Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Hội thứ VI - 17. Phẩm "Phó Chúc”

                                                     XVII. PHẨM PHÓ CHÚC.

 

Phần cuối quyển 573, Hội thứ VI, ĐBN.

(Tương đương với phẩm 16: Giao Phó, Kinh TTVBN)

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, Phật bảo A Nan Đà:

- Ông nên thọ trì Bát Nhã thâm sâu, chớ để quên mất.

A Nan Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, kéo áo che vai trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thọ trì Kinh điển này như thế nào?

Phật bảo A Nan Đà:

- Thọ trì Kinh này có mười phương pháp: 1. Biên chép, 2. Cúng dường, 3. Dạy cho người khác, 4. Lắng nghe, 5. Tìm đọc, 6. Thọ trì, 7. Giảng rộng, 8. Phúng tụng(1), 9. Suy nghĩ, 10. Tu tập.

Dựa vào mười pháp đó mà thọ trì Kinh này. Thí như ở thế gian, tất cả cỏ cây, hoa, quả, thuốc v.v... đều nương vào đại địa. Cũng vậy tất cả pháp lành thù thắng đều dựa vào Bát nhã Ba la mật. Như vua Chuyển luân nếu trụ ở đời thì bảy báu luôn xuất hiện. Bát Nhã thâm sâu cũng lại như thế, nếu trụ ở đời thì Tam bảo không bị diệt.

Khi ấy, đại chúng cùng lúc nhìn vào khuôn mặt Thế Tôn, rồi nói rằng:

- Sau khi Như Lai diệt độ, ai có thể gánh vác trọng trách đại pháp của Thế Tôn? Nghĩa là vị ấy phải trải qua vô lượng, vô biên đại kiếp tu tập mới được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Trong chúng có một vạn hai ngàn Bồ tát vì hộ pháp này liền đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, kéo áo che vai trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính, nói kệ:


Chúng con bỏ thân mạng,
Chẳng cầu báo vị lai,
Hộ trì lời Phật dạy,
Chánh pháp thâm sâu này.

 

Trong chúng có năm trăm Thiên tử do Hiền Vương dẫn đầu, cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, kéo áo che vai trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính, nói kệ:


Vì độ các hữu tình,
Thành tựu nguyện đại bi.
Hộ trì lời Phật dạy,
Chánh pháp thâm sâu này.

Lúc ấy, Trời Đế Thích, Phạm vương Trì Kế, Tỳ sa môn vương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, kéo áo che vai trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính, nói kệ:


Thuốc Bát Nhã nhiệm mầu,

Trị được tất cả bệnh.

Thế Tôn nay đã nói,

Chúng con xin thọ trì.

 

Thần cầm chày Kim cang cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, kéo áo che vai trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính nói kệ:


Pháp vốn không danh tự,
Phật dùng danh tự nói.
Đại bi chơn giáo pháp,
Chúng con xin thọ trì.

 

Bấy giờ, Phật bảo Phạm vương Trì Kế:

- Phạm thiên nên biết! Phật khen ba việc rất là vô thượng. Những gì là ba? 1. Phát Bồ đề tâm, 2. Hộ trì chánh pháp, 3. Như giáo pháp tu hành.

Ba pháp này thật là vô thượng. Người nào tu hành được mới là chơn cúng dường Phật. Nếu Ta trụ ở đời một kiếp, hoặc hơn một kiếp, nói công đức ấy cũng không thể hết. Hộ trì Như Lai bằng một bài kệ bốn câu, công đức ấy nói còn không hết, huống gì hộ trì Bát Nhã thâm sâu, là mẹ ba đời chư Phật. Vì sao? Vì chư Phật ba đời đều từ Bát nhã Ba la mật mà sanh ra, dùng pháp cúng dường là chơn cúng dường Phật. Nếu dùng tiền của thì chẳng phải chơn cúng dường. Nên cúng dường pháp là cúng dường tối thượng nhất. Nếu người nào hộ trì chánh pháp của Phật, phải biết người ấy an lạc ba đời.

