Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Hội thứ I - 49. Phẩm "Bất Thối Chuyển"

 



Nguồn:  https://quangduc.com/

PHẨM “BẤT THỐI CHUYỂN”(1)

 

Phần sau quyển 325 đến hết quyển 327, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với quyển thứ 18, phẩm “Bất Thối Chuyển”, MHBNBLMĐ)

 

Gợi ý:

Thông thường, vì một lý do nào đó làm thối thất đạo Bồ đề thì gọi là thối chuyển. Nhưng nếu nguyên nhân đó dầu trắc trở, gian nan cách mấy cũng không thể lung lạc, không làm cho Bồ tát thay lòng đổi dạ thì Bồ tát ấy được gọi là bất thối chuyển. Đó là lối suy nghĩ cũng như cách diễn đạt của người hiện đại. Nhưng Kinh MHBNBLMĐ quyển thứ 18, phẩm “Bất Thối Chuyển”, Tu Bồ Đề lại hỏi Phật:

- “Bạch đức Thế Tôn! Vì bất chuyển mà gọi là bất thối chuyển hay là vì chuyển mà gọi là bất thối chuyển?

- Nầy Tu Bồ Đề! Vì bất chuyển, vì chuyển cũng gọi là bất thối chuyển”.

Bồ tát phát tâm hướng đến giác ngộ: Trong suốt quá trình tu tập trải qua biết bao gian nan thử thách mà không sa ngã, không chùn bước thối lui trước mọi trở lực thì gọi là Bất thối chuyển. Nhưng Kinhlại nói “vì bất chuyển, vì chuyển” cũng gọi là bất thối chuyển. Như các bậc Thanh văn hay Độc giác thay vì chứng thực tế rồi vào Niết bàn, lại vì Đại thừa phát nguyện rộng lớn tu hành đến Vô thượng Bồ đề để cứu độ chúng sanh thì Kinh nói “vì chuyển” mà thành Bồ tát bất thối chuyển. Chuyển là chuyển cái tâm ích kỷ hạn hẹp để trở thành tâm quảng đại. Đây là chuyển “xấu” thành “tốt”, Kinh cũng gọi là bất thối chuyển. Lối diễn tả này của người xưa đi ngược lại với lối suy nghĩ hôm nay, nên rất dễ lẫn lộn. Ngày nay, thông thường mà nói không sa ngã thối lui thì gọi là bất thối chuyển. Vậy, khi đọc nguyên văn phẩm này cẩn thận, đừng để nhầm lẫn. Bản tóm lược sau đây đã giản lược nhiều cốt tránh nhầm lẫn trong ngôn ngữ, chương cú của người xưa, nhưng vẫn giữ được ý Kinh. Đó là điều quan trọng cần lưu ý.

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa với Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Bồ tát Bất thối chuyển có hành nào, có trạng nào, có tướng nào mà chúng con có thể biết đấy là đại Bồ tát Bất thối chuyển?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Nếu Bồ tát có khả năng như thật biết các bậc dị sanh, các bậc Thanh văn, các bậc Độc giác, các bậc Bồ tát, các bậc Như Lai. Các bậc như thế các thuyết có khác, mà đối trong các pháp như không khác, không phân biệt, đều không hai không hai phần. Bồ tát này tuy thật ngộ vào các pháp như, mà đối (chơn) như không sở phân biệt, vì đem vô sở đắc làm phương tiện vậy. Bồ tát này đã thật ngộ vào các pháp như, tuy nghe như cùng tất cả pháp không hai không riêng mà không trệ ngại. Vì sao ? Vì pháp như chẳng thể nói một, chẳng thể nói khác, chẳng thể nói đồng hay chẳng đồng vậy. Pháp giới cho đến bất tư nghì giới cũng lại như thế. Bồ tát này trọn chẳng vội vã mà thốt ra lời, những lời nói ra đều dẫn nghĩa lợi, nếu không nghĩa lợi trọn chẳng phát lời. Bồ tát này trọn chẳng xem tốt xấu hay dở của kẻ khác, bình đẳng thương xót mà vì thuyết pháp. Bồ tát này chẳng xem chủng tánh tốt xấu của Pháp sư, chỉ cầu pháp sở thuyết nhiệm mầu mà thôi.

Thiện Hiện! Đại Bồ tát Bất thối chuyển đủ các hành trạng tướng như thế v.v…, nên do các hành trạng tướng này mà biết là đại Bồ tát Bất thối chuyển.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Lại do hành nào, trạng nào, tướng nào mà biết đấy là đại bồ tát Bất thối chuyển?

Phật nói :

- Thiện Hiện! Đại Bồ tát nào có thể quán tất cả pháp vô hành vô trạng vô tướng, phải biết đấy là đại Bồ tát Bất thối chuyển.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Nếu tất cả pháp vô hành vô trạng vô tướng, đại Bồ tát này đối pháp nào chuyển nên gọi Bất thối chuyển?

