Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

Hội thứ I - 15. Phẩm "Biện Đại Thừa"

 



Nguồn:  https://quangduc.com/

PHẨM “BIỆN ĐẠI THỪA”

 

Phần sau quyển 51 cho đến phần đầu quyển 56, Hội thứ I, ĐBN.

 Gợi ý:

Nếu so sánh Kinh ĐBN với Kinh MHBNBLMĐ, thì phẩm “Biện Đại thừa” của Kinh ĐBN bằng 4 phẩm của Kinh MHBNBLMĐ cộng lại:

1. Phần sau quyển 51 đến gần cuối quyển 52,  phẩm “Biện Đại Thừa” của Kinh ĐBN tương đương với phẩm “Vấn Thừa”của  Kinh MHBNBLMĐ.

2. Phần cuối quyển 52 cho đến cuối quyển 53, phẩm “Biện Đại Thừa” của Kinh ĐBN tương đương với phẩm “Quảng Thừa” của Kinh MHBNBLMĐ.

3. Phần cuối quyển 53 cho đến hết phần đầu quyển 55, phẩm “Biện Đại Thừa” của Kinh ĐBN tương đương với phẩm “Phát Thú” của Kinh MHBNBLMĐ.

4. Phần sau quyển 55 cho đến phần đầu quyển 56, phẩm “Biện Đại Thừa”của Kinh ĐBN tương đương với phẩm “Xuất Đáo” của Kinh MHBNBLMĐ.

Kinh ĐBN chỉ có một phẩm tên là “Biện Đại Thừa” nhưng lại bằng bốn  phẩm “Vấn Thừa”, “Quảng Thừa”, “Phát Thú” và “Xuất Đáo” của Kinh MHBNBLMĐ nhập lại.

Thông thường chúng tôi theo sự phân chia này để chiết giải. Nhưng ở đây chúng tôi không làm như vậy, mà chúng tôi dựa vào câu hỏi và câu trả lời trong phần đầu của phẩm “Biện Đại Thừa” giữa cụ thọ Thiện Hiện và Phật để chiết giải cho phù hợp với Kinh văn.

Cũng nên nói trước rằng phẩm “Biện Đại Thừa” đa số nói nhiều về các pháp mầu Phật đạo mà chúng ta đã từng trì tụng trong phần thứ I Tổng luận rồi. Nếu độc giả đã nghiên cứu kỹ phần thứ I Tổng luận rồi, thì đọc tụng phẩm này chẳng có gì khó khăn!

 

Tóm lược:

 

Toàn phẩm “Biện Đại Thừa” nằm trong câu hỏi sau đây của Cụ thọ Thiện Hiện (phần sau quyển 51, ĐBN):

“Bạch Thế Tôn! Làm sao biết được tướng Đại thừa của đại Bồ tát? Làm sao biết được sự phát tâm hướng đến Đại thừa của đại Bồ tát? Đại thừa đó từ đâu mà ra, đến trụ ở nơi nào, Đại thừa ấy làm thế nào mà trụ, Ai nương Đại thừa ấy mà xuất hiện?”

Xin chú ý: Câu hỏi này được Phật chia làm ba đoạn khác nhau để trả lời:

 

1. Đoạn một:

Để trả lời cho câu hỏi: “Làm sao biết tướng Đại thừa của đại Bồ tát?” Ta có thể chia phần này làm hai phân đoạn:

1- Phân đoạn một:

Phần sau quyển 51 đến gần cuối quyển 52, Hội thứ I, ĐBN, (tương đương với phẩm “Vấn Thừa” quyển thứ 05, MHBNBLMĐ).

Phật trả lời Cụ thọ: “Sáu pháp Ba la mật, mười tám pháp không và các tam muội là tướng Đại thừa của đại Bồ tát”.

 

1/. Sáu pháp Ba la mật(1):

 

- Nếu đại Bồ tát phát tâm tương ưng với Nhất thiết trí trí và lấy đại bi làm đầu, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tự bố thí tất cả sở hữu trong ngoài(tiền của và thân mạng), cũng khuyên người khác bố thí sở hữu trong ngoài. Duy trì thiện căn này, cùng với tất cả hữu tình đồng hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao, thì đó là Bố thí Ba la mật của đại Bồ tát.

- Nếu đại Bồ tát phát tâm tự an trú mười thiện nghiệp đạo, cũng khuyên người khác an trú muời thiện nghiệp đạo, duy trì thiện căn này, cùng với tất cả hữu tình, đồng hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao, thì đó là tịnh giới Ba la mật của đại Bồ tát.

- Nếu đại Bồ tát phát tâm tự viên mãn an nhẫn, cũng khuyên người khác viên mãn an nhẫn, duy trì thiện căn này, cùng với tất cả hữu tình, đồng hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao, thì đó là an nhẫn Ba la mật của đại Bồ tát.

- Nếu đại Bồ tát phát tâm đối với sáu phép Ba la mật, tự siêng năng tu tập chẳng dừng nghỉ, cũng khuyên người khác đối với sáu phép Ba la mật, siêng năng tu tập chẳng dừng nghỉ, duy trì thiện căn này, cùng với tất cả hữu tình, đồng hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao, thì đó là tinh tấn Ba la mật của đại Bồ tát.

- Nếu đại Bồ tát phát tâm tự mình có thể khéo léo nhập vào các tịnh lự, vô lượng, vô sắc, hoàn toàn chẳng theo thế lực ấy mà thọ sanh, cũng có thể khuyên người khác nhập vào các tịnh lự, vô lượng, vô sắc, duy trì thiện căn này, cùng với tất cả hữu tình, đồng hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao, thì đó là tịnh lự Ba la mật của đại Bồ tát.

- Nếu đại Bồ tát phát tâm tương ưng với Nhất thiết trí trí và lấy đại bi làm đầu, lấy vô sở đắc làm phương tiện, có khả năng tự quán sát như thật tất cả pháp tánh, đối với các pháp tánh, không có sự chấp trước, cũng khuyên người khác quán sát như thật tất cả pháp tánh, đối với các pháp tánh, không có sự chấp trước, duy trì thiện căn này, cùng với tất cả hữu tình, đồng hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao thì đó là Bát nhã Ba la mật của đại Bồ tát.

Nên biết, đó là tướng Đại thừa của đại Bồ tát.

 

2/. Mười tám pháp không(2)là tướng Đại thừa của đại Bồ tát. Đó là:

 

- Nội không: Nội nghĩa là nội pháp, tức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Trong đó, nhãn gắn liền với cái không của nhãn. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý gắn liền với cái không của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là nội không.

- Ngoại không: Ngoại nghĩa là ngoại pháp, tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Trong đó, sắc gắn liền với cái không của sắc. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Thanh, hương, vị, xúc, pháp gắn liền với cái không của thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là ngoại không.

- Nội ngoại không: Nội ngoại nghĩa là nội, ngoại pháp, tức là nội lục xứ, ngoại lục xứ. Trong đó, nội lục xứ gắn liền với cái không của ngoại lục xứ. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Ngoại lục xứ gắn liền với cái không của nội lục xứ. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là nội, ngoại không.

- Không không: Không nghĩa là tất cả pháp đều không. Cái không này gắn liền với cái không của không. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là không không.

- Đại không: Đại nghĩa là mười phương, tức là Đông, Nam, Tây, Bắc, Tứ vi, Thượng, Hạ. Trong đó, phương Đông gắn liền với cái không của phương Đông. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Phương Nam, Tây, Bắc, Tứ vi, Thượng, Hạ gắn liền với cái không của phương Nam, Tây, Bắc, Tứ vi, Thượng, Hạ. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là đại không.

- Thắng nghĩa không: Thắng nghĩa nghĩa là Niết bàn. Thắng nghĩa này gắn liền với cái không của thắng nghĩa. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là thắng nghĩa không.

- Hữu vi không: Hữu vi nghĩa là Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới. Trong đó, Dục giới gắn liền với cái không của Dục giới. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Sắc, Vô Sắc giới gắn liền với cái không của Sắc, Vô Sắc giới. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là hữu vi không.

- Vô vi không: Vô vi nghĩa là không sanh, không trụ, không dị, không diệt. Vô vi này gắn liền với cái không của vô vi. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là vô vi không.

- Tất cánh không: Tất cảnh nghĩa là cái rốt cùng của các pháp, chẳng thể nắm bắt được. Cái rốt cùng này gắn liền với cái không rốt cùng. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là tất cánh không.

- Vô tế không: Vô tế nghĩa là không có ranh giới giữa cái khởi đầu, ở giữa và sau cùng, có thể nắm bắt được, và không có cái ranh giới giữa đi và đến, có thể nắm bắt được. Vô tế này gắn liền với cái không của vô tế. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là vô tế không.

- Tán không: Tán nghĩa là có buông, có bỏ, có xả, có thể nắm bắt được. Tán này gắn liền với cái không của tán. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là tán không.

- Vô biến dị không: Vô biến dị nghĩa là không buông, không bỏ, không xả, có thể nắm bắt được. Cái vô biến dị này gắn liền với cái không của vô biến dị. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là vô biến dị không.

- Bản tánh không: Bản tánh nghĩa là bản tánh của tất cả pháp, hoặc tánh của pháp hữu vi, hoặc tánh của pháp vô vi, đều chẳng phải Thanh văn làm ra, chẳng phải Độc giác làm ra, chẳng phải Bồ tát làm ra, chẳng phải Như Lai làm ra, cũng chẳng phải ai khác làm ra. Bản tánh này gắn liền với cái không của bản tánh. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là bản tánh không.

- Tự tướng không: Tự tướng nghĩa là tự tướng của tất cả pháp, như biến ngại là tự tuớng của sắc, lãnh nạp là tự tướng của thọ, thủ tượng là tự tướng của tưởng, tạo tác là tự tướng của hành, liễu biệt là tự tướng của thức; hoặc là tự tướng của pháp hữu vi, hoặc là tự tướng của pháp vô vi, cũng như vậy. Tự tướng này gắn liền với cái không của tự tướng. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là tự tướng không.

- Cộng tướng không: Cộng tướng nghĩa là tướng chung của tất cả pháp. Như khổ là cộng tướng của pháp hữu lậu, vô thường là cộng tướng của pháp hữu vi; không, vô ngã là cộng tướng của tất cả pháp, có vô lượng cộng tướng như vậy. Cộng tướng này gắn liền với cái không của cộng tướng. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là cộng tướng không.

- Nhất thiết pháp không: Nhất thiết pháp nghĩa là pháp năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, hoặc là pháp hữu sắc, vô sắc, hữu kiến, vô kiến, hữu đối, vô đối, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi. Nhất thiết pháp này gắn liền với cái không của nhất thiết pháp. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là nhất thiết pháp không.

- Bất khả đắc không: Bất khả đắc nghĩa là trong tất cả pháp này, chẳng thể nắm bắt được, hoặc quá khứ chẳng thể nắm bắt được, vị lai chẳng thể nắm bắt được, hiện tại chẳng thể nắm bắt được; hoặc trong quá khứ không có vị lai hiện tại, có thể nắm bắt được; hoặc trong vị lai không có quá khứ, hiện tại, có thể nắm bắt được; hoặc trong hiện tại không có quá khứ, vị lai, có thể nắm bắt được. Bất khả đắc này gắn liền với cái không của bất khả đắc. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Thiện Hiện! Đó là bất khả đắc không.

- Vô tánh không: Vô tánh nghĩa là không có một mảy may tánh có thể nắm bắt được. Vô tánh này gắn liền với cái không của vô tánh. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là vô tánh không.

- Tự tánh không: Tự tánh nghĩa là tự tánh năng hòa hợp của các pháp. Tự tánh này gắn liền với cái không của tự tánh. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là tự tánh không.

- Vô tánh tự tánh không: Vô tánh tự tánh nghĩa là các pháp không có tánh năng hòa hợp nhưng có tự tánh sở hòa hợp. Vô tánh tự tánh này gắn liền với cái không của vô tánh tự tánh. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Đó là vô tánh tự tánh không.

Hữu tánh gắn liền với cái không của hữu tánh; vô tánh gắn liền với cái không của vô tánh; tự tánh gắn liền với cái không của tự tánh; tha tánh gắn liền với cái không của tha tánh.

Thế nào là hữu tánh gắn liền với cái không của hữu tánh?

- Hữu tánh nghĩa là năm uẩn. Hữu tánh này gắn liền với cái không của hữu tánh. Vì tánh sanh của năm uẩn chẳng thể nắm bắt được. Đó là hữu tánh gắn liền với cái không của hữu tánh.

Thế nào là vô tánh gắn liền với cái không của vô tánh?

- Vô tánh nghĩa là vô vi. Vô tánh này gắn liền với cái không của vô tánh. Đó là vô tánh gắn liền với cái không của vô tánh.

Thế nào là tự tánh gắn liền với cái không của tự tánh?

- Nghĩa là tự tánh của tất cả pháp đều là không. Không này chẳng phải do trí làm ra, chẳng phải do kiến làm ra, cũng chẳng phải do cái gì khác làm ra. Đó là tự tánh gắn liền với cái không của tự tánh.

Thế nào là tha tánh gắn liền với cái không của tha tánh?

- Nghĩa là hoặc Phật xuất thế, hoặc chẳng xuất thế, tất cả pháp, pháp trụ, pháp định, pháp tánh, pháp giới, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, chơn như, tánh bất hư vọng, tánh bất biến dị, thật tế, đều gắn liền với tha tánh nên là không. Đó là tha tánh gắn liền với cái không của tha tánh.

Nên biết, đó là tướng Đại thừa của đại Bồ tát.

 

3/. Các tam muội(3) cũng gọi là tướng Đại thừa của Bồ tát.

