Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Hội thứ I - 05. Khen Ngợi Thắng Đức"


Nguồn:  https://quangduc.com/


PHẨM “KHEN NGỢI THẮNG ĐỨC”

 

Phần đầu quyển 10, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương phẩm “Tán Thán Ba la mật” quyển thứ 02, MHBNBLMĐ.

 

Tóm lược:

 

Lúc bấy giờ, cụ thọ Xá Lợi Tử, cụ thọ Mục Kiền Liên, cụ thọ Đại Ẩm Quang, cụ thọ Thiện Hiện v.v… là những bậc được nhiều người biết đến và ngưỡng vọng, các đại Bí sô và Bí sô ni cùng các chúng đại Bồ tát, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, đồng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát sở hữu là Ba la mật vĩ đại; bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát sở hữu là Ba la mật sâu rộng; bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát sở hữu là Ba la mật thù thắng, là thâm diệu, là nhiệm mầu, là tôn quí; cao siêu, hơn hết, tột bực, vô thượng, tối thượng, siêu đẳng, không gì bằng, tuyệt đối, như hư không, Tự tướng không, Cộng tướng không, Nhất thiết pháp không, Bất khả đắc không, Vô tánh không, Tự tánh không, Vô tánh tự tánh không, Vô biến dị không, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, tịch tịnh, viễn ly, chơn thật, khai phát tất cả công đức, thành tựu tất cả công đức. Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát sở hữu là Ba la mật có khả năng phá trừ tất cả mà chẳng có thứ gì có thể thể chế phục được.

Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ tát tu hành Bát Nhã, có đầy đủ năng lực lớn, tối tôn, tối thắng, tối thượng, tối diệu, có khả năng tu hành bố thí tuyệt đỉnh; có khả năng viên mãn bố thí tuyệt đỉnh; có khả năng thực hành bố thí tuyệt đỉnh; năng được tự thể tuyệt đỉnh, nghĩa là thân tướng trang nghiêm, hảo diệu thù thắng vô biên; năng chứng được diệu pháp tuyệt đỉnh, đó là quả vị Giác ngộ tối cao.

Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ tát tu hành Bát Nhã, có đầy đủ năng lực lớn, tối tôn, tối thắng, tối thượng, tối diệu, có khả năng tu hành tịnh giới tuyệt đỉnh; có khả năng tu hành an nhẫn tuyệt đỉnh, có khả năng tu hành tinh tấn tuyệt đỉnh, có khả năng tu hành tịnh lự tuyệt đỉnh, có khả năng tu hành Bát Nhã tuyệt đỉnh, có khả năng viên mãn, có khả năng thực hành đầy đủ năm Ba la mật nói trên tuyệt đỉnh; năng được tự thể tuyệt đỉnh, nghĩa là thân tướng trang nghiêm, hảo diệu thù thắng vô biên; năng chứng được diệu pháp tuyệt đỉnh, đó là quả vị Giác ngộ tối cao.

Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ tát tu hành Bát Nhã, có đầy đủ năng lực lớn, tối tôn, tối thắng, tối thượng, tối diệu, có khả năng an trụ mười tám pháp không, có khả năng an trụ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế…, có khả năng tu hành tứ thiền tứ định, có khả năng tu hành 37 pháp trợ đạo; có khả năng an trụ tứ thánh đế; có khả năng tu hành mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí v.v… có khả năng tu hành, có khả năng viên mãn tất cả các pháp trên; năng được tự thể tuyệt đỉnh, nghĩa là thân tướng trang nghiêm, hảo diệu thù thắng vô biên; năng chứng được diệu pháp tuyệt đỉnh, đó là quả vị Giác ngộ tối cao.

Bạch Thế Tôn! Như Lai cũng do tu hành Bát Nhã, mà có khả năng tu hành, an trụ, viên mãn, đầy đủ các loại công đức, chứng quả vị Giác ngộ tuyệt đỉnh, chuyển pháp luân tuyệt đỉnh; độ thoát vô lượng các loại hữu tình, khiến được lợi ích, an lạc thù thắng. Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng do tinh cần tu học Bát Nhã, mà được các công đức viên mãn, đã chứng, sẽ chứng, đang chứng quả vị Giác ngộ tối cao; chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu, độ vô lượng chúng sanh, khiến được lợi ích, an lạc thù thắng. Vì thế, bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ tát nào muốn đạt đến bờ giác, thì đối với tất cả pháp, nên học Bát nhã Ba la mật.

Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ tát tu hành Bát Nhã, thì tất cả thế gian, hoặc trời, hoặc người, A tu la v.v… đều nên cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, bảo hộ, khiến cho tu hành không chướng, không ngại.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn bảo tất cả mọi người trong chúng hội: Đúng vậy, đúng vậy! Như các ông đã nói, các đại Bồ tát tu hành Bát Nhã, thì tất cả thế gian, hoặc trời, hoặc người, A Tu la v.v… đều cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, bảo hộ, khiến cho sự tu hành Bát Nhã không chướng, không ngại. Vì sao? Vì do đại Bồ tát này, nên thế gian có được người, trời xuất hiện, đó là giòng dõi lớn Sát đế lợi, giòng dõi Bà la môn, Trưởng giả, Cư sĩ, hoặc là chuyển luân vương; hoặc chúng trời cõi Dục, cõi Sắc và Vô sắc xuất hiện ở thế gian. Vì do đại Bồ tát này, mà có được quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác, Bồ tát và Như Lai xuất hiện ở thế gian. Do vì đại Bồ tát này, mà thế gian có Tam bảo xuất hiện, làm lợi ích cho các loại hữu tình. Do vì đại Bồ tát này, nên thế gian có được các thứ để nuôi sống và vui chơi xuất hiện trên đời. Nói tóm lại, tất cả cái vui của người trời ở thế gian và cái vui Niết bàn, đều do đại Bồ tát ấy mà có. Vì sao? Vì đại Bồ tát ấy, chính mình tu hành, cũng dạy người khác tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã; chính mình an trụ, cũng dạy người khác an trụ 18 pháp không, tự mình an trụ, cũng dạy người khác an trụ chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v…, chính mình tu hành, cũng dạy người khác tu hành tất cả pháp Phật nói chung. Vì vậy, do sự tu hành Bát Nhã này của các đại Bồ tát, mà tất cả hữu tình, đều được lợi ích, an lạc thù thắng.

 

Lược giải:

 

Phẩm này chẳng qua là khen ngợi thành quả của những người thọ trì Bát Nhã. Ai đọc qua cũng hiểu, không cần luận giải nhiều.

Sau đây, để thay lời lược giải, chúng tôi trích dẫn một vài đoạn kinh ĐBN khen ngợi thắng đức Bát nhã Ba la mật nói riêng và sáu phép Ba la mật nói chung để khuyến khích những người con Phật trên con đường tìm lẽ sống đạo.

 

- Phẩm “Khen Các Đức” quyển 98, Hội thứ I, ĐBN, Ngài Huyền Trang dịch:

Thiện Hiện bảo trời Đế Thích:

“Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ tát tu hành là đại Ba la mật, là vô lượng Ba la mật, là vô biên Ba la mật. Kiều Thi Ca! Hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, bậc Dự lưu học pháp này thì đắc quả Dự lưu; bậc Nhất lai học pháp này thì đắc quả Nhất lai; bậc Bất hoàn học pháp này thì đắc quả Bất hoàn; bậc A la hán học pháp này thì đắc quả A la hán; bậc Độc giác học pháp này thì đắc quả vị Độc giác; bậc Bồ tát học pháp này thì có khả năng thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao”!

 

- Phẩm “So Lường Công Đức” quyển 129, Hội thứ I, ĐBN. Thiên Đế Thích ca tụng vô lượng vô biên công đức thù thắng của Bát nhã Ba la mật như sau:

“Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức quảng đại thù thắng; Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức thù thắng vô lượng; Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức thù thắng viên mãn; Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức thù thắng vô biên; Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức thù thắng vô đối; Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức thù thắng vô tận; Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức thù thắng vô giới hạn; Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức thù thắng không gì bằng; Bát nhã Ba la mật như thế, thành tựu công đức thù thắng khó nghĩ bàn; Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức thù thắng chẳng thể nói hết”.