Phật nói:

- Thiện Hiện! Đại Bồ tát này đối sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối thọ tưởng hành thức chuyển nên gọi Bất thối chuyển(2). Đối mười hai xứ cho đến mười tám giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nhãn xúc chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối bố thí Ba la mật chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát nhã Ba la mật chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nội không chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối ngoại không cho đến vô tánh tự tánh không chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối chơn như chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối pháp giới cho đến bất tư nghì giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Nói rộng ra, đối với tất cả pháp Phật từ tứ Thánh đế cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chuyển nên gọi là bất thối chuyển. Vì sao?

Thiện Hiện! Tự tánh sắc vô sở hữu, tự tánh thọ tưởng hành thức vô sở hữu. Như vậy, cho đến tự tánh chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề vô sở hữu. Đại Bồ tát này đối trong chẳng trụ, nên gọi là chuyển. Do chẳng chuyển nên gọi danh Bồ tát Bất thối chuyển. Nếu đại Bồ tát có khả năng biết như thế, đấy gọi Bồ tát Bất thối chuyển.

Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ tát Bất thối chuyển quyết không ưa xem hình tướng, nói năng của ngoại đạo, Sa môn, Bà la môn v.v... Vì các Sa môn, Bà la môn kia v.v… đối pháp sở tri như thật biết thật thấy, hoặc có thể thi thiết chánh kiến, quyết định không có lẽ ấy. Nếu Bồ tát trọn nên các hành động tướng trạng như thế, nên biết đấy là đại Bồ tát Bất thối chuyển.

Đối với pháp Tỳ nại gia(3) mà Phật đã dạy, phát sanh tin hiểu, không nghi hoặc, không chấp đắm các giới cấm thủ, chẳng rơi vào tà kiến, chẳng chấp đắm các điềm tốt xấu của thế tục, không bao giờ lễ bái, cúng dường các thiên thần, ngoại đạo như người thế gian. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển, thì chẳng sanh vào địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, cũng chẳng sanh vào dòng hạ tiện, cũng chẳng bao giờ thọ sanh bán nam bán n hay thân nữ, cũng chẳng bao giờ thọ thân bị đui, mù, câm, điếc, ngọng nghịu, tay chân co quắp, hủi lác v.v…

Nếu đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển thì thường ưa thọ trì mười thiện nghiệp đạo, tự xa lìa việc giết hại, cũng khuyên người khác xa lìa việc giết hại, tự xa lìa việc không cho mà thích lấy, tự xa lìa dâm dục, tà hạnh, tự xa lìa hư dối, tự xa lìa nói lời chia rẽ; tự xa lìa lời nói hỗn tạp, tự xa lìa tham, xa lìa sân, si. Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển không những tự mình xa lìa mà còn khuyên người khác xa lìa, tuyên dương pháp xa lìa, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa các tội lỗi xấu ác nói trên. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển vì làm lợi ích cho tất cả hữu tình mà luôn tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Lúc nào cũng thọ trì, tư duy, đọc tụng, thông lợi mười hai bộ Kinh. Đem những pháp nầy làm pháp thí cho các hữu tình, rồi đồng hồi hướng công đức đến quả vị Vô thượng Bồ đề. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như vậy, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển thường thành tựu nhuần nhuyễn nghiệp thân, ngữ, ý dễ thương, dễ mến, đối với các hữu tình tâm không vướng mắc. Thường xuyên thành tựu từ, bi, hỷ, xả v.v... khởi nghiệp thân, khẩu, ý tương ưng. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển quyết định không chung cùng với ngũ cái tham dục, sân nhuế, hôn trầm, thùy miên, trạo cử ác tác, nghi. Vì Bồ tát nầy đối với tất cả thùy miên đều đã phá hết; tất cả sự trói buộc của tùy phiền não cũng vĩnh viễn chẳng thể khởi được. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Đồ dùng như giường chiếu, y phục của các vị nầy luôn luôn thơm sạch, không có mồ hôi cáu bẩn, không có các loại chí rận v.v… tâm ưa thanh cao, thân không tật bệnh. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển thì thân tâm thanh tịnh, chẳng phải như thân của người thường luôn bị tám vạn bốn ngàn hộ trùng gây hại. Vì sao? Vì các Bồ tát ấy, thiện căn tăng trưởng, vượt khỏi thế gian, thọ thân hình trong ngoài thanh tịnh, nên không có các loại trùng gây hại thân thể. Thiện căn như thế, dần dần tăng trưởng, và cứ như vậy, thân tâm càng thanh tịnh. Do nhân duyên này, các Bồ tát ấy, thân tâm kiên cố, giống như kim cương, chẳng bị nghịch duyên xâm phạm não hại. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển chẳng xem trọng lợi dưỡng, chẳng màng danh dự; đối với các thức ăn, nước uống, y phục, đồ nằm, phòng xá, của cải đều chẳng tham luyến. Tuy thọ mười hai công đức đầu đà(4) nhưng hoàn toàn không ỷ lại. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển thường tu bố thí, tâm xan tham rốt ráo chẳng khởi; thường tu tịnh giới, tâm phạm giới rốt ráo chẳng xuất; thường tu an nhẫn, tâm sân giận rốt ráo chẳng hiện; thường tu tinh tấn, tâm giải đãi rốt ráo chẳng phát; thường tu tịnh lự, tâm tán loạn rốt ráo chẳng sanh; thường tu Bát Nhã; tâm ngu si rốt ráo chẳng lộ. Do đó, các tâm ganh ghét, dua nịnh, dối trá, kiêu căn, phóng túng, não hại cũng vĩnh viễn chẳng thể xăm nhập được. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển tuệ giác kiên cố, có khả năng ngộ nhập sâu xa chánh pháp, tùy theo pháp thế gian và xuất thế đã nghe, đều có khả năng dùng phương tiện hội nhập nghĩa thú Bát nhã Ba la mật. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

