Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

Hội thứ V - 24. Phẩm “Kiến Bất Động Phật

 

XXIV. PHẨM “KIẾN BẤT ĐỘNG PHẬT”

 

Phần cuối quyển 565, Hội thứ V, ĐBN.

 

Tóm lược: 

 

Bấy giờ bốn chúng vây quanh, Như Lai khen ngợi Bát nhã Ba la mật giao phó, dạy bảo A Nan Đà thọ trì xong, lại đối với tất cả Bí sô, Bí sô ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, trời, rồng, Dược xoa, Kiền đạt phược v.v... giữa hội đại chúng, bằng năng lực thần thông làm cho chúng đều thấy Như Lai Bất Động Ứng Chánh Đẳng Giác, với đại chúng Thanh văn, Bồ tát vây quanh tuyên thuyết chánh pháp cho đại hội như biển lớn chẳng động, và thấy tướng nghiêm tịnh của cõi kia. Thanh văn Tăng cõi đó đều là A la hán, các lậu đã sạch, không còn phiền não, được chơn thật tự tại, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, như ngựa khôn điêu luyện, cũng như rồng lớn, việc đáng làm đã làm xong, đã vứt bỏ gánh nặng, đạt được lợi ích cho chính mình, dứt các kiết sử, chánh trí giải thoát, đạt đến tâm tự tại rốt ráo đệ nhất. Bồ tát Tăng ở cõi đó, tất cả đều là những vị mà mọi người đều biết. Các Ngài đã đắc Đà la ni và vô ngại biện, thành tựu vô lượng công đức vi diệu chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể đo lường. (Q.565, ĐBN)

Phật thu hồi thần lực, làm cho bốn chúng, trời, rồng, Dược xoa, Kiền đạt phược v.v... này chẳng còn thấy Như Lai Bất Động Ứng Chánh Đẳng Giác, Thanh văn, Bồ tát và đại chúng khác cùng tướng trang nghiêm thanh tịnh của cõi Phật kia. Chúng hội và cõi trang nghiêm thanh tịnh của Phật kia đều chẳng phải là đối tượng của nhãn căn ở cõi này thấy được. Vì sao? Vì Phật thu hồi thần lực nên không thể thấy được cảnh ở xa kia.

Bấy giờ, Phật bảo A Nan đà:

- Ngươi có còn thấy cõi nước và chúng hội của Như Lai Bất Động Ứng Chánh Đẳng Giác nữa không?

A nan đà thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con chẳng còn thấy những việc đó, vì chẳng phải cảnh giới của mắt này đạt tới.

Phật bảo A Nan Đà:

- Như chúng hội và cõi nước của Như Lai kia, chẳng phải là cảnh giới của nhãn căn này, nên biết các pháp cũng như thế, chẳng phải cảnh giới mà nhãn căn này đạt tới được.

Khánh Hỷ nên biết! Vì pháp chẳng tu pháp, pháp chẳng thấy pháp, pháp chẳng biết pháp, pháp chẳng chứng pháp.

Khánh Hỷ nên biết! Tất cả pháp tánh không thể tu, không thể thấy, không thể biết, không thể chứng, không hành động, không tạo tác. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không tác dụng. Năng thủ, sở thủ đều như hư không, vì tánh viễn ly vậy, vì tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn, năng, sở nghĩ bàn đều như huyễn nhân, vì tánh xa lìa vậy; vì tất cả pháp không tạo tác, không lãnh thọ, như bóng sáng v.v... chẳng chắc thật vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ tát thường tu như thế thì gọi là tu Bát nhã Ba la mật, không chấp trước tướng các pháp. Nếu các Bồ tát thường học như thế thì gọi là học Bát nhã Ba la mật. Đối với tất cả pháp không thủ, không xả.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ tát muốn được mau chóng viên mãn tất cả Ba la mật, đạt rốt ráo tất cả pháp đến bờ kia thì nên học Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì người học như thế đối với các pháp học là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng, lợi ích an lạc cho tất cả thế gian.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ tát có thể học như thế, là làm nơi nương tựa giúp đỡ cho người không có nơi nương tựa giúp đỡ; chư Phật Thế Tôn chấp nhận, khen ngợi.

Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật, Bồ tát học pháp học này xong, an trụ trong đó, có thể dùng ngón tay phải hoặc ngón chân phải nhấc thế giới Tam thiên đại thiên ném qua phương khác, hoặc trả lại chỗ cũ, mà hữu tình trong đó chẳng hay chẳng biết, không tổn hại, không sợ hãi. Vì sao? Vì công đức oai lực của Bát Nhã sâu xa chẳng thể nghĩ bàn. Chư Phật và các Bồ tát quá khứ, vị lai, hiện tại học Bát nhã Ba la mật này đối với quá khứ, vị lai, hiện tại và pháp vô vi đều đạt được tri kiến vô ngại.

Thế nên, này Khánh Hỷ! Ta bảo: Thường học Bát Nhã sâu xa, đối với trong các pháp học là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng.

Khánh Hỷ nên biết! Có người muốn nắm lấy lượng và biên giới của Bát Nhã sâu xa thì cũng giống như kẻ ngu si muốn nắm lấy lượng và biên giới của hư không. Vì sao? Vì công đức của Bát Nhã sâu xa không lượng, không biên giới vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Ta hoàn toàn chẳng nói Bát Nhã sâu xa như danh, thân v.v... có biên giới, có hạn lượng. Vì sao? Vì danh, cú, văn, thân là pháp có hạn lượng; còn công đức lợi ích thù thắng của Bát Nhã sâu xa là pháp chẳng có hạn lượng, chẳng phải danh, thân v.v... có thể lường được.

Cụ thọ Khánh Hỷ bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên nào, nói Bát Nhã sâu xa là vô lượng?

Phật bảo Khánh Hỷ:

- Bát Nhã sâu xa vì tánh vô tận, vì tánh viễn ly nên nói là vô lượng.

Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật ba đời đều học Bát nhã Ba la mật, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề hoàn toàn viên mãn, tuyên thuyết chỉ dạy cho các hữu tình, mà Bát nhã Ba la mật này vẫn thường còn, không dứt hết. Vì sao? Vì Bát Nhã sâu xa như hư không, rộng lớn chẳng thể cùng tận vậy. Nếu có người muốn Bát Nhã sâu xa cùng tận tức là muốn biên giới của hư không cùng tận.

Thế nên, này Khánh Hỷ! Bát Nhã sâu xa nói là vô tận. Do vô tận nên nói là vô lượng.

Bấy giờ Thiện Hiện nghĩ điều này sâu xa, ta nên hỏi Phật. Nghĩ vậy liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã sâu xa vì lẽ gì Như Lai dạy là không cùng tận?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Bát Nhã sâu xa giống như hư không, chẳng thể cùng tận.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bồ tát làm thế nào để phát khởi Bát nhã Ba la mật?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Các chúng Bồ tát nên quán các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Nên quán vô minh cho đến lão tử đều vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Như vậy, này Thiện Hiện! Các chúng Bồ tát nên làm như thế để phát khởi Bát Nhã. (Q.565, ĐBN)

Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ tát quán sát mười hai duyên khởi, xa lìa hai bên như thế; quán sát mười hai duyên khởi không chính giữa, không chung quanh như thế, đó là diệu quán bất cộng của các Bồ tát. Nghĩa là cần phải an tọa tòa Bồ đề vi diệu mới có thể quán sát đúng đắn lý thú sâu xa như hư không rộng lớn, chẳng thể cùng tận của mười hai nhân duyên như thế, nên có thể chứng đắc Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết: Nếu đại Bồ tát đem hành tướng như hư không vô tận hành Bát Nhã sâu xa, quán sát đúng đắn mười hai duyên khởi thì chẳng rơi vào địa vị Thanh văn và Độc giác, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ tát nào thối chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, là do chẳng nương vào tác ý phương tiện thiện xảo như thế. Các chúng Bồ tát hành sâu Bát nhã Ba la mật mà chẳng hiểu biết đúng, thì nên dùng hành tướng vô tận nào để phát khởi Bát nhã Ba la mật, để quán sát đúng đắn mười hai duyên khởi.

Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ tát nếu thối chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, là do xa lìa phát khởi phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật.

Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ tát nếu chẳng thối chuyển quả vị Vô thượng Bồ đề, thì tất cả đều do nương vào phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật mà phát khởi. Các Bồ tát ấy nhờ nương vào phương tiện thiện xảo như thế để hành Bát Nhã sâu xa, dùng hành tướng như hư không vô tận để quán sát đúng đắn mười hai duyên khởi; khi quán sát pháp duyên khởi như thế, chẳng thấy có chút pháp nào do nhân mà sanh, chẳng thấy có chút pháp nào tánh tướng thường trụ, chẳng thấy có chút pháp nào có người tạo tác và lãnh thọ. Các Bồ tát này hành Bát Nhã sâu xa, dùng hành tướng như hư không vô tận, quán sát đúng 12 duyên khởi để phát khởi Bát nhã Ba la mật, có thể mau chứng đắc Nhất thiết trí trí. (Q.565, ĐBN)

Thiện Hiện nên biết: Nếu khi Bồ tát quán sát đúng như thật mười hai duyên khởi, phát sanh Bát nhã Ba la mật, thì bấy giờ Bồ tát hoàn toàn chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chẳng thấy thế giới của Phật này, chẳng thấy thế giới của Phật kia, chẳng thấy có pháp có thể thấy thế giới của chư Phật này, chư Phật kia.

Nếu các Bồ tát có thể hành Bát Nhã như thế, thì khi ấy ác ma rất buồn khổ như trúng phải tên độc, cũng như người có cha mẹ mới chết, thân tâm buồn khổ, ác ma cũng như thế.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chỉ có một ác ma thấy các Bồ tát hành sâu Bát Nhã rất buồn khổ như trúng tên độc hay là tất cả ác ma khắp thế giới Tam thiên đại thiên cũng đều như thế?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Tất cả ác ma đầy khắp thế giới Tam thiên đại thiên đều thấy các Bồ tát hành sâu Bát nhã Ba la mật rất lo buồn như trúng tên độc, mỗi ác ma chẳng thấy yên ổn ngay chỗ ngồi của mình. Vì sao? Vì nếu các Bồ tát trụ Bát Nhã sâu xa, trời, người, A tu la v.v... ở thế gian xét tìm lỗi của vị đó đều chẳng thể được, cũng chẳng thể làm rối loạn, thối lui. Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì nên siêng năng an trụ Bát Nhã sâu xa. Nếu các Bồ tát có thể siêng năng an trụ Bát Nhã sâu xa, thì có thể tu viên mãn Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Nếu các Bồ tát có thể chính mình tu hành Bát Nhã sâu xa, thì có thể tu hành viên mãn tất cả phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật. Các việc ma phát sanh đều có thể như thật biết để xa lìa.

Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ tát muốn chính mình thủ hộ phương tiện thiện xảo, thì nên chính mình hành sâu Bát nhã Ba la mật.

Nếu khi Bồ tát tu hành phát sanh Bát Nhã sâu xa, thì khi ấy có chư Phật Thế Tôn ở vô lượng vô biên các thế giới đều cùng hộ niệm. Các Bồ tát này nên nghĩ: Các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác kia cũng từ Bát Nhã sanh Nhất thiết trí. Nghĩ như thế xong, lại nên suy nghĩ: Như các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng đắc pháp, ta cũng sẽ chứng. (Q.565, ĐBN)

Như vậy, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ tát tu hành phát khởi Bát Nhã sâu xa, tư duy như thế trải qua khoảng khảy móng tay, thì lượng phước phát sanh hơn công đức đạt được về sự tu hành bố thí trải qua số đại kiếp nhiều như cát sông Hằng của các chúng Bồ tát có sở đắc, huống là có thể trong một ngày hoặc nửa ngày. Các Bồ tát ấy chẳng bao lâu sẽ an trụ địa vị Bất thối chuyển, thường được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cùng hộ niệm. Các chúng Bồ tát này nếu được chư Phật hộ niệm, thì nhất định chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, chẳng rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác v.v... chắc chắn không còn sanh vào các nẻo ác, thường sanh trong cõi trời, người, chẳng xa lìa chư Phật. Nếu các Bồ tát tu hành phát sanh Bát Nhã sâu xa, nhớ nghĩ tư duy công đức của chư Phật trải qua khoảng khảy móng tay, thì công đức lợi ích thù thắng còn đạt được vô biên, huống là trải qua một ngày hay hơn một ngày, tinh tấn dõng mãnh tu hành phát sanh Bát Nhã sâu xa, nhớ nghĩ tư duy công đức của chư Phật như các chúng Bồ tát Hương Tượng v.v... ở chỗ Phật Bất Động thường tu phạm hạnh, chẳng lìa Bát nhã Ba la mật.