 

Đó là Tam ma địa Kiện hành, Tam ma địa Bảo ấn, Tam ma địa Sư tử du hý, Tam ma địa Diệu nguyệt, Tam ma địa Nguyệt tràng tướng, Tam ma địa Nhất thiết pháp dũng, Tam ma địa Quán đỉnh, Tam ma địa Pháp giới quyết định, Tam ma địa Quyết định tràng tướng, Tam ma địa Kim cang dụ, Tam ma địa Nhập pháp ấn, Tam ma địa Vương, Tam ma địa Thiện an trú, Tam ma địa Thiện lập định vương, Tam ma địa Phóng quang, Tam ma địa Vô vong thất, Tam ma địa Phóng quang vô vong thất, Tam ma địa Tinh tấn lực, Tam ma địa Trang nghiêm lực, Tam ma địa Đẳng dũng, Tam ma địa Nhập nhất thiết ngôn từ quyết định, Tam ma địa Nhập nhất thiết danh tự quyết định, Tam ma địa Quán phương, Tam ma địa Tổng trì ấn, Tam ma địa Chư pháp đẳng thú hải ấn, Tam ma địa Vương ấn, Tam ma địa Biến phú hư không, Tam ma địa Kim cang luân, Tam ma địa Tam luân thanh tịnh, Tam ma địa Vô lượng quan, Tam ma địa Vô trước vô chướng, Tam ma địa Đoạn chư pháp luân, Tam ma địa Khứ xả trân bửu, Tam ma địa Biến chiếu, Tam ma địa Bất thuấn, Tam ma địa Vô tướng trụ, Tam ma địa Bất tư duy, Tam ma địa Hàng phục tứ ma, Tam ma địa Vô cấu đăng, Tam ma địa Vô biên quang, Tam ma địa Phát quang, Tam ma địa Phổ chiếu, Tam ma địa Tịnh kiên định, Tam ma địa Sư tử phấn tấn, Tam ma địa Sư tử tần thân, Tam ma địa Sư tử khiếm khư, Tam ma địa Vô cấu quang, Tam ma địa Diệu lạc, Tam ma địa Điển đăng, Tam ma địa Vô tận, Tam ma địa Tối thắng tràng tướng, Tam ma địa Đế tướng, Tam ma địa Thuận minh chánh lưu, Tam ma địa Cụ oai quang, Tam ma địa Ly tận, Tam ma địa Bất khả động chuyển, Tam ma địa Tịch tịnh, Tam ma địa Vô hà khích, Tam ma địa Nhật đăng, Tam ma địa Tịnh nguyệt, Tam ma địa Tịnh nhãn, Tam ma địa Tịnh quang, Tam ma địa Nguyệt đăng, Tam ma địa Phát minh, Tam ma địa Ưng tác bất ưng tác, Tam ma địa Trí tướng, Tam ma địa Kim cang man, Tam ma địa Trụ tâm, Tam ma địa Phổ minh, Tam ma địa Diệu an lập, Tam ma địa Bửu tích, Tam ma địa Diệu pháp ấn, Tam ma địa Nhất thiết pháp bình đẳng tánh, Tam ma địa Khí xả trần ái, Tam ma địa Pháp dũng viên mãn, Tam ma địa Nhập pháp đỉnh, Tam ma địa Bửu tánh, Tam ma địa Xả huyên tránh, Tam ma địa Phiêu tán, Tam ma địa Phân biệt pháp cú, Tam ma địa Quyết định, Tam ma địa Vô cấu hạnh, Tam ma địa Tự bình đẳng tướng, Tam ma địa Ly văn tự tướng, Tam ma địa Đoạn sở duyên, Tam ma địa Vô biến dị, Tam ma địa Vô phẩm loại, Tam ma địa Nhập danh tướng, Tam ma địa Vô sở tác, Tam ma địa Nhập quyết định danh, Tam ma địa Vô tướng hạnh, Tam ma địa Ly ế ám, Tam ma địa Cụ hành, Tam ma địa Bất biến động, Tam ma địa Độ cảnh giới, Tam ma địa Tập nhất thiết công đức, Tam ma địa Vô tâm trụ, Tam ma địa Quyết định trụ, Tam ma địa Tịnh diệu hoa, Tam ma địa Cụ giác chi, Tam ma địa Vô biên biện, Tam ma địa Vô biên đăng, Tam ma địa Vô đẳng đẳng, Tam ma địa Siêu nhất thiết pháp, Tam ma địa Quyết phán chư pháp,  Tam ma địa Tản nghi, Tam ma địa Vô sở trụ, Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm, Tam ma địa Dẫn phát hành tướng, Tam ma địa Nhất hành tướng, Tam ma địa Ly chư hành tướng, Tam ma địa Diệu hạnh, Tam ma địa Đạt chư hữu để viễn ly, Tam ma địa Nhập nhất thiết thi thiết ngữ ngôn, Tam ma địa Kiên cố bảo, Tam ma địa Ư nhất thiết pháp vô sở thủ trước, Tam ma địa Điển diệm trang nghiêm, Tam ma địa Trừ khiển, Tam ma địa Vô thắng, Tam ma địa Pháp cự, Tam ma địa Tuệ đăng, Tam ma địa Thú hướng bất thối chuyển thần thông, Tam ma địa Giải thoát âm thanh văn tự, Tam ma địa Cự sí nhiên, Tam ma địa Nghiêm tịnh tướng, Tam ma địa Vô tướng, Tam ma địa Vô trược nhẫn tướng, Tam ma địa Cụ nhất thiết diệu tướng, Tam ma địa Cụ tổng trì, Tam ma địa Bất hỷ nhất thiết khổ lạc, Tam ma địa Vô tận hành tướng, Tam ma địa Nhiếp phục nhất thiết chánh tà tánh, Tam ma địa Đoạn tắng ái, Tam ma địa Ly vi thuận, Tam ma địa Vô cấu minh, Tam ma địa Cực kiên cố, Tam ma địa Mãn nguyệt tịnh quang, Tam ma địa Đại trang nghiêm, Tam ma địa Vô nhiệt điển quang, Tam ma địa Năng chiếu nhất thiết thế gian, Tam ma địa Năng cứu nhất thiết thế gian, Định bình đẳng tánh, Tam ma địa Vô trần hữu trần bình đẳng lý thú, Tam ma địa Vô tránh hữu tránh bình đẳng lý thú, Tam ma địa Vô sào huyệt vô tiêu xí vô ái lạc, Tam ma địa Quyết định an trụ chơn như, Tam ma địa Khí trung dũng xuất, Tam ma địa Thiêu chư phiền não, Tam ma địa Đại trí tuệ cự, Tam ma địa Xuất sanh thập lực, Tam ma địa Khai xiển, Tam ma địa Hoại thân ác hạnh, Tam ma địa Hoại ngữ ác hạnh, Tam ma địa Hoại ý ác hạnh, Tam ma địa Thiện quán sát, Tam ma địa Như hư không, Tam ma địa Vô nhiễm trước như hư không. Có vô lượng trăm ngàn Tam ma địa như vậy, là tướng Đại thừa của đại Bồ tát.(4)

Thích nghĩa cho phân đoạn 1-  này:

1):  (2). (3). và (4). Các mục này đã thích nghĩa ở phần thứ I Tổng luận nói về “Các Pháp Mầu Phật Đạo” rồi. Bây giờ  chỉ giải thích riêng cho mục (3) và (4) thôi:

(3). Tam Muội(Phạm, Pàli: Samàdhi, cũng gọi Tam ma địa, Tam ma đề. Hán dịch: Đẳng trì, Định, Chính định, Định ý, Điều trực định, Chính tâm hành xứ). Chỉ cho trạng thái thiền định, an trú tâm ở một chỗ, một cảnh. Trong Kinh Phật, từ Samàdhi được dịch là Đẳng trì thời, đẳng là giữ cho tâm được bình đẳng an lành, không để cho lao xao, lay động; trì là chuyên tâm ở một cảnh, không tán loạn, gọi là Tâm nhất cảnh tính. Việc tu hành cốt yếu là chuyên tâm chú ý ở một chỗ, không để tán loạn mà phải giữ cho tâm an tĩnh, trạng thái này gọi là Tam muội. Khi đạt đến trạng thái Tam muội thì liền phát khởi trí tuệ mà khai ngộ chân lý, vì thế khi dùng Tam muội này tu hành mà đạt được cảnh giới Phật thì gọi là Tam muội phát đắc hoặc phát định. (Phỏng theo Từ điển Phật Quang).

(4). Có cả trăm ngàn tam muội như vậy, không thể liệt kê hết, chúng tôi chỉ lược tóm một số các Tam ma địa tượng trưng như trên. Kinh chỉ tán tụng về công dụng mầu nhiệm của các Tam muội này hơn là trình bày kỹ thuật tu tập và phương pháp hành trì, nên chúng tôi chỉ nói phớt qua. Học tất cả Phật pháp và luôn luôn sống trong chánh định thì đạt được các Tam muội này chăng? Khi chú ý tập trung cao độ thì có thể đạt được tất cả các định và các Tam muội cũng như các thần thông. Đọc phẩm “Bồ Tát Thường Đề”, quyển 398, Hội thứ I, ĐBN sẽ có dịp thấy vị Bồ tát này tại sao phát các định, các Tam muội và các thần thông.

 

Lược giải:

(Cho phân đoạn một)

 

Nói tóm lược, tướng Đại thừa của đại Bồ tát là: Sáu pháp Ba la mật, 18 pháp không và các Tam muội. Nếu Bồ tát không tu hành đầy đủ các pháp trên thì không được gọi là Bồ tát, nói chi đến việc hoàn thành đại nguyện.

 

- Sáu pháp Ba la mật là phương pháp, là kỹ thuật tu hành (của tam vô lậu học) và cũng là giáo lý phát xuất từ Tứ vô lượng tâm: Đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Không có Bồ tát, không có Phật, không có Đại thừa, không có Phật đạo nếu không có sáu Ba la mật và vì vậy sáu pháp này được coi là đáo bỉ ngạn, nghĩa là đưa chúng sanh từ bờ triền phược bên này sang bờ giải thoát bên kia! Hầu như bất cứ phẩm nào trong Đại Bát Nhã 600 quyển, đều xiển dương sáu Ba la mật này. Nhưng đặc biệt hơn nữa là Kinh Đại Bát Nhã gồm 16 Hội, sáu Hội cuối cùng trước khi bế mạc giảng thuyết về Đại Bát Nhã (từ Hội thứ XI cho đến Hội thứ XVI) đã diễn nói về lục Ba la mật này. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của 6 pháp tu này trong việc tầm cầu Giác ngộ.

 

- Mười tám pháp không là giáo lý căn bản của Tánh Không, ai thông hiểu nó thì có thể tháo gỡ được gông cùm phiền não của những tương ưng ma sự và chứng đắc Giác ngộ, được Chánh giác và Nhất thiết trí trí.

 

- Còn các Tam ma địa giúp tâm định tĩnh. Khi tâm đạt được trạng thái này thì phát khởi trí tuệ. Trí và Bi lúc nào cũng đi đôi với nhau giống như hai bánh xe, phải đồng nhau thì xe mới có thể chạy được.

Phần thứ I Tổng luận đã giải thích quá tỉ mỉ về các pháp tu này, nên ở đây không cần luận giải thêm nữa. Nếu muốn ôn tập, xin quay lại phần thứ I Tổng luận.

 

2- Phân đoạn hai:

 

Phần cuối quyển 52 cho đến cuối quyển 53, Kinh ĐBN, tương đương với phẩm “Quảng Thừa” quyển thứ 06, MHBNBLMĐ: Tất cả pháp mầu Phật đạo là tướng Đại Thừa của đại Bồ tát:

- Tướng Đại thừa của đại Bồ Tát, chính là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

Trong nội thân, theo thân quán sát, cũng không có thân giác, tuy quán như vậy mà không có sở đắc.

Trong ngoại thân, theo thân quán sát, cũng không có thân giác, tuy quán như vậy mà không có sở đắc.

Trong nội ngoại thân, theo thân quán sát, cũng không có thân giác, tuy quán như vậy mà không có sở đắc.

Đại Bồ Tát quán thân, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian.

Nội thọ, nội tâm, nội pháp, ngoại thọ, ngoại tâm, ngoại pháp, nội ngoại thọ, nội ngoại tâm, nội ngoại pháp, đại Bồ Tát theo thọ tâm pháp quán sát, cũng không có thọ giác, tâm giác, pháp giác, tuy quán như vậy mà không có sở đắc. Đại Bồ Tát quán thân, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian.

Thế nào là đại Bồ Tát trong nội thân theo thân quán sát?

Lúc đại Bồ Tát đi thời biết là đi, lúc đứng thời biết là đứng, lúc ngồi thời biết là ngồi, lúc nằm thời biết là nằm. Thân hành động thế nào thời biết như vậy. Đây là trong nội thân, đại Bồ Tát theo thân quán sát, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian, tuy quán như vậy mà không có sở đắc(1).

Đại Bồ Tát lúc đến, lúc đi, lúc nhìn ngó, co duỗi, cúi ngửa, lúc đắp y, cầm bát, lúc ăn uống, lúc nằm nghỉ, ngủ thức, đứng ngồi, nói  nín, lúc nhập thiền, xuất thiền cũng thường nhất tâm. Đây là trong nội thân, đại Bồ Tát theo thân quán sát lúc thực hành Bát nhã Ba la mật, tuy quán như vậy mà không có sở đắc(2).

Trong nội thân, lúc theo thân quán sát, đại Bồ Tát nhất tâm niệm, lúc thở vào biết là thở vào, lúc thở ra biết là thở ra, lúc thở vào dài thời biết là thở vào dài, lúc thở ra dài thời biết là thở ra dài, lúc thở vào vắn thời biết là thở vào vắn, lúc thở ra vắn thời biết là thở ra vắn. Đây là trong nội thân, đại Bồ Tát theo thân quán sát, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian, tuy quán như vậy mà không có sở đắc(3).

Đại Bồ Tát quán sát thân tứ đại nghĩ rằng trong thân thể có địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại. Ví như nhà hành thịt dùng dao bén giết bò chia làm bốn phần rồi hoặc đứng hoặc ngồi quán sát bốn phần thịt bò nầy. Cũng vậy đại Bồ Tát lúc thực hành Bát nhã Ba la mật quán sát thân thể bốn đại: Phong, thủy, hỏa, thổ đại. Đây là trong nội thân, đại Bồ Tát theo thân quán sát, tuy quán như vậy mà không có sở đắc(4).

Đại Bồ Tát lại quán sát thân thể từ đảnh đầu đến chân, da mỏng bao bọc nhiều thứ bất tịnh đầy trong thân. Nghĩ rằng thân thể có tóc, lông, móng, răng, da mỏng, da dầy, gân, thịt, xương, tủy, tim, gan, phổi, tùy, cật, mật, tiểu trường, đại trường, bao tử, bàng quang, phân dãi, mồ hôi, cáu ghét, nước mắt, nước mũi, nước miếng, máu, mủ, đàm, nhớt, não óc. Ví như trong kho của nhà nông chứa lộn lạo đầy những lúa, nếp, mè , đậu, bắp v.v… Người có đôi mắt sáng mở kho liền thấy rõ là lúa, là nếp, là mè, là đậu, là bắp v.v…(5)

                                                                          

- Đại Bồ Tát quán sát trong thân từ đầu đến chân thấy rõ từng chi tiết bất tịnh, để trừ bệnh luyến ái thân xác, đó là tướng Đại thừa của đại Bồ tát.

Tướng Đại thừa của đại Bồ tát là “cửu tưởng quán”(skt:Nivasamjna): Loại thiền quán về xác chết, người quán pháp nầy thường hay đến ven rừng để quan sát “lâm thi” biến hoại trong 9 giai đoạn, để thấy rõ sự tan rã ghê tởm của xác thân mà trừ được bệnh dâm dục:

1- Quán xác sình lên(skt: Vyadhmatakasamjna ): Tưởng thây vừa mới chết và bắt đầu sình lên,

2- Quán xác đổi sắc bầm tím (skt: Vinilakas) : Tưởng thây chết đổi sắc bầm xanh tím.

3- Quán xác rút nhỏ lại(skt: Vipadumakas): Tưởng thây đang hoại diệt

4- Quán xác rỉ máu(skt: Vilohitakas ): Tưởng thây sình bấy nứt rã và rỉ máu,

5- Quán xác bị phủ đầy máu mủ(skt: Vipuyakas): Tưởng thây chết sình lên đầy dẫy máu mủ, sắp rã,

6- Quán xác bị thú ăn(skt: Vikhaditakas): Tưởng thây rã ra từng khúc, làm mồi cho chim thú,

7- Quán xác bị rã ra từng phần (skt: Viksiptakas): Tưởng thây đang tan rã ra từng phần,

8- Quán xác chỉ còn lại xương trắng (skt: Asthis): Tưởng nắng chan mưa gội, thây nay chỉ còn trơ lại một bộ xương trắng,

9- Quán tro còn lại (skt: Vidagdhakas): Tưởng xương tiêu mục theo thời gian, nay chỉ còn trơ lại một nhúm tro.

- Tướng Đại thừa của đại Bồ tát là 37 pháp trợ đạo: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ đề phần, Bát chánh đạo phần, đó là tướng Đại thừa của đại Bồ tát.

- Tướng Đại thừa của đại Bồ tát là tam Tam ma địa. Nếu đại Bồ tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, lấy vô sở đắc làm phương tiện, quán tự tướng của tất cả pháp đều là không, tâm được an trụ, thì gọi là pháp môn giải thoát không, giải thoát vô tướng, giải thoát vô nguyện, đó là tướng Đại thừa của đại Bồ tát.