 

(Tất cả tư tưởng trên đều nằm trong chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghip,

chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Đó cũng là chánh hạnh của Bồ tát bất thối chuyển)

 

Đại Bồ Tát, nếu ác ma hóa làm tám đại Địa ngục (5), trong đó có ngàn ức vạn Bồ Tát đang bị đốt nấu thống khổ. Ác ma bảo đại Bồ Tát nầy rằng: Những người trong Địa ngục đây toàn là bậc Bất thối chuyển Bồ Tát được đức Phật thọ ký mà đọa vào đây, nếu Ngài được đức Phật thọ ký bậc bất thối chuyển cũng sẽ đọa vào đại Địa ngục nầy. Chi bằng Ngài xả bỏ tâm Bồ Tát thì chẳng bị đọa Địa ngục mà sẽ được sanh lên cõi Trời. Dầu thấy nghe như vậy, Bồ Tát nầy vẫn chẳng động tâm, chẳng nghi, chẳng sợ, chẳng thối chí. Dầu cho ác ma trấn áp, dn dụ, khuynh đảo bằng cách nầy hay cách khác, Bồ tát ấy không bị lung lạc, suy thối. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

 

(Không sa ngã trước những cám dỗ của dục vọng, hay lo âu, sợ hãi)

 

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển thường hành Bát nhã Ba la mật, luôn luôn nghĩ: Nếu đại Bồ tát theo lời Phật dạy, tinh cần tu học thường chẳng xa lìa diệu hạnh đã nhiếp thọ là bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật; thường chẳng xa lìa tác ý tương ưng với Nhất thiết trí trí; thường dùng phương tiện khuyên các hữu tình tinh cần tu học sáu Ba la mật. Đại Bồ tát ấy quyết định chẳng từ bỏ sáu Ba la mật; chẳng từ bỏ mười tám pháp không; chẳng từ bỏ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; chẳng từ bỏ ba mươi bảy pháp trợ đạo; chẳng từ bỏ tứ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; chẳng từ bỏ bốn tịnh lự, chẳng từ bỏ bốn vô lượng, bốn định vô sắc; chẳng từ bỏ tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; chẳng từ bỏ pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; chẳng từ bỏ Bồ tát thập địa; chẳng từ bỏ năm loại mắt, sáu phép thần thông; chẳng từ bỏ pháp môn Tam ma địa, pháp môn Đà la ni; chẳng từ bỏ Phật mười lực, chẳng từ bỏ bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; chẳng từ bỏ pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; chẳng từ bỏ Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; chẳng từ bỏ quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

 

(Luôn luôn hành chánh đạo)

 

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển thường hành Bát nhã Ba la mật, luôn luôn nghĩ: Nếu đại Bồ tát hiểu biết việc ma, chẳng theo việc ma; hiểu biết bạn ác, chẳng nghe lời bạn ác; hiểu biết cảnh giới, chẳng chuyển theo cảnh giới; đại Bồ tát ấy quyết định chẳng từ bỏ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã; chẳng từ bỏ mười tám pháp không; chẳng từ bỏ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác v.v… cho đến chẳng từ bỏ quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Đại Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển khi nghe pháp yếu mà chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã nói, thâm tâm hoan hỷ, cung kính tín thọ, khéo hiểu nghĩa thú; tâm họ kiên cố như kim cương chẳng thể lay chuyển, chẳng thể lung lạc, thường siêng tu học lục Ba la mật, cũng khuyên các hữu tình tinh cần tu học lục Ba la mật. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

 

