Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Hội thứ I - 36. Phẩm "Trước Và Chẳng Trước Tướng"

 


Nguồn:  https://quangduc.com/

PHẨM “TRƯỚC VÀ CHẲNG TRƯỚC TƯỚNG”

 

Quyển 287 đến quyển 292, Hội thứ I, ĐBN.

 

Gợi ý:

Phẩm “Vô Tác” quyển thứ 14, MHBNBLMĐ, không có nhấn mạnh về giáo lý “Trước, Chẳng Trước Tướng” như Kinh ĐBN. Nhưng thật ra phẩm “Trước, Chẳng Trước Tướng”của Kinh ĐBN, văn từ lại tách ra làm hai phần rõ rệt: Phần đầu, từ quyển 287 đến 288, thuyết về “Trước và Chẳng Trước Tướng”, phần sau từ quyển 288 đến 292, lại thuyết về “Vô Tác”. Phần sau này tương đương với phần đầu của phẩm “Vô Tác” thuộc Kinh MHBNBLMĐ. Sự phân chia này có thể làm độc giả rối rắm thêm. Tuy nhiên, chúng tôi phải trình bày ra để quý vị có dịp tham cứu và so sánh. Thật ra, kết quả của chấp trước là đưa đến tạo tác. Đó là ý nghĩa của phẩm này.

So đo, cân nhắc hơn thiệt…là tác dụng của phân biệt. Nhưng phân biệt không đáng trách. Cái đáng trách là liền sau đó là sanh chấp trước. Chấp trước dưới bất cứ hình thức nào cũng đem lại nhiều mất mát, giới hạn đại bi tâm. Một khi phân biệt hiện diện, thì ngay đó có chủ khách, năng sở hiện ra… giác tâm không còn ở đó nữa. Chấp trước là biểu hiện của ngã trở thành tác chủ, như đám mây mù che mờ tánh giác, cánh cửa đại bi khép lại, thế giới thay vì trải rộng ra với bao thương yêu ấp ủ, bây giờ biến thành cái vỏ sò ích kỷ ôm chặt cái ngã hạn hẹp. Có anh là có tôi, có chủ có khách là có biên giới, có ngăn che, có hơn thiệt mất còn… Đó là kết quả tất nhiên của phân biệt mà hậu quả tai hại chính là chấp trước. Nếu không chấp trước thì tâm được an nhiên tịch lặng.

 

Tóm lược:

 

1. Nói về “Trước và Chẳng Trước Tướng”.

(Phần đầu phẩm, quyển 287 và 288, Hội thứ I, ĐBN nói về trước, chẳng trước tướng)

 

Các thiện nam thiện nữ nào trụ Bồ tát thừa mà không có phương tiện khéo léo lại lấy sở đắc làm phương tiện, đối với Bát nhã Ba la mật này, khởi tưởng bám lấy danh, bám lấy tướng, đắm trước Bát Nhã thì không thể chứng đắc thật tướng Bát Nhã. Vì vậy, chính họ đã xa lìa Bát Nhã. Trái lại, thiện nam, thiện nữ có phương tiện khéo léo, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát Nhã nầy không bám danh tướng, không khởi đắm trước, không sanh kiêu mạn thì có khả năng chứng đắc thật tướng Bát Nhã. Nên biết, hạng người này gọi là không xa lìa Bát nhã Ba la mật.

Các thiện nam thiện nữ trụ Bồ tát thừa, nếu không có phương tiện khéo léo, khi hành Bát nhã Ba la mật thì đối với sắc cho là không (phủ định), rồi khởi tưởng chấp trước không; đối với thọ, tưởng, hành, thức cho là không, rồi khởi tưởng chấp trước không. Đối với 12 xứ, 18 giới, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, 18 pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao cho là không, rồi khởi tưởng chấp trước không.

Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ tát thừa, nếu không có phương tiện khéo léo, khi tu hành Bát nhã Ba la mật đối với sắc cho là sắc (tức khẳng định) rồi khởi tưởng chấp trước sắc, đối với thọ, tưởng, hành, thức cho là thọ, tưởng, hành, thức rồi khởi tưởng chấp trước thọ, tưởng, hành, thức v.v… Một khi khẳng định là sắc, đó chính là chấp trước sắc. Một khi phủ định không phải là sắc, đó cũng chính là chấp trước. Phủ định hay khẳng định cả hai, là chấp có chấp không, liền rơi vào nhị biên đối đãi, tức thiên lệch, thì không thoát nổi ngõ cụt ở hai đầu, ngay đó xa lìa Bát Nhã. Chỉ vượt qua và vượt trên hữu vô thì mới gọi là vô chấp, vô thủ.

Các thiện nam, thiện nữ trụ Đại thừa, nếu lấy sở đắc làm phương tiện từ lúc mới phát tâm đối với Bát nhã Ba la mật, khởi tưởng chấp trước hành; đối với tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, khởi tưởng chấp trước hành; đối với 18 pháp không, tứ Thánh đế, thập nhị nhân duyên, ngũ nhãn, lục thần thông… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao khởi tưởng chấp trước hành, đại Bồ tát tu hành Bát Nhã khởi tưởng chấp trước các pháp như thế thì gọi là trước tướng.

Nếu đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật, có phương tiện khéo léo, đối với sắc không khởi tưởng không hay bất không, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng không khởi tưởng không hay bất không. Đối với 12 xứ, 18 giới, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, 18 pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao không khởi tưởng không hay bất không, lấy vô sở đắc làm phương tiện, không nghĩ: Ta (năng) là Bồ tát, ta có tu bố thí, ta giữ giới, ta tu định, ta tu tuệ, ta gieo phước điền, ta nhập Chánh tánh ly sanh; ta thành thục hữu tình; nghiêm tịnh cõi Phật v.v… Nếu đại Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật như thế thì có thể tránh được tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước. Do khéo thông đạt tất cả pháp như thế, gọi đó là đại Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật có phương tiện khéo léo, lấy vô sở đắc làm phương tiện, không có tướng chấp trước.

Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ tát thừa, do tưởng chấp trước nên không thể tu hành Bát nhã Ba la mật, không thể hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao. Đại Bồ tát đối với quả vị Giác ngộ tối cao, muốn thị hiện, chỉ dẫn, khuyến khích, khen gợi các hữu tình khác thì nên y như thật tướng mà thị hiện… Nhưng không phân biệt ta bố thí, ta tu tịnh giới, ta tu huệ, ta tu hành tất cả pháp môn Phật học v.v… như thế thì chẳng tổn hại mình, cũng chẳng tổn hại người thì liền có thể xa lìa tất cả tưởng chấp trước.

Tất cả tưởng và tất cả chấp đều là hư vọng!

Bát nhã Ba la mật nầy là pháp không tạo, không tác, không thể biết được.

Bát nhã Ba la mật như vậy khó có thể biết rõ. Vì Bát nhã Ba la mật nầy là pháp không thể thấy, không thể nghe, không thể biết, không thể hiểu, lìa tướng chứng đắc.

Bát nhã Ba la mật như vậy là không thể nghĩ bàn. Vì sao? Bát nhã Ba la mật chẳng thể dùng tâm để biết vì lìa tướng của tâm. Bát nhã Ba la mật như thế chẳng thể dùng sắc để biết, vì lìa tướng của sắc, chẳng thể dùng thọ, tưởng, hành, thức để biết, vì lìa tướng của thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng thể dùng tất cả pháp để biết, vì lìa tướng của tất cả pháp. Tánh của tất cả pháp cũng khó có thể biết.

Vì tất cả pháp nhất tánh chẳng phải hai. Nên biết, các pháp nhất tánh tức là vô tánh; các pháp vô tánh tức là nhất tánh. Như vậy là các pháp nhất tánh vô tánh không tạo, không tác. Nếu đại Bồ tát có khả năng biết như thật các pháp hiện hữu là nhất tánh vô tánh, không tạo không tác thì có thể xa lìa tất cả chấp trước.

 

2. Nói về “vô tác”.

(Phần này tương đương với quyển thứ 14, phẩm “Vô Tác”, MHBNBLMĐ)

 

Bát nhã Ba la mật như thế, không có tạo tác. Vì các tạo tác chẳng thể nắm bắt được. Vì sắc chẳng thể nắm bắt được nên tạo tác chẳng thể nắm bắt được; vì thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể nắm bắt được nên tạo tác chẳng thể nắm bắt được. Mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao chẳng thể nắm bắt được, nên tạo tác chẳng thể nắm bắt được.

Đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật nếu chẳng hành sắc là hành Bát Nhã, chẳng hành sắc hoặc thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh là hành Bát Nhã. Vì sao? Vì tánh của sắc còn không có sở hữu huống là có sắc hoặc thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh; tánh của tất cả pháp không có sở hữu huống là có thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh.

Đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật nếu chẳng hành ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, 18 pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao là thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh là hành Bát nhã Ba la mật.

Đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật, nếu chẳng hành sắc viên mãn và chẳng viên mãn là hành Bát nhã Ba la mật. Vì viên mãn hay chẳng viên mãn là hai tướng đối đãi. Đã là nhị nguyên đối đãi thì không phải là Phật pháp, nên nói chẳng hành như thế là hành Bát nhã Ba la mật.

Đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật, đối với tất cả pháp chẳng khởi tưởng trước và chẳng trước là hành Bát nhã Ba la mật.

Pháp tánh của Bát nhã Ba la mật như thế thật sâu xa, hoặc nói hoặc chẳng nói đều chẳng tăng chẳng giảm. Như Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trọn đời khen hay chê hư không thì hư không kia vẫn không tăng không giảm, pháp tánh sâu xa của Bát Nhã cũng giống như vậy, hoặc khen hay chê chẳng tăng chẳng giảm. Như ảo nhân đối với việc khen hay chê chẳng tăng chẳng giảm, không buồn, không vui. Pháp tánh sâu xa của Bát Nhã cũng giống như thế, hoặc nói hoặc chẳng nói vẫn như như không khác.

Các đại Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật là việc khó làm, bởi vì Bát nhã Ba la mật nầy, hoặc tu hoặc chẳng tu không tăng không giảm, cũng không thuận, không trái, thế mà các đại Bồ tát vẫn chuyên cần tu học Bát nhã Ba la mật cho đến quả vị Giác ngộ tối cao không hề thối chuyển. Vì sao? Các đại Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật như tu hư không, hoàn toàn không có sở hữu. Như trong hư không, không có sắc có thể an lập(1), không có thọ, tưởng, hành, thức có thể an lập, không có tất cả pháp để an lập, việc tu hành Bát nhã Ba la mật cũng lại như vậy.

Thiên Đế Thích hỏi cụ thọ Thiện Hiện:

- “Thế nào là đại Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật, tuy biết các pháp như ảo ảnh, như chiêm bao, như tiếng vang, như ảnh tượng, như bóng nắng, như bóng sáng, như biến hóa, như ảo thành mà đại Bồ tát ấy chẳng chấp là ảo ảnh, là chiêm bao v.v…, cũng chẳng chấp do ảo ảnh, do chiêm bao…, cũng chẳng chấp thuộc ảo ảnh, thuộc chiêm bao..., cũng chẳng chấp nương ảo ảnh, nương chiêm bao v.v…?”

Thiện Hiện đáp:

- “Nầy Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật chẳng chấp là sắc, cũng chẳng chấp do sắc, cũng chẳng chấp thuộc sắc, cũng chẳng chấp nương sắc. Tuy biết tất cả pháp như vậy mà chẳng chấp: Đó là đại Bồ tát có khả năng tu hành Bát nhã Ba la mật”(2).

 

Thích nghĩa:

(1). An lập: Tức là đặt bày các nghĩa sai biệt. Cũng tức là dùng lời nói, danh tướng để phân biệt các sự vật khác nhau. Trái với an lập là phi an lập. Phi an lập là vượt lên trên sự sai biệt tương đối, không dùng lời nói và danh tướng để bày tỏ. Duy Thức Nhị Thập Luận Thuật Kí quyển thượng có nêu lên bốn nghĩa an lập, tức là: 1- An trí, là đối với sự lý đã tồn tại, thành lập cái căn cứ tồn tại của sự lý ấy, cũng gọi là kiến lập, thành lập. 2- Thi thiết, là dùng đạo lý rộng rãi đặt bày cái lý thú của giáo pháp. 3- Khai diễn, đối với thuyết cũ đã nói rồi, thì nói thêm cho rộng ra. 4- Khả kiến, là đối với cảnh giới thuộc pháp tính đã dứt mọi đường nói năng tư lự, thì đem giáo lý tương xứng và dùng lời nói có thể thông suốt cảnh giới ấy để miêu tả. (Tóm lược Phật Quang tự điển).