- Tướng Đại thừa của đại Bồ tát chính là khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sanh trí, pháp trí, tỉ trí, thế trí, tha tâm trí, và như thật trí. (Q. 53, ĐBN)

1- Nếu trí lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết khổ nên chẳng thọ sanh, thì đó là khổ trí.

2- Nếu trí lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết tập nên đoạn trừ vĩnh viễn, thì đó là tập trí.

3- Nếu trí lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết diệt nên tác chứng, thì đó là diệt trí.

4- Nếu trí lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết đạo nên tu tập, thì đó là đạo trí.

5- Nếu trí lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết tham, sân, si hết, thì đó là tận trí.

6- Nếu trí lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết cõi đến của chúng sanh chẳng tái sanh, thì đó là vô sanh trí.

7- Nếu trí lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết sự chuyển biến tướng sai biệt của năm uẩn v.v... thì đó là pháp trí.

8- Nếu trí lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết uẩn giới, xứ và các duyên khởi, hoặc tổng, hoặc biệt là vô thường v.v... thì đó là tỉ trí(loại trí).

9- Nếu trí lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết tất cả pháp là danh tự giả thiết, thì đó là thế tục trí.

10- Nếu trí lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết tâm, tâm sở của hữu tình và tu hành chứng diệt, thì đó là tha tâm trí.

11- Nhất thiết trí, Nhất thiết tướng của Như Lai, đó là như thật trí.

- Tướng Đại thừa của đại Bồ tát là ba Vô lậu căn. Đó là vị tri đương tri căn, dĩ tri căn, cụ tri căn.

1/.- Thế nào là vị tri đương tri căn? Nếu các hành giả, đối với các Thánh đế, chưa được hiện quán, chưa được Thánh quả, nhưng có tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, thì đó gọi là vị tri đương tri căn.

2/.- Thế nào là dĩ tri căn? Nếu các hành giả đối với các Thánh đế đã được hiện quán, đã được Thánh quả, lại có tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, thì đó gọi là dĩ tri căn.

3/.- Thế nào là cụ tri căn? Các hành giả, hoặc là A la hán, hoặc là Độc giác, hoặc là Bồ tát đã trụ thập địa, hoặc là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, có tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, thì đó gọi là cụ tri căn.

Ba căn như vậy, nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, thì nên biết đó là tướng Đại thừa của đại Bồ tát.

- Tướng Đại thừa của đại Bồ tát là mười tùy niệm, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín thứ đệ định, mười biến xứ v.v... có bao nhiêu thiện pháp, nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, thì nên biết đó là tướng Đại thừa của đại Bồ tát.

- Tướng Đại thừa của đại Bồ tát là mười lực của Phật. Đó là xứ phi xứ trí lực, nghiệp dị thục trí lực, chủng chủng giới trí lực, chủng chủng thắng giải trí lực, căn thắng liệt trí lực, biến hành hành trí lực, tịnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí tạp nhiễm thanh tịnh trí lực, túc trụ tùy niệm trí lực, tử sanh trí lực, lậu tận trí lực.

- Tướng Đại thừa của đại Bồ tát là tám pháp Phật bất cộng, pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả. Tứ vô sở úy, tứ vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, năm loại mắt, sáu phép thần thông, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Với các pháp như vậy, nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, thì nên biết đó là tướng Đại thừa của đại Bồ tát.(6)

- Tướng Đại thừa của đại Bồ tát là các pháp môn văn tự Đà la ni(7). Tánh bình đẳng của văn tự, tánh bình đẳng của ngôn ngữ, tánh bình đẳng của ngôn thuyết lý thú, nhập vào các pháp môn văn tự, đó là pháp môn văn tự Đà la ni.

Nếu đại Bồ tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, lấy vô sở đắc làm phương tiện, thì do nhập vào pháp môn chữ "Khả" nên ngộ tất cả pháp vốn bất sanh; do nhập vào pháp môn chữ "Lạc" nên ngộ tất cả pháp lìa cấu trần; do nhập vào pháp môn chữ "Bả" nên ngộ thắng nghĩa giáo của tất cả pháp; do nhập vào pháp môn chữ "Giả" nên ngộ tính không sanh tử của tất cả pháp; do nhập vào pháp môn chữ "Na" nên ngộ tính vô đắc thất xa lìa danh tướng của tất cả pháp; do nhập vào pháp môn chữ "Lả" nên ngộ tính xuất thế gian của tất cả pháp, nhân duyên của ái vĩnh viễn chẳng hiện; do nhập vào pháp môn chữ "Đà" nên ngộ tính điều phục, tịch tịnh, chơn như, bình đẳng, vô phân biệt của tất cả pháp; do nhập vào pháp môn chữ "Bà" nên ngộ tính lìa ràng buộc của tất cả pháp; do nhập vào pháp môn chữ "Trà" nên ngộ tính lìa nóng nảy, kiêu mạn, cấu uế của tất cả pháp, được thanh tịnh; do nhập vào pháp môn chữ "Sa" nên ngộ tính vô quái ngại của tất cả pháp; do nhập vào pháp môn chữ "Phược" nên ngộ tính ngôn âm đạo đoạn của tất cả pháp; do nhập vào pháp môn chữ "Đả" nên ngộ tính chơn như bất động của tất cả pháp; do nhập vào pháp môn chữ "Dã" nên ngộ tính như thật bất sanh của tất cả pháp; do nhập vào pháp môn chữ "Sắc tra" nên ngộ tướng chế phục nhậm trì của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Ca" nên ngộ tác giả của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Ta", nên ngộ tánh bình đẳng về thời gian của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Ma", nên ngộ tánh ngã và ngã sở của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Già" nên ngộ tính hành thủ của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Tha" nên ngộ tính của tất cả pháp xứ sở là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Xà" nên ngộ sự sanh khởi tính của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Thấp phược", nên ngộ tánh an ổn của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Đạt" nên ngộ tính giới của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Xả", nên ngộ tánh tịch tịnh của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Khư", nên ngộ tánh như hư không của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Sạn", nên ngộ tánh cùng tận của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Tát đả" nên ngộ tính nhậm trì xứ phi xứ khiến chẳng động chuyển của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Nhã", nên ngộ tánh được biết rõ của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Lặc tha", nên ngộ tánh chấp trước nghĩa của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Kha", nên ngộ tánh nguyên nhân của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Bạc", nên ngộ tánh có thể phá hoại của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Xước", nên ngộ tánh che khuất của dục lạc của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Táp ma", nên ngộ tánh có thể nhớ nghĩ của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Hạp phược", nên ngộ tánh có thể mời gọi của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Ta", nên ngộ tánh dõng kiện của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Kiện", nên ngộ tánh bình đẳng rộng lớn của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Soai", nên ngộ tánh chứa nhóm của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Nõa" nên ngộ lìa tất cả việc tranh cải ồn ào, không lại, không qua, đi, đứng, nằm, ngồi của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Phả" nên ngộ quả báo đầy đủ cùng khắp của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Tắt ca", nên ngộ tánh tích tụ chứa nhóm của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Dật Ta", nên ngộ tánh tướng già suy của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Chước" nên ngộ dấu vết của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Tra", nên ngộ tánh bức bách xua đuổi nhau của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được; do nhập vào pháp môn chữ "Trạch" nên ngộ chỗ cứu cánh của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Pháp môn văn tự như vậy là có khả năng ngộ nhập đến tận cùng pháp không; trừ văn tự như vậy, còn cái biểu thị về cái không của các pháp lại chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì ý nghĩa của văn tự như vậy chẳng thể nói ra được, chẳng thể hiển thị được, chẳng thể chấp thủ, chẳng thể ghi chép giữ gìn, chẳng thể quán sát, vì lìa các tướng.

Giống như hư không là nơi qui thú của tất cả vật, các pháp môn văn tự này, cũng lại như vậy. Nghĩa không các pháp đều nhập vào pháp môn này mới được rõ bày.

Nhập vào chữ "Khả" này v.v… gọi là nhập vào các pháp môn văn tự. Nếu đại Bồ tát đối với việc nhập vào các pháp môn văn tự như vậy thì đạt được trí thiện xảo, đối với sự nói năng, sự phô diễn, sự tiêu biểu của các thứ âm thanh, ngôn ngữ đều không bị trở ngại; đối với tánh bình đẳng không của tất cả pháp, có khả năng chứng đắc và duy trì hết; đối với các thứ âm thanh, ngôn ngữ đều được thông suốt.

Nếu đại Bồ tát có khả năng nghe và nhập vào tướng ấn, cú ấn của các pháp môn văn tự như vậy, nghe rồi thọ trì, đọc tụng rành rọt, vì người khác giảng giải, chẳng ham danh lợi thì do nhân duyên này mà đạt được hai mươi thứ công đức thù thắng. Những gì là hai mươi? Đó là được nghĩ nhớ dai, được tàm quí hơn hết, được sức kiên cố, được chỉ thú của pháp, được sự hiểu biết tăng thượng, được trí tuệ thù thắng, được biện tài vô ngại, được pháp môn tổng trì, được sự không nghi hoặc, được sự không giận hay ưa đối với lời nói nghịch thuận, được an trú trong sự bình đẳng không cao thấp, được sự thông suốt đối với âm thanh ngôn ngữ của hữu tình, được uẩn hoàn hảo, xứ hoàn hảo, giới hoàn hảo, được duyên khởi hoàn hảo, nhân hoàn hảo, duyên hoàn hảo, pháp hoàn hảo, được trí hoàn hảo phân biệt sự thắng liệt của căn, được trí hoàn hảo biết tâm người khác, được sự quán sát khéo léo về tinh tú niên lịch, được trí thiên nhĩ hoàn hảo, trí túc trụ tùy niệm hoàn hảo, trí thần cảnh hoàn hảo, trí hoàn hảo biết sống chết, được trí lậu tận hoàn hảo, được trí hoàn hảo nói về xứ phi xứ(8), được oai nghi hoàn hảo, qua lại trên đường.

Đó là được hai mươi công đức thù thắng.

Nếu đại Bồ tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đạt được pháp môn văn tự Đà la ni, thì nên biết đó là tướng Đại thừa của đại Bồ tát.

Thích nghĩa cho phân đoạn hai này:

(1). Đi, đứng, nằm, ngồi: Tức nói về “tứ oai nghi” của Bồ tát. Bồ tát lúc nào cũng sống trong chánh định, sống trong rõ ràng thường biết, nên có thể tự kiểm soát, thúc liễm thân tâm.

(2). Đây ý nói về động thân, Bồ tát lúc nào cũng có thể kiểm soát hành vi và tư tưởng của chính mình.

(3). Đây nói về “Quán sổ tức”: Tức phương pháp tập định bằng cách đếm hơi thở hay theo dõi hơi thở ra vào để nhiếp tâm.

(4). Đây đề cập đến lối quán tưởng gọi là “Quán giới phân biệt”, Kinh chỉ đề cập là hành giả quán về tứ đại, nhưng lối quán này còn nới rộng đến thập bát giới. Quán giới phân biệt là vận dụng trí tuệ để quan sát, nhận định từng phạm vi, từng giới hạn của thập bát giới từ căn, trần, thức cốt để xem cái ngã có thật, có trường tồn, bất biến hay không?

(5). Đây muốn nói đến pháp “Quán thân bất tịnh”: Đó là quán tưởng về cái dơ bẩn, nhơ nhớp, hôi tanh… của thân xác con người, nhằm đối trị bệnh luyến ái sắc dục. 

(6). Đây là tất cả các pháp môn Phật học, còn gọi là các thiện pháp, các pháp hy hữu, tư lương Bồ đề Bồ tát, Bồ tát đạo… đã tóm lược trong phần thứ I Tổng luận dưới danh mục “các pháp mầu Phật đạo”.

(7). Văn tự Đà la ni: Kinh có đề cập và liệt kê, tuy nhiên cũng giống như các Tam muội là nói lên cái thù thắng của nó, nhưng kinh không nêu ra phương pháp học tập cũng như kỹ thuật hành trì. Vì vậy, chúng tôi cũng chỉ nói phớt qua.

(8). Xứ phi xứ: Cũng gọi Tri thị xứ phi xứ trí lực, Thị xứ phi xứ lực. Xứ nghĩa là đạo lý, tức là Như lai biết rõ đúng như thực đối với tất cả nhân duyên quả báo, nếu tạo nghiệp thiện thì biết nhất định được quả báo vui, gọi là Tri thị xứ; nếu tạo nghiệp ác mà được quả báo vui thì không có đạo lý(xứ) này, nên gọi là Tri phi xứ.

 

Lược giải:

(cho phân đoạn hai)

 

Được coi là tướng Đại thừa của đại Bồ tát là các Bồ tát đã từng học, từng hành các pháp như: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ đề phần, bát chánh đạo phần (tức 37 pháp trợ đạo); ba giải thoát môn (không, vô tướng, vô tác); mười một trí; tam căn (vị tri dục tri căn, tri căn và trí giả căn); tam tam muội (hữu giác hữu quán tam muội, vô giác hữu quán tam muội và vô giác vô quán tam muội); thập niệm; tứ thiền; tứ vô lượng tâm; tứ vô sắc định; bát bội xả và cửu thứ đệ định; thập lực; tứ vô sở úy; tứ vô ngại giải; thập bát bất cộng pháp; các Đà la ni môn; tự mô; a tự môn…

Tất cả các pháp trên được gọi là các thiện pháp, các diệu pháp, các pháp hy hữu, các pháp mầu Phật đạo, đạo Bồ đề, tư lương Bồ đề Bồ tát hay Bồ tát đạo.

 

Quyển 468, phẩm “Nhiều Đức Tướng”, Hội thứ I, ĐBN do ngài Huyền Trang dịch, được lặp lại một lần nữa để nói lên tầm quan trọng của các Thánh pháp như sau:

Phật bảo Thiện Hiện: “Này Thiện Hiện! Thánh pháp của các Bồ tát là sáu Ba la mật, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, pháp môn Đà la ni, pháp môn Tam ma địa của Bồ tát, năm loại mắt, sáu phép thần thông, Như Lai mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, các pháp vô lậu…

Kết quả của thánh pháp là cảnh giới đại Niết bàn, quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề của Phật. Lại nữa Thiện Hiện! Thánh pháp của các Bồ tát là trí của quả Dự lưu, trí của quả Nhất lai, trí của quả Bất hoàn, trí của quả A la hán, trí của quả Độc Giác Bồ đề, trí của quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật; trí của tứ niệm xứ cho đến tám thánh đạo phần; trí của pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; trí của bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; trí của tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; trí của bố thí Ba la mật cho đến Bát nhã Ba la mật; trí của tất cả pháp môn Đà la ni, pháp môn Tam ma địa; trí của Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; trí của pháp nội Không cho đến vô tính tự tính Không; trí của chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì; trí của Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; trí của năm loại mắt, sáu phép thần thông; trí của Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa; trí của Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; trí của ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; trí của pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; trí của Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; trí của pháp thiện và pháp ác; trí của pháp hữu ký, pháp vô ký; trí của pháp hữu lậu, pháp vô lậu; trí của pháp thế gian và pháp xuất thế gian; trí của pháp hữu vi và pháp vô vi; đó là Thánh pháp”.

Kết quả của Thánh pháp là dứt trừ vĩnh viễn tất cả tập khí phiền não tương tục”.

Lưu ý:

Phần thứ I Tổng luận nói về “các pháp mầu Phật đạo” đã giải thích tường tận các pháp tu này, quý vị có thể quay lại ôn tập nếu muốn.

 

2. Đoạn hai:

Cuối quyển 53 cho đến phần đầu quyển 55,Hội thứ I, ĐBN

(tương đương với quyển thứ 06, phẩm “Phát Thú”, MHBNBLMĐ).