(Luôn luôn thúc liễm thân tâm, tự mình làm ông chủ cuộc đời mình)

 

Đại Bồ tát ấy dùng tự tướng không, quán tất cả pháp, đã nhập Bồ tát Chánh tánh ly sanh cho đến chẳng tưởng, chẳng thấy, chẳng tin một pháp nhỏ nhặt nào có thể nắm bắt được, nếu không nắm bắt nên không tạo tác, vì không tạo tác, nên rốt ráo chẳng sanh, vì rốt ráo chẳng sanh, nên gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Do chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn như thế, nên gọi là đại Bồ tát bất thối chuyển. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng, mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển. (Q. 327, ĐBN)

 

(Nói tóm lại là luôn luôn tu và hành theo chánh pháp)

 

Thích nghĩa:

(1). Bất thối chuyển: (Phạm: avinivartanìya): Dịch âm: A duy việt trí, A bệ bạt trí, cũng gọi Bất thối chuyển nghĩa là không sa ngã, không lùi bước trước mọi trở lực hay cám dỗ. Bồ tát bất thối: Kinh Đại Bát Nhã quyển 449 nói, vào ngôi Kiến đạo được vô sinh pháp nhẫn, thì không còn rơi vào bậc Nhị thừa, nên được gọi là bất thoái. Còn đứng về phương diện giai vị, trong 52 giai vị Bồ tát (Thập tín vị, Thập trụ vị, Thập hạnh vị, Thập hồi hướng vị, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác) thì trong Thập trụ vị gồm có: Thập tâm trụ: 1- Phát tâm trụ, 2- Trị địa (tâm) trụ, 3- Tu hành (tâm) trụ, 4- Sinh quí (tâm) trụ, 5- Phương tiện (tâm) trụ, 6- Chính tâm trụ, 7- Bất thoái (tâm) trụ, 8- Đồng chân (tâm) trụ, 9- Pháp vương tử (tâm) trụ và 10- Quán đính (tâm) trụ. Ở giai vị thứ bảy: Bất thoái (tâm) trụ nầy, Bồ tát không còn thoái chuyển nữa nên gọi là Bất thoái chuyển Bồ tát.

(2). Nguyên văn bằng chữ Hán trong website Hoavouu. com dịch là:

Phật ngôn  thiện  hiện thị Bồ Tát Ma Ha Tát ư sắc chuyển cố danh bất 退thối chuyển ư thọ tưởng hành thức chuyển cố danh bất 退thối chuyển.”

- Nguyên văn đoạn Kinh bằng chữ Hán này của Website hovouu.com được HT. Thích Trí Nghiêm dịch trong Website tuvienquangduc.com, như sau:

Phật nói:

- Thiện Hiện! Đại Bồ tát này đối sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối thọ tưởng hành thức chuyển nên gọi Bất thối chuyển..”.

- Bản dịch đã nhuận văn trong Website tuvienhoasen.org và quangduc.com: Cũng dịch như trên.

Cả ba bản dịch trên không có gì sai khác. Chỗ làm thắc mắc là câu trả lời của Phật: “Đại Bồ-tát này đối với sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với thọ, tưởng, hành, thức chuyển nên gọi Bất thối chuyển..”.

Thông thường nói đối với sắc bị lôi cuốn, sa ngã thì gọi là thối chuyển, chứ không phải là bất thối chuyển. Nhưng nếu dịch “đối với sắc chuyển nên gọi là bất thối chuyển” (ư sắc chuyển cố danh bất 退thối chuyển”) trở thành khó hiểu. Đó là điểm làm chúng ta thắc mắc. Từ “chuyển” ở đây tùy theo điều kiện hay tình trạng tốt hay xấu mà trở thành thối chuyển hay bất thối chuyển! Hội thứ I cũng dịch như vậy và các Hội kế tiếp cũng dịch như vậy, nên chúng tôi cũng ghi lại như vậy.

Cuối đoạn Kinh này, nói: “Nói rộng ra, đối với tất cả pháp Phật từ tứ Thánh đế cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chuyển nên gọi là bất thối chuyển (chuyển tốt). Vì sao?

Thiện Hiện! Tự tánh sắc vô sở hữu, tự tánh thọ tưởng hành thức vô sở hữu. Như vậy, cho đến tự tánh chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề vô sở hữu. Đại Bồ tát này đối trong chẳng trụ, nên gọi là chuyển. Do chẳng chuyển nên gọi danh Bồ tát Bất thối chuyển. Nếu đại Bồ tát có khả năng biết như thế, đấy gọi Bồ tát Bất thối chuyển”. Đối với tất cả pháp mà chẳng trụ, nên gọi là chuyển. Vì chuyển nên gọi là Bất thối chuyển. Chuyển từ “xấu” sang “tốt” hay ngược lại đều gọi là bất thối chuyển. Phật bảo: “Vì bất chuyển, vì chuyển cũng gọi là bất thối chuyển”. Chính câu nói này có thể gây lẫn lộn. Vì vậy, tùy theo trường hợp mà suy nghĩ, cân nhắc.