(2). Phẩm “Trước và Chẳng Trước Tướng” quyển 292, Hội thứ I, ĐBN.

 

Lược giải:

 

1. Bát Nhã là vô trước.

 

Chúng ta có thể lấy đoạn Kinh trong Bát Nhã Bát Thiên Tụng do Ngài Trúc Hộ dịch, để giải thích cho phần “Trước, Chẳng Trước Tướng” nầy:

Phật bảo ông Xá Lợi Phất như sau: “Này Xá Lợi Phất! Thực ra không có một pháp nào tồn tại, nếu không biết rõ như thế thì tức là vô minh. Phàm phu vì không biết như thế nên mới sinh lòng chấp trước, vì chấp trước nên cho tất cả pháp là thật có, vì cho các pháp thật có nên chấp trước nhị biên (chấp hữu chấp vô), và vì chấp trước nhị biên nên mới không thấy, không biết cái chân tướng của các pháp, vì không thấy, không biết nên chấp trước tất cả các pháp hiện tại, quá khứ, vị lai, do đó mới chấp có danh sắc. Vì chấp danh sắc nên cho các pháp đều thật có, bởi thế mà không thấy không biết được đạo như thật (Yathabhutam marga), vì không thấy, không biết được đạo như thật nên không siêu việt được tam giới, không thấy rõ được thật tướng của tất cả pháp”.

 

2. Bát Nhã là vô tác.

 

Bồ tát có khả năng tu hành Bát nhã Ba la mật khi chẳng chấp là sắc hay chẳng phải sắc; cũng chẳng chấp do sắc hay chẳng phải do sắc; cũng chẳng chấp thuộc sắc hay chẳng phải thuộc sắc; cũng chẳng chấp nương sắc hay chẳng phải nương sắc. Vì tất cả pháp như ảo ảnh, như chiêm bao, như tiếng vang, như bóng sáng, như trò biến hóa, như ảo thành, như hoa đốm giữa hư không… Tất cả rỗng không, vô sở hữu, bất khả đắc, vô thủ, vô trụ, vô chấp. Nếu thấy như vậy, biết như vậy thì tâm hành diệt, ngôn ngữ đoạn, bặt hý luận thì lấy gì mà thi vi tạo tác?

Thiền sư Thủ Sơn Tĩnh Niệm đưa cao cây trúc bề (cây thước ngắn) hỏi đồ chúng: “Này quý ông, nếu bảo cái này là cây gậy tức khẳng định, nếu bảo cái này không phải là cây gậy tức là phủ định, ngoài khẳng định và phủ định, nói đi, nói đi gọi là cái gì?”

Lúc ấy có một ông Tăng bước ra giựt cây trúc bề trên tay Hòa Thượng ném xuống đất. Đó là câu trả lời tuy lỗ mãng, nhưng đem lại kết quả tốt: Vứt đi là hết, là không còn gì để nói, không khẳng định cũng không phủ định. Đó là con đường vượt qua có không, cũng có cũng không… nó siêu vượt nếp sống lý luận. Đó chính là giải pháp của Bát Nhã: Bịt tai, che mắt, bụm miệng để khỏi phải nghe, phải thấy, phải nói đến cảnh đoạn thường, mê ngộ, thủ xả… của cuộc sống thường tục nầy. Phủi sạch thế là xong!

Có ai không chấp nhận giải pháp này? Nói đi, nói?

Khi tâm quét sạch không còn một hạt bụi dù nhỏ nhiệm như một vi trần thì sẽ được thanh tịnh. Tu hành trăm kiếp ngàn kiếp không ngoài mục đích này. Gạt bỏ so đo phân biệt thì không còn chấp trước mới được ung dung tự tại!

 

---o0o---