 (Thuyết về thập địa Bồ tát):

 

Chắc độc giả còn nhớ câu hỏi đầu tiên của cụ thọ Thiện Hiện trong phẩm Biện Đại Thừa này: Làm sao biết được sự phát tâm hướng đến Đại thừa của đại Bồ tát?

Đoạn kinh này Phật trả lời câu hỏi của cụ thọ Thiện Hiện:“Thiện Hiện! Nếu đại Bồ tát, khi tu hành sáu pháp Ba la mật, từ một địa vị tiến đến một địa vị, thì nên biết đó là đại Bồ tát phát tâm(1) hướng đến Đại thừa”?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu đại Bồ tát biết tất cả pháp không từ đâu đến, cũng chẳng đến đâu. Vì sao? Vì tất cả pháp không đi không đến, không chỗ khởi hành, không có đích để đến, vì các pháp ấy không biến hoại, đại Bồ tát ấy, đối với chỗ khởi hành và chỗ đến, chẳng ỷ lại, chẳng tư duy, tuy tu sửa nghiệp ở bậc của mình mà chẳng thấy bậc ấy, thì này Thiện Hiện, đó là đại Bồ tát, khi tu hành sáu pháp Ba la mật, từ một địa vị tiến đến một địa vị.

Thế nào là đại Bồ tát tu sửa nghiệp ở bậc của mình từ bậc Cực hỷ địa, bậc Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm huệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa, cho tới Pháp vân địa?

 

1- Đại Bồ tát khi trụ Cực hỷ địa(Phạm: Pramuditàbhùmi), còn gọi là Hoan hỷ địa, nên khéo tu trị mười món thắng nghiệp: Tu trị tịnh thắng ý lạc nghiệp, tu trị tất cả hữu tình bình đẳng tâm nghiệp, tu trị bố thí nghiệp, tu trị thân cận thiện hữu nghiệp, tu trị cầu pháp nghiệp, tu trị thường vui xuất gia nghiệp, tu trị ưa vui thân Phật nghiệp, tu trị mở rộng pháp giáo nghiệp, tu trị phá kiêu mạn nghiệp, tu trị lời hằng chắc chắn ngữ nghiệp, vì tánh của tất cả ngữ ngôn bất khả đắc vậy.

 

Thế nào là 10 món thắng nghiệp?

Đại Bồ tát tu sửa nghiệp ý lạc thù thắng thanh tịnh là lấy tâm tương ưng Nhất thiết trí trí, tu tập tất cả thiện căn.

Đại Bồ tát tu tu trị tất cả hữu tình bình đẳng tâm nghiệp là lấy tâm tương ưng Nhất thiết trí trí dẫn phát bốn thứ vô lượng: Từ, bi, hỷ, xả.

Đại Bồ tát tu trị bố thí nghiệp là đối với tất cả hữu tình không có phân biệt mà hành bố thí.

Đại Bồ tát tu trị thân cận thiện hữu nghiệp là thấy các thiện hữu khuyến hóa hữu tình, khiến họ tu tập Nhất thiết trí trí, liền thân cận cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, thăm hỏi, thọ lãnh chánh pháp, ngày đêm vâng lời, phụng sự, tâm không lười mỏi.

Đại Bồ tát tu sửa nghiệp cầu pháp làlấy tâm tương ưng Nhất thiết trí, cần cầu Chánh pháp Vô Thượng của Như Lai, chẳng rơi vào các bậc Thanh văn, Độc giác. 

Đại Bồ tát tu trị thường vui xuất gia nghiệp là ở tất cả nơi chốn sanh ra, thường chán sự tạp nhạp ồn ào của lao ngục gia đình, thường ưa vui với Phật pháp, thanh tịnh xuất gia, không gì có thể ngăn trở.

Đại Bồ tát tu sửa nghiệp ưa mến thân Phật làchỉ thoáng thấy hình tượng Phật rồi cho đến khi chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, hoàn toàn chẳng xả tác ý nghĩ nhớ đến Phật.

Đại Bồ tát tu sửa nghiệp triển khai giáo pháp làkhi Phật còn tại thế hay sau khi nhập Niết bàn, vì các hữu tình truyền khai giáo pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng sau đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất viên mãn, phạm hạnh trong sạch, đó là mươi hai thể loại kinh từ khế kinh… cho đến luận nghị.

Đại Bồ tát tu sửa nghiệp phá bỏ kiêu mạn làthường giữ khiêm tốn, cung kính điều phục tâm kiêu mạn, do đó chẳng sanh vào dòng họ hạ tiện.

Đại Bồ tát tu sửa nghiệp ngôn ngữ chắc thật thường hằng lànói ra tương xứng với sự hiểu biết, lời nói và việc làm hợp nhau, thì đó là đại Bồ tát tu sửa nghiệp ngôn ngữ chắc thật thường hằng.

 

2- Đại Bồ tát khi trụ đệ nhị Ly cấu địa(Phạm: Vimalàbhùmi), còn gọi là Vô cấu địa, nên đối tám pháp suy nghĩ tu tập, khiến mau viên mãn: Cấm giới thanh tịnh, biết ơn trả ơn, trụ sức an nhẫn, thọ thắng vui mừng, chẳng bỏ hữu tình, hằng khởi đại bi, đối các Sư trưởng đem tâm kính tin, thưa hỏi, vâng lời, cúng dường, tưởng như thờ Phật, siêng cầu tu tập Ba la mật-đa.

 

Thế nào là tám pháp cần phải suy nghĩ tu tập?

Đại Bồ tát giữ cấm giới thanh tịnh làchẳng khởi tác ý Thanh văn, Độc giác và các việc khác về phá giới, chướng ngại, giác ngộ.

Đại Bồ tát tri ân báo ân làkhi tu hành Bồ tát hạnh, đối với ơn nhỏ còn chẳng quên báo đáp, huống là đối với ân huệ lớn mà chẳng báo đền.

Đại Bồ tát trụ sức an nhẫn, dù có các hữu tình đến xúc phạm, hủy nhục, nhưng đối với họ không có tâm tức giận, làm hại.

Đại Bồ tát thọ hoan hỷ thù thắng là khigiáo hóa hữu tình đã được thành thục, thân tâm vui vẻ, hưởng niềm hoan hỷ thù thắng, thì đó là đại Bồ tát thọ hoan hỷ thù thắng.

Đại Bồ tát chẳng bỏ hữu tình làcứu độ hữu tình, tâm hằng chẳng bỏ.

Đại Bồ tát hằng khởi đại bi làkhi tu hành Bồ tát hạnh, khởi lên ý nghĩ thế này: Ta vì nhiêu ích tất cả hữu tình, giả sử trải qua vô lượng vô số trăm ngàn kiếp, ở trong đại địa ngục chịu các khổ kịch liệt, hoặc thiêu hoặc nấu, hoặc chém hoặc chặt, hoặc đâm hoặc treo, hoặc xay hoặc giã, chịu vô lượng sự khổ như vậy. Cho đến vì muốn khiến họ nương nơi Phật thừa mà nhập Niết bàn, nhưng tâm đại bi của đại Bồ tát chưa từng mệt mỏi. Đó là đại Bồ tát hằng khởi đại bi.

Đại Bồ tát đối với các Sư trưởng đem tâm kính tín, thăm hỏi, phụng sự, cúng dường tưởng như phụng sự Phật,vì cầu quả vị Giác ngộ tối cao, cung thuận Sư trưởng, không để tâm đến điều gì khác.

Đại Bồ tát cần cầu tu tập Ba la mật, đối với các Ba la mật chuyên tâm cầu học, xa lìa các việc khác, thì đó là đại Bồ tát cần cầu tu tập Ba la mật.

 

3- Đại Bồ tát khi trụ đệ tam Phát quang địa(Phạm: Prabhàkarìbhùmi),còn gọi là Minh địa, nên trụ năm pháp: Siêng cầu đa văn từng không nhàm đủ, đem tâm vô nhiễm thường tu pháp thí, tuy khai hóa rộng mà chẳng tự cao, trang nghiêm cõi Tịnh độ, trồng các căn lành, tuy dụng hồi hướng mà chẳng tự cử(2), hóa độ hữu tình nhưng chẳng nhàm mỏi trong vô biên sanh tử mà chẳng tự cao, an trụ tàm quí (tự mình biết hổ thẹn và biết hổ thẹn với người khác) nên không chấp đắm Nhị thừa.

Thế nào là nên trụ năm pháp?

Đại Bồ tát cần cầu đa văn, thường không chán nản, không cho là đủ, đối pháp được nghe chẳng đắm vào văn tự, phát khởi sự siêng năng tinh tấn, nghĩ rằng: Đối với Chánh pháp của Phật ở cõi này hoặc chư Phật Thế Tôn ở mười phương thế giới đã nói, ta đều nghe, tu tập đọc tụng, thọ trì, nhưng đối với những giáo pháp ấy, chẳng đắm trước văn tự.

Đại Bồ tát lấy tâm vô nhiễm thường hành pháp thí, tuy mở rộng giáo hóa nhưng chẳng tự cao, vì các hữu tình tuyên thuyết chánh pháp nhưng chẳng tự dùng thiện căn này hồi hướng quả vị Giác ngộ, huống là cầu việc khác; tuy hóa đạo nhiều mà chẳng tự thị, thì đó là đại Bồ tát lấy tâm vô nhiễm thường hành pháp thí, tuy mở rộng giáo hóa nhưng chẳng tự cao.

Đại Bồ tát vì nghiêm tịnh cõi nước, trồng các căn lành, tuy để hồi hướng nhưng chẳng tự đề cao, dõng mãnh tinh tấn tu các căn lành, vì muốn trang nghiêm các cõi Phật thanh tịnh và làm thanh tịnh tâm của mình và người, tuy làm việc như vậy mà chẳng tự cao, thì đó là đại Bồ tát vì nghiêm tịnh cõi nước, trồng các căn lành, tuy là để hồi hướng mà chẳng tự đề cao.

Đại Bồ tát vì giáo hóa hữu tình, tuy chẳng chán nản mệt mỏi với sanh tử vô biên, nhưng chẳng tự cao, vì muốn thành thục tất cả hữu tình, trồng các căn lành, nghiêm tịnh cõi Phật, cho đến khi chưa được viên mãn Nhất thiết trí trí, tuy chịu sự cần khổ của vô biên sanh tử, nhưng không chán nản mỏi mệt, cũng chẳng tự cao.

Đại Bồ tát tuy trụ tàm quí nhưng không đắm trước, chuyên cầu quả vị Giác ngộ tối cao, đối với ý nghĩ Thanh văn, Độc giác đầy đủ tàm quí, hoàn toàn chẳng móng khởi, nhưng ở trong đó, cũng không đắm trước, thì đó là đại Bồ tát, tuy trụ tàm quí nhưng không đắm trước.

 

4- Đại Bồ tát khi trụ đệ tứ Diệm huệ địa(Phạm: Prabhàkarìbhùmi), gọi là Tăng diệu địa, nên trụ mười pháp thường tu chẳng bỏ: Ở chỗ vắng lặng, ít muốn, biết đủ(3), thường chẳng bỏ lìa Đỗ đa công đức(4), đối các chỗ học chưa từng nới bỏ, đối các dục lạc sanh nhàm lìa, thường vui phát khởi tâm tịch diệt, lìa bỏ các vật sở hữu, tâm chẳng chìm đắm, đối với các sở hữu vô sở cố luyến.

 

Thế nào là trụ 10 pháp chẳng bỏ?

Đại Bồ tát trụ nơi thanh vắng thường chẳng rời bỏ là vì cầu quả vị Giác ngộ tối cao, vượt lên các bậc Thanh văn, Độc giác v.v... thường chẳng rời bỏ nơi thanh vắng.

Đại Bồ tátthiểu dục là đối với quả vị Giác ngộ còn chẳng tự mong cầu, huống là muốn tiếng khen lợi dưỡng v.v… của thế gian, thì đó là đại Bồ tát thiểu dục.

Đại Bồ tát hỷ túc là chỉ vì chứng đắc Nhất thiết trí trí, nên đối với các việc khác không đắm trước, thì đó là đại Bồ tát hỷ túc.

Đại Bồ tát thường chẳng rời bỏ công đức đầu đà, đối với pháp thâm diệu, khởi lên sự kiên nhẫn, quán sát kỹ lưỡng, thì đó là đại Bồ tát, thường chẳng rời bỏ công đức đầu đà.

Đại Bồ tát đối với các học xứ chưa từng xả bỏ, đối với giới đã học, giữ vững chẳng sai lệch, nhưng ở trong đó, thường chẳng chấp tướng.

Đại Bồ tát đối với các dục lạc sanh nhàm chán sâu sắc, xa lìa, đối với dục lạc ngọt ngào hấp dẫn, chẳng khởi dục tâm.

Đại Bồ tát thường hay phát khởi tâm tịch diệt vốn có, đạt được tất cả pháp nhưng không hề khởi tác.

Đại Bồ tát bỏ các sở hữu, đối với pháp nội ngoại, không hề chấp thủ.

Đại Bồ tát tâm chẳng ngưng trệ chìm đắm, đối với các thức đã trụ chưa từng khởi tâm, thì đó là đại Bồ tát tâm chẳng ngưng trệ chìm đắm.

Đại Bồ tát, đối với các vật sở hữu, không tham luyến đoái hoài, không kỳ vọng thì đó là đại Bồ tát đối với các sở hữu không có sự tham luyến đoái hoài.

 

5- Đại Bồ tát khi trụ đệ ngũ Cực nan thắng địa(Phạm: Sudurjayàbhùmi), còn gọi là Nan thắng địa, nên xa lìa mười pháp: Xa lìa cư gia, nên xa lìa nữ tu sĩ, xa lìa nhà tham lam ganh ghét, nên xa lìa chỗ hội đàm gây gổ giận hờn, xa lìa khen mình chê người, xa lìa mười đạo bất thiện nghiệp, xa lìa tăng thượng mạn, xa lìa điên đảo, xa lìa do dự, xa lìa tham sân si.

 

Thế nào là chẳng xa lìa 10 pháp?

Đại Bồ tát xa lìa nhà ở, muốn đến các cõi Phật, tùy theo nơi sanh ra, thường ưa xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thọ trì bình bát, khoác ba pháp y, hiện làm Sa môn, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa nhà ở.

Đại Bồ tát phải xa lìa Bí sô ni, chẳng cùng ở chung dù trong khoảnh khắc, đối với họ cũng lại chẳng khởi dị tâm.

Đại Bồ tát phải xa lìa nhà keo kiệt, khởi lên ý nghĩ: Ta một đời tận tụy, làm việc lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình, khiến các hữu tình này do phước lực của họ mà cảm được nhà thí chủ tốt đẹp, cho nên ta ở trong đó, chẳng nên tham lam, tật đố, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa nhà keo kiệt.

Đại Bồ tát phải xa lìa chúng hội tranh chấp giận dữ, khởi lên ý nghĩ thế này: Nếu ở trong chúng hội, mà trong chúng đó, hoặc có Thanh văn, Độc giác, nói thừa ấy là tương ưng với pháp yếu, khiến ta thối thất tâm đại Bồ đề, vì thế nhất định phải xa lìa chúng hội; lại khởi lên ý nghĩ thế này: Các kẻ tranh chấp giận dữ có thể khiến hữu tình phát khởi sân hại, tạo tác đủ các loại nghiệp ác bất thiện, việc ấy còn trái với đường thiện, huống là đại Bồ đề, vì thế nhất định phải xa lìa sự tranh chấp giận dữ.

Đại Bồ tát phải xa lìa việc tự khen mình chê người, đối với pháp nội, ngoại, đều không thấy có, nên xa lìa việc khen mình chê người.