(3). Pháp tỳ nại da: Là Kinh Phật nói chung.

(4).  Mười hai công đức đầu đà: Tu hạnh đầu đà nhằm giúp hành giả thanh tịnh thân tâm và giải thoát khỏi tham dục về vật chất cũng như tinh thần như quần áo, thực phẩm, nhà ở hay dục vọng: 1- Mặc áo nạp y hay phấn tảo y (thứ áo khâu lại bằng những mảnh vải mà người ta đã vứt đi), 2- Chỉ có tam y hay ba loại áo Tăng Già Lê, Uất Đa La, và An Đà Hội, 3- Chỉ ăn đồ khất thực, chứ không nhận đồ ăn của người khác mời, 4- Chỉ ăn sáng và bữa ngọ là chính (không ăn sau giờ ngọ, nghĩa là sau 1 giờ chiều), 5- Nhất tọa thực, nghĩa là chỉ ăn đúng buổi chứ không ăn vặt, 6- Tiết Lượng Thực: Ăn uống tiết độ, chỉ được ăn cơm và thức ăn đựng trong bát khất thực của mình, hết thì thôi, chứ không lấy thêm, 7- A Lan Nhã Xứ hay Viễn Ly Xứ, tức là ở nơi đồng không mông quạnh xa hẳn nơi dân cư, 8- Trủng Gian Tọa: Ở nơi mồ mã nghĩa địa, 9- Thụ Hạ Tọa: Ở dưới gốc cây, 10- Lộ Địa Tọa: Ở nơi trống trải không cần có thứ gì che mát, 11- Tùy tọa: Chỗ nào cũng có thể ở được, 12- Thường tọa bất ngọa: Thường ngồi chứ không nằm.