 

- Phẩm “So Lường Công Đức”, quyển 126, Hội thứ I, ĐBN. Trời Đế Thích bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn! Nay đây Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với tất cả công đức của Bát nhã Ba la mật này, nói còn chưa hết. Vì sao? Vì Bát nhã Ba la mật mà con đã lãnh thọ từ Thế Tôn, với công đức rộng sâu, không bờ bến. Các thiện nam, tín nữ đối Bát nhã Ba la mật này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, như lý tư duy, vì các hữu tình tuyên thuyết truyền bá rộng rãi thì công đức có được cũng không bờ bến. Nếu có người sao chép Bát nhã Ba la mật này rồi dùng các thứ trang trí cho đẹp, lại dùng vô lượng tràng hoa, các loại hương xoa, hương bột tuyệt diệu, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ ngọc quý lạ, kỹ nhạc, đèn sáng v.v…tất cả vật sở hữu cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì công đức có được cũng không bờ bến”.

 

- Phẩm “Thiện Hữu” quyển 551, Tiểu Bản Bát Nhã, Hội thứ IV so sánh 6 pháp Ba la mật như sau:

Phật bảo Thiện Hiện Tu Bồ Đề:

“Thiện Hiện nên biết! Như vậy, sáu pháp Ba la mật cũng là thầy của đại Bồ tát. Sáu pháp Ba la mật cũng là đạo sư của đại Bồ tát. Sáu pháp Ba la mật cũng là ánh sáng của đại Bồ tát. Sáu pháp cũng là chiếu soi của đại Bồ tát. Sáu pháp Ba la mật cũng là nhà cửa của đại Bồ tát. Sáu pháp Ba la mật cũng là hộ trì của đại Bồ tát.

Sáu pháp Ba la mật cũng là sự quy y của đại Bồ tát. Sáu pháp Ba la mật cũng là sự hướng đến của đại Bồ tát. Sáu pháp Ba la mật cũng là cù lao của đại Bồ tát. Sáu pháp Ba la mật cũng là cha lành của đại Bồ tát. Sáu pháp Ba la mật cũng là mẹ hiền của đại Bồ tát. Sáu pháp Ba la mật thường làm cho chúng đại Bồ tát đắc được trí vi diệu, sanh giác ngộ chơn thật, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì tất cả chúng đại Bồ tát đều nhờ sáu pháp Ba la mật mà tu tập Bát nhã Ba la mật được viên mãn.

Thiện Hiện nên biết! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở quá khứ đã chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề đã Bát Niết bàn. Phật Thế Tôn kia đều nương vào sáu pháp Ba la mật mà sanh Nhất thiết trí trí. Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở vị lai hiện tại cũng lại như thế. Chư Phật Thế Tôn kia cũng nương sáu pháp Ba la mật mà sanh Nhất thiết trí trí. Nay Ta, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện đang chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, hiện đang tuyên thuyết chánh pháp cho các hữu tình cũng nương sáu pháp Ba la mật mà sanh Nhất thiết trí trí. Vì sao? Vì sáu pháp Ba la mật này có thể bao gồm khắp tất cả ba mươi bảy pháp Bồ đề phần, hoặc bốn phạm trụ, hoặc bốn nhiếp sự, hoặc vô lượng, vô biên Phật pháp khác, hoặc trí chư Phật, hoặc trí tự nhiên, trí bất tư nghì, trí không đối địch, Nhất thiết trí trí, tất cả đều bao gồm ở trong sáu pháp Ba la mật này. Thế nên, Ta nói sáu pháp Ba la mật này là bạn lành chơn tịnh của các chúng đại Bồ tát, là thầy chỉ dạy, là đạo sư, là ánh sáng, là chiếu soi, là nhà cửa, là hộ trì, là nơi quy y, là nơi hướng đến, là cù lao, là cha lành, là mẹ hiền cho các chúng đại Bồ tát, luôn làm cho chúng đại Bồ tát đắc trí tuệ vi diệu, sanh giác ngộ như thật, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề, làm bè bạn chẳng mong đền ơn trả ơn của các hữu tình.