Đại Bồ tát phải xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện, khởi lên ý nghĩ thế này: Mười pháp ác này, còn trở ngại đường thiện, Nhị thừa, Thánh đạo, huống là vị đại Giác ngộ, cho nên phải xa lìa.

Đại Bồ tát phải xa lìa sự ngạo mạn tăng thượng, vì chẳng thấy có pháp có thể khởi ngạo mạn, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa sự ngạo mạn tăng thượng.

Đại Bồ tát phải xa lìa điên đảo. Nếu đại Bồ tát quán việc điên đảo hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa điên đảo.

Đại Bồ tát phải xa lìa do dự. Nếu đại Bồ tát quán việc do dự hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ tát nên xa lìa do dự.

Đại Bồ tát phải xa lìa tham, sân, si. Nếu đại Bồ tát hoàn toàn chẳng thấy có việc tham, sân, si, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa tham, sân, si.

 

6- Đại Bồ tát khi trụ đệ lục Hiện tiền địa(Phạm: Abhimukhìbhùmi), còn gọi là Mục kiến địa, nên viên mãn sáu pháp Ba la mật: Nên viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát Nhã. Lại nên xa lìa sáu pháp: Nên xa lìa tâm Thanh văn, xa lìa tâm Độc giác, xa lìa tâm nóng nảy, thấy kẻ hành khất đến tâm chẳng buồn chán, xả vật sở hữu tâm không ăn năn, đối với kẻ đến cầu xin trọn chẳng dối gạt.

 

Thế nào là viên mãn sáu pháp Ba la mật?

Đại Bồ tát viên mãn sáu pháp Ba la mật, vượt lên các bậc Thanh văn và Độc giác, lại trụ sáu pháp Ba la mật tnày, Phật và Nhị thừa có khả năng vượt qua năm thứ bờ biển sở tri. Những gì là năm? Một là quá khứ, hai là vị lai, ba là hiện tại, bốn là vô vi, năm là bất khả thuyết, thì đó là lý do đại Bồ tát phải viên mãn sáu pháp Ba la mật.

Đại Bồ tát phải xa lìa tâm Thanh văn, nếu đại Bồ tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm của các Thanh văn chẳng phải thứ tâm chứng đạo đại Giác ngộ Vô thượng, cho nên phải xa lìa, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa tâm Thanh văn.

Đại Bồ tát phải xa lìa tâm Độc giác, nếu đại Bồ tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm của các Độc giác nhất định chẳng có khả năng chứng đắc Nhất thiết trí trí, cho nên ta nay phải xa lìa nó, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa tâm Độc giác.

Đại Bồ tát phải xa lìa tâm nhiệt não, nếu đại Bồ tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm sợ hãi sanh tử nhiệt não, chẳng phải là tâm chứng đắc đạo Giác ngộ tối cao, cho nên phải xa lìa, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa tâm nhiệt não.

Đại Bồ tát thấy kẻ ăn xin đến, tâm chẳng nhàm chán lo lắng nếu đại Bồ tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm nhàm chán lo lắng này đối với đại Bồ đề, chẳng có khả năng chứng đạo, nên ta nay nhất định phải xa lìa, thì đó là lý do đại Bồ tát thấy kẻ ăn xin đến, tâm chẳng nhàm chán lo lắng.

Đại Bồ tát bỏ các vật sở hữu không tâm hối tiếc, nếu đại Bồ tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm hối tiếc này đối với việc chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao nhất định là chướng ngại nên ta phải bỏ, thì đó là lý do đại Bồ tát phải bỏ các vật sở hữu, không có tâm hối tiếc.

Đại Bồ tát đối với người đến cầu xin, hoàn toàn chẳng kiêu mạn, dối gạt nếu đại Bồ tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm kiêu mạn dối gạt này, nhất định chẳng phải là đạo Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì đại Bồ tát khi mới phát tâm cầu quả vị giác ngộ, có phát thệ rằng: Hễ ta có vật gì đều cho người đến xin, tùy theo ý muốn, không làm lơ, nhưng tại sao bây giờ lại kiêu ngạo, dối gạt họ, thì đó là lý do đại Bồ tát đối với người đến xin, hoàn toàn chẳng kiêu ngạo dối gạt.

 

7- Đại Bồ tát khi trụ đệ thất Viễn hành địa(Phạm: Dùraôgamàbhùmi), còn gọi là Thâm hành địa, nên xa lìa hai mươi pháp: Nên xa lìa chấp ngã, chấp hữu tình cho đến chấp tri giả, kiến giả, nên xa lìa chấp đoạn, xa lìa chấp thường, nên xa lìa chấp tướng, xa lìa chấp nhân thảy kiến, xa lìa chấp danh sắc, xa lìa chấp uẩn, xa lìa chấp xứ, xa lìa chấp giới, xa lìa chấp đế (Tứ đế), xa lìa chấp duyên khởi, xa lìa chấp ở đắm ba cõi, xa lìa chấp tất cả pháp, xa lìa chấp đối tất cả pháp như lý bất như lý, xa lìa kiến chấp nương vào Phật,xa lìa kiến chấp nương vào Pháp, xa lìa kiến chấp nương vào Tăng, xa lìa kiến chấp nương vào giới, xa lìa sợ hãi pháp không, xa lìa chống trái không tánh. Lại nên viên mãn hai mươi pháp nữa: Nên viên mãn thông đạt không, nên viên mãn chứng vô tướng, nên viên mãn biết vô nguyện, nên viên mãn ba luân thanh tịnh, nên viên mãn thương xót hữu tình và đối hữu tình không chấp đắm, nên viên mãn thấy tất cả pháp bình đẳng, nên viên mãn thấy tất cả hữu tình bình đẳng, nên viên mãn thông đạt chơn thật lý thú (tuy như thật thông mà không chỗ thông đạt và với trong ấy không lấy không trụ), nên viên mãn trí vô sanh nhẫn, viên mãn thuyết tất cả pháp nhất tướng lý thú, nên viên mãn diệt trừ phân biệt, nên viên mãn xa lìa các tưởng, nên viên mãn xa lìa các kiến, nên viên mãn xa lìa phiền não, nên viên mãn sa ma tha, tỳ bát xá na (chỉ quán), nên viên mãn điều phục tâm tánh, nên viên mãn vắng lặng tâm tánh, nên viên mãn vô ngại trí tánh, nên viên mãn không bị ái nhiễm, nên viên mãn tùy lòng mong muốn đến các cõi Phật, ở trong chúng hội Phật ấy tự hiện thân ra.

 

Thế nào là nên xa lìa 20 pháp?

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp ngã, chấp hữu tình cho đến chấp cái biết, chấp cái thấy, nếu đại Bồ tát quán ngã, hữu tình cho đến cái biết, cái thấy, rốt ráo chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa chấp ngã, chấp hữu tình cho đến chấp cái biết, cái thấy.

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp đoạn, nếu đại Bồ tát quán nghĩa rốt ráo của tất cả pháp là bất sanh, vô đoạn, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa chấp đoạn.

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp thường, nếu đại Bồ tát quán tánh của tất cả pháp là vô thường, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa chấp thường.

Đại Bồ tát phải xa lìa tướng tưởng, nếu đại Bồ tát quán tánh tạp nhiễm chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa tướng tưởng.

Đại Bồ tát phải xa lìa kiến chấp về nhân thảy kiến, nếu đại Bồ tát hoàn toàn chẳng thấy có tánh các kiến, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa kiến chấp về nhân thảy kiến.

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp danh sắc, nếu đại Bồ tát quán tánh của danh sắc hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được.

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp uẩn, nếu đại Bồ tát quán tánh của năm uẩn hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được.

Đại Bồ tát xa lìa chấp xứ, nếu đại Bồ tát quán tánh của mười hai xứ hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được.

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp giới, nếu đại Bồ tát quán tánh của mười tám giới v.v... hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được.

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp đế, nếu đại Bồ tát quán tánh của các đế hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được.

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp duyên khởi, nếu đại Bồ tát quán tánh của các duyên khởi, chẳng thể nắm bắt được.

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp sự trụ trước tam giới, nếu đại Bồ tát quán tánh của tam giới hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được.

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp tất cả pháp, nếu đại Bồ tát quán tánh của các pháp đều như hư không, hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa tất cả pháp.

Đại Bồ tát phải xa lìa chấp sự như lý, bất như lý đối với tất cả pháp, nếu đại Bồ tát quán tánh của các pháp hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, và tánh của các pháp không có sự như lý hoặc bất như lý.

Đại Bồ tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Phật, nếu đại Bồ tát biết sự kiến chấp nương vào Phật, chẳng được thấy Phật, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Phật.

Đại Bồ tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Pháp, nếu đại Bồ tát đạt được chơn pháp tánh là chẳng thể thấy được, thì đó là lý do đại Bồ tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Pháp.

Đại Bồ tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Tăng, nếu đại Bồ tát biết chúng hòa hợp là vô tướng, vô vi chẳng thể thấy được, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Tăng.

Đại Bồ tát phải xa lìa kiến chấp nương vào giới, nếu đại Bồ tát biết tánh tội phước hoàn toàn chẳng có, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải xa lìa kiến chấp nương vào giới.

Đại Bồ tát phải xa lìa sự sợ hãi pháp không, nếu đại Bồ tát quán các pháp không đều không có tự tánh, đối tượng của sự sợ hãi rốt ráo chẳng có, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải xa lìa sự sợ hãi pháp không.

Đại Bồ tát phải xa lìa tánh chống trái cái không, nếu đại Bồ tát quán tự tánh của tất cả pháp đều không, cái chẳng phải không cùng cái không, không có sự chống trái, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải xa lìa tánh chống trái cái không.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự thông đạt cái không, nếu đại Bồ tát đạt tự tướng của tất cả pháp đều không, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự thông đạt cái không.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự chứng đắc vô tướng, nếu đại Bồ tát chẳng tư duy tất cả tướng, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự chứng đắc vô tướng.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự hiểu biết về vô nguyện, nếu đại Bồ tát đối với pháp của ba cõi, tâm không có chỗ trụ, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự hiểu biết về vô nguyện.

Đại Bồ tát phải viên mãn ba luân thanh tịnh, nếu đại Bồ tát thanh tịnh hoàn toàn mười thiện nghiệp đạo, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn ba luân thanh tịnh.

Đại Bồ tát phải viên mãn lòng bi mẫn hữu tình và đối với hữu tình không có sự chấp trước, nếu đại Bồ tát đã chứng đắc đại bi và nghiêm tịnh cõi nước, thì đó là lý do đại Bồ tát phải viên mãn lòng bi mẫn hữu tình và đối với hữu tình không có sự chấp trước.

Đại Bồ tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả pháp và ở trong đó không có sự chấp trước, nếu đại Bồ tát đối với tất cả pháp, chẳng tăng, chẳng giảm và đối với trong ấy không thủ, không trụ, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả pháp và ở trong đó không có sự chấp trước.

Đại Bồ tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả hữu tình và trong đó không có sự chấp trước, nếu đại Bồ tát đối với các hữu tình chẳng tăng, chẳng giảm và đối với trong đó không thủ, không trụ, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả hữu tình và ở trong đó không có sự chấp trước.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự thông đạt lý thú chơn thật và ở trong đó không có sự chấp trước, nếu đại Bồ tát đối với lý thú chơn thật của tất cả pháp, tuy như thật thông đạt nhưng không có đối tượng thông đạt và ở trong đó không thủ, không trụ.

Đại Bồ tát phải viên mãn trí Vô sanh nhẫn, nếu đại Bồ tát chịu đựng sự không sanh, không diệt, không có sự tạo tác của tất cả pháp và biết danh sắc rốt ráo chẳng sanh, thì đó là lý do đại Bồ tát phải viên mãn trí Vô sanh nhẫn.

Đại Bồ tát phải viên mãn thuyết tất cả pháp đều qui về lý nhất tướng, nếu đại Bồ tát đối với tất cả pháp hành, không hai tướng, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn thuyết tất cả pháp đều qui về lý nhất tướng.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự diệt trừ phân biệt, nếu đại Bồ tát đối với tất cả pháp, chẳng khởi sự phân biệt, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự diệt trừ phân biệt.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự xa lìa các tưởng, nếu đại Bồ tát xa lìa tất cả tưởng lớn nhỏ vô lượng.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự xa lìa các kiến chấp, nếu đại Bồ tát xa lìa tất cả kiến chấp của Thanh văn, Độc giác v.v... thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự xa lìa các kiến chấp.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự xa lìa phiền não là xả bỏ sự tương tục của tất cả tập khí phiền não hữu lậu.

Đại Bồ tát phải viên mãn bậc Sa ma tha, Tỳ bát xá na, nếu đại Bồ tát tu Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn bậc Sa ma tha, Tỳ bát xá na.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự điều phục tâm tánh, nếu đại Bồ tát đối với pháp của ba cõi, chẳng ưa, chẳng động.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự tịch tịnh tâm tánh, nếu đại Bồ tát khéo nhiếp sáu căn.

Đại Bồ tát phải viên mãn tánh vô ngại trí, nếu đại Bồ tát tu được Phật nhãn, thì đó là đại Bồ tát nên viên mãn tánh vô ngại trí.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự không ái nhiễm, nếu đại Bồ tát đối với ngoại lục xứ, có khả năng khéo xả bỏ, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự không ái nhiễm.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự tùy theo ý muốn đến các cõi Phật, tự hiện thân trong chúng hội của Phật, nếu đại Bồ tát tu hành thần thông thù thắng, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn, thỉnh chuyển pháp luân, làm lợi ích tất cả, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự tùy theo ý muốn đến các cõi Phật, tự hiện thân trong chúng hội của Phật.

 

8- Đại Bồ tát khi trụ đệ bát Bất động địa(Phạm:Acalà-bhùmi), còn gọi là Tịch diệt tịnh địa, nên viên mãn bốn pháp: Nên viên mãn ngộ vào tâm hành tất cả hữu tình, viên mãn du hý các thần thông, viên mãn thấy các Phật quốc, tự trang nghiêm quốc độ mình như Phật quốc đã thấy, nên viên mãn cúng dường thừa sự các Đức Phật Thế Tôn.

 

Thế nào là viên mãn 4 Pháp ở bậc trụ Bất động địa?

Đại Bồ tát phải viên mãn sự ngộ nhập tâm hành của tất cả hữu tình, nếu đại Bồ tát dùng trí nhất tâm, biết khắp như thật tâm và tâm sở của tất cả hữu tình, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự ngộ nhập tâm hành của tất cả hữu tình.

Đại Bồ tát phải viên mãn các thần thông du hý, nếu đại Bồ tát dùng các thứ thần thông tự tại dạo chơi, để được thấy Phật, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cũng lại chẳng sanh ý tưởng về sự dạo chơi cõi Phật, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn các thần thông du hý.

Đại Bồ tát phải viên mãn cái thấy các cõi Phật và như cái thấy ấy, mà tự trang nghiêm các cõi Phật, nếu đại Bồ tát an trụ ở một cõi Phật mà có khả năng thấy vô biên các cõi Phật trong mười phương, cũng có khả năng thị hiện nhưng chẳng từng sanh ý tưởng về cõi Phật, lại vì thành thục các hữu tình, nên hiện ở trong tam thiên đại thiên thế giới, ở ngôi Chuyển luân vương mà tự trang nghiêm, cũng có khả năng xả bỏ mà không có sự chấp trước, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn cái thấy các cõi Phật, và như cái thấy ấy mà tự trang nghiêm các cõi Phật.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự cúng dường, thừa sự chư Phật Thế Tôn, đối với thân Như Lai, như thật quan sát, nếu đại Bồ tát vì muốn lợi ích cho các hữu tình, nên đối với nghĩa thú của pháp, như thật phân biệt, như vậy gọi là dùng pháp cúng dường, thừa sự chư Phật, lại phải quan sát kỹ pháp thân chư Phật, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự cúng dường, thừa sự chư Phật Thế Tôn, đối với thân Như Lai, như thật quan sát.