(5). Tám địa ngục: Nguyên văn bản chính bằng chữ Hán đăng trong Website hoavouu.com cũng ghi là bát đại địa ngục”. Phật học Tinh Tuyển định nghĩa và địa ngục như sau: (S: naraka, niraya, p: niraya, 地獄): Âm dịch là Nại Lạc Ca (捺落迦), Na Lạc Ca (那落迦), Nại Lạc (奈落), Nê Lê Da (泥犁耶), Nê Lê (泥犁); ý dịch là Bất Lạc (不樂), Khả Yếm ((可厭), Khổ Cụ (苦具), Khổ Khí (苦器), Vô Hữu (無有); là một trong Ngũ Thú (五趣), Lục Thú (六趣), Ngũ Đạo (五道), Lục Đạo (六道), Thất Hữu (七有), Thập Giới (十界); cho nên có tên gọi là Địa Ngục Đạo (地獄道), Địa Ngục Thú (地獄趣), Địa Ngục Hữu (地獄有), Địa Ngục Giới (地獄界). Địa Ngục hay Âm Gian (陰間) được con người xem như là địa phương nơi linh hồn người chết sẽ trở về sau khi từ giã cõi đời này. Quan niệm về Địa Ngục phân bố thế giới rộng hay hẹp tùy theo quan niệm tín ngưỡng của mỗi tôn giác khác nhau. Theo Phật Giáo, Địa Ngục được chia thành như sau: (1). Tám Địa Ngục Lớn, còn gọi là Tám Địa Ngục Nóng (八熱地獄, Bát Nhiệt Địa Ngục), gồm: Đẳng Hoạt (s: sañjīva, 等活), Hắc Thằng (s: kālasūtra, 黒繩), Chúng Hợp (s: saṅghāta, 眾合), Khiếu Hoán (s: raurava, 叫喚, hay Hiệu Khiếu [號叫] ), Địa Khiếu Hoán (s: mahāraurava, 大叫喚, hay Đại Khiếu [大叫] ), Tiêu Nhiệt (s: tapana, 焦熱, hay Viêm Nhiệt [炎熱]), Đại Tiêu Nhiệt (s: pratapana, 大焦熱), A Tỳ (s: avīci, 阿鼻, hay Vô Gián [無間], A Tỳ Chỉ [阿鼻旨], Bát Vạn [八萬] ). (2) Tám Địa Ngục Lạnh (八寒地獄, Bát Hàn Địa Ngục), gồm: Át Bộ Đà (s: arbuda, 頞部陀), Ni Lạt Bộ Đà (s: nirarbuda, 尼剌部陀), Át Chiết Tra (s: aṭaṭa, 頞哳吒, hay A Tra Tra [阿吒吒]), Hoắc Hoắc Bà (s: hahava, 臛臛婆, hay A Ba Ba [阿波波]), Hổ Hổ Bà (s: huhuva, 虎虎婆), Miệt Bát La (s: utpala, 嗢鉢羅), Bát Đặc Ma (s: padma, 鉢特摩), Ma Ha Bát Đặc Ma (s: mahāpadma, 摩訶鉢特摩). Ngoài ra, trong Tám Địa Ngục Lớn ấy, mỗi Địa Ngục đều có 16 Địa Ngục quyến thuộc (tức 16 Địa Ngục nhỏ), hợp cả Địa Ngục lớn và nhỏ lại, tổng cọng có 136 Địa Ngục. Quán Phật Tam Muội Hải Kinh (觀佛三昧海經) quyển 5 có nêu rõ 18 loại Địa Ngục nhỏ như 18 Địa Ngục Lạnh (十八寒地獄, Thập Bát Hàn Địa Ngục), 18 Địa Ngục Tối Tăm (十八黑闇地獄, Thập Bát Hắc Ám Địa Ngục), 18 Địa Ngục Nóng Ít (十八小熱地獄, Thập Bát Tiểu Nhiệt Địa Ngục), 18 Địa Ngục Vòng Tròn Đao (十八刀輪地獄, Thập Bát Đao Luân Địa Ngục), 18 Địa Ngục Vòng Tròn Kiếm (十八劍輪地獄, Thập Bát Kiếm Luân Địa Ngục), 18 Địa Ngục Xe Lửa (十八火車地獄, Thập Bát Hỏa Xa Địa Ngục), 18 Địa Ngục Phân Sôi (十八沸屎地獄, Thập Bát Phí Thỉ Địa Ngục), 18 Địa Ngục Vạc Nước Sôi (十八鑊湯地獄, Thập Bát Hoạch Thang Địa Ngục), 18 Địa Ngục Sông Tro (十八灰河地獄, Thập Bát Hôi Hà Địa Ngục), 18 Địa Ngục Đá Nhọn (十八尖石地獄, Thập Bát Tiêm Thạch Địa Ngục), 18 Địa Ngục Hang Thép (十八鐵窟地獄, Thập Bát Thiết Quật Địa Ngục), 18 Địa Ngục Uống Nước Đồng (十八飲銅地獄, Thập Bát Ẩm Đồng Địa Ngục), v.v. Có 5 ý nghĩa về từ Vô Gián: (1) Thú Quả Vô Gián (趣果無間, chiêu thọ nghiệp quả không qua đời khác, tức báo ứng ngay đời này); (2) Thọ Khổ Vô Gián (受苦無間, chịu khổ không gián đoạn); (3) Thời Vô Gián (時無間, trong một kiếp, chịu khổ báo không gián đoạn); (4) Mạng Vô Gián (命無間, thọ mạng chịu khổ liên tục, không gián đoạn); (5) Hình Vô Gián (形無間, thân hình của chúng sanh và sự lớn nhỏ của Địa Ngục tương đồng mà không có kẻ hở). Do chúng sanh tạo các loại nghiệp nhân bất đồng, mỗi loại Địa Ngục chiêu cảm quả báo bất đồng. Về vị trí của Địa Ngục, có 3 thuyết khác nhau: (1) Theo Trường A Hàm Kinh (長阿含經) quyển 19, Đại Lâu Thán Kinh (大樓炭經) quyển 2, Phẩm Nê Lê (泥犁品), Địa Ngục nằm chung quanh biển lớn, trong khoảng giữa của Đại Kim Cang Sơn và Đại Kim Cang Sơn thứ hai. (2) Theo Lập Thế A Tỳ Đàm Luận (立世阿毘曇論) quyển 1, Địa Động Phẩm (地動品), Địa Ngục nằm ngoài Thiết Vi Sơn (s: Cakravāḍa-parvata, p: Cakkavāḷa-pabbata, 鐵圍山), chỗ hẹp nhất là 80.000 do tuần; chỗ rộng nhất là 160.000 do tuần. (3) Theo Đại Tỳ Bà Sa Luận (大毘婆沙論) quyển 172, Câu Xá Luận (具舍論) quyển 11, v.v., Vô Gián Địa Ngục nằm cách khoảng 20.000 do tuần dưới Nam Thiệm Bộ Châu (s: Jampudīpa, 南贍部洲); các Địa Ngục khác nằm chồng chất lên nhau theo thứ tự, hay nằm một bên. Hơn nữa, còn có Cô Địa Ngục (孤地獄), Biên Địa Ngục (邊地獄), không lệ thuộc vào các Địa Ngục lớn nhỏ bên trên, hoặc nằm trong Tứ Châu (s: catvāro dvīpāḥ, p: cattāro dīpā, 四洲), bên sông núi, hay dưới lòng đất, trên không, v.v. Trong Di Sơn Nhiên Thiền Sư Phát Nguyện Văn (怡山然禪師發願文) của Truy Môn Cảnh Huấn (緇門警訓, Taishō No. 2023) quyển 6 có đoạn rằng: “Nê Lê khổ thú, Ngạ Quỷ đạo trung; hoặc phóng đại quang minh, hoặc kiến chư thần biến, kỳ hữu kiến ngã tướng, nãi chí văn ngã danh, giai phát Bồ Đề tâm, vĩnh xuất luân hồi khổ (泥犁苦趣餓鬼道中、或放大光明、或見諸神變、其有見我相、乃至聞我名、皆發菩提心、永出輪迴苦, Địa Ngục nẻo khổ, Quỷ Đói đường trong; hoặc phóng ánh quang minh, hoặc thấy các thần biến, nếu có thấy tướng ta, cho đến nghe tên ta, đều phát Bồ Đề tâm, mãi ra luân hồi khổ)”. Hay trong Thiện Huệ Đại Sĩ Lục (善慧大士錄, CBETA No. 1335) quyển 3, phần Đệ Tứ Chương Minh Tướng Hư Dung (第四章明無相虛融) lại có câu: “Như Lai Pháp Thân vô biệt xứ, phổ thông Tam Giới khổ Nê Lê, Tam Giới Nê Lê bổn phi hữu, vi diệu thùy phục đắc tri hề (如來法身無別處。普通三界苦泥犁。三界泥犁本非有。微玅誰復得知蹊, Như Lai Pháp Thân đâu chốn khác, thông cùng Ba Cõi khổ Nê Lê, Ba Cõi Nê Lê vốn không có, vi diệu ai lại biết nẻo về)”. Hoặc như trong Vĩnh Bình Điển Tòa Giáo Huấn (永平典座敎訓) có đoạn: “Ngã nhược sanh Địa Ngục Ngạ Quỷ Súc Sanh Tu La đẳng chi thú, hựu sanh tự dư chi Bát Nạn thú, tuy hữu cầu tăng lực chi phú thân, thủ tự bất khả tác cúng dường Tam-Bảo chi tịnh thực (我若生地獄餓鬼畜生修羅等之趣、又生自餘之八難趣、雖有求僧力之覆身、手自不可作供養三寶之淨食, ta nếu sanh vào các đường Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Tu La, hay sanh vào các đường Tám Nạn khác, tuy có cầu năng lực chư tăng che chở thân, nhưng tay không thể tự mình lấy thức ăn thanh tịnh cúng dường Tam Bảo)”.