Khi đức Bạt Già Phạm thuyết Kinh này xong, vô lượng đại Bồ tát, Bồ tát Từ Thị làm thượng thủ, cụ thọ Thiện Hiện, Xá lợi Tử v.v... các đại Thanh văn và các trời, rồng, Dược xoa, v.v... tất cả đại chúng nghe Phật giảng đều rất vui mừng, tin thọ phụng hành.

 

Sơ giải:

 

Điểm đáng lưu ý trong phẩm này là Phật thuyết: Các pháp “chẳng phải cảnh giới mà nhãn căn này đạt tới được”. Điều đó có nghĩa bằng nhục nhãn của con người trần tục không dễ gì thấy được thật tánh của tất cả pháp. Như vậy, chỉ có mắt Thánh mới thấy được hay nói khác là mắt phàm không có cớ hội chăng? Hãy nghe Phật bảo Khánh Hỷ:

“Khánh Hỷ nên biết! Vì pháp chẳng tu pháp, pháp chẳng thấy pháp, pháp chẳng biết pháp, pháp chẳng chứng pháp.

Khánh Hỷ nên biết! Tất cả pháp tánh không thể tu, không thể thấy, không thể biết, không thể chứng, không hành động, không tạo tác. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không tác dụng. Năng thủ, sở thủ đều như hư không, vì tánh viễn ly vậy, vì tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn, năng, sở nghĩ bàn đều như huyễn nhân, vì tánh xa lìa vậy; vì tất cả pháp không tạo tác, không lãnh thọ, như bóng sáng v.v... chẳng chắc thật vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ tát thường tu như thế thì gọi là tu Bát nhã Ba la mật, không chấp trước tướng các pháp. Nếu các Bồ tát thường học như thế thì gọi là học Bát nhã Ba la mật. Đối với tất cả pháp không thủ, không xả”.

 

Đây có thể nói là cái thấy giác ngộ trên muôn sự muôn vật. Vì sao? Vì thấy mà như không thấy không biết, chả có năng sở chủ khách trong cái thấy biết, nên không bị tướng che. Nếu không còn phân biệt, không chấp, không dính mắc, không thủ xả, tung hứng nữa... Thấy như vậy thì các pháp không còn tác dụng nên nói là thấy tánh, thấy tận nguồn tâm.

Ở đây không cần giác biết các pháp như huyễn như mộng, không cần giác biết các pháp là không thật, là giả danh, không cần thấy biết các pháp là vô tri hay trì độn, không cần thấy biết là không, cũng không cần thấy biết là như như hay bình đẳng, cũng không cần thấy biết là vô tánh, vô tướng, vô sanh vô diệt v.v... mà chỉ cần “thấy mà không phân biệt chấp tướng các pháp, không thủ xả là được”. Chư Phật, Tổ có cái thấy như vậy, nếu chúng sanh nào cũng có cái thấy như vậy thì sạch hết lậu tận, nhãn căn trở nên thanh tịnh mà trực nhận chân như thật tướng các pháp.

Các phần sau của phẩm này chỉ thuyết về công đức Bát nhã Ba la mật mà thôi. Ai đọc cũng có thể hiểu nên không cần bàn thêm nữa.

 

---o0o---

 

Đến đây chấm dứt phần năm,

(Hội thứ V).