 

9- Đại Bồ tát khi trụ đệ cửu Thiện huệ địa(Phạm:Sàdhumatìbhùmi), còn gọi là Thiện tai ý địa, nên viên mãn bốn pháp: Nên viên mãn trí căn thắng liệt(5), viên mãn nghiêm tịnh cõi Phật, viên mãn như huyễn đẳng trì(6) hằng vào các định, viên mãn theo các hữu tình căn lành đã thục, nên vào các cõi tự hiện hóa sanh.

 

Thế nào là viên mãn 4 pháp ở bậc trụ Thiện huệ địa?

Đại Bồ tát phải viên mãn sự hiểu biết về cái trí thắng, liệt của căn cơ các hữu tình, nếu đại Bồ tát an trú mười lực Phật, biết rõ như thật, các căn thắng liệt của tất cả hữu tình, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự hiểu biết về cái trí thắng, liệt của căn cơ các hữu tình.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự nghiêm tịnh cõi Phật, nếu đại Bồ tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, nghiêm tịnh tâm hành tất cả hữu tình, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự nghiêm tịnh cõi Phật.

Đại Bồ tát phải viên mãn đẳng trì như huyễn, thường nhập vào các định, nếu đại Bồ tát trụ đẳng trì này, tuy có khả năng hoàn thành tất cả sự nghiệp mà tâm chẳng động, lại tu đẳng trì đến thành thục cùng tột, chẳng khởi gia hạnh mà luôn luôn hiện tiền, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn đẳng trì như huyễn, thường nhập vào các định.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự tùy theo thiện căn thuần thục của các hữu tình để nhập vào các cõi, tự hiện hóa sanh, nếu đại Bồ tát vì muốn thành thục thiện căn thù thắng của các loài hữu tình, tùy theo điều kiện thuận tiện của họ nên nhập vào các cõi mà thị hiện thọ sanh, thì đó là lý do mà đại Bồ tát tùy theo căn cơ thành thục của các hữu tình, nhập vào các cõi tự hiện hóa sanh.

 

10- Đại Bồ tát khi trụ đệ thập Pháp vân địa(Phạm: Dharma= meghàbhùmi), còn gọi là Tác vũ địa, nên viên mãn mười hai pháp: Nên viên mãn nhiếp thọ đại nguyện vô biên xứ sở, tùy theo sở nguyện đều khiến viên mãn, viên mãn trí hiểu biết âm ngữ của các loài trời, rồng, dược xoa, kiện đạt phược…, viên mãn trí vô ngại biện thuyết, viên mãn vào thai đầy đủ, viên mãn xuất sanh đầy đủ, viên mãn gia tộc đầy đủ, viên mãn chủng tánh đầy đủ, viên mãn quyến thuộc đầy đủ, viên mãn sanh thân đầy đủ, viên mãn xuất gia đầy đủ, viên mãn trang nghiêm cội Bồ đề đầy đủ, viên mãn tất cả công đức thành xong đầy đủ.

 

Thế nào là viên mãn 12 Pháp?

Đại Bồ tát phải viên mãn đại nguyện nhiếp thọ vô biên xứ sở, tùy theo sở nguyện đều viên mãn, vì đã tu đầy đủ sáu pháp Ba la mật hết sức viên mãn rồi, nên hoặc vì nghiêm tịnh các cõi Phật, hoặc vì thành thục các loại hữu tình, tùy sở nguyện của tâm, đều được viên mãn, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn đại nguyện nhiếp thọ vô biên xứ sở, tùy theo sở nguyện đều viên mãn.

Đại Bồ tát phải viên mãn trí hiểu biết âm thanh, tùy theo các loài khác nhau như Chư thiên, rồng, Dược xoa, Kiền đạt phược, A tu la, Yết lộ trà, Khẩn nại lạc, Mạc hô lạc già, nhơn phi nhơn v.v..., nếu đại Bồ tát tu tập sự hiểu biết vô ngại về ngôn từ thù thắng, biết rõ sự sai biệt về âm thanh ngôn ngữ của hữu tình, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn trí hiểu biết âm thanh, tùy theo các loài khác nhau.

Đại Bồ tát phải viên mãn trí biện thuyết vô ngại, nếu đại Bồ tát tu tập sự hiểu biết vô ngại, biện tài thù thắng, vì các hữu tình thường thuyết không dừng nghỉ, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn trí biện thuyết vô ngại.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự nhập thai hoàn hảo, tùy đối với tất cả chỗ sanh ra, sự thật là thường hóa sanh, nhưng vì lợi ích hữu tình nên hiện nhập thai tạng, ở trong đó, đầy đủ các việc thù thắng, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn việc nhập vào thai hoàn hảo.

Đại Bồ tát phải viên mãn sự đản sanh hoàn hảo, khi xuất thai, thị hiện các việc thù thắng hy hữu, khiến các hữu tình thấy đều hoan hỷ, được lợi lạc lớn, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự đản sanh hoàn hảo.

Đại Bồ tát phải viên mãn gia tộc hoàn hảo hoặc sanh vào nhà thuộc dòng họ lớn Sát đế lợi, hoặc sanh vào nhà thuộc dòng họ lớn Bà la môn, việc nương vào cha mẹ để ra đời không thể chê trách, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn gia tộc hoàn hảo.

Đại Bồ tát phải viên mãn chủng tánh hoàn hảo, nếu đại Bồ tát thường hội nhập trong chủng tánh các đại Bồ tát ở quá khứ mà sanh ra, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn chủng tánh hoàn hảo.

Đại Bồ tát phải viên mãn quyến thuộc hoàn hảo, nếu đại Bồ tát thường lấy vô lượng vô số Bồ tát làm quyến thuộc, chẳng phải là các loại hỗn tạp tầm thường, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn quyến thuộc hoàn hảo.

Đại Bồ tát phải viên mãn sanh thân hoàn hảo, nếu đại Bồ tát vào lúc sơ sinh, thân thể hoàn hảo, tất cả tướng tốt, phóng hào quang lớn, chiếu khắp vô biên thế giới chư Phật, cũng khiến thế giới ấy, sáu thứ biến động, hữu tình gặp được đều được lợi ích, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sanh thân hoàn hảo.

Đại Bồ tát phải viên mãn xuất gia hoàn hảo, nếu đại Bồ tát vào lúc xuất gia, vô lượng vô số trời, rồng, dược xoa, nhơn phi nhơn v.v… đi theo hai bên, đi đến đạo tràng, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, thọ trì bình bát, hướng dẫn vô lượng vô số hữu tình, khiến nương vào ba thừa mà hướng đến viên tịch, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn việc xuất gia hoàn hảo.

Đại Bồ tát phải viên mãn việc trang nghiêm cây Bồ đề hoàn hảo, nếu đại Bồ tát có thiện căn thù thắng, nguyện lực rộng lớn, đều được cây Bồ đề đẹp đẽ như thế này: Dùng ngọc quí phệ lưu ly làm thân, vàng ròng làm gốc, cành, lá, hoa, quả đều dùng loại bảy báu hảo hạng làm thành; cây này cao rộng phủ khắp cõi Phật trong tam thiên đại thiên thế giới, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp vô số thế giới chư Phật trong mười phương, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn sự trang nghiêm cây Bồ đề hoàn hảo.

Đại Bồ tát phải viên mãn tất cả công đức hoàn hảo, nếu đại Bồ tát đầy đủ tư lương trí tuệ thù thắng, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, thì đó là lý do mà đại Bồ tát phải viên mãn tất cả công đức hoàn hảo.

 

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì sao nên biết đã viên mãn bậc thứ mười là Pháp vân địa, đại Bồ tát cùng chư Như Lai phát ra lời nói không khác?”

Thiện Hiện! “Nếu đại Bồ tát ấy đã viên mãn sáu phép Ba la mật, đã viên mãn bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; đã viên mãn bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo; đã viên mãn pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; đã viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông; đã viên mãn mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; đã viên mãn tất cả pháp Phật, lại nếu đoạn trừ vĩnh viễn sự tương tục của tất cả phiền não tập khí, thì liền trụ Phật địa, vì vậy nên biết là đã viên mãn bậc thứ mười là Pháp vân, đại Bồ tát cùng với chư Như Lai phát ra lời nói không khác”.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Làm thế nào từ bậc thứ mười là Pháp vân, đại Bồ tát hướng đến bậc Như Lai”?

Phật dạy: “Thiện Hiện! Đại Bồ tát ấy, dùng phương tiện thiện xảo hành sáu pháp Ba la mật, tu vô lượng tịnh lự, định vô sắc, ba mươi bảy pháp Bồ đề phần, ba pháp môn giải thoát; học năm loại mắt, sáu phép thần thông, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, vì tất cả pháp Phật đã được viên mãn, nên vượt lên bậc Tịnh quán, bậc Chủng tánh, bậc thứ tám, bậc Cụ kiến địa (Tu đà hàm), bậc Bạc (Tư đà hàm), bậc Ly dục (A na hàm), bậc Dĩ biện (A la hán), bậc Độc giác và mười bậc Bồ tát, đoạn trừ vĩnh viễn sự tương tục của tập khí phiền não, mới thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác(7).

Thiện Hiện! Như vậy bậc thứ 10 là Pháp vân địa Bồ tát hướng đến bậc Như Lai”.

Thiện Hiện! Nên biết đó là đại Bồ tát phát tâm hướng đến Đại thừa.

Thích nghĩa cho đoạn hai này:

(1). Phát tâm dịch từ chữ phát thú hay phát xú, đã thích nghĩa ở phẩm “Ma Ha Tát”.

(2). Tự cử: Tự cao.

(3). Đại Bát Nhã ghi là “ít muốn, vui đủ”, trong khi Ma Ha Bát nhã Ba la mật ghi là “ít muốn, biết đủ”: Chữ Hán là “thiểu dục tri túc”. Cũng gọi Vô dục tri túc. Ít muốn biết đủ. Chỉ cho sự tiết chế vật dục. Nghĩa là giảm thiểu dục vọng và biết thỏa mãn với những gì mình đã có. Nếu giải thích từng vế thì Thiểu dục (Phạm: Alpeccha) là đối với những vật chưa được không khởi tâm tham muốn quá phần; còn Tri túc (Phạm:Saôtuwỉa) là đối với những vật đã được thì không chê ít, không sinh tâm hối hận. Thiểu dục tri túc là điều kiện cốt yếu của việc tu đạo, luận Câu xá coi đó là 1 trong 3 cái nhân làm cho thân thanh tịnh(Tam tịnh thân). - Phỏng theo tự điển Phật Quang.

(4). Đỗ đa công đức hay thập nhị đầu đà hạnh(Dhutanga-niddesa) Cũng gọi Thập nhị thệ hạnh, Thập nhị đỗ đa công đức, Đầu đà thập nhị pháp hạnh. Chỉ cho “12 phạm hạnh tu sửa thân tâm”, trừ sạch phiền não trần cấu. Đó là: 1- Ở nơi vắng vẻ yên tĩnh(A lan nhã), cách xa xóm làng đông đúc, ồn ào. 2- Thường đi xin ăn, được thức ăn không sanh ý niệm ngon hay dở. 3- Theo thứ tự xin ăn, không lựa chọn nhà giàu nghèo. 4- Chỉ ăn ngày một bữa để tránh trở ngại việc nhất tâm tu đạo. 5- Trong bữa ăn phải tiết chế lượng thức ăn, nếu ăn nhiều thì bụng đầy khí, chướng ngại đạo nghiệp. 6- Sau giờ ngọ không được uống nước trái cây, nếu uống thì tâm sẽ sanh đắm trước, không thể nhất tâm tu tập các thiện pháp. 7- Mặc áo vá, nếu ham áo mới tốt đẹp thì có hại cho việc tiến tu đạo hạnh. 8- Chỉ giữ 3 áo, không hơn không kém. 9- Ở nơi gò mả, thường thấy xác chết rữa nát, hôi thối, bị chim mổ ăn, hoặc bị thiêu đốt, tử khí bốc lên, nhân đó tu quán vô thường, khổ không để xa lìa ba cõi. 10- Nghỉ dưới gốc cây, noi theo hạnh Phật, ngồi nơi gốc cây tư duy cầu đạo. 11- Ngồi nơi đất trống, khiến tâm sáng suốt bén nhạy để vào Không định. 12- Chỉ ngồi không nằm, nếu nằm thoải mái thì bọn giặc phiền não nắm được cơ hội thuận tiện để phá hoại công đức tu hành. Về hạnh đầu đà cũng có thuyết 13 hạnh, 16 hạnh... Người tu 12 hạnh đầu đà gọi là Thập nhị pháp nhân. (Xem kinh Thập nhị đầu đà; phẩm Lưỡng thông trong kinh Đại phẩm Bát Nhã Q.14; luận Du già sư địa Q.25). - Tựđiển Phật Quang.

(5). Trí căn thắng liệt: căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Trí: sự hiểu biết. Căn trí là hai phần vật chất và tinh thần hợp nhau tạo thành con người. Thắng liệt: trên dưới, hơn kém. Căn trí thắng liệt nói nôm na là sự hơn kém của một cá nhân đối với một cá nhân hay một cá nhân đối với cộng đồng.

(6). Như huyễn đẳng trì: (Đẳng trì, Phạm: Samàdhi, cũng gọi Tam ma địa, Tam muội, Tam ma đề, Hán dịch: Đẳng trì, đẳng chí, chính định). Như huyễn đẳng trì hay Như huyễn tam muội: Tam muội thấu suốt lý tất cả các pháp như huyễn, cũng chỉ cho Tam muội biến hóa ra các sự vật như huyễn. Tam muội này giống như nhà ảo thuật biến hiện ra nam, nữ, binh lính... đều được như ý, không bị trở ngại. Bồ tát ở trong Tam muội này, tuy dùng năng lực biến hóa của Tam muội như huyễn để hóa độ chúng sinh, nhưng cũng biết rõ lý các pháp đều như huyễn, cho nên Bồ tát không bị dính mắc vào việc độ sinh mà hóa dụng một cách tự tại vô ngại. (Từ điển Phật Quang).

(7). Để khỏi có sự lầm lộn giữa Bồ tát thập địa với Bồ tát thập vị cộng Tam thừa mà chúng tôi đã thích nghĩa rải rác trong các phẩm trước. Nhân đoạn kinh này, chúng tôi xin lược dẫn một lần nữa:

1- Cực hỷ địa đến Pháp vân địa nói đủ là thập địa Bồ tát, gồm: 1/. Cực hỷ địa, 2/.Ly cấu địa, 3/. Phát quang địa, 4/. Diệm tuệ địa, 5/. Nan thắng địa, 6/. Hiện tiền địa, 7/. Viễn hành địa, 8/. Bất động địa, 9/. Thiện tuệ địa, 10/. Pháp vân địa. Đã giải thích quá đầy đủ ở trên.

2- Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa; nói đủ là thập vị cộng Tam thừa: 1/. Tánh Quán địa (Phạm: Zukla-vidar= zanà-bhùmi) còn gọi Kiến tịnh địa, Càn huệ địa; 2/. Tánh Địa nhơn (Phạm: Gotra-bhùmi) cũng gọi Tính địa, Chủng tính địa, Chủng địa; 3/. Bát nhơn hay Bát nhân địa (Phạm: Awỉamakabhùmi) cũng gọi Đệ bát địa, Bát địa. Nhân nghĩa là nhẫn; 4/. Tu Đà Hoàn (phạm: Durzana-bhùmi) cũng gọi Cụ kiến địa; 5/. Tư Đà Hàm (Phạm:Tanù-bhùmi) cũng gọi Bạc địa, Nhu nhuyến địa, Vi dục địa; 6/. A Na Hàm (Phạm:Vìta-ràga-bhùmi) cũng gọi Ly dục địa, Ly tham địa, Diệt dâm nộ si địa. 7/. A La Hán (Phạm:Kftàvì-bhùmi) cũng gọi Dĩ tác địa, Sở tác biện địa, Dĩ biện địa; 8/. Bích Chi Phật địa; 9/. Bồ tát địa và 10/. Phật địa.