 

Lược giải:

 

Mục đích thị hiện của đại Bồ tát vào cuộc đời đầy khốn khổ nầy không phải vì danh lợi mà vì đại từ, đại bi muốn cứu độ chúng sanh, nên Bồ tát thường không để lộ hành tung, lấy sự “mai danh ẩn tích” làm tôn chỉ hành đạo của các Ngài. Vì vậy, Kinh bảo là phải qua hình trạng tướng mạo của các Ngài mới có thể đoán biết ai là Bồ tát bất thối chuyển:

Thường những ai chẳng sanh nơi nhà hạ tiện, nhẫn đến chẳng sanh chỗ bát nạn, chẳng thọ thân bán nam bán n hay thân nữ. Do những hình trạng tướng mạo nầy mà đoán biết đó là bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Do đức từ mà thân, khẩu, ý thành tựu. Nên thân khẩu ý người nầy lúc nào cũng thanh tịnh: Ôn nhu hòa nhã. Do đây mà biết là bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Người nầy chẳng chung cùng với ngũ cái: dâm dục, sân khuể, thùy miên, điệu hối và nghi. Do hình trạng tướng mạo nầy mà biết là bậc Bồ tát bất thối chuyển.

Với tất cả chỗ, tất cả thời người nầy đều không ái trước. Lúc nằm ngồi đi đứng, cất bước, hạ chân, thân tâm luôn an ổn, thường tự chánh niệm, nhất tâm nhìn đất mà bước. Do những hình trạng tướng mạo nầy mà biết là bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Y phục, đồ nằm của người nầy không dơ bẩn hôi hám, thân thể không có hộ trùng, nên ít bệnh tật. Vì công đức của người nầy vượt ngoài thế gian mà được thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh. Do những hình trạng tướng mạo đây mà đoán biết là bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, vì lợi ích cho chúng sanh mà người nầy thực hành bố thí nhẫn đến Bát nhã Ba la mật. Đây gọi là bậc bất thối chuyển Bồ Tát. Người nầy thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm tất cả mười hai bộ Kinh, từ khế Kinh đến luận nghị, lại đem các pháp ấy làm pháp thí cho tất cả chúng sanh, rồi cùng hồi hướng công đức Vô thượng Bồ đề. Đây gọi là bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Người nầy chẳng quý lợi dưỡng. Dầu thực hành mười hai Hạnh Đầu đà mà chẳng quý hạnh Đầu Đà. Người nầy chẳng sanh tâm xan tham, tật đố, ngu si, thường chẳng sanh tâm phá giới, sân động, giải đãi, tán loạn. Do những hình trạng tướng mạo đây mà biết là bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Người nầy tuệ giác kiên cố, có khả năng ngộ nhập sâu xa chánh pháp, tùy theo pháp thế gian và xuất thế đã nghe, đều có khả năng dùng phương tiện hội nhập nghĩa thú Bát nhã Ba la mật. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là Bồ tát Bất thối chuyển.