Thế nên, Phạm thiên! Phải thường ủng hộ Bát Nhã thâm sâu. Nhờ hộ trì pháp, ngươi sẽ được gặp ngàn đức Phật trong Hiền kiếp và được thỉnh làm chủ. Phạm thiên nên biết! Ở cõi uế trược này, hộ trì chánh pháp trong giây lát, công đức đạt được còn hơn ở cõi Tịnh, hoặc một kiếp hay hơn một kiếp. Thế nên ngươi phải siêng năng hộ trì chánh pháp.

Thế Tôn lại bảo trời Đế Thích:

- Kiều thi ca! Bát Nhã thâm sâu ở chỗ nào thì Như Lai sanh ra, chứng quả Bồ đề ở chỗ đó, chuyển pháp luân ở đó và nhập Niết bàn cũng ở đó. Vì sao? Kiều thi ca! Vì tất cả Bồ tát, tất cả pháp lành, tất cả Như Lai đều từ đây mà sanh. Nếu có Pháp sư nào tuyên thuyết Bát Nhã thâm sâu này thì chỗ ấy chính là chỗ Phật đã đi. Ở chỗ pháp sư, các loài hữu tình phải sanh tâm tôn trọng và gần gũi như Phật, vui mừng, cung kính, cúng dường, ngợi khen. Nếu Ta trụ ở đời một kiếp hay hơn một kiếp, nói về công đức mà Pháp sư đây đã truyền bá Kinh này cũng không thể hết.

Kiều thi ca! Khi Pháp sư này đi đến chỗ nào, có thiện nam thiện nữ chích máu rưới xuống đất để khỏi tung bụi. Cúng dường như vậy vẫn chưa gọi là nhiều. Vì sao? Vì pháp luân vô thượng khó thọ trì vậy.

Trời Đế Thích thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Trong đời vị lai, chỗ nào thuyết Kinh này, con và quyến thuộc đều ủng hộ vị Pháp sư và bảo vệ địa phương ấy. Nếu thấy Kinh này để ở chỗ nào liền sanh tâm như bốn chỗ đã nói ở trước.

Bấy giờ, Thế Tôn khen trời Đế Thích:

- Lành thay! Lành thay! Ta đem Kinh này giao phó và dặn dò ngươi. Đời sau, ngươi phải ủng hộ lưu truyền.

Trời Đế Thích bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chư thiên chúng con được sanh vào cảnh giới an lành đều nhờ Bát nhã Ba la mật; phát Bồ đề tâm cũng nhờ vào đây. Thế nên, chúng con chẳng tiếc thân mạng, ủng hộ giáo pháp thâm sâu của Thế Tôn.

Phật lại khen trời Đế Thích:

- Hay thay! Hay thay! Hãy làm như đã nói.

Khi đức Thế Tôn thuyết Kinh này rồi, Thiên vương Tối Thắng và các đại Bồ tát trong mười phương cõi, tất cả Thanh văn, trời, rồng, Dược xoa, Kiện đạt phược, A tu la, Yết lộ trà, Khẩn nại lạc, Mạt hô lạc già, người chẳng phải người v.v... nghe Phật thuyết đều rất vui mừng, tin nhận phụng hành.

 

Thích nghĩa:

(1). Phúng tụng: (諷誦) Cũng gọi Tụng kinh, Phúng kinh, Phúng đọc, Đọc kinh. Tức đọc tụng văn kinh và tán vịnh các câu kệ. Phúng tụng vốn là 1 trong 6 hành pháp (Phạm:Wai karmàịi) của người Bà la môn Ấn độ thực hành, về sau, tín đồ Phật giáo cũng dùng pháp này. Phúng tụng kinh điển cúng dường Tăng, gọi là Phúng cúng. Trong Thiền lâm, tùy theo đối tượng, thời gian, trường hợp khác nhau mà Phúng Kinh được chia ra nhiều loại. Như mỗi ngày 3 thời dùng cháo, thụ trai và ngồi thiền xong, chúng Tăng lên điện phúng kinh, gọi là Tam thời phúng kinh; mỗi tháng vào các ngày Mồng 1, ngày Rằm có Chúc thánh phúng kinh, Ứng cúng phúng kinh. Ngoài ra còn có Bán trai phúng kinh, Nhật trung phúng kinh, Thổ địa đường phúng kinh, Tổ đường phúng kinh, Vi đà thiên phúng kinh, Triêu khóa phúng kinh, Vãn khóa phúng kinh... [X. Kinh Ngũ chủng đức trong Trường a hàm Q.10; Kinh Vô lượng thọ Q.thượng; phẩm Hóa thành dụ Kinh Pháp hoa Q.3; điều Thánh tiết trong Sắc tu Bách trượng thanh quy Q.1; môn Phúng xướng trong Thiền lâm tượng khí tiên]- Từ điển Phật Quang.

 

Sơ giải:

 

1. Cũng như các Hội trước, Phật phó chúc Ngài A Nan Kinh Đại Bát Nhã Ba la mật này: Hãy đọc tụng thọ trì chẳng để quên mất. Rồi Phật dạy Ngài A Nan 10 pháp thọ trì là: 1. Biên chép, 2. Cúng dường, 3. Dạy cho người khác, 4. Lắng nghe, 5. Tìm đọc, 6. Thọ trì, 7. Giảng rộng, 8. Phúng tụng, 9. Suy nghĩ, 10. Tu tập.

Chín phương pháp này chúng ta đã chấp hành một cách nghiêm chỉnh rồi, chỉ còn phương pháp thứ mười là “tu tập”. Đó phương pháp cần yếu nhất cho sự chứng đắc và giác ngộ. Có một câu nói mà chúng ta cần lưu ý là “học nhiều mà không tu thì chẳng khác nào cái đãy đựng sách”. Vậy câu nói trên mà Phật nhắn nhủ Ngài A Nan cũng là để nhắc nhở chúng ta, nên chấp hành một cách nghiêm chỉnh.

 

2. Nhưng ở đây có một chi tiết khác với các lần phó chúc trước là Phật giao cho Trời Đế Thích vai trò hộ trì chánh pháp (Bát nhã) với lời khuyến dẫn như sau:

“Thế nên, Phạm thiên! Phải thường ủng hộ Bát Nhã thâm sâu. Nhờ hộ trì pháp, ngươi sẽ được gặp ngàn đức Phật trong Hiền kiếp và được thỉnh làm chủ. Phạm thiên nên biết! Ở cõi uế trược này, hộ trì chánh pháp trong giây lát, công đức đạt được còn hơn ở cõi Tịnh, hoặc một kiếp hay hơn một kiếp. Thế nên ngươi phải siêng năng hộ trì chánh pháp”.

Phẩm này chẳng có gì khó, ai đọc cũng có thể hiểu. Điều cần ghi nhớ nằm lòng là 10 phương pháp thọ trì mà Phật phó chúc cho Ngài A nan.

 

---o0o---

 

Đến đây chấm dứt phần sáu,

(Hội thứ VI).

 

Trong phần bố cục Đại Bát Nhã chúng tôi có nói: “Không phải nhóm của Ngài Huyền Trang dịch tất cả 600 quyển Đại Bát Nhã”. Trong số 600 quyển Đại Bát Nhã thì chỉ có 481 quyển thuộc các Hội 1, 3, 5, 11, 12, 13, 14, 15 và 16 (9 Hội) là do chính nhóm của Ngài Huyền Trang dịch; các Hội còn lại: 2, 4, 6, 7, 8, 9, 10 (7 Hội) đã có các vị đi trước dịch rồi và nhóm của Ngài Huyền Trang chỉ sao lại, gồm 119 quyển. Vì vậy, khi so chiếu Hội thứ VI của Đại Bát Nhã do nhóm của Ngài Huyền Trang sao lại với Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã do Ngài Nguyệt Bà Thủ Na dịch, hai Kinh rất giống nhau! Vì vậy, một số học giả mới cho rằng nhóm của Ngài Huyền Trang dịch chỉ có 481 quyển, ngoài ra 119 quyển còn lại, là sao chép lại các Kinh khác đã được dịch từ trước.