Xin xem lại thích nghĩa chi tiết ở phẩm “Học Quán”.

 

Lược giải:

(cho đoạn hai này)

 

1- Đại Bồ tát khi trụ Cực hỷ địa(Phạm: Pramuditàbhùmi), còn gọi là Hoan hỷ địa, nên khéo tu trị mười món thắng nghiệp: Tu trị tịnh thắng ý lạc nghiệp, tu trị tất cả hữu tình bình đẳng tâm nghiệp, tu trị bố thí nghiệp, tu trị thân cận thiện hữu nghiệp, tu trị cầu pháp nghiệp, tu trị thường vui xuất gia nghiệp, tu trị ưa vui thân Phật nghiệp, tu trị mở rộng pháp giáo nghiệp, tu trị phá kiêu mạn nghiệp, tu trị lời hằng chắc chắn ngữ nghiệp, vì tánh của tất cả ngữ ngôn bất khả đắc vậy.

2- Đại Bồ tát khi trụ đệ nhị Ly cấu địa(Phạm: Vimalàbhùmi), còn gọi là Vô cấu địa, nên đối tám pháp suy nghĩ tu tập, khiến mau viên mãn: Cấm giới thanh tịnh, biết ơn trả ơn, trụ sức an nhẫn, thọ thắng vui mừng, chẳng bỏ hữu tình, hằng khởi đại bi, đối các Sư trưởng đem tâm kính tin, thưa hỏi, vâng lời, cúng dường, tưởng như thờ Phật, siêng cầu tu tập Ba la mật đa.

3- Đại Bồ tát khi trụ đệ tam Phát quang địa(Phạm: Prabhàkarìbhùmi), còn gọi là Minh địa, nên trụ năm pháp: Siêng cầu đa văn từng không nhàm đủ, đem tâm vô nhiễm thường tu pháp thí, tuy khai hóa rộng mà chẳng tự cao, trang nghiêm cõi Tịnh độ, trồng các căn lành, tuy dụng hồi hướng mà chẳng tự cử, hóa độ hữu tình nhưng chẳng nhàm mỏi trong vô biên sanh tử mà chẳng tự cao, an trụ tàm quí (tự mình biết hổ thẹn và biết hổ thẹn với người khác) nên không chấp đắm Nhị thừa.

4- Đại Bồ tát khi trụ đệ tứ Diệm huệ địa(Phạm: Prabhàkarìbhùmi), gọi là Tăng diệu địa, nên trụ mười pháp thường tu chẳng bỏ: Ở chỗ vắng lặng, ít muốn, biết đủ, thường chẳng bỏ lìa Đỗ đa công đức, đối các chỗ học chưa từng nới bỏ, đối các dục lạc sanh nhàm lìa, thường vui phát khởi tâm tịch diệt, lìa bỏ các vật sở hữu, tâm chẳng chìm đắm, đối với các sở hữu vô sở cố luyến.

5- Đại Bồ tát khi trụ đệ ngũ Cực nan thắng địa(Phạm: Sudurjayàbhùmi), còn gọi là Nan thắng địa, nên xa lìa mười pháp: Xa lìa cư gia, nên xa lìa nữ tu sĩ, xa lìa nhà tham lam ganh ghét, nên xa lìa chỗ hội đàm gây gổ giận hờn, xa lìa khen mình chê người, xa lìa mười đạo bất thiện nghiệp, xa lìa tăng thượng mạn, xa lìa điên đảo, xa lìa do dự, xa lìa tham sân si.

6- Đại Bồ tát khi trụ đệ lục Hiện tiền địa(Phạm: Abhimukhìbhùmi), còn gọi là Mục kiến địa, nên viên mãn sáu pháp Ba la mật: Nên viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát Nhã. Lại nên xa lìa sáu pháp: Nên xa lìa tâm Thanh văn,  xa lìa tâm Độc giác, xa lìa tâm nóng nảy, thấy kẻ hành khất đến tâm chẳng buồn chán, xả vật sở hữu tâm không ăn năn, đối với kẻ đến cầu xin trọn chẳng dối gạt.

7- Đại Bồ tát khi trụ đệ thất Viễn hành địa(Phạm: Dùraôgamàbhùmi), còn gọi là Thâm hành địa, nên xa lìa hai mươi pháp: Nên xa lìa chấp ngã, chấp hữu tình cho đến chấp tri giả, kiến giả, nên xa lìa chấp đoạn, xa lìa chấp thường, nên xa lìa chấp tướng, xa lìa chấp nhân thảy kiến, xa lìa chấp danh sắc, xa lìa chấp uẩn, xa lìa chấp xứ, xa lìa chấp giới, xa lìa chấp đế (tứ đế), xa lìa chấp duyên khởi, xa lìa chấp ở đắm ba cõi, xa lìa chấp tất cả pháp, xa lìa chấp đối tất cả pháp như lý bất như lý, xa lìa kiến chấp nương vào Phật,xa lìa kiến chấp nương vào Pháp, xa lìa kiến chấp nương vào Tăng, xa lìa kiến chấp nương vào giới, xa lìa sợ hãi pháp không, xa lìa trái chống không tánh. Lại nên viên mãn hai mươi pháp nữa: Nên viên mãn thông đạt không, nên viên mãn chứng vô tướng, nên viên mãn biết vô nguyện, nên viên mãn ba luân thanh tịnh, nên viên mãn thương xót hữu tình và đối hữu tình không bị chấp đắm, nên viên mãn thấy tất cả pháp bình đẳng, nên viên mãn thấy tất cả hữu tình bình đẳng, nên viên mãn thông đạt chơn thật lý thú (tuy như thật thông mà không chỗ thông đạt và với trong ấy không lấy không trụ), nên viên mãn trí vô sanh nhẫn, viên mãn thuyết tất cả pháp nhất tướng lý thú, nên viên mãn diệt trừ phân biệt, nên viên mãn xa lìa các tưởng, nên viên mãn xa lìa các kiến, nên viên mãn xa lìa phiền não, nên viên mãn sa ma tha, tỳ bát xá na (chỉ quán), nên viên mãn điều phục tâm tánh, nên viên mãn vắng lặng tâm tánh, nên viên mãn vô ngại trí tánh, nên viên mãn không bị ái nhiễm, nên viên mãn tùy lòng mong muốn đến các cõi Phật, ở trong chúng hội Phật ấy tự hiện thân ra.

8- Đại Bồ tát khi trụ đệ bát Bất động địa(Phạm:Acalà-bhùmi), còn gọi làTịch diệt tịnh địa, nên viên mãn bốn pháp: Nên viên mãn ngộ vào tâm hành tất cả hữu tình, viên mãn du hý các thần thông, viên mãn thấy các Phật quốc, tự trang nghiêm quốc độ mình như Phật quốc đã thấy, nên viên mãn cúng dường thừa sự các Đức Phật Thế Tôn.

9- Đại Bồ tát khi trụ đệ cửu Thiện huệ địa(Phạm:Sàdhumatìbhùmi), còn gọi là Thiện tai ý địa, nên viên mãn bốn pháp: Nên viên mãn trí căn thắng liệt, viên mãn nghiêm tịnh cõi Phật, viên mãn như huyễn đẳng trì hằng vào các định, viên mãn theo các hữu tình căn lành đã thục, nên vào các cõi tự hiện hóa sanh.

10- Đại Bồ tát khi trụ đệ thập Pháp vân địa(Phạm: Dharma= meghàbhùmi), còn gọi là Tác vũ địa, nên viên mãn mười hai pháp: Nên viên mãn nhiếp thọ đại nguyện vô biên xứ sở, tùy theo sở nguyện đều khiến viên mãn, viên mãn trí hiểu biết âm ngữ của các loài trời, rồng, dược xoa, kiện đạt phược…, viên mãn trí vô ngại biện thuyết, viên mãn vào thai đầy đủ, viên mãn xuất sanh đầy đủ, viên mãn gia tộc đầy đủ, viên mãn chủng tánh đầy đủ, viên mãn quyến thuộc đầy đủ, viên mãn sanh thân đầy đủ, viên mãn xuất gia đầy đủ, viên mãn trang nghiêm cội Bồ đề đầy đủ, viên mãn tất cả công đức thành xong đầy đủ.

 

Tất cả 10 địa trên đều xây dựng trên căn bản: 1. Tu học chánh pháp, 2. Trụ trì địa nghiệp của mình, 3. luyện tập tâm, trí và 4. Phục vụ chúng sanh. Đó là hạnh nguyện của Bồ tát cũng gọi là Bồ tát hạnh hay Bồ tát đạo. Học đạo này thì có thể tiến từ một địa đến một địa, viên mãn Bồ đề tâm, đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác, Nhất thiết trí trí thì có thể chuyển bánh xe pháp, thành thục hữu tình, thanh tịnh Phật độ.

Những ai đã từng ấp ủ Bồ đề tâm, tu Bồ tát hạnh để cứu độ chúng sanh, thì phải kiên trì rèn luyện và thực hành tất cả các pháp tu của thập địa Bồ tát, thì có thể tròn đầy hạnh nguyện “thượng cầu giác ngộ, hạ hóa chúng sanh”. Đó là phương cách duy nhất, không có chọn lựa nào khác!

 

3. Đoạn ba:

 

Đoạn kinh này xem như bắt đầu quyển 55 cho đến phần đầu quyển 56, Hội thứ I, ĐBN(tương đương với phẩm “Xuất Đáo” quyển thứ 06, Kinh MHBNBLMĐ). Phẩm “Xuất Đáo” thật ra chỉ là kết luận của các phẩm: Vấn Thừa, Quảng Thừa, Phát Thú của Kinh MHBNBLMĐ do Ngài La Thập dịch. Trong khi Kinh ĐBN do Ngài Huyền Trang dịch, gộp tất cả các phẩm trên vào một phẩm duy nhất có tên là phẩm “Biện Đại Thừa”. Vì vậy, chúng tôi nói phẩm “Xuất đáo” là kết luận của các phẩm liệt kê trên của Kinh MHBNBLMĐ hay là kết luận của phẩm “Biện Đại Thừa” của Kinh ĐBN.

 

Phật trả lời câu hỏi của cụ thọ Thiện Hiện: Đại thừa đó từ đâu mà ra, đến trụ ở nơi nào, Đại thừa ấy làm thế nào mà trụ, Ai nương Đại thừa ấy mà xuất hiện?”

 

1- Đại thừa đó từ đâu mà ra, đến trụ ở nơi nào?

 

Thiện Hiện! Ngươi hỏi Đại thừa như vậy, từ chỗ nào ra, đến trụ chỗ nào?

Thiện Hiện! Đại thừa như vậy từ trong ba cõi ra, đến trụ trong Nhất thiết trí trí. Do vì Nhất thiết trí trí mà xuất ra ba cõi vậy. Nhưng không hai nên không ra không đến. Vì sao? Vì hoặc Đại thừa, hoặc Nhất thiết trí trí, hai pháp như thế chẳng tương ưng chẳng phải chẳng tương ưng. Chẳng có sắc chẳng phải không sắc. Chẳng có thấy chẳng phải không thấy. Chẳng có đối chẳng phải không đối, đều đồng nhất tướng, chỗ gọi vô tướng. Pháp vô tướng không ra không đến. Vì sao? Thiện Hiện! Pháp vô tướng chẳng phải đã ra đã đến, chẳng phải sẽ ra sẽ đến, chẳng phải nay ra nay đến vậy. Thiện Hiện! Như có kẻ muốn khiến pháp vô tướng ấy có ra có đến, thời là muốn khiến chơn như có ra có đến. Vì sao? Vì chơn như chẳng thể từ trong ba cõi ra, cũng chẳng thể đến trụ trong Nhất thiết trí trí. Vì  sao? Thiện Hiện! Chơn như, tự tánh chơn như không vậy.

Thiện Hiện! Như có kẻ muốn khiến pháp vô tướng ấy có ra có đến, thời là muốn khiến chơn như có ra có đến. Vì sao? Vì chơn như chẳng thể từ trong ba cõi ra, cũng chẳng thể đến trụ trong Nhất thiết trí trí. Vì  sao? Thiện Hiện! Chơn như, tự tánh chơn như không vậy.

Thiện Hiện! Như có kẻ muốn khiến pháp vô tướng ấy có ra có đến, thời là muốn khiến pháp giới, pháp tánh, bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, bất tư nghì giới, đoạn giới, ly giới, diệt giới, vô tánh giới, vô tác giới, vô vi giới, an ẩn giới, tịch tĩnh giới, pháp định, pháp trụ, bổn vô, thật tế có ra có đến. Vì sao? Vì pháp giới cho đến thật tế chẳng thể từ trong ba cõi ra, cũng chẳng thể đến trụ trong Nhất thiết trí trí. Thiện Hiện! Pháp giới, tự tánh pháp giới là không, cho đến thật tế, tự tánh thật tế là không.

Thiện Hiện! Như có kẻ muốn khiến pháp vô tướng ấy có ra có đến, thời là muốn khiến sắc có ra có đến. Vì sao? Vì sắc chẳng thể từ trong ba cõi ra, cũng chẳng thể đến trụ trong Nhất thiết trí trí. Vì cớ sao? Thiện Hiện! Sắc, tự tánh sắc không vậy. Thiện Hiện! Như có kẻ muốn khiến pháp vô tướng ấy có ra có đến, thời là muốn khiến thọ tưởng hành thức có ra có đến. Vì sao? Vì thọ tưởng hành thức chẳng thể từ trong ba cõi ra, cũng chẳng thể đến trụ trong Nhất thiết trí trí. Vì sao? Thiện Hiện! Thọ tưởng hành thức, tự tánh thọ tưởng hành thức không vậy.

Cũng như vậy, như có kẻ muốn khiến pháp vô tướng có ra có đến thời là muốn căn trần, xứ, giới cho đến tất cả pháp Phật có ra có đến. Vì sao? Vì căn trần xứ giới cho đến tất cả Phật pháp chẳng phải từ ba cõi ra, cũng chẳng thể đến trụ trong Nhất thiết trí trí. Vì cớ sao? Vì căn trần xứ giới cho đến tất cả pháp Phật là không vậy.

Như có kẻ muốn khiến pháp vô tướng ấy có ra có đến, thời là muốn khiến vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tướng vô vi có ra có đến. Vì sao? Vì vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tướng vô vi chẳng thể từ trong ba cõi ra, cũng chẳng thể đến trụ trong Nhất thiết trí trí. Vì cớ sao? Thiện Hiện! Vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tướng vô vi, tự tánh vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tướng vô vi không vậy.

Thiện Hiện! Do những duyên cớ này, như vậy Đại thừa từ trong ba cõi ra, đến trụ trong Nhất thiết trí trí. Vì không có hai, nên không có ra không có đến, bởi pháp vô tướng không có động chuyển.

 

2- Đại thừa ấy làm thế nào mà trụ?

 

Thiện Hiện! Ngươi hỏi Đại thừa như vậy là trụ chỗ nào?

Thiện Hiện! Đại thừa như vậy đều không có chỗ trụ. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không có chỗ trụ. Vì chỗ trụ của các pháp bất khả đắc. Thiện Hiện! Nhưng Đại thừa đây trụ vô sở trụ!