Nếu ác ma hóa hiện tám đại Địa ngục, trong đó có ngàn ức vạn Bồ Tát đang bị đốt nấu thống khổ. Ác ma bảo đại Bồ Tát nầy rằng: Những người trong Địa ngục đây toàn là bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển đã được đức Phật thọ ký mà đọa vào đây, nếu Ngài được đức Phật thọ ký bậc bất thối chuyển cũng sẽ đọa vào đại Địa ngục nầy. Chi bằng xả bỏ tâm Bồ Tát thì chẳng bị đọa mà sẽ được sanh lên cõi Trời. Dầu thấy nghe như vậy, Bồ Tát nầy vẫn chẳng nao núng, chẳng nghi, chẳng sợ, chẳng thối. Dầu cho ác ma trấn áp, dẫn dụ, khuynh đảo bằng cách nầy hay cách khác, Bồ tát ấy cũng không bị lung lạc, suy thối. Nếu thành tựu các hình trạng tướng mạo như thế, thì nên biết đó là bậc bất thối chuyển.

Người nầy thường hành Bát nhã Ba la mật, luôn luôn nghĩ: Nếu đại Bồ tát theo lời Phật dạy, tinh cần tu học thường chẳng xa lìa diệu hạnh đã nhiếp thọ là bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật; thường chẳng xa lìa tác ý tương ưng với Nhất thiết trí trí; thường dùng phương tiện khuyên các hữu tình tinh cần tu học lục Ba la mật. Đại Bồ tát ấy quyết định chẳng từ bỏ lục Ba la mật; quyết định chẳng từ bỏ 18 pháp không; chẳng từ bỏ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; chẳng từ bỏ 37 pháp trợ đạo, chẳng từ bỏ tứ Thánh đế; chẳng từ bỏ Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí... cho đến quyết định chẳng từ bỏ quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu thành tựu các hình trạng tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Người nầy thường hành Bát nhã Ba la mật và luôn nghĩ: Nếu đại Bồ tát hiểu biết việc ma, chẳng theo việc ma; hiểu biết bạn ác, chẳng nghe lời bạn ác; hiểu biết cảnh giới, chẳng chuyển theo cảnh giới; đại Bồ tát ấy quyết định chẳng từ bỏ lục Ba la mật; quyết định chẳng từ bỏ 18 pháp không; chẳng từ bỏ chơn như pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác v.v… cho đến chẳng bỏ quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu thành tựu các hình, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

Người nầy khi nghe pháp yếu mà chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã nói, thâm tâm hoan hỷ, cung kính tín thọ, khéo hiểu nghĩa thú; lại có tâm kiên cố như kim cương chẳng thể lay chuyển, chẳng thể lung lạc, thường siêng tu học lục Ba la mật, cũng khuyên các hữu tình tinh cần tu học lục Ba la mật. Nếu thành tựu các hình, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển.

 

Kết luận:

 

“Đại Bồ tát Bất thối chuyển ấy dùng tự tướng không, quán tất cả pháp, đã nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ tát cho đến chẳng tưởng, chẳng thấy, chẳng tin một pháp nhỏ nào có thể nắm bắt được, nên không có tạo tác, vì không có tạo tác, nên rốt ráo chẳng sanh, vì rốt ráo chẳng sanh, nên gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Do chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn như thế, nên gọi là đại Bồ tát bất thối chuyển. Nếu thành tựu các hình, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ tát bất thối chuyển”. (Q.327, ĐBN)

Đây chỉ tóm tắt Kinh, chẳng có gì gọi là chiết giải. Tất cả pháp tự nói lên nghĩa thú của nó. Ai đọc qua đều có thể hiểu, chỉ cần lược tóm để nhớ! Điều quan trng đối với kẻ tu hành chân chánh là tự mình phải kiểm soát thúc liễm thân tâm để làm mẫu mực, làm thân giáo cho các kẻ khác! Thân giáo là một trong các pháp bố thí cao nhất. Bồ tát Chánh tánh ly sanh, Bồ tát vô sanh pháp nhẫn hay Bồ tát bất thối chuyển cũng chỉ là danh tự do người khác gán cho mình! Tự tu hành để đạt chánh hạnh chính là cái cao cả cần phải làm chẳng phải để biểu dương.

 

---o0o—