 

Hội thứ V, bắt đầu từ quyển 556 cho đến hết quyển 565, vỏn vẹn chỉ có 24 phẩm, 10 quyển. Văn từ của Hội này giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu so với các Hội trước. Tuy nhiên, giáo pháp Bát nhã Ba la mật có thuyết trong bất cứ Hội nào cũng được xiển dương đầy đủ trong Hội thứ V này. Có thể xem Hội thứ V là bản tóm lược, rút gọn bốn Hội trước mặc dù cả 5 Hội đều quản diễn cùng một đề tài như nhau. Phải nói rằng chính nhờ tụng đọc các pháp hội trước mà chúng ta trưởng thành theo từng pháp hội. Nên khi tụng tới Hội thứ V này mới thấy dễ dàng như vậy. Đó là kết quả của trì tụng và đó cũng chính là kinh nghiệm thực chứng của những người tu Bát nhã Ba la mật!

Đến đây là chấm dứt năm phần chính của Đại Bát Nhã mà các nhà khảo cứu về đạo Phật, các nhà học thuật, các triết gia, tu sĩ... chú trọng nhiều nhất khi nghiên cứu cũng như thọ trì Kinh này.

Nếu cần khuyến cáo trong việc ôn tập và thực hành năm Hội này thì chúng tôi đề nghị: Sau khi tụng hết cả 5 Hội đầu, nên ôn lại Hội thứ V trước, vì Hội này ngắn gọn dễ hiểu nhất để nắm vững tổng quát các giáo lý căn bản của ĐBN. Kế đến là đọc tụng Hội thứ II, Hội này trình bày đầy đủ các giáo lý của ĐBN, ít trùng tuyên lại chia ra thành các phẩm ngắn gọn, phẩm tựa có nội dung phù hợp với chánh văn, nên dễ đọc, dễ học, dễ nhớ. Kế đến, là tụng Hội thứ IV, vì Hội này nêu lên được cốt tủy của Bát nhã Ba la mật, đồng thời văn từ lại thanh thoát, xúc tích nhưng không kém phần thậm thâm. Chúng tôi không dám thay đổi bố cục của Đại Bát Nhã mà chỉ đề nghị chương trình ôn tập như vậy!

 

Bây giờ, chúng ta tiếp tục tụng Hội thứ VI. Hội này bắt đầu từ quyển 566 cho đến hết quyển 573, vỏn vẹn chỉ có 8 quyển, gói ghém trong 17 phẩm, do Phật thuyết. Hội này không phải do nhóm của Ngài Huyền Trang dịch mà do các vị đi trước dịch và nhóm của Ngài Huyền Trang sao lại và ghi thành Hội thứ VI trong Đại Bát Nhã Ba La Mật. Nội dung Hội này đức Phật thuyết Bát Nhã và cách tu tập Bát Nhã riêng cho Thắng Thiên Vương nghe. Đây có thể xem là một Hội tuy ngắn nhưng mắc mỏ nhất, vì tất cả giáo lý khó khăn được thuyết rải rác trong năm Hội đầu, được lặp lại và triển khai ở Hội này nhất là các giáo lý như chân như, pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh... Ngoài ra Phật chỉ dạy chi tiết về tu tịnh hạnh, các pháp tu hết sức khó khăn của Bồ tát đạo hay Bồ tát hạnh, mà các Kinh thường rút gọn trong bốn chữ là tu “lục độ vạn hạnh”.  Ai thọ trì và thâm nhập được Hội này thì thật sự đã có một bước tiến khá vững chắc trong việc học tập và thực hành Bát nhã Ba la mật.

Tuy nói Hội này Phật thuyết Bát nhã Ba la mật và cách tu tập Bát nhã Ba la mật cho riêng Thắng Thiên Vương nghe, nhưng thật sự Phật thuyết và dạy Bát nhã Ba la mật cho từng cá nhân chúng ta, ai cũng có phần. Nên cố gắng đọc tụng, thọ trì thôi. Chỉ có người tìm Kinh chứ Kinh không tìm người và Phật thường nhắc nhở “phải là người trong nhiều đời kiếp thờ phụng cúng dường chư Phật khắp mười phương mới có được phúc duyên này”.

Vậy cố gắng đọc tụng Hội này trước khi chúng ta bước sang lãnh vực mới, một lãnh vực hoàn toàn khác lạ với những điều nghĩ tưởng thế gian. Tất cả các pháp hội từ thứ VI trở đi sẽ cho chúng ta một lối lãnh hội mới, nhất là Hội thứ VII, kinh lật úp tất cả những gì mà chúng ta đã đọc tụng thọ trì từ trước.

 

--- o0o ---