Thế nên, này Thiện Hiện! Các đại Bồ tát nên học sáu pháp Ba la mật.

“Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát muốn học sáu thứ Ba la mật, nên đối kinh điển Bát nhã Ba la mật thậm thâm chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, quán sát nghĩa thú, thỉnh quyết chỗ nghi. Vì sao? Vì Bát nhã Ba la mật như thế năng cùng sáu thứ Ba la mật làm tôn làm dẫn, năng chỉ năng chuyển, làm mẹ sanh mẹ dưỡng vậy. Vì sao? Vì nếu lìa Bát nhã Ba la mật thời không có năm Ba la mật trước. Mặc dù có bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự mà chẳng gọi là năng đến bờ kia. Vậy nên, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát muốn được hạnh chẳng theo người dạy, muốn trụ bậc chẳng theo người dạy, muốn dứt nghi tất cả hữu tình, muốn mãn nguyện tất cả hữu tình, muốn nghiêm tịnh cõi Phật, muốn thành thục hữu tình, nên học Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì trong Kinh Bát nhã Ba la mật sâu xa này rộng nói về pháp cần nên học của các đại Bồ tát, tất cả các đại Bồ tát đối với kinh ấy đều nên siêng năng tu học. Nếu siêng năng tu học phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật thậm thâm thì nhất định chứng quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề, luôn làm lợi ích an vui cho chúng sanh cùng tận đời vị lai”.

 

- Phẩm “Tịnh Đạo” quyển 74, Hội thứ I, ĐBN. Xá lợi Phất hỏi Thiện Hiện:

“Tất cả pháp Phật đều mang lại vô lượng vô biên các nhóm công đức nên gọi là đạo Bồ đề. Nhưng công đức như vậy do đâu mà có?

Thiện Hiện đáp:

Xá Lợi Tử! Công đức như vậy đều do thế lực của Bát nhã Ba la mật mà đạt được. Vì sao? Xá Lợi Tử! Vì Bát nhã Ba la mật bao giờ cũng là mẹ của tất cả thiện pháp. Tất cả thiện pháp của Thanh văn, Độc giác, Bồ tát, Như Lai đều từ đó mà sanh.

Xá Lợi Tử! Bát nhã Ba la mật này có khả năng nhiếp thọ khắp tất cả thiện pháp. Thiện pháp của Thanh văn, Độc giác, Bồ tát, Như Lai đều nương nơi đây mà an trú.

Xá Lợi Tử! Chư Phật quá khứ tu hành Bát nhã Ba la mật đạt đến chỗ viên mãn rốt ráo, đã chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, chuyển pháp luân vi diệu, độ vô lượng chúng sanh. Chư Phật vị lai tu hành Bát nhã Ba la mật đạt viên mãn rốt ráo, sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, chuyển pháp luân vi diệu, độ vô lượng chúng sanh. Chư Phật hiện tại trong mười phương thế giới tu hành Bát Nhã đạt viên mãn rốt ráo, hiện chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, chuyển pháp luân vi diệu, độ vô lượng chúng sinh”.

- Có lẽ mọi người còn nhớ mở đầu phẩm “Học Quán”, cũng là mở đầu pháp hội thứ I, Phật đã tán tụng cái huyền lực kỳ diệu của kinh này. Phật nói:

Muốn biết tất cả Tam thiên đại thiên thế giới từ những vật to lớn như hư không, đại địa, biển cả, đất nước gió lửa... cho đến những thứ nhỏ nhiệm nhất như các sông, ao, hồ, khe, suối, vũng nước... thì nên học Bát nhã Ba la mật. Muốn chẻ một sợi lông làm trăm ngàn phần, rồi lấy một phần của sợi lông ấy, đưa hết nước trong biển lớn, các sông, ao, hồ, khe suối, trong Tam thiên đại thiên thế giới, trút vào vô biên thế giới ở phương khác, mà không làm tổn hại đến các loài thủy tộc, thì nên học Bát nhã Ba la mật. Muốn dùng một hơi thổi mà có thể dập tắt tất cả cuồng phong hỏa hoạn đốt khắp cả trời đất các núi lớn nhỏ cùng vạn vật trong đại địa, nát ra như cám khiến ngưng ngay, thì phải học Bát nhã Ba la mật. Muốn dùng một sợi lông buộc núi Tô mê lô, núi Luân vi và các núi nhỏ khác, cùng vạn vật trong đại địa, ném qua vô lượng, vô số, vô biên thế giới phương khác, mà không tổn hại các loài hữu tình, thì nên học Bát nhã Ba la mật.