Văn phong của Hội thứ VI thật bình dị, gần gũi với chúng ta, tuy giáo lý có thay đổi đôi chút. Cái thay đổi đáng chú ý của Hội này là chia giáo pháp “Chân Như” làm ba phẩm khác nhau là Pháp giới, Pháp tánh và Bình đẳng tánh. Sự phân chia này làm nổi bậc ý nghĩa riêng biệt của các giáo pháp vi diệu này. Dẫu vậy, pháp thể vẫn không khác, tên gọi có khác, nhưng phạm trù thể tánh chỉ là một. Vì sao? Vì khi Kinh nói đến pháp giới, pháp tánh hay bình đẳng tánh cũng đề cập đến chân như, nghĩa là không ra ngoài thập nhị chân như. Ngoài ra, các giáo lý khác, phần lớn giống như năm Hội trước. Nên chúng tôi chỉ sơ lược hơn là đi sâu vào chi tiết. Những điều Phật dạy Thắng Thiên Vương trong Hội này cũng là những chỉ dẫn cần thiết để ôn lại các giáo lý chánh của năm Hội trước đây mà thôi. Điểm cần nhấn mạnh trong pháp hội này là Phật thuyết nhiều về tịnh hạnh, các pháp tu rất cần thiết đối với người tu Bồ tát đạo để người tu hạnh nguyện được vuông tròn trong việc thành thục chúng sanh, thanh tịnh Phật độ.

Phẩm này Phật trao chánh giáo pháp tạng cho Thắng Thiên Vương cũng chính là Phật trao chánh giáo pháp tạng cho chúng ta. Vậy, phải thọ trì kỹ thập nhị chân như và lục độ vạn hạnh thì mới có cơ hội chứng ngộ như Thắng Thiên Vương!

Đọc tụng hết sáu Hội trên, có thể chúng ta tuy không hiểu trọn vẹn những gì đã học, nhưng ít ra cũng có ý niệm “chunh chung” về Bát nhã Ba la mật. Nhưng đối với Hội thứ VII tiếp theo, sẽ cho chúng ta một lối lãnh hội khác hẳn.

 

Hội thứ VII “lật úp” tất cả những gì chúng ta đã học ở trên, nhưng lại nâng chúng ta lên một trình độ mới. Và chúng ta sẽ mở con mắt đạo với những nghịch đảo táo bạo này. Đại Bát Nhã nói  “Những hạng phàm phu thuận dòng thế gian, còn người thuận chánh lý thì nghịch dòng thế gian... !”

Vậy, muốn hiểu Hội thứ VII, chúng ta phải thực hiện một “bước nhảy”. Có thế chúng ta mới lột xác, đổi thể hay chuyển y. Và cũng như Thiền sư Viên Ngộ nói “đại tử nhất phiên”, phải một lần chết mới sống lại mãi mãi được chí đến thời gian vô cùng tận. Có thể chúng tôi quá lời, nhưng chắc chắn Hội thứ VII hứa hẹn sẽ dẫn chúng ta đến chỗ này. Lối thuyết pháp của Hội thứ VII không có khích lệ, không khuyên lơn mà là lối thuyết “đốn ngộ” chẳng khác nào như tiếng hét của Thiền sư, đánh thẳng vào cân não để thức tỉnh cái tâm ngái ngủ của chúng sinh.

Chúng tôi phải nhấn mạnh: Đây là giáo pháp “đốn ngộ”, có thể để đưa chúng ta vào cảnh giới mới mà chúng ta chưa từng mơ tưởng đến! Hy vọng quý vị sẽ “tỉnh” ra với các giáo pháp táo bạo của Hội thứ VII này!

 

                                                            --- o0o ---