ đề cũng như tâm hồi hướng vô sở hữu bất khả đắc. Đại Bồ tát, tuy quán các pháp, mà đối với các pháp đều vô kiến, vô thủ, vô trước thì đấy gọi là đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật.

Hồi hướng mà không có năng sở chính là phi tâm. Tâm Bồ đề (tức tâm giác ngộ) cũng phi tâm. Nếu phi tâm thì bất khả tư nghì, bất khả tư nghì tức là phi tâm. Hai thứ như vậy đều bất khả đắc. Nếu quán như được như thế thì tâm không vì trần cảnh khấy động, thì được thanh tịnh. Đó gọi là đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật.

 

2. Thế nào là chỗ nên trụ của đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật?

 

Sắc cũng do duyên hợp, không tự sanh, không có tự tánh nên nói là không hay bản tánh không; thọ tưởng hành thức cũng bản tánh không; không những 12 xứ, 18 giới cũng bản tánh không mà tất cả pháp Phật cũng như vậy. Bồ tát đối với Bát nhã Ba la mật nên như thế mà trụ, nghĩa là trụ trong tánh không. Trụ như vậy là không chỗ bám vúi nên nói trụ chỗ vô sở trụ.

 

3. Thế nào là chỗ chẳng nên trụ của đại Bồ tát Bát nhã Ba la mật?

 

Kinh nhiều lần bảo Bồ tát không nên trụ sắc; Bồ tát không nên trụ thọ tưởng hành thức; Bồ tát cũng không trụ 12 xứ, 18 giới mà cũng chẳng trụ tất cả pháp Phật. Có chỗ trụ tức có chỗ đình trú, có chỗ đình trú tức có nương tựa, có quái ngại nên tâm không còn tự chủ trong tư tưởng cũng như trong hành động nữa. Vì vậy, nên Bồ tát không trụ bất cứ chỗ nào dù chỗ đó mang lại nhiều công đức nhất. Nếu trụ như vậy là lấy sở đắc làm phương tiện.

Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật cũng chẳng trụ Thanh văn thừa, Độc giác thừa, Vô thượng thừa hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã; hoặc tịnh hoặc bất tịnh. hoặc vắng lặng hoặc chẳng vắng lặng; hoặc xa lìa hoặc chẳng xa lìa; hoặc không hoặc bất không; hoặc hữu tướng hoặc vô tướng; hoặc hữu nguyện hoặc vô nguyện. Vì sao? Vì trụ hai bên, có hai tướng, lấy hữu sở đắc làm phương tiện vậy.

Đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật, chẳng nên trụ ta phải viên mãn ngũ nhãn, lục thần thông, ba mươi hai tướng trang nghiêm, tám mươi tùy hảo; chẳng nên trụ ta phải đầy đủ Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; chẳng nên trụ ta phải giác tất cả pháp tướng, rồi dứt hẳn tất cả phiền não và các tập khí nối nhau, chứng cho kỳ được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, để thành thục chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, quay xe diệu pháp, độ thoát vô lượng vô số hữu tình khiến được Niết bàn rốt ráo an vui. Vì sao? Vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện vậy.

Tu hành mà có sở cầu, sở đắc, sở trụ nên chẳng trụ. Muốn trụ thì phải vô thủ vô chấp, có chấp có dính cái ngã & ngã sở vào đó tức còn vướng mắc, quái ngại, nên không thể trụ. Nhưng lìa tất cả pháp Phật thì làm sao chứng sở cầu Vô thượng Bồ đề? Vì vậy, mới nói chẳng trụ chẳng phải chẳng trụ. Giáo pháp vô sở trụ một lần nữa được xiển dương tại đây.

 

---o0o---