Như tánh chơn như chẳng trụ chẳng phải chẳng trụ. Đại thừa cũng vậy, chẳng trụ chẳng phải chẳng trụ. Vì sao? Vì tánh chơn như không trụ không chỗ nào chẳng trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Tánh chơn như, chơn như tánh không vậy. Thiện Hiện! Như tánh pháp giới, pháp tánh, bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, bất tư nghì giới, hư không giới, đoạn giới, ly giới, diệt giới, vô tánh giới, vô tướng giới, vô tác giới, vô vi giới, an ẩn giới, tịch tĩnh giới, pháp định, pháp trụ, bổn vô, thật tế chẳng trụ chẳng phải chẳng trụ. Đại thừa cũng vậy, chẳng trụ chẳng phải chẳng trụ. Vì sao? Vì tánh pháp giới cho đến tánh thật tế, không trụ không chỗ nào chẳng trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Tánh pháp giới, pháp giới tánh không, cho đến tánh thật tế, thật tế tánh không vậy.

Hơn nữa, tánh của sắc thọ tưởng hành thức, các xứ, giới cho đến tất cả pháp Phật cũng như vậy.

Như tánh vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tướng vô vi chẳng trụ chẳng phải chẳng trụ. Đại thừa cũng vậy, chẳng trụ chẳng phải chẳng trụ. Vì sao? Vì tánh vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tướng vô vi, không trụ không chỗ nào chẳng trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Tánh vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tướng vô vi; vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tướng vô vi tánh không vậy.

 

Do những duyên cớ này, nên Phật nói “Đại thừa tuy đều không có chỗ trụ mà trụ nơi vô sở trụ”. Kết luận đó chính là chỗ tự hội của Lục tổ Huệ Năng khi nghe câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (đừng khởi tâm trụ chấp nơi nào) mà đại ngộ, rồi bỏ nhà tìm đến thôn Hoàng mai thọ giáo Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, sau đó được ngũ tổ truyền y bát làm Tổ thứ sáu.

Có trụ là có quái ngại, tu tất cả pháp nhưng chẳng trụ ở bất cứ pháp nào. Tuy không trụ ở bất cứ pháp nào nhưng Bồ tát vẫn có khả năng hoàn thành sự nghiệp. Không trụ tất cả chỗ là trụ vô sở trụ. Trụ vô sở trụ đây mới được coi là chân trụ!

Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền luận III viết: “Cho nên, các nhà Đại thừa là những người tùy thuận chân lý Tánh Không, trụ trong Bát Nhã, từ chối không tìm gốc rễ của mình trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức, cũng không tìm trong thế giới Hữu vi hay Vô vi. Trụ xứ đó được gọi là trụ xứ vô sở trụ. Vì lý do này, trụ trong Bát Nhã, theo bất cứ ý nghĩa nào khác, đều trụ nơi chấp thủ, và cái đó phải tránh nếu người ta muốn tự mình tác chủ. Khi có trụ điểm cố định, ở đâu đó, dù ở trong Bát Nhã, đấy là một kết quả nó trói buộc chúng ta, và chúng ta không còn độc lập trong tri thức, đạo đức hay tâm linh. Bát nhã Ba la mật như thế dạy chúng ta quét sạch mọi trụ điểm cố định có thể có, hay quét sạch mọi vọng tưởng. Khi đạt được thế giới không còn những vọng tưởng, đấy là vô trụ xứ hay trụ trong Tánh Không. Phật hay Bồ tát nói ra giáo pháp của mình từ chỗ vô trụ xứ đó; cho nên, trong đó, không có người thuyết, không có pháp được thuyết cũng không có người nghe thuyết”.

3- Ai nương Đại thừa ấy mà xuất hiện?

“Thiện Hiện! Ngươi hỏi, ai là người lại nương vào Đại thừa ấy mà xuất hiện?

Thiện Hiện! Hoàn toàn không có ai nương vào Đại thừa ấy mà xuất hiện. Vì sao? Hoặc chỗ để nương và người nương do lẽ này, vì lẽ này, mà chỗ xuất hiện, chỗ đi đến, lúc xuất hiện, lúc đi đến, tất cả đều không có sở hữu, hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tất cả pháp đều vô sở hữu, hoàn toàn bất khả đắc, rốt ráo thanh tịnh, thì như vậy tại sao có thể nói là có chỗ để nương, người nương, có sự xuất hiện, sự đi đến và lúc xuất hiện lúc đi đến?

Ngã không có sở hữu nên chẳng thể nắm bắt được, kẻ nương Đại thừa cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì rốt ráo thanh tịnh. Như vậy, hữu tình, dòng sinh mạng, sự sanh, sự dưỡng, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, người do người sanh, ngã tối thắng, khả năng làm việc, khả năng khiến người làm việc, khả năng tạo nghiệp, khả năng khiến người tạo nghiệp, tự thọ quả báo, khiến người thọ quả báo, cái biết, cái thấy không có sở hữu nên chẳng thể nắm bắt được. Kẻ nương vào Đại thừa cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì rốt ráo thanh tịnh.

Chơn như không có sở hữu, nên chẳng thể nắm bắt được; kẻ nương vào Đại thừa cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì rốt ráo thanh tịnh. Như vậy, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, cảnh giới bất tư nghì, cảnh giới hư không, cảnh giới đoạn, cảnh giới ly, cảnh giới diệt, cảnh giới vô tánh, cảnh giới vô tướng, cảnh giới vô tác, cảnh giới vô vi, cảnh giới an ổn, cảnh giới tịch tịnh, định pháp, trụ pháp, bổn vô, thật tế, không có sở hữu, nên chẳng thể nắm bắt được; kẻ nương vào Đại thừa cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì rốt ráo thanh tịnh.

Sắc thọ tưởng hành thức, các xứ, giới và tất cả Phật pháp cũng đều như vậy.

Nên cuối cùng, Phật bảo:

Thiện Hiện! Nên biết, sự thành thục hữu tình không có sở hữu, nên chẳng thể nắm bắt được; kẻ nương vào Đại thừa cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì rốt ráo thanh tịnh.Thiện Hiện! Nên biết, sự nghiêm tịnh cõi Phật không có sở hữu, nên chẳng thể nắm bắt được; kẻ nương vào Đại thừa cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì rốt ráo thanh tịnh.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp nào, chẳng thể nắm bắt được, nên nói là ngã v.v..., chẳng thể nắm bắt được?

Phật bảo Thiện Hiện: Tánh ngã, chơn như, sắc thọ tưởng hành thức, căn, trần xứ, giới và tất cả Phật pháp đều không thể nắm bắt được. Tất cả pháp ba đời đều bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh.

Thiện Hiện! Tánh thành thục hữu tình ở trong cái không nội, chẳng thể nắm bắt được, nên nói thành thục hữu tình, chẳng thể nắm bắt được, cho đến tánh thành thục hữu tình trong cái không không tánh tự tánh, chẳng thể nắm bắt được, nên nói thành thục hữu tình, chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì tánh thành thục hữu tình ở trong đó, chẳng phải đã nắm bắt được, chẳng phải sẽ nắm bắt được, chẳng phải đang nắm bắt được, vì rốt ráo thanh tịnh.

Thiện Hiện! Tánh nghiêm tịnh cõi Phật ở trong cái không nội, chẳng thể nắm bắt được, nên nói nghiêm tịnh cõi Phật, chẳng thể nắm bắt được, cho đến tánh nghiêm tịnh cõi Phật trong cái không không tánh tự tánh, chẳng thể nắm bắt được, nên nói nghiêm tịnh cõi Phật, chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì tánh nghiêm tịnh cõi Phật ở trong đó, chẳng phải đã nắm bắt được, chẳng phải sẽ nắm bắt được, chẳng phải đang nắm bắt được, vì rốt ráo thanh tịnh.

Như vậy, Thiện Hiện! Các đại Bồ tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, tuy quán tất cả pháp đều không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh, nên không nương vào Đại thừa mà xuất hiện và đi đến, nhưng lấy vô sở đắc làm phương tiện, nương vào Đại thừa ra khỏi sanh tử ba cõi, đến Nhất thiết trí trí, lợi ích, an ổn tất cả hữu tình, đến tận cùng đời vị lai, thường không dừng nghỉ.

 

Lược giải:

(cho đoạn ba này)

 

Như vậy, vấn đề được đặt ra là: 1- Đại thừa từ đâu ra? 2- Đại thừa trụ ở đâu? 3- Ai là người nương Đại thừa mà xuất hiện?

1- Tất cả pháp từ uẩn, xứ, giới và các pháp Phật đều không. Tất cả pháp vô tướng, đều không động chuyển, nên Đại thừa không từ đâu ra và chẳng đến đâu. Nhưng người ta vẫn thấy Đại thừa từ Ba cõi ra và trụ trong Nhất thiết trí trí.

2- Tánh của uẩn xứ giới và tất cả pháp đều chẳng trụ, chẳng phải chẳng trụ vì tất cả pháp đều tánh không. Nên nói Đại thừa chẳng có chỗ trụ mà trụ nơi vô sở trụ. Vô sở trụ là trụ không, trụ không tức là trụ trong Bát Nhã. Đó là chẳng trụ, chẳng phải chẳng trụ; trụ mà chẳng có chỗ trụ, nên gọi là vô sở trụ.

3- Tất cả pháp đều vô sở hữu, hoàn toàn bất khả đắc, rốt ráo thanh tịnh, thì như vậy tại sao có thể nói là có chỗ để nương, người nương, có sự xuất hiện, sự đi đến và lúc xuất hiện, lúc đến đi?

Các Bồ tát khi tu hành Bát Nhã, tuy quán tất cả đều vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được, rốt ráo thanh tịnh, nên không nương vào Đại thừa xuất hiện và đi đến, nhưng lấy vô sở đắc làm phương tiện, nương vào Đại thừa ra khỏi sanh tử ba cõi, đến với Nhất thiết trí trí, lợi ích an ổn tất cả hữu tình đến tận cùng đời vị lai, thường không dừng nghỉ!

 

Nói tóm lại, tất cả pháp là không, tánh của tất cả pháp cũng không, vì tất cả pháp vô sở hữu, bất khả đắc. Như vậy kẻ chấp trì Bát nhã Ba la mật không cần phải truy nguyên Đại thừa xuất phát từ đâu và sẽ đi đến đâu mặc dầu hành giả Bát Nhã dùng các phương tiện của Đại thừa để đạt Nhất thiết trí trí. Một khi Bồ tát đặt cứ điểm ở bất cứ nơi nào dầu là Nhất thiết trí trí, Giác ngộ hay Chánh giác thì Bồ tát không tránh khỏi những trói buộc của nó và như thế không còn tự do trong tư duy cũng như hành động. Tu Đại thừa là tu như hư không, như con chim xí bay lượn trên hư không, nương hư không nhưng không trụ ở hư không(1). Hành giả Bát Nhã cũng nương Đại thừa đạt Nhất thiết trí trí ra khỏi tam giới độ chúng hữu tình được Vô dư y Niết bàn nhưng thật sự không có chúng sanh nào được diệt độ.

Đại thừa trên thực tế là một danh tự chung. Người tu theo Đại thừa không ngoài mục đích là hướng đến Giác ngộ. Muốn Giác ngộ thì phải có Bát Nhã hay Nhất thiết trí trí. Vậy, Giác ngộ, Bát Nhã và Nhất thiết trí trí chỉ là một. Nên, có thể nói hoặc Đại thừa, hoặc Nhất thiết trí trí hoặc Bát Nhã hay Giác ngộ là những pháp chẳng hiệp, chẳng tan, chẳng sắc, chẳng hình, là không, là nhất tướng, chỗ gọi là vô tướng.

Vì là nhất tướng, vì là bình đẳng nên Phật nói “Bình đẳng là thanh tịnh”!

Bát Nhã là vô niệm, vô tâm, vô đắc, vô thủ, vô trụ…thì đặt câu hỏi Đại thừa từ đâu ra, đến trụ chỗ nào, ai là người nương Đại thừa để làm gì? Khi con người đạt được trạng thái vô niệm, vô tâm, vô đắc v.v... chỗ gọi là như như bất động, rốt ráo thanh tịnh. Tới đó không phải là không còn gì hết mà tới đó thì cánh cửa trí tuệ vô thượng sẽ hé mở(2), chỉ trong sát na tương ưng với diệu huệ, tất cả tập khí tương tục đều đoạn dứt thì thành Như lai Chánh Đẳng Chánh giác, đạt được cảnh giới Niết bàn.

Thích nghĩa của phần lược giải này:

(1). Hư không: Đây là từ hay dùng trong các kinh điển Đại thừa cũng như Tiểu thừa mà nhiều người hay nhầm lẫn không gian(hay không giới) với hư không trong nghĩa vô vi của nó. Kinh điển thường thí dụ “tu Đại thừa là tu như hư không như con chim xí bay lượn trên hư không, nương hư không nhưng không trụ ở hư không”. Câu nầy có hai nghĩa rõ rệt “chim xí bay lượn trên hư không”, từ hư không đây có nghĩa là bầu không khí, bầu trời tức không giới là hữu vi, là sắc giới có thể thấy, phân biệt được(dùng từ hư không ở đây không đúng, nhầm lẫn hư không với bầu trời). Câu “tu Đại thừa là tu như hư không”, từ hư không ở đây có thâm nghĩa, hư không là vô vi, không sắc tướng, không vuôn tròn, dài ngắn, không xanh đỏ trắng đen, không khứ lai, xuất nhập, tăng giảm, nhiễm tịnh, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng biến hoại, điên đảo, chẳng hư vọng, phân biệt… Hư không là từ chỉ cái thể vi diệu của các pháp vô vi. Phẩm “Đẳng Không” kế tiếp sẽ nói lên cái thâm áo của từ nầy.

(2). Ngũ đạo pháp môn của Kinh Đại thừa Bắc Thiền gồm:

1- Phật giác ngộ và giác ngộ là không móng tâm.

2- Khi tâm bất động, các giác quan yên lặng và trong trạng thái tĩnh lặng đó cánh cửa trí tuệ vô thượng sẽ hé mở.

3- Trí tuệ vô thượng khai mở dẫn đến khai phóng một cách vi diệu thân và tâm. Tuy nhiên đây không phải là Niết bàn tịch tĩnh của Tiểu thừa, bởi vì trí tuệ vô thượng do chư Bồ tát chứng đắc đòi hỏi các cảm thức tuy có hoạt động nhưng không dính mắc.

4- Tính hoạt động không dính mắc nầy nghĩa là không kẹt vào nhị nguyên đối đãi giữa thân và tâm, nơi đó hội được thật tướng các pháp.

5- Rốt cuộc đây là con đường của Nhất tính, dẫn đến giới sự của Như thị không ngăn ngại, không sai biệt. Đó là giác ngộ.

(Trích trong tác phẩm “Vô Niệm” của Thiền sư Suzuki do Thuần Bạch biên dịch).

 

Ghi chú cho toàn phẩm này:

Phẩm “Biện Đại Thừa” trong Kinh ĐBN, không có phân chia thành 3 đoạn chính và 2 phân đoạn phụ. Ở đây, cũng để dễ hiểu dễ học, chúng tôi chia thành nhiều phần đoạn khác nhau. Tuy nhiên, nếu sự phân chia quá tỉ mỉ, chi tiết…nhưng không rõ ràng có thể gây ngộ nhận cho độc giả! Kinh viết một “lèo”, không phân chia, không đánh số. Mong rằng sự phân đoạn này đem lại sáng sủa phần nào chăng? Nếu quý vị tụng đọc cẩn thận phẩm này, quý vị sẽ thấy rất dễ hiểu mặc dù có phân chia. Đó là dụng đích của chúng tôi.

 

---o0o---