 

- Phẩm “Chuyển Sanh” quyển 07, Hội thứ I, ĐBN mà chúng ta vừa học ở trên, xưng tán lục Ba la mật như sau:

“Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ tát muốn đắc năm nhãn thanh tịnh, nên siêng tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã. Vì sao? Xá Lợi Tử! Vì sáu phép Ba la mật như vậy, gồm thâu tất cả thiện pháp thanh tịnh, đó là thiện pháp của Thanh văn, thiện pháp của Độc giác, thiện pháp của Bồ tát, thiện pháp của Như Lai. Xá Lợi Tử! Nếu hỏi thẳng: Pháp nào có thể gồm thâu tất cả thiện pháp, thì nên đáp ngay rằng: Đó là Bát nhã Ba la mật thậm thâm. Vì sao? Xá Lợi Tử! Vì Bát nhã Ba la mật thậm thâm là mẹ sanh, mẹ dưỡng của tất cả thiện pháp, có thể sanh ra và nuôi dưỡng bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã và năm nhãn… cùng vô lượng vô biên công đức thù thắng, chẳng thể nghĩ bàn”.

Bao nhiêu trích dẫn như thế quá đủ, tin hay không là tùy người đọc người thọ trì. Kinh bảo tin là mẹ của mọi công đức. Tu chưa tới nơi tới chốn, không biết rõ hư thực như thế nào mà đàm tiếu dị nghị thì mang họa. Phật nói không phải vì Phật, Phật nói là vì những người con Phật, không muốn các con bơ vơ lạc lõng giữa biển khổ mênh mông.

 

Kết luận:

 

Vì vậy, ta có thể lấy phẩm “Tán Hoa” quyển 554, Tiểu Bản Bát Nhã, Hội thứ IV, Phật phó chúc cho Ông A Nan sáu phép Ba la mật, làm kết luận:

Khánh Hỷ phải biết: “Nếu Bồ tát Ma ha tát siêng học sáu thứ Ba la mật, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Vậy nên, Khánh Hỷ! Ta đem sáu Ba la mật đây lại giao phó dặn dò ngươi, nên chính thọ trì chớ bỏ quên mất. Vì sao? Vì sáu Ba la mật như thế là kho pháp vô tận của các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, vì tất cả Phật pháp từ đây xuất sanh vậy.

Khánh Hỷ phải biết: Chư Phật Thế Tôn mười phương ba đời sở thuyết pháp yếu, đều là từ sáu thứ Ba la mật kho pháp vô tận tuôn chảy ra vậy.

Khánh Hỷ phải biết: Chư Phật Thế Tôn mười phương ba đời đều nương sáu thứ Ba la mật kho pháp vô tận, tinh siêng tu học chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Khánh Hỷ phải biết: Đệ tử Thanh văn chư Phật Thế Tôn mười phương ba đời đều nương sáu thứ Ba la mật kho pháp vô tận, tinh siêng tu học đã đang sẽ vào Vô dư Niết bàn”.

Chúng tôi nghĩ bao nhiêu lời tán tụng đầy uy lực và thắng đức được trích dẫn trên, có thể mang lại đủ xác tín cho hành giả Bát Nhã. Vậy, tốt hơn hết là trì tụng, hãy tiếp tục trì tụng không ngừng nghỉ, rồi sẽ qua, qua được bờ bên kia:

 

Gate, gate, pàragate, pàrasamgate, bodhi, svàha”!

Này Bodhi, đi qua, đi qua, qua bờ kia, qua đến bờ kia, Svàha”!

 

